Bước chậm trên cầu Hiền Lương
Kỳ 1: Dòng sông giới tuyến

Không phải ngẫu nhiên mà ba năm trước, trong cuộc thi biểu trưng của Quảng Trị, mẫu được chọn là hình ảnh cầu Hiền Lương và chiếc cổng chào được cách điệu thành hai chữ Q-T (viết tắt của Quảng Trị). Nhưng không chỉ thế, cây cầu Hiền Lương còn là biểu tượng của sự nhắc nhớ.
Như bài ca khắc khoải

Mấy chục năm nay, cứ dịp 30/4, quãng sông và cây cầu lịch sử này được chọn làm nơi tổ chức ngày hội "Thống nhất non sông" với lễ thượng cờ lên kỳ đài ngay bờ bắc và lễ hội đua thuyền. Nhìn những mái chèo khua nước rộn ràng trên khúc sông, không thể không nhớ đến câu thơ của nhà thơ Thanh Hải: "Cách nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây". Đâu chỉ có "trăm núi vạn đèo", để vượt khoảng cách "chỉ một mái chèo" ấy, người Việt đã đi ròng rã hai mươi mốt năm với bao nhiêu máu xương dọc dài đất nước.
Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7/1954 chia đôi hai miền nam - bắc đã khiến dòng sông nhỏ gần như vô danh trên bản đồ Tổ quốc trở nên nổi tiếng khi nó chảy dọc từ tây sang đông trùng với đường vĩ tuyến 17. Chia đôi đất nước, chia đôi một tỉnh, chia đôi một huyện, một xã... và bao nhiêu gia đình ở đôi bờ này đã mang theo định mệnh phân ly của dòng sông, bốn mươi năm qua, chuyện chia ly và đoàn tụ vẫn còn lưu dấu trong từng gia đình, từng phận người!.
Cũng như câu chuyện tình trong bộ phim "Chung một dòng sông", tác phẩm đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về chuyện một đôi vợ chồng ở đôi bờ Hiền Lương bị chia cách, khởi nguồn cho bài hát bất hủ "Câu hò bên bờ Hiền Lương" là chuyến đi "thực tế" vào vĩ tuyến 17 của chàng nhạc sĩ trẻ mới ngoài 20 tuổi - Hoàng Hiệp.
Đi tìm nguyên mẫu của những tác phẩm để đời trong văn học nghệ thuật viết về miền đất giới tuyến này, chúng tôi mới biết người đàn ông trong hồi ức của nhạc sĩ, người khởi nguồn cho "Câu hò bên bờ Hiền Lương" chính là Phan Văn Đồng, vốn quê ở thôn 9, Trung Giang - một làng cát bên bờ nam Cửa Tùng. Ông Đồng vừa cưới vợ xong thì tập kết qua bên này, làm nhân viên Đài khí tượng hải văn Cửa Tùng. Trong một lần lên trên ngọn đèn biển ấy với người gác đèn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp chứng kiến nỗi khắc khoải của người đàn ông nhớ người vợ bên kia bờ vĩ tuyến. Và ngay đêm đó, những ý tứ hình hài của bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương" đã phôi thai, sau đó, cùng với nhạc sĩ Đằng Giao cộng tác phần lời, bài hát ấy đã vang lên làm rung động hàng vạn trái tim. Bởi câu chuyện ấy không chỉ là chuyện đôi bờ Hiền Lương, chuyện của riêng mảnh đất Quảng Trị mà có sức khái quát sự ngăn cách của hàng vạn đôi lứa ở hai miền nam - bắc những năm tháng ấy. Chung quanh bài hát còn nhiều câu chuyện buồn vui khác, nhưng dù sao đi nữa, tiếng gọi khắc khoải yêu thương trong câu hát ấy đã biến thành sức mạnh, góp phần đẩy nhanh công cuộc thống nhất đất nước. Sau năm 1975, ông Phan Văn Đồng, người công nhân trạm khí tượng hải văn Cửa Tùng ấy đã gặp lại vợ con mình. Câu chuyện của ông Đồng cũng là câu chuyện của hàng nghìn gia đình đã may mắn có ngày đoàn viên sau hơn 20 năm chia ly cách biệt.
Nhưng đâu chỉ chia ly chồng vợ? Có những tiếng ca cất lên từ đôi bờ lại là của hai chị em ruột trong một nhà! Những ai đã từng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam những năm đất nước còn đôi bờ vĩ tuyến hẳn khó quên giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Châu Loan, một người con của đất Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) bên bờ sóng Cửa Tùng này. Năm 1984, Châu Loan là một trong số những người đầu tiên được truy phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà tên thật là Bùi Thị Loan, nghệ danh Châu Loan, còn em gái ruột của bà, Bùi Thị Diệp có nghệ danh Châu Phụng cũng là một giọng ngâm thơ và ca Huế nổi tiếng của đài phát thanh... Sài Gòn bên bờ nam thuở ấy.
Hai chị em ruột, khi bên bờ bắc giọng ngâm thơ da diết người chị Châu Loan vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thì phía bờ nam người ta cũng có thể nghe giọng ngâm người em thổn thức trên sóng Đài Phát thanh Sài Gòn. Câu chuyện về hai chị em nghệ sĩ Châu Loan -Châu Phụng có quê xứ nơi mảnh làng cuối dòng Bến Hải này, tự thân đã mang trong nó một ngụ ngôn về câu chuyện ruột thịt cách chia.
Năm 1956, Ngô Đình Diệm-Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa với sự hậu thuẫn của Mỹ đã không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève quy định. Từ đây, cây cầu Hiền Lương đã trở thành chứng tích lịch sử trong hơn 20 năm chia cắt hai miền Bắc-Nam.
Năm 1956, Ngô Đình Diệm-Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa với sự hậu thuẫn của Mỹ đã không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève quy định. Từ đây, cây cầu Hiền Lương đã trở thành chứng tích lịch sử trong hơn 20 năm chia cắt hai miền Bắc-Nam.
Cầu Hiền Lương từng bị bom Mỹ đánh sập.
Cầu Hiền Lương từng bị bom Mỹ đánh sập.
Tiếng sóng đôi bờ

Cột cờ Hiền Lương hiện tại được xây dựng theo nguyên mẫu hoàn chỉnh nhất với chiều cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m.
Cột cờ Hiền Lương hiện tại được xây dựng theo nguyên mẫu hoàn chỉnh nhất với chiều cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m.
Toàn cảnh cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Toàn cảnh cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Chúng tôi tìm gặp ông Bùi Văn Thưởng, người em ruột của hai nghệ sĩ Châu Loan - Châu Phụng. Vừa lật cuốn album với những bức ảnh trắng đen đã ố mầu thời gian, ông Thưởng vừa kể cho tôi nghe về "câu chuyện đôi bờ" của hai người chị: "Bố chúng tôi là nghệ nhân Bùi Văn Mè, một nhạc công tiếng tăm của đoàn hát cụ Nguyễn Như Bá, từng vào diễn tận cung vua. Năm, sáu tuổi, Châu Loan đã theo bố đi diễn, năm 1947, bà vào hát cho Đài Phát thanh Pháp Á ở Hà Nội. Với chất giọng được coi là "hoàn hảo", Châu Loan sớm thành danh, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bà trở thành ca sĩ của tổ ca nhạc miền trung, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam với sở trường ngâm thơ và ca Huế. Trong khi đó, người em gái kế bà, Bùi Thị Diệp, những năm 1954-1956, chưa "đóng tuyến" vẫn đi đi về về buôn bán hàng hóa từ Huế, Quảng Trị ra Cửa Tùng, Vĩnh Linh, cuối năm 1956, khi chuyện qua lại hai bờ bị ngăn cấm bởi lệnh "đóng tuyến" bà Diệp bị kẹt lại bờ nam. Vốn thừa hưởng một giọng ca con nhà nòi, không thua kém người chị ruột là mấy, bà Diệp được nhận vào Đài Phát thanh Sài Gòn với nghệ danh mới: Châu Phụng, nổi tiếng với ngâm thơ và ca cổ. Hai chị em ruột, hai giọng ngâm trên làn sóng hai đài ở hai bờ. Nhưng công tác ở Đài Phát thanh Sài Gòn một thời gian thì Châu Phụng lấy chồng, sinh con và theo nghiệp bán buôn, trong khi người chị Châu Loan ngày càng nổi tiếng trong sự nghiệp ca nhạc.
Ông Thưởng kể: Tôi ra Hà Nội, học sư phạm, năm 1972, theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng, theo đoàn quân đi B về lại vùng giải phóng Quảng Trị vào tháng 8/1972. Mấy tháng sau, vào một đêm cuối năm, trong một căn hầm ở mặt trận Quảng Trị rét buốt, tôi nghe tin chị Châu Loan qua đời trên sóng Đài Phát thanh Hà Nội, đúng ngày Nô-en. Khi ấy chị Châu Loan mới 46 tuổi, tài năng đang vào độ chín nhất. Đau đớn thế nhưng rồi vì lý do chiến sự, tôi không về thắp hương cho người chị ruột của mình. Mấy năm sau, mùa xuân 1975, tôi vào tiếp quản thành phố Huế, hỏi thăm người chị Châu Phụng, người quen cho biết chị đã vào Đà Nẵng. Đà Nẵng giải phóng, tôi tìm ra nhà người chị đã xa cách hơn 20 năm, nhìn đứa em mặc đồ bộ đội, chị Châu Phụng vẫn còn... lo lắng, dè chừng, để rồi khi nhận ra nhau, chị em cùng ôm nhau khóc. Mỗi người mỗi hoàn cảnh do thời cuộc đẩy đưa, dù thế thì mấy chị em vẫn luôn nhớ về mảnh làng của mình. Ngoài chị Châu Loan và Châu Phụng, tôi còn một người chị khác là nghệ sĩ Thanh Thảo, cũng làm ở tổ dân ca Trung Bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nay cả ba người chị đều đã qua đời, nhưng trong ký ức của những người dân đôi bờ sông tuyến, giọng ngâm thơ Châu Loan vẫn như còn vang động trên những gợn sóng dòng sông của một thời đạn bom ly loạn cùng một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Trở lại dọc bờ nam con sông giới tuyến, ở những làng Xuân Hòa, Xuân Mỵ ở Trung Hải, Cát Sơn ở Trung Giang, Hải Cụ ở Trung Sơn... chúng tôi gặp nhiều ông bà tuổi đã ngoài thất thập mà nỗi chia ly tình chồng vợ, sự ngóng vọng khắc khoải của họ chỉ có dòng sông Hiền chứng kiến đằng đẵng bảy nghìn ngày.
Những câu chuyện đôi bờ ấy vẫn được nhắc lại mãi dù những chứng nhân của sự chia ly đã về trời theo tuổi tác. Nhắc lại không phải để ngậm ngùi đau thương với hôm qua mà để nhắc nhớ về khát vọng thống nhất, về giá trị của hòa bình. Chỉ một dòng sông nhỏ, chỉ một nhịp cầu nhỏ, nhưng những nỗi đau mất mát của từng gia đình, của cha con, chồng vợ... luôn thao thức như con nước dòng sông.
(còn tiếp)
Hơn 60 năm qua đi từ khi con sông bị phân ly; tròn 40 năm ngày con sông vỗ nhịp vui mừng non sông về một mối và cùng với thời gian sẽ biết bao thay đổi, tôi vẫn tin những con sóng dòng sông Bến Hải này còn thao thức kể mãi giữa nhân gian câu chuyện của hai mươi năm chia biệt. Tất cả, vẫn dòng sông và cây cầu chứng kiến...


Nguồn: Bài đăng trên Nhân Dân ngày 5/4/2015
Nội dung: LÊ VIỆT THƯỜNG
Trình bày: Xuân Bách - Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân
