Năm 2007, dự án đầu tư mở rộng sản xuất Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 được khởi công, tổng mức đầu tư ban đầu gần 3.850 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 8.100 tỷ đồng nhưng bị chậm tiến độ và buộc phải dừng thi công do chưa thu xếp được vốn.
Đây có thể coi là điển hình của trào lưu các địa phương hăm hở, sốt sắng xây nhà máy thép quy mô lớn như một “biểu tượng công nghiệp”, nhưng hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ nát của Trung Quốc, sản phẩm làm ra đơn thuần là thép xây dựng, sản lượng thừa mứa, chất lượng chỉ đủ tiêu chuẩn làm nhà cấp 4, đã để lại di chứng nặng nề, trở thành những “đống sắt gỉ” hoang tàn.
Tư duy “trong nôi”
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) thành lập từ năm 1959, được coi là “con chim đầu đàn”, cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Sau khi dự án cải tạo kỹ thuật nhà máy giai đoạn 1 hoàn thành và đi vào sản xuất bước đầu có hiệu quả, lãnh đạo Tisco “thừa thắng xốc tới”, tính ngay đến việc cải tạo, mở rộng giai đoạn 2.
Theo viễn cảnh được lãnh đạo Tisco vẽ ra khi xây dựng dự án, lúc đi vào hoạt động, mỗi năm Tisco sẽ sản xuất hơn một triệu tấn tinh quặng sắt, 543 nghìn tấn gang lỏng, 500 nghìn tấn phôi thép bằng công nghệ lò thổi, đưa tổng sản lượng phôi thép của công ty lên 1 triệu tấn/năm từ nguyên liệu trong nước.
Dự án được kết nối đồng bộ, cung cấp phôi nóng cho Nhà máy cán thép Thái Trung, làm tăng quy mô sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, Tisco sẽ là một trong số ít các đơn vị sản xuất thép trong nước có công nghệ sản xuất khép kín từ A đến Z, có nguồn quặng, than cốc luyện kim, giúp hạ giá thành sản xuất phôi thép và cán thép thành phẩm. Điều đó sẽ là minh chứng khẳng định dự án này có hiệu quả kinh tế, tầm quan trọng đối với ngành thép cũng như ổn định việc làm cho hơn 7.500 lao động của Tisco.
Năm 2007, dự án được khởi công, nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu gói thầu EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim với giá trúng thầu gần 161 triệu USD. Theo tiến độ đề ra, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất trong tháng 5-2011.
Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai, do khủng hoảng, giá vật tư nguyên liệu tăng cao, ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, quá trình thi công bị ngừng trệ 18 tháng.
Tổng thầu MCC đề nghị tăng thêm giá trị gói thầu EPC hơn 134 triệu USD, chủ yếu tăng phần C (xây lắp). Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư Tisco kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách phần C khỏi hợp đồng EPC giao cho nhà thầu trong nước thực hiện, thanh toán theo khối lượng thực tế; nhà thầu MCC chịu trách nhiệm phần E (thiết kế), P (cung cấp thiết bị), chịu mọi rủi ro liên quan phần E, P.
Kiến nghị được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tuy nhiên dự án đã bị kéo dài lên 21 tháng. Nhà thầu Vinainco được chọn làm nhà thầu thực hiện phần C, tuy nhiên cũng gặp khó khăn, không thể bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch.
Theo tiến độ dự án, hằng tháng Tisco phải thanh toán cho nhà thầu, nhưng trên thực tế, ngân hàng không bố trí đủ vốn và giải ngân chậm.
Không được thu xếp đủ vốn, đến cuối năm 2012, các nhà thầu thi công “tháo chạy” khỏi công trường, nhà thầu Trung Quốc rút hết công nhân và máy móc bỏ về nước, đem theo hơn 90% tiền mà Tisco đã thanh toán phần thiết bị, gói thầu bị ngừng trệ.
Từ dự án mở rộng giai đoạn 2, có thể thấy lãnh đạo Tisco đã nặng kiểu tư duy “trong nôi”, không lường hết các vấn đề phát sinh của thị trường, chưa tính toán đến khả năng tiêu thụ dài lâu sản phẩm. Khi dự án đưa vào vận hành, chỉ tính đến hiệu quả đơn thuần của dự án, không đặt dự án trong bối cảnh chung của đất nước và thị trường thế giới, tác động tới nền kinh tế ra sao.
Hiện nay, công suất thép xây dựng mỗi năm đạt gần 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ thực chỉ đạt chừng khoảng 5-6 triệu tấn. Sức cạnh tranh của thép trong nước “mềm như bún”, vừa phải chật vật đối phó với thép nhập khẩu và cạnh tranh lẫn nhau giữa 500 “anh em” doanh nghiệp ngành thép, vừa phải khốn khổ theo kiện chống bán phá giá ở nước ngoài.
Ngay bên cạnh, Trung Quốc dư thừa mỗi năm hàng trăm triệu tấn thép, thỉnh thoảng các doanh nghiệp thép trong nước lại “mếu máo” vì thép Trung Quốc giả danh hợp kim Bo ào ạt đổ vào. Thép xây dựng quá thừa mứa, trong khi đó, thép hợp kim, thép tấm cán nóng cho các ngành đóng tàu, cơ khí chế tạo bị bỏ trống “trận địa”, mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu.
Trong tương lai, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, doanh nghiệp thép trong nước phải chống chọi thêm với “người khổng lồ” thép Nga, không thể dựng “hàng rào bảo hộ”, không hiểu những sản phẩm thứ cấp đó sẽ bán cho ai?
Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỷ đồng thành đống sắt gỉ. (Ảnh: TTO)
Nhà máy gang thép Thái Nguyên: 8.100 tỷ đồng thành đống sắt gỉ. (Ảnh: TTO)
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn cơ bản chỉ là "đống sắt gỉ".
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vẫn cơ bản chỉ là "đống sắt gỉ".
Có nên “tiếp sức” cho Tisco?
Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp cho biết, dự án mở rộng giai đoạn 2 có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tồn vong của Tisco. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn, năm 2015, chủ đầu tư Tisco đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, có cơ chế ưu đãi thuộc “mức khủng” để dự án tiếp tục.
Theo đó, đối với Ngân hàng Vietinbank, miễn tối thiểu 50% các khoản lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công (từ tháng 7/2012 đến khi dự án khởi động lại); áp dụng lãi suất 8,5% cho các khoản vay nhận nợ bằng đồng Việt Nam, mức 3,5% bằng USD. Đồng thời, cho phép điều chỉnh thời gian vay, thời gian trả nợ, cụ thể: thời gian vay vốn 20 năm (không tính thời gian dừng thi công), trong đó thời gian trả nợ 15 năm, bắt đầu từ năm 2019, kết thúc năm 2034.
Đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tisco cũng đề xuất mức ưu đãi cao hơn: được khoanh nợ gốc, miễn 100% lãi vay thời gian dự án dừng thi công (khoảng 386 tỷ đồng), tiền vay từ VDB chỉ tính lãi 5,5%/năm. Với khoản thuế VAT khoảng 330 tỷ đồng Nhà nước đã hoàn lại cho Tisco, đề nghị không đưa vào tổng mức đầu tư dự án. Tisco còn kiến nghị miễn luôn thuế nhà thầu cho phía MCC Trung Quốc (gồm thuế thu nhập doanh nghiệp 2%, VAT 5%, hơn 130 tỷ đồng),…
Theo tính toán của Tisco, tổng mức đầu tư của dự án mở rộng giai đoạn 2 vọt lên hơn 9.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục "giải cứu", Nhà nước sẽ phải chi thêm hơn 4.000 tỷ đồng nữa, mà hiệu quả xem ra vẫn rất mông lung. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng phải thừa nhận, với tổng mức đầu tư này, dự án đã “cơ bản không có hiệu quả”, phải cần tới 23 năm mới thu hồi vốn, thế nhưng Bộ vẫn “đồng thanh tương ứng” với Tisco, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các nội dung trên, để làm cơ sở pháp lý tái khởi động lại dự án.
Theo đúng lộ trình, đến ngày 1/4 vừa qua, giai đoạn 2 của Tisco được tái khởi động, dự kiến hoàn thành đầu năm 2018. Tuy nhiên, thời điểm tái khởi động này chỉ là lời nói đùa của ngày Cá tháng Tư, bởi thời gian đã bị kéo dài đến… vô hạn.
Trong khi Bộ Công thương ủng hộ việc ưu đãi cho “đứa con” Tisco, thì Bộ Tài chính thẳng tay bác bỏ vì cho rằng những ưu đãi này vượt khung quy định.
Với khoản vay tại VDB, Bộ Tài chính chẳng những không đồng ý cho xóa nợ tiền lãi vay, điều chỉnh thời gian cho vay cũng như trả nợ, mà còn yêu cầu chủ đầu tư phải trả nợ theo quy định nhằm bảo đảm an toàn nợ công. Động thái Bộ Tài chính thẳng thừng từ chối được đánh giá là đúng luật, vì trong môi trường cạnh tranh hiện nay, không thể tạo tiền lệ bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Đi khảo sát thực tế tại công trường, chúng tôi hết sức xót xa khi thấy “đại dự án” này vẫn cơ bản chỉ là “đống sắt gỉ”, dù đã tiêu tốn gần 4.600 tỷ đồng, mỗi tháng dự án còn “ngốn” thêm khoảng 30 tỷ đồng lãi vay và các khoản chi phí khác chưa lường hết được.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco vào cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ trưởng Công thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập, đánh giá toàn diện dự án này. Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được các giải pháp, trong đó có các phương án bán dự án, phương án bán Công ty Tisco và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án. Các bên cần làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đến ngày 21/6, Bộ Công thương mới thành lập Tổ công tác đánh giá toàn diện dự án, bước đầu tiếp xúc, trao đổi ý kiến với một số chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm, chỉ đạo Tisco tiếp tục đàm phán với nhà thầu Trung Quốc để xử lý các vấn đề còn tồn tại.
Thứ trưởng Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, việc bán hay không bán Tisco vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, Bộ mới đang xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số phương án, trước mắt hướng đến việc khắc phục khó khăn cho nhà máy này.
Hiện nay, Thủ tướng đang xem xét các phương án thoái vốn nhà nước tại Tisco và xử lý các vấn đề liên quan; tiếp tục làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân trong quá trình đầu tư dự án. Dù Bộ Công thương chưa đưa ra phương án “chốt”, song với quan điểm mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định, Nhà nước sẽ không bỏ tiền ưu đãi cho các dự án kém hiệu quả, thì vấn đề có nên “tiếp sức” cho Tisco không dường như đã được quyết định.
Việc đầu tư nhầm vào các dự án bị “khai tử” trước lúc khai sinh như dự án này, chắc chắn sẽ làm đau đầu các ngân hàng và để lại hệ lụy không nhỏ cho các địa phương cũng như nền kinh tế đất nước về sau.
Dự án Khu liên hợp sản xuất thép của Công ty cổ phần Hòa Phát tại Kinh Môn (Hải Dương) có tổng công suất gần hai triệu tấn/năm, chia làm ba giai đoạn. Năm 2008, dự án khởi động giai đoạn 1, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, cuối năm 2009 đi vào hoạt động. Giai đoạn 2 đầu tư 3.300 tỷ đồng, hoạt động cuối năm 2012; giai đoạn 3 (công suất 750 nghìn tấn), hiện đã hoàn thành. Đầu năm 2016, khu liên hợp đi vào sản xuất đồng bộ ba giai đoạn. Riêng giai đoạn 3 của Hòa Phát đã có công suất lớn hơn Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhưng Hòa Phát chỉ làm trong 18 tháng với mức đầu tư 3.800 tỷ đồng (đơn giá sau năm 2012). Chỉ so suất đầu tư, đã thấy Tisco “đôn” lên rất lớn, trong khi công nghệ dây chuyền chất lượng kém. Với đơn giá từ trước năm 2007, dự án thép Thái Nguyên đã ở mức 3.843 tỷ đồng, bị “đội vốn” lên nhiều lần và hiện tại vẫn chỉ là “đống sắt gỉ”.