Dòng đạm "đắng"
Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố báo cáo tài chính hợp nhất sáu tháng đầu năm 2016 với kết quả bất thường nhưng không gây bất ngờ: Toàn tập đoàn lỗ sau thuế tới 203,5 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi hơn 998 tỷ đồng); công ty mẹ lỗ gần 477 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2015 lãi hơn 535 tỷ đồng). Chuyện lỗ dường như được coi là tất yếu, khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân đạm thuộc Vinachem lao dốc không phanh… Hạt đạm trắng mà “đắng”, tương lai của các nhà máy đạm đang phủ một màu xám xịt!
Lỗ triền miên
Theo các số liệu báo cáo, ngay từ năm 2015, đã có 4 trong số 24 đơn vị của Vinachem sản xuất, kinh doanh bị lỗ, bao gồm Đạm Hà Bắc, DAP số 2 - Vinachem (DAP Lào Cai), Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội (Haso) với tổng lỗ phát sinh 1.460 tỷ đồng. Trong đó, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai lỗ kế hoạch do dự án mới đi vào hoạt động từ quý II/2015.
Nhưng năm nay, lợi nhuận từ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vẫn không thể bù nổi cho những khoản lỗ “khủng” từ “bộ tứ” ngành phân bón của Vinachem, bao gồm: DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình.
Theo đó, nửa đầu năm 2016, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỷ đồng, DAP Lào Cai lỗ 281 tỷ đồng, DAP Đình Vũ lỗ 212 tỷ đồng. Còn Đạm Hà Bắc trong 9 tháng qua lỗ khoảng 701 tỷ đồng, dự kiến cả năm lỗ gần 1.000 tỉ đồng.
Việc sản xuất urê và DAP của Vinachem ngày càng khó khăn khi các dự án có chi phí khấu hao và lãi vay rất lớn. Hơn nữa, cả hai nhà máy sản xuất urê của Tập đoàn sử dụng công nghệ khí hóa than cho nên giá thành cao hơn nhiều so sản xuất phân đạm từ khí (do giá khí giảm mạnh và đang duy trì ở mức thấp).
Sáu tháng qua, các doanh nghiệp của Vinachem sản xuất 160 nghìn tấn urê, giảm 44,3% so với cùng kỳ năm 2015, tồn kho 31 nghìn tấn, tăng 767%; DAP sản xuất 142 nghìn tấn, giảm 33%, tồn kho 229 nghìn tấn, tăng 1,5%,… Do chịu tác động của sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm, số đơn vị lỗ và số lỗ đều tăng so cùng kỳ năm trước. Trong số đó, ba đơn vị doanh thu giảm mạnh là DAP Đình Vũ (giảm 50,8%), Đạm Ninh Bình (giảm 51,8%), các đơn vị còn lại giảm từ 0,9% đến 24%.
Theo dự báo, năm nay, với đà lao dốc nêu trên, Vinachem sẽ lỗ hơn 800 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2016, nợ phải trả của Vinachem lên tới hơn 38.800 tỷ đồng, tương đương 65,9% tổng tài sản tại cùng thời điểm. Tại thời điểm cuối năm 2015, Vinachem có số dư vay nợ ngắn và dài hạn hơn 30 nghìn tỷ đồng, bao gồm nợ vay của các công ty con. Trong đó, bốn công ty thua lỗ nêu trên “đóng góp” 13.223 tỷ đồng nợ vay của Vinachem.
Nhà máy Đạm Ninh Bình là dự án có quy mô lớn của Vinachem, khởi công năm 2008 với công suất 560 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 647 triệu USD, theo dạng “công nghệ châu Âu, tổng thầu Trung Quốc”.
Vì thế, “điệp khúc lỗ” kéo dài suốt từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay: Năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 500 tỉ đồng, năm 2015 lỗ 370 tỷ đồng. Tính lũy kế đến cuối tháng 6 vừa qua, Đạm Ninh Bình lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng và hiện nhà máy đang “đắp chiếu”.
Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết, đến nay, vẫn chưa quyết toán được gói thầu EPC, dẫn đến chưa quyết toán dự án hoàn thành.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Vinachem và nhà thầu Tập đoàn Hoàn Cầu (Trung Quốc) trải qua 11 lần đàm phán nhằm giải quyết các tồn tại của hợp đồng EPC và bồi thường thiệt hại của nhà thầu do không đạt yêu cầu. Hồ sơ dự án, tài liệu hoàn công, báo cáo cuối cùng, nhà thầu cam kết sẽ cung cấp cho chủ đầu tư trước ngày 25/6 vừa qua, tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được.
Còn Đạm Hà Bắc từng là một trong những nhà máy sản xuất phân đạm lớn và lâu đời nhất miền Bắc. Năm 2010, nhà máy khởi công dự án cải tạo và mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD (tương đương 12.500 tỷ đồng, trong đó vốn tự có khoảng 1.815 tỷ đồng, còn lại vay ngân hàng).
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, năm đầu đi vào hoạt động, công ty sẽ lỗ khoảng 596 tỷ đồng, năm sau lỗ khoảng 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay năm 2015, công ty đã lỗ tới 669 tỷ đồng, cao hơn cả Đạm Ninh Bình.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Phó Tổng giám đốc Công ty Phạm Văn Trung cho biết: Sau khi vận hành, công ty phải chịu thêm chi phí 136 tỷ đồng ngừng chạy máy và đấu nối hệ thống không có sản phẩm, chi phí khấu hao và lãi vay phát sinh 864 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng không được hoàn 101 tỉ đồng, chênh lệch tỷ giá 145 tỷ đồng,... Chỉ tính riêng ba khoản phát sinh là tăng thuế giá trị gia tăng, chênh lệch tỷ giá và giá than cho sản xuất tăng 620 tỷ đồng, công ty đã phải chịu lỗ lên đến 908 tỷ đồng.
Giải pháp là xin ưu đãi, bảo hộ
Ông Trung khẳng định, việc thua lỗ của công ty hoàn toàn do khách quan mang lại, bộ máy lãnh đạo của công ty đã và đang đoàn kết, thống nhất đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm vực công ty vượt qua khó khăn. Công ty đã kiến nghị Vinachem báo cáo Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Công thương xem xét khoanh nợ gốc và lãi vay của công ty tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong 5 năm; gia hạn thời hạn hợp đồng vay đến hết năm 2028; điều chỉnh giảm lãi suất đối với các dư nợ gốc vay từ 10,8%/năm trở lên về lãi suất 8,55%/năm. Đồng thời, công ty được giãn thời gian trích khấu hao trong ba năm và ưu đãi giảm 20% giá bán than,…
Nếu như không được Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, có chính sách ưu đãi bằng các cơ chế nêu trên, công ty sẽ phải ngừng sản xuất vào đầu năm 2017.
Lãnh đạo công ty cho rằng, nếu Đạm Hà Bắc bị đóng cửa, nghĩa là Việt Nam sẽ không còn khả năng chủ động nguồn urê sản xuất trong nước, thương hiệu Đạm Hà Bắc trị giá gần 200 tỷ đồng có nguy cơ biến mất, hơn 1.500 người lao động mất việc, không giữ được đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề,...
Mới đây, Vinachem đề xuất Bộ Công thương (đơn vị chủ quản) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “gói giải pháp tổng thể hơn” gồm 14 “hạng mục” để cứu doanh nghiệp, âm hưởng chủ đạo là xin cơ chế ưu đãi, bảo hộ.
Theo đó, Vinachem đề nghị được bổ sung đủ vốn điều lệ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp Trung ương; kiến nghị Thủ tướng ban hành cơ chế bán than của TKV cho sản xuất phân bón bằng 80% so giá than hiện nay trong thời gian 36 tháng (từ ngày 1/7/2016). Đồng thời, cho phép chuyển nợ vay tại VDB cho Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền 2.708 tỷ đồng. Đây là số dư nợ gốc đến thời điểm 29/2/2016 tại VDB, gồm 2.669 tỷ đồng và 1,7 triệu USD.
Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay tại VDB trong thời gian 5 năm (2016 - 2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm. Vinachem cũng đề nghị như vậy đối với khoản nợ vay của Đạm Ninh Bình tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc.
Tương tự, Vinachem đề nghị khoanh nợ khoản vay của dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc tại VDB, dư nợ tính đến ngày 29/2/2016 là 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm.
Về lãi suất, Vinachem đề nghị cho phép điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho dự án Đạm Ninh Bình (gần 372 tỷ đồng) và dự án cải tạo - mở rộng Đạm Hà Bắc (gần 3.044 tỷ đồng) có lãi suất hơn 8,55%/năm về mức 8,55%. Riêng Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% trong hai năm 2016, 2017 và 30% cho năm 2018 (tương tự cơ chế đã được áp dụng tại Đạm Ninh Bình).
Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện vốn tại các ngân hàng thương mại tiếp tục cho Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc vay vốn để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vinachem còn kiến nghị Bộ Công thương đưa việc khai thác, chế biến quặng apatit vào một đầu mối, các đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò hoặc chủ trương cho thăm dò phải hợp tác với Vinachem từ khâu khai thác, tuyển đến sử dụng apatit; không xem xét, cấp phép đầu tư dự án sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp, nhất là urê, lân, NPK.
Về phía chính quyền sở tại, tỉnh Bắc Giang và Ninh Bình cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu đãi đối với hai nhà máy đạm đang “ngắc ngoải” trên địa bàn.
Việc đầu tư mở rộng sản xuất là điều bình thường của doanh nghiệp nếu xác định phương án đó phù hợp với năng lực và nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, đối với Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, có thể thấy rõ việc đầu tư của hai nhà máy đã “không gặp thời”. Ra đời khi thị trường bão hòa, sản phẩm urê trong nước của Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình bị cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm urê nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc - quốc gia cung cấp tới 49% tổng sản lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam, với giá thấp hơn nhiều so giá sản xuất trong nước.
Nhiều chuyên gia nhận định, kể cả đổ thêm tiền, cũng khó có thể cứu vớt các nhà máy đạm của Vinachem do nguồn cung phân bón đang dư thừa tới 400 nghìn tấn/năm.
Theo báo cáo về quỹ tiền lương, thưởng của Vinachem năm 2015, mặc dù lợi nhuận sụt giảm hơn 20% trong năm 2015 và báo lỗ hơn 200 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2016, song viên chức quản lý tại Vinachem vẫn có mức thu nhập “khủng”.
Theo đó, với 13 người quản lý doanh nghiệp trong năm 2015, mức lương (cơ bản) hằng tháng bình quân mà viên chức quản lý tại Vinachem nhận được là 32,31 triệu đồng/người, tiêu tốn quỹ tiền lương 7,56 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015, thu nhập bình quân hằng tháng của lãnh đạo Vinachem đạt 48,5 triệu đồng/người, tương ứng 582 triệu đồng/năm. Năm 2016, ban lãnh đạo Vinachem đặt kế hoạch nâng thu nhập lên 647 triệu đồng, tương ứng gần 54 triệu đồng/tháng (tăng 11,2% so với năm 2015).
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi pôliexte Đình Vũ. Theo đó, sau hai năm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án không đạt hiệu quả, thua lỗ lớn.
Việc dự án không đạt hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nguyên nhân chủ yếu do công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của PVN, Vinatex với vai trò đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện vốn tại PVTex chưa thường xuyên và kịp thời, có nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện; quản lý đầu tư xây dựng của chủ đầu tư còn nhiều vi phạm quy định của pháp luật, dẫn đến chi phí tăng cao, suất đầu tư lớn.
Trong quá trình thực hiện dự án này, các đơn vị đã không thực hiện hết trách nhiệm được giao, để dự án hiệu quả kém. Theo đó, Vinatex đã thiếu trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án. PVN trong quá trình chỉ đạo điều hành còn nhiều thiếu sót, vi phạm; nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng công ty cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến thua lỗ. Bộ Công thương thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chuyển nhượng vốn.
Những thiếu sót, vi phạm trên thuộc Bộ Công thương; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVN và Vinatex từ năm 2007 đến nay. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công thương, PVN và Vinatex thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm. Đối với PVN, Vinatex, các đơn vị góp vốn và PVTex, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với người đại diện vốn tại PVTex và các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra.