Thành phố sáng tạo

Động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội

Cách đây 5 năm, ngày 30/10/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Việc gia nhập mạng lưới này không chỉ giúp Hà Nội quảng bá văn hóa và sáng tạo nghệ thuật, mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, từ đó tạo ra cơ hội hợp tác quốc tế và nâng cao vị thế của thành phố trên bản đồ thế giới.

Nỗ lực kết nối sáng tạo toàn cầu

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập vào năm 2004 nhằm kết nối các thành phố có tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc phát triển văn hóa, bảo tồn di sản và thúc đẩy kinh tế thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo.

UNESCO xác định 7 lĩnh vực sáng tạo chính mà các thành phố có thể đăng ký tham gia, bao gồm: nghệ thuật ẩm thực, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, văn học, nghệ thuật truyền thông, và âm nhạc.

Mục tiêu mạng lưới hướng đến là thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố thành viên, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo. Các thành phố trong mạng lưới có thể chia sẻ các dự án, sáng kiến và cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết những thách thức toàn cầu như sự bùng nổ đô thị, biến đổi khí hậu, và bất bình đẳng xã hội.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) lung linh sắc màu về đêm.

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) lung linh sắc màu về đêm.

Khi tham gia mạng lưới, các thành phố không chỉ được UNESCO hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực trong thực hiện các dự án sáng tạo, mà còn có cơ hội thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh, tiếp cận các nguồn lực tài trợ và hợp tác quốc tế, đồng thời học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ những thành phố sáng tạo khác trên toàn cầu…

Tính đến nay, mạng lưới có hơn 300 thành phố từ khắp các châu lục trên thế giới với mức thu nhập và dân số khác nhau, tất cả đều cam kết đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo là cốt lõi trong việc phát triển đô thị để tiến tới các thành phố an toàn, hội nhập và phát triển bền vững.

(Nguồn: TTXVN)

(Nguồn: TTXVN)

Item 1 of 1

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là một danh hiệu, mà là một lời kêu gọi mạnh mẽ cho sự đổi mới và sáng tạo. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những thành phố được vinh danh không ngừng khám phá và khẳng định mình như là trung tâm của sự sáng tạo, nơi mà các ý tưởng mới không ngừng nảy nở và phát triển.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

“UNESCO khuyến khích các thành phố không chỉ tìm kiếm cơ hội kinh tế, mà còn xây dựng cộng đồng mạnh mẽ và đầy sức sống. Bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, các thành phố trong mạng lưới mở ra một con đường mới cho sự hợp tác toàn cầu, học hỏi lẫn nhau và phát triển bền vững. Mỗi thành phố, với di sản văn hóa độc đáo của riêng mình, không chỉ bảo tồn mà còn làm sống dậy những giá trị văn hóa, làm cho chúng trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ mai sau”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Được công nhận vào năm 2019, Hà Nội là thành phố thứ 246 tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và được ghi nhận trong lĩnh vực thiết kế, một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược phát triển đô thị và văn hóa của thủ đô.

Thiết kế sáng tạo - bước đi chiến lược

Hà Nội từ lâu đã được biết đến là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của đất nước, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, đồng thời là nơi khởi nguồn của nhiều xu hướng sáng tạo mới mẻ.

Thủ đô nghìn năm văn hiến nổi tiếng với hệ thống di sản phong phú như Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cùng các làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ... Cùng với đó là nghệ thuật sân khấu (chèo, tuồng, ca trù), và phong tục tập quán đậm nét dân tộc.

Những di sản văn hóa này đã góp phần xây dựng nên hình ảnh một Hà Nội vừa cổ kính, vừa năng động, sáng tạo.

Show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” được trình diễn ngay trên mặt hồ Đình Làng Đa Phúc, Quốc Oai, Hà Nội, là sân khấu “thực cảnh” đầu tiên tại Việt Nam, nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hoá dân tộc.

Show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” được trình diễn ngay trên mặt hồ Đình Làng Đa Phúc, Quốc Oai, Hà Nội, là sân khấu “thực cảnh” đầu tiên tại Việt Nam, nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hoá dân tộc.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa và toàn cầu hóa đang đặt ra thách thức trong việc duy trì bản sắc văn hóa, bảo tồn di sản và cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Thành phố nhận thấy cần có một chiến lược phát triển mới để không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự sáng tạo trong các lĩnh vực mới. Chính vì vậy, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một lựa chọn lý tưởng để kết nối Hà Nội với các đô thị sáng tạo khác trên toàn cầu.

Một phân cảnh biểu diễn trong show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Một phân cảnh biểu diễn trong show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi chiến lược nhằm giúp Hà Nội không chỉ bảo tồn di sản mà còn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các ngành công nghiệp sáng tạo.

Là người trực tiếp tham gia vào công tác biên soạn hồ sơ ứng cử của Hà Nội khi đó, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho biết, việc trở thành một phần của mạng lưới không phải là một quá trình đơn giản. Để được UNESCO công nhận, Hà Nội đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị hồ sơ rất kỹ lưỡng, trong đó nhấn mạnh các tiềm năng và định hướng phát triển sáng tạo của thành phố.

Theo ông, các cơ quan của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các hồ sơ trình UNESCO trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể: cả hồ sơ đại diện và hồ sơ cần bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, thực hiện hồ sơ thành phố sáng tạo là câu chuyện khác, Việt Nam chưa làm hồ sơ dạng này bao giờ. Do đó, hồ sơ tương tự của các nước từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đã được đưa ra mổ xẻ để lấy kinh nghiệm.

Chính từ đây dẫn đến khó khăn tiếp theo: Hà Nội sẽ theo mô hình thành phố sáng tạo nào trong 7 hạng mục mô hình của UNESCO, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc? Thay vì chọn hướng đi dễ thực hiện, PGS, TS Bùi Hoài Sơn và một số chuyên gia đã chọn một cách tiếp cận khác để tạo sự riêng biệt cho Hà Nội và định vị thương hiệu của thủ đô.

“Danh hiệu thành phố vì hòa bình là niềm tự hào của Hà Nội trong 20 năm nay. Bây giờ là lúc chúng ta cần có một danh hiệu nữa để vinh danh thành phố. Danh hiệu này không chỉ là niềm tự hào, mà sẽ định hướng cho sự phát triển của thủ đô trong những năm sắp tới. Vì thế, một danh hiệu phải mang tính bao trùm nhiều lĩnh vực của thủ đô năng động thì tốt hơn là một danh hiệu dễ đạt được như thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ. Và lĩnh vực mà ông và mọi người nhắm đến chính là thiết kế.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ đón nhận Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO công nhận Danh hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo về thiết kế” năm 2019. (Ảnh: VGP)

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ đón nhận Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO công nhận Danh hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo về thiết kế” năm 2019. (Ảnh: VGP)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, thiết kế tồn tại ở mọi nơi; điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, đô thị thông minh, hay kể cả thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian hoặc ẩm thực đều có thể tận dụng danh hiệu này để phát triển. Kinh nghiệm của các thủ đô trên thế giới cũng cho thấy sự lựa chọn tương tự. Khi có quá nhiều sự lựa chọn thì lựa chọn thiết kế sẽ phù hợp hơn cả.

“Thời điểm ấy, ý tưởng được đưa ra đã nhận được sự ủng hộ và sự hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình xây dựng hồ sơ của chính quyền thành phố, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các chuyên gia quốc tế”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Theo ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, khi Hà Nội chọn tiêu chí về thiết kế, Hà Nội muốn gửi gắm thông điệp rằng thiết kế gắn liền với tất cả các lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo. Ở trong các ngành đó, chúng ta đều nhìn thấy sự sáng tạo và những nét độc đáo riêng của các loại hình thiết kế.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

“Tôi cho rằng đây là một sự lựa chọn hoàn toàn chính xác khi Hà Nội xây dựng hồ sơ đề cử. Hà Nội với những di sản phong phú được thể hiện trong hồ sơ kèm theo những cam kết và chương trình hành động của mình đã hoàn toàn thuyết phục được hội đồng thẩm định”, ông Wallace Baker đánh giá.

Năm 2018 ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội).

Sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội

Làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Hà Nội.

Làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Hà Nội.

Nằm trong sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hoá bản địa với các nền văn hoá Đông - Tây, kế thừa những di sản và tiếp nối mạch nguồn của đô thị sáng tạo Thăng Long ngàn năm tuổi, Thủ đô Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế.

Sự sáng tạo nằm trong hạ tầng kiến trúc đô thị đến hạ tầng văn hóa, với 5.922 di tích lịch sử - văn hoá và mạng lưới 1.350 làng nghề khác nhau… Tiềm năng sáng tạo của Hà Nội luôn sẵn sàng để được khơi nguồn, tạo nên những bản sắc riêng có để Hà Nội lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Hà Nội.

Làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Hà Nội.

Về thiết kế đô thị, Hà Nội có thể kết hợp giữa bảo tồn các di sản kiến trúc với việc phát triển các không gian công cộng sáng tạo. Các dự án như cải tạo phố đi bộ Hồ Gươm, tạo các không gian văn hóa công cộng đã chứng tỏ thành phố đang chú trọng đến yếu tố sáng tạo trong phát triển đô thị.

Về làng nghề truyền thống, Hà Nội nổi tiếng với hàng trăm làng nghề truyền thống như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ... Việc kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với các thiết kế hiện đại giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời tạo ra các sản phẩm sáng tạo mới.

Hà Nội nổi tiếng với hàng trăm làng nghề truyền thống.

Hà Nội nổi tiếng với hàng trăm làng nghề truyền thống.

Về công nghiệp thời trang và mỹ thuật, Hà Nội đã và đang trở thành một trung tâm thời trang và mỹ thuật với nhiều nhà thiết kế và nghệ sĩ trẻ tài năng. Kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và xu hướng hiện đại trong thiết kế thời trang, mỹ thuật sẽ giúp thành phố khẳng định vị thế của mình trong khu vực.

Có thể nói, việc trở thành một thành viên trong Mạng lưới thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội. Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.

Trước hết, Hà Nội có cơ hội kết nối với hàng trăm thành phố sáng tạo khác trên thế giới, và có thể đem những kinh nghiệm, bài học thành công rất tuyệt vời của mình để chia sẻ với các bạn bè trong mạng lưới này. Đổi lại, Hà Nội cũng có thể nhận lại những bài học kinh nghiệm từ các thành viên khác thông qua việc tham gia Diễn đàn toàn cầu của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, thí dụ như diễn đàn ở Braga, Bồ Đào Nha hồi tháng 7 vừa qua
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam

Bên cạnh đó, khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội sẽ xây dựng cho mình một khung hành động để triển khai các cam kết của mình đối với mạng lưới nhằm thúc đẩy văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sự sáng tạo.

“Và thực tế Hà Nội đã thực hiện rất tốt việc xây dựng và thực hiện các chương trình hành động của mình ngay từ khi chính thức trở thành thành viên của mạng lưới này từ 2019”, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội để quảng bá văn hóa, sự sáng tạo và những kiến trúc độc đáo của mình trong những năm tiếp theo.

Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Với tầm nhìn và thương hiệu của thành phố sáng tạo về thiết kế sẽ tạo động lực để Hà Nội xây dựng, giúp Hà Nội thu hút đầu tư quy mô lớn, tạo động lực phát triển đô thị, phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững.

Item 1 of 4

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội với những thiết kế sáng tạo là một điểm đến văn hóa, di sản độc đáo.

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội với những thiết kế sáng tạo là một điểm đến văn hóa, di sản độc đáo.

Ngày xuất bản: 10/2024
Tổ chức: PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: VĂN TOẢN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, THẾ ĐẠI, HOÀI NAM, TTXVN
Trình bày: SƠN BÁCH