Động lực mới trong tạo lập thương hiệu quốc gia
Với cách lựa chọn định hướng phát triển xanh, sạch, thương hiệu quốc gia sẽ trở nên đắt giá hơn khi quyền lực mềm, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng trở nên có uy tín, trọng lượng, giá trị thuyết phục cao hơn, nhất là trong một thế giới đang chia rẽ, phân cực mạnh mẽ do cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế gay gắt.
XU THẾ KHÔNG THỂ
ĐẢO NGƯỢC
Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thí điểm thực hiện “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM), tức là đánh thuế khí thải carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại, nhất là đối với các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao như sắt thép, xi-măng, phân bón, nhôm, điện.
Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có vẻ chưa sẵn sàng tham gia cuộc chơi này vì chưa kịp chuyển đổi năng lượng, thiếu dữ liệu phát thải… Vậy nên, thách thức là không thể tránh khỏi, nhất là khi EU là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam với khoảng 1,3 triệu tấn, chiếm 18,37% kim ngạch năm 2022, chỉ sau ASEAN.
Dù tỷ trọng của nhóm sản phẩm nói trên trong nền kinh tế không lớn nhưng đã cho chúng ta thấy chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược của kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, vốn là nền kinh tế có độ mở rất lớn với nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Chúng ta đã có các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các giai đoạn 5 năm, 10 năm, trên cơ sở định hướng, chủ trương của Đảng qua các kỳ đại hội. Chúng ta cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Trên thực tế, các chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội hướng tới mục tiêu này với lộ trình phù hợp điều kiện thực tế của kinh tế đất nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng đang được tích cực triển khai. Đây cũng chính là con đường cần phải đi để Việt Nam khẳng định mạnh mẽ thương hiệu quốc gia xanh.
Gần đây, nhiều địa phương đã bắt đầu khởi động việc chuyển đổi nền kinh tế sang xanh, sạch mà đi đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều hành động cụ thể. Với một thành phố có lượng phát thải chiếm đến 23,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước, thì sự khẳng định, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là động lực tăng trưởng mới sẽ tạo nên tác động liên hoàn từ đầu tàu kinh tế đến các tỉnh, thành phố khác.
Muốn phát triển xanh cần phải có nguồn lực tài chính xanh rất lớn để các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, nhất là điện gió ngoài khơi, rồi phát triển hydro, amoniac xanh, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, xử lý chất thải, phát triển giao thông xanh, công trình xây dựng thân thiện với môi trường, trồng rừng; để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để thay đổi nhận thức của người dân trong tiêu dùng, sinh hoạt.
Tiềm năng phát triển xanh là không thể tranh cãi khi bên cạnh những thách thức do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng thì nước ta có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, sinh khối.
Muốn phát triển xanh cần phải có nguồn lực tài chính xanh rất lớn để các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ xanh, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh.
Chẳng thế mà theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, còn được gọi là Quy hoạch điện VIII, đã thật sự ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhằm đạt tỷ lệ 30,9-39,2% tổng nguồn điện vào năm 2030 và 67,5-71,5% vào năm 2050, để giảm mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.
Đồng thời từ nay trở đi, chúng ta không xây mới các nhà máy điện than nữa và chuyển dần các nhà máy điện than cũ sang năng lượng mới.
Tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Năng lượng mới Hydrogen-Xu hướng toàn cầu và triển vọng ngành kinh tế mới của Việt Nam”, do Viện Chiến lược phát triển kinh tế số mới tổ chức hồi giữa tháng 9 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia của các tập đoàn năng lượng Mỹ và Đức như KBR, Neuman&Esser đã cho thấy một trong những giải pháp năng lượng mới đang được các quốc gia đầu tư phát triển là sản xuất hydro/amoniac xanh, nhiên liệu thân thiện với môi trường, bằng cách sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như một trong các giải pháp hiệu quả để lưu trữ năng lượng, phần lớn được ứng dụng trong công nghiệp và vận tải. Điều này, có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero năm 2050.
Xây dựng cơ chế,
chính sách xanh
Để thật sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, ngoài việc thay đổi tư duy, nhận thức, thì việc hình thành một cơ sở pháp luật khuyến khích, tạo thuận lợi cho quá trình đó là hết sức cần thiết.
Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tránh những bất cập về cơ chế, chính sách giá cả thu mua điện và thiếu hụt hệ thống truyền tải, phân phối, lưu trữ năng lượng như giai đoạn vừa qua, ngoài vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn, cần thúc đẩy áp dụng cơ chế thị trường cạnh tranh trong cả chuỗi giá trị ngành năng lượng.
Thí dụ, có thể tổ chức đấu thầu ngược trong phát triển nguồn điện tái tạo bằng cách đấu thầu giá điện thành công rồi mới cho lập dự án phát triển nguồn, như kinh nghiệm của Australia chẳng hạn.
Có thể sẽ phải cần tới chương trình quốc gia phát triển năng lượng tái tạo, các chương trình quốc gia hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất xanh, sạch không chỉ trong công nghiệp mà cả trong nông nghiệp, giao thông vận tải.
Hay rất cần các chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành hydro, amoniac xanh, nhất là khi đây là ngành năng lương mới, cần phải đầu tư từ nguồn cho đến hạ tầng lưu trữ, vận chuyển, phân phối… lẫn nghiên cứu phát triển công nghệ.
Rõ ràng, có tiềm năng đã quý, nhưng phát huy được tiềm năng đó thật sự không dễ.
Chẳng thế mà phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu “Tập trung nguồn lực, sửa đổi, bổ sung hệ thống các luật để khai thác tốt hơn các cơ hội, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa, đổi mới sáng tạo”, đồng thời nhấn mạnh “cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian”.
Những hành động cụ thể đó sẽ làm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn khi được sản xuất trong các điều kiện thân thiện với môi trường, nhất là khi thị trường tín chỉ carbon phát triển, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Tất cả hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Nếu chúng ta làm tốt chuyển đổi năng lượng sẽ có nguồn kinh phí tiềm năng lớn hơn bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Tất cả hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, nhờ đó mà sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của chúng ta sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn ở thị trường quốc tế, không chỉ do mức thuế nhập khẩu thấp, phí khí thải nhà kính thấp, hàng rào phi thuế quan và hàng rào kỹ thuật, mà chính là do nhận thức của người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Đông Bắc Á, ASEAN.
Hơn thế nữa, đất nước chúng ta sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy cho dòng vốn đầu tư công nghệ cao, sản xuất thân thiện với môi trường và là nơi đáng sống và làm việc cho cả cộng đồng doanh nhân, trí thức nước ngoài.
Nội dung: Tiến sĩ TRẦN VĂN
Nguyên Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội
Trình bày: NGỌC DIỆP