Trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhân dân ta đang náo nức bước vào Xuân Ất Tỵ. Năm 2025 là năm đất nước có nhiều sự kiện trọng đại; đặc biệt, đây cũng là năm cuối nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII, năm tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Cả đất nước hừng hực khí thế triển khai đồng thời rất nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tạo nền tảng quan trọng bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình hoạt động và chất lượng phục vụ hành khách tại Ga Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình hoạt động và chất lượng phục vụ hành khách tại Ga Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Năm Giáp Thìn vừa qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, tác động tiêu cực tình hình trong nước, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm, sự phối hợp của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Trong thành tựu chung đó, điểm nhấn là chúng ta đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc.

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

“VƯỢT NẮNG, THẮNG MƯA, KHÔNG THUA GIÓ BÃO”…

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông là con đường ngắn nhất mở ra không gian phát triển mới cho quốc gia thông qua việc làm tăng giá trị của đất đai, giảm chi phí logistics, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, thu hút mạnh đầu tư, mở ra các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm, sinh kế cho nhân dân.

Hiện nay, chúng ta tích cực triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, các dự án đường cao tốc trục đông-tây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…

Thủ tướng kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành. Ảnh: VGP

Thủ tướng kiểm tra hiện trường dự án sân bay Long Thành. Ảnh: VGP

Đặc biệt, Bộ Chính trị vừa thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam. Đây là công trình thế kỷ với tổng chiều dài 1.541 km, tổng mức đầu tư ban đầu ước tính hơn 67,3 tỷ USD, tốc độ thiết kế 350 km/giờ.

Cùng với siêu dự án này, chúng ta cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư ba dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Trung Quốc gồm các tuyến Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; trong đó, đặt mục tiêu quyết tâm khởi công tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào cuối năm 2025.

Những năm vừa qua, tổng số km đường cao tốc hoàn thành và đưa vào vận hành bằng cả số km cao tốc đã làm 20 năm trước cộng lại. Chúng ta đang phấn đấu đến hết năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, trong đó thông tuyến cao tốc bắc-nam phía đông từ Cao Bằng đến Cà Mau; đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Như vậy, mục tiêu năm 2025 là hết sức nặng nề, đầy thách thức.

Nhiều lần đi thị sát, hay trong các cuộc họp kiểm điểm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đều nhấn mạnh: Năm 2025 là năm có nhiều sự kiện kỷ niệm trọng đại, mang ý nghĩa lớn của đất nước, vì vậy, chúng ta phải nỗ lực hoàn thành sớm các công trình trọng điểm xứng tầm đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Muốn vậy, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ kỹ sư, công nhân nỗ lực vượt mọi khó khăn, thi công “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình…

Thủ tướng và lực lượng thi công Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa. Ảnh: VGP

Thủ tướng và lực lượng thi công Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa. Ảnh: VGP

Năm qua cũng được coi là năm thành công khi chúng ta đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên), là công trình tầm cỡ, được thi công trong thời gian kỷ lục hơn 6 tháng, trong khi thông thường, phải mất từ 3-4 năm mới có thể hoàn thành.

Từ công trình này, Thủ tướng đã chỉ rõ bài học kinh nghiệm cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động lực lượng Quân đội, Công an, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… cùng xắn tay hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; yêu cầu chính quyền địa phương không được để chủ đầu tư, nhà thầu “cô đơn trên công trường”.

Một mô hình nữa được rút ra là chủ đầu tư, nhà thầu chính các dự án quan tâm, tạo điều kiện để san sẻ những công việc có thể làm được cho các nhà thầu địa phương, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu, vật tư tại chỗ.

Nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc hết sức tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp vận động nhân dân di dời, nhường đất cho dự án mà không có khiếu kiện, không phải cưỡng chế bất cứ hộ dân nào. Thành công của dự án này cần phải được lan tỏa ra các dự án trọng điểm khác.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519km đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh. Ảnh: KHÁNH AN

Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có tổng chiều dài khoảng 519km đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh. Ảnh: KHÁNH AN

PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN MẠNH MẼ ĐI ĐÔI KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Triển khai tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua về việc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở, các bộ, ngành không nên “ôm việc” mà chỉ tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước, đề ra quy hoạch, cơ chế, chính sách, thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát…; tăng cường phân quyền cho cấp dưới, địa phương, đi đôi với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát…

Quan điểm của Thủ tướng là nguồn vốn trung ương chỉ nên đầu tư những công trình trọng điểm mang tính lan tỏa, “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”, mang tính kết nối liên vùng, quốc gia và quốc tế.

Để các công trình trọng điểm được triển khai thuận lợi, Thủ tướng đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, các cuộc họp chuyên đề yêu cầu rà soát, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc đối với quá trình triển khai các dự án, đặc biệt là gỡ vướng về thể chế, bởi thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng luôn chỉ đạo phải tích cực vào cuộc, đặt địa vị mình vào địa vị của các chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết với tinh thần “vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó”, “vướng ở cấp nào, cấp đó có trách nhiệm giải quyết”, tất cả phải đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên trên hết.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, đổi mới để bứt phá, sáng tạo để vươn xa... Theo đó, thời gian phải ngắn mới giảm được chi phí, bớt tiêu hao năng lượng, còn trí tuệ phải vượt ra những khuôn mẫu bình thường và vượt qua chính mình.

Với khí thế Xuân mới 2025, chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng, cả nước sẽ ra sức phấn đấu và hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đặc biệt là hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, làm nền tảng, tiền đề cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

E-MAGAZINE
nhandan.vn

Nội dung: HÀ THANH GIANG
Trình bày: TRUNG HƯNG
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, VGP