Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1-5-1904 – 1-5-2009)
Ðồng chí Trần Phú, một tấm gương bất khuất, kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc

Ngày 31-10-1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo được thông qua và quyết định phổ biến trong toàn Ðảng để các cấp thảo luận. Hội nghị cũng đổi tên Ðảng Cộng sản Việt Nam thành Ðảng Cộng sản Ðông Dương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Ðồng chí Trần Phú là người vận dụng lý luận về đường lối cách mạng tư sản dân quyền trong việc đề ra đường lối cách mạng Việt Nam.
Tranh vẽ đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị. Ảnh tư liệu. (Nguồn: dangcongsan.vn)
Tranh vẽ đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị. Ảnh tư liệu. (Nguồn: dangcongsan.vn)
Ðảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa của Các Mác và Lê-nin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Ðông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Ðông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản.
Luận cương chính trị đề ra chủ trương: Trước làm cách mạng tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc, phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, sau đó tiến lên chủ nghĩa cộng sản, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, thành lập chính phủ công nông sau khi giành được chính quyền... Luận cương chính trị chỉ rõ động lực của cách mạng là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, đồng thời phân tích rõ hơn tính chất, đặc điểm của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa hai giai cấp công nhân và nông dân ở Việt Nam.
Luận cương chính trị khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Ðảng Cộng sản và nêu lên những nguyên tắc cơ bản để xây dựng đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân "... có một đường lối chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên hệ với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Ðảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa của Các Mác và Lê-nin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Ðông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Ðông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản". Luận cương chính trị đặt cách mạng Ðông Dương trong phong trào cách mạng vô sản thế giới; liên kết với giai cấp vô sản thế giới và các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa... Luận cương chính trị còn phát triển thêm một số vấn đề về phương pháp đấu tranh cách mạng như: quá trình tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền từng bước, từ khi chưa có tình thế cách mạng đến khi xuất hiện tình thế cách mạng, rồi tình thế cách mạng trực tiếp; về khẩu hiệu đấu tranh phải từ thấp đến cao; về nhiệm vụ chống chiến tranh đế quốc, v.v.
Bản Luận cương chính trị là sản phẩm kết tinh trí tuệ của việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa do Quốc tế Cộng sản đề ra được vận dụng vào tình hình Ðông Dương lúc đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Ðảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Ðảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Ðảng ta - Ðảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường". Luận cương chính trị là "Văn kiện đặc biệt quan trọng của Ðảng đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Ðảng đầu năm 1930. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản"[1].
Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), ngày 17/04/2024.
Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), ngày 17/04/2024.
Hội thảo khoa học "Tổng Bí thư Trần Phú-Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam", ngày 16/04/2024.
Hội thảo khoa học "Tổng Bí thư Trần Phú-Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam", ngày 16/04/2024.
Khách tham quan và nghe thuyết minh về các hiện vật được trưng bày trong Nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Khách tham quan và nghe thuyết minh về các hiện vật được trưng bày trong Nhà trưng bày lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Sau Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, mặc dù bị địch truy lùng gắt gao, phải di chuyển địa điểm làm việc nhiều lần, nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên cường bám sát phong trào, bám cơ sở, trực tiếp soạn thảo và chỉ đạo soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng về công tác xây dựng tổ chức đảng các cấp. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Phú, nhiều chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Ðảng đã được soạn thảo và tổ chức thực hiện ở các cấp bộ. Ðồng chí Trần Phú chỉ đạo việc xây dựng các Xứ ủy là cơ quan lãnh đạo Ðảng trực tiếp tại ba vùng Bắc, Trung và Nam. Ðến tháng 1-1931, các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ lần lượt được thành lập và từng bước được kiện toàn, củng cố. Cấp Xứ ủy được bổ sung sau Hội nghị tháng 10-1930 phù hợp với tình hình cách mạng lúc đó và cả những giai đoạn cách mạng sau này.
Ðồng chí Trần Phú là người có đóng góp to lớn trong hoạt động thực tiễn xây dựng đảng và các tổ chức quần chúng.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Phú, việc phát triển Ðảng đã có một bước tiến mới, số đảng viên thành phần công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền và các địa phương ở vùng nông thôn đã tăng lên đáng kể. Lần đầu tiên hình thành được một hệ thống chỉ đạo thống nhất và thông suốt từ Trung ương tới các Xứ ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy, các cấp ủy địa phương và cơ sở Ðảng. Công tác thông tin liên lạc được tổ chức thông suốt từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy và từ Trung ương đến Quốc tế Cộng sản. Ðồng chí Trần Phú là người có đóng góp to lớn trong hoạt động thực tiễn xây dựng đảng và các tổ chức quần chúng. Ðồng chí rất coi trọng công tác tư tưởng - lý luận. Nhận thức sâu sắc về vai trò soi đường, mở lối của lý luận đối với phong trào cách mạng, đồng chí quan tâm sâu sắc đến vấn đề tư tưởng trong nội bộ Ðảng; quan tâm đấu tranh loại bỏ những nhận thức lệch lạc, những khuynh hướng xa lạ với nguyên tắc của một đảng Mác-xít; xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng trên cơ sở Cương lĩnh, đường lối của Ðảng. Ðồng chí Trần Phú đã chỉ đạo thành lập Ban Tuyên truyền của Ðảng do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Tháng 12-1930, đồng chí cùng với Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản báo Cờ Vô sản và Tạp chí Cộng sản là các cơ quan ngôn luận của Ðảng nhằm "mục đích làm rõ chính sách và phê bình mọi sai trái, lầm lỗi và yếu kém" trong công tác của Ðảng, đồng thời cũng để đăng "những bài luận, giải thích" để "các đồng chí các nơi có thể bày tỏ ý kiến". Mặt khác, Ban Thường vụ T.Ư, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Phú đã đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Hội phản đế đồng minh và các tổ chức cách mạng của quần chúng do Ðảng lãnh đạo. Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ T.Ư ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh. Ngày 9-12-1930, trong bức thư gửi cho các cấp Ðảng bộ, Ban Thường vụ Trung ương lại quán triệt: Một việc quan trọng cần kíp "là phải tổ chức cho mau thành Cộng sản Thanh niên Ðoàn", thúc đẩy việc thành lập Ðoàn Thanh niên Cộng sản Ðông Dương vào tháng 3-1931.
Dù ở đâu, làm công tác gì, đồng chí Trần Phú luôn là người giản dị, chan hòa với đồng chí, vượt mọi gian khổ, nguy hiểm để hoàn thành trọng trách của mình. Thời gian ở Hà Nội, quỹ Ðảng cực kỳ eo hẹp. Ðồng chí Trần Phú và đồng chí Trần Quang Tặng chỉ có một bộ quần áo mặc chung. Bệnh lao hạch của đồng chí Trần Phú khá nặng cũng chỉ bỏ tiền mua miếng cao, giá vài xu, dán ở cổ cho đỡ đau để làm việc...
Phòng giam nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Phòng giam nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Là người sức khỏe yếu, lại bị địch bắt, giam cầm, tra tấn rất dã man, vào trước khi trút hơi thở cuối cùng ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú nhắn nhủ các đồng chí ở lại: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Ðồng chí Trần Phú là tấm gương sáng ngời tinh thần tận trung thành với Ðảng, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, và một tấm lòng rất mực yêu thương đồng chí, đồng bào.
Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", chúng ta tưởng nhớ người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; người khởi thảo Luận cương chính trị đầu tiên của Ðảng; người có nhiều đóng góp to lớn về công tác xây dựng Ðảng và các tổ chức cách mạng của quần chúng; tấm gương sáng ngời về sự tận trung với Ðảng, bất khuất trước kẻ thù đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.
Bài đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 30/04/2009
Trình bày: NGỌC TRUNG