Du lịch xanh - Chìa khóa để Vịnh Hạ Long phát triển bền vững

Là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, du lịch Hạ Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn văn hóa, di sản và suy thoái môi trường. Trước tình hình ấy, phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh được xem là hướng đi cần thiết để không “vắt kiệt” di sản, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong quá trình hội nhập.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Theo số liệu từ Sở Du lịch Quảng Ninh, tính đến tháng 10/2024, có hơn 16,7 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Ninh, trong đó hơn 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 40.100 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với nhiều người dân Hạ Long, du lịch được ví như “con gà đẻ trứng vàng”. Sức phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch đã đóng góp không nhỏ vào phát triển chung của toàn tỉnh Quảng Ninh kể từ sau dịch Covid-19. Đổng thời, tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn Vịnh Hạ Long.

Du lịch phát triển nhanh. Lượng du khách đến ồ ạt. Có không ít thời điểm, Hạ Long rơi vào tình trạng quá tải du lịch, nhất là vào các dịp lễ hoặc mùa cao điểm. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng này, có thể gây ra tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên của di sản. Chất lượng của các sản phẩm dịch vụ, cùng trải nghiệm của du khách cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trước tình trạng này, Hạ Long cần có chiến lược phù hợp để phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thuyền chở khách vào làng chài Vung Viêng luôn có vợt rác kèm theo.

Thuyền chở khách vào làng chài Vung Viêng luôn có vợt rác kèm theo.

Đánh giá phát triển du lịch xanh là hướng đi đúng đắn, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch phân tích: “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh cần dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên. Do đó, địa phương cần thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, để phát triển du lịch bền vững cần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân. Từ đó, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo một khảo sát gần đây của Trip Advisor - một trang web về du lịch nổi tiếng thế giới cho thấy, 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Điều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch

Bè nuôi trai ngọc ở làng chài Vung Viêng.

Bè nuôi trai ngọc ở làng chài Vung Viêng.

Nắm bắt phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là hướng đi tất yếu, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong khai thác du lịch xanh như một ngành kinh tế mũi nhọn.

Trước hết, với mục tiêu khai thác và phát huy hiệu quả giá trị của di sản Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định phải bảo vệ tối đa môi trường tự nhiên của di sản thiên nhiên này bằng nhiều giải pháp, từ ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm từ phát triển công nghiệp, đời sống sinh hoạt, kinh doanh  dịch vụ, thương mại…, cho đến nhiệm vụ khó nhất là thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm không bền vững của người dân, du khách và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường Di sản luôn được ưu tiên hàng đầu với nhiều nỗ lực nhằm cải thiện, bảo đảm môi trường vịnh Hạ Long và tạo ra những đột phá mới; thu hút được nhiều dự án về bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long như Dự án Tăng trưởng xanh, dự án bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long do tổ chức JICA tài trợ....

Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu đô thị tập trung ven bờ Vịnh đạt 48%.
Tỷ lệ tàu du lịch hoạt động trên vịnh lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước đạt 100%.
Tỷ lệ rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh giảm 90%.
Tỷ lệ phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh được thay thế đạt 94%.


Ô nhiễm từ nguồn, nhất là nguồn thải từ ven bờ, khu vực giáp ranh và các hoạt động khai thác, vận chuyển than… được kiểm soát chặt chẽ. Việc thu gom rác thải được xử lý thường xuyên, với sự hỗ trợ, tham gia của cả cộng đồng, như ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh nói: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đợt thu gom rác trên Vịnh, kêu gọi sự tham gia của các cộng đồng dân cư, nhất là từ sau bão Yagi”. Hệ thống thùng rác có ngăn phân loại rác được lắp đặt tại các khu đô thị, điểm tham quan du lịch, cùng với 19 thùng rác nổi tại các điểm có hoạt động kinh tế xã hội trên Vịnh. Rác thải trên Vịnh được thu gom về bờ xử lý trong ngày.

Các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương ven bờ vịnh Hạ Long từng bước nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải khu đô thị tập trung ven bờ vịnh Hạ Long (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) hiện tại đạt 48%. 100% tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long đã lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, các tàu du lịch đóng mới trên vịnh Hạ Long đều có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn.

Một trong những hoạt động quan trọng nhất đối với bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là giảm thiểu rác thải nhựa.

Phao xốp trong nuôi trồng thủy sản đã được thay thế.

Phao xốp trong nuôi trồng thủy sản đã được thay thế.

Báo cáo của Ban Quản lý Vịnh cho biết, thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa tại khu Di sản, triển khai hiệu quả Chương trình “vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” từ ngày 1/9/2019 với nội dung không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên Vịnh, đã giảm được 90% lượng rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh, thay thế được 94% phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh.

Chai nước thủy tinh đã thay thế chai nhựa dùng 1 lần trong dịch vụ du lịch trên vịnh.

Chai nước thủy tinh đã thay thế chai nhựa dùng 1 lần trong dịch vụ du lịch trên vịnh.

Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước đây khách đi Vịnh thường thoải mái mang sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Sau đó, với sự tuyên truyền, vận động của cơ quan quản lý, du khách đã tự nguyện bỏ lại trên bờ và người dân tham gia các hoạt động trên Vịnh cũng không mang theo đồ nhựa dùng 1 lần. Việc giảm rác thải nhựa được thực hiện rất mạnh ở Vịnh Hạ Long và vùng dảo Cô Tô, trở thành phong trào rất tốt, kéo cộng đồng cùng làm. Chính người dân lại trở thành những người tuyên truyền hữu hiệu hơn ai hết. Và giảm tối đa rác thải nhựa là một trong những điểm đáng chú ý nhất trên chặng đường bảo vệ di sản, phát triển du lịch xanh ở Vịnh Hạ Long trong thời gian qua.

Làng chài Cửa Vạn.

Làng chài Cửa Vạn.

Tiêu biểu tàu 6 sao “xanh”

Mới đây, tại World Cruise Awards 2024, vượt qua các thương hiệu nổi tiếng như: Disney Cruise Line, MSC Cruises hay Norwegian Cruise Line, du thuyền Grand Pioneers Cruise được vinh danh là “Hãng du thuyền xanh tốt nhất thế giới 2024”.

Hai du thuyền của VIệt Thuận Group.

Hai du thuyền của VIệt Thuận Group.

Đội tàu của Grand Pioneers Cruise gồm 2 chiếc, đều là những du thuyền 6 sao duy nhất trên Vịnh hiện nay, với các dịch vụ được cung cấp ở mức cao cấp, hướng đến bảo vệ môi trường tối đa, giữ xanh cho toàn bộ hành trình. Grand Pioneers Cruise là điển hình tiêu biểu của xu hướng du lịch ở Vịnh Hạ Long hiện nay: khai thác giá trị di sản, du lịch xanh, bảo vệ môi trường và chọn lọc du khách, không phát triển bề rộng.

Trong số các sản phẩm du lịch mới mà doanh nghiệp đề xuất khai thác ở Vịnh Hạ Long, “Hành trình di sản Hạ Long” của Đội du thuyền Grand Pioneers Cruise được xem là dự án tiêu biểu cho việc phát triển du lịch xanh, bền vững, dựa trên bảo tồn và vinh danh giá trị di sản của Vịnh Hạ Long. Đây cũng là sản phẩm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng trên tinh thần phát huy giá trị thiên nhiên, con người và văn hóa vùng vịnh.

Trên hành trình này, du khách sẽ đi qua qua 4 vùng di sản. Xuất phát từ cảng Tuần Châu, hải trình này đưa du khách đến những địa danh rất khó tiếp cận như: công viên Đá Xếp (nơi được coi là bảo tàng địa chất ngoài trời tồn tại suốt 320 triệu năm), những địa danh như: đảo Đầu Gỗ và đảo Xương Rồng, làng chài cổ Vung Viêng…

Du thuyền này được chế tạo, đóng mới theo tiêu chuẩn đóng tàu tiên tiến bậc nhất trên thế giới hiện nay, được trang bị hệ thống điều hòa từ Nhật Bản, sử dụng nước biển làm mát, giúp giảm thiểu khí thải nhà kính và tăng cường hiệu suất năng lượng lên đến 40%. Bên cạnh đó, động cơ chính và máy phát điện giúp bảo đảm vận hành an toàn và thân thiện với môi trường, cùng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến đạt chuẩn trước khi xả thải. Hệ thống nước thải từ tàu sạch đến mức “có thể nuôi cá” – theo lời Phó Tổng Giám đốc Grand Pioneers Cruise Lương Thế Tuyên.

Toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng phục vụ du khách trên tàu không có đồ nhựa sử dụng 1 lần. Hệ thống nhiệt từ bếp, từ máy tàu được thu gom để làm nóng nước bể bơi. Rác hữu cơ được tái xử lý để sử dụng cho nhiều mục đích. Rác vô cơ và các loại rác khác được thu gom đưa về bờ xử lý.

Phó Tổng Giám đốc Grand Pioneers Cruise Lương Thế Tuyên chia sẻ: "Chúng tôi muốn tạo ra những tác động tích cực đến môi trường. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tiên phong trên hành trình mang vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam đến với du khách theo cách bền vững nhất".

Tâm niệm “Chúng tôi chỉ tồn tại khi bảo vệ thiên nhiên”, đội ngũ vận hành du thuyền Grand Pioneers Cruise cũng nhấn mạnh trách nhiệm của những người làm dịch vụ trong việc môi trường. Ngay từ khi chính thức khai thác dịch vụ, triết lý này đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của du thuyền, từ việc áp dụng các công nghệ xanh đến thực hiện các biện pháp bảo vệ lâu dài cho môi trường tự nhiên của Vịnh Hạ Long.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh cho biết, hiện nay đội tàu du lịch của Hạ Long đều được đóng mới với những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường chặt chẽ, khuyến khích những tàu đáp ứng được tiêu chuẩn cao hơn, sạch, xanh hơn.

Để khuyến khích thêm nhiều mô hình đầu tư du lịch theo hướng phát triển xanh, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trước mắt, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định quản lý, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng và bền vững. Song song đó, phát triển du lịch trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm tính nguyên bản của cảnh quan tự nhiên thuộc di sản. Địa phương có thể việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư ở vịnh trước khi cấp phép hoạt động.

“Cần khuyến khích các nhà đầu tư có trách nhiệm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch vào kinh doanh du lịch”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Định hướng phát triển du lịch bền vững

Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Chèo kayak vào làng chài Vung Viêng.

Chèo kayak vào làng chài Vung Viêng.

Ngày 8/8/2023, Quyết định số 2256/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tái khẳng định mục tiêu “phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

Cùng với phát triển du lịch xanh, việc mở rộng khai thác du lịch ra những điểm mới, tour, tuyến mới, liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh và các địa phương lân cận, đẩy mạnh khai thác những giá trị phi vật thể của di sản Vịnh Hạ Long… đang là hướng đi của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Làng chài Cửa Vạn, mô hình nuôi thủy hải sản trình diễn phục vụ du lịch.

Làng chài Cửa Vạn, mô hình nuôi thủy hải sản trình diễn phục vụ du lịch.

Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên cơ sở định hướng phát triển du lịch bền vững đó, khi tham mưu cho tỉnh xây dựng các tuyến du lịch, Sở cũng có tính đến các yếu tố phát huy những giá trị của di sản với tinh thần bảo vệ di sản.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng xác định phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, ngành Du lịch Quảng Ninh đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều điểm đến đã phát triển được các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá theo hướng du lịch xanh, các mô hình du lịch xanh mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người.

Hằng năm, Thái Lan tạm thời đóng cửa khoảng một nửa các công viên quốc gia trong thời gian mùa gió mùa tràn về, nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch và giúp môi trường tự nhiên phục hồi. Một vài bãi biển, trong đó có vịnh Maya trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào bộ phim “The Beach”, cũng phải đóng cửa vì quá tải du lịch trong những năm gần đây.
Đảo Boracay của Phillippines cũng phải đóng cửa 6 tháng trong năm 2018 để phục hồi thiên nhiên và môi trường sau khi du lịch tăng trưởng đột biến.

Trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch, sắp xếp và công bố 21 hành trình du lịch trên Vịnh Hạ Long, trong đó có 3 hành trình mới trên vịnh theo hướng giảm mật độ cho vùng lõi, 13 hành trình mới kết hợp với tham quan Vịnh Bái Tử Long. Đây là những hành trình được xây dựng theo định hướng rõ ràng về việc giảm tải và khám phá thêm những điểm du lịch mới.

Siêu tàu đổ bộ vào Quảng Ninh.

Siêu tàu đổ bộ vào Quảng Ninh.

Ngoài ra, hồi tháng 8, Ban Quản lý Vịnh cùng đoàn công tác của tỉnh cũng đã đi khảo sát khoảng 21 điểm hang, đảo, bãi biển mới trên Vịnh, để nghiên cứu, lập quy hoạch đưa vào khai thác.

Đón khách từ siêu tàu.

Đón khách từ siêu tàu.

Theo như lời Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh giải thích “Các tour du lịch mới, chúng tôi cũng đã xây dựng theo hướng giãn khách ở các tour cũ để giảm áp lực cho những vùng cũ và có những trải nghiệm mới ở những vùng mới, với ý nghĩa mở rộng không gian du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, giảm dần sự quá tải cục bộ ở tuyến 1 và tuyến 2. Chúng tôi đã có nhiều cuộc tham gia làm việc với UNESCO, và đây cũng là mong muốn, khuyến cáo của họ”.

Bà Nguyễn Huyền Anh chia sẻ, phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa là một trong những hướng đi bền vững để cân bằng và hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là câu chuyện mà rất nhiều nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh trăn trở. Chính vì thế trong những định hướng của tỉnh phát triển theo hướng bền vững luôn tính toán theo hướng như vậy, làm sao để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Chủ trương giãn khách cũng là một trong những cách để tránh áp lực cho vùng lõi di sản.

Việc khai thác hai giá trị giàu tiềm năng của Vịnh Hạ Long là đa dạng sinh học và văn hóa để phát triển du lịch cũng nằm trong định hướng của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Trưng bày hiện vật khảo cổ ở hang Tiên Ông.

Trưng bày hiện vật khảo cổ ở hang Tiên Ông.

Trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long có nhiều di chỉ khảo cổ học về văn hóa người Việt cổ, gắn với một số nền văn hóa cổ như Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long. Hiện tại, một số giá trị văn hóa đang được khai thác hiệu quả trong du lịch. Thí dụ như một số hang trên Vịnh như hang Tiên Ông, động Mê Cung, hang Sửng Sốt…  hiện đang trưng bày lại một hiện vật và lưu giữ một số di chỉ khai quật tại chỗ.

Trình diễn hát giao duyên ở Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn.

Trình diễn hát giao duyên ở Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn.

Ngoài ra còn văn hóa biển được lưu giữ qua nhiều đời, nhiều thế hệ ngư dân trên Vịnh và các vùng lân cận. Trung tâm Văn hóa Cửa Vạn ở trong Vịnh hiện còn ghi lại nhiều dấu ấn của văn hóa ngư dân từ phong tục đám cưới, đám ma… cây thuốc… và được du khách rất thích trải nghiệm.

Cùng với những giá trị văn hóa cổ xưa được lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa mới, hiện đại cũng đang được đẩy mạnh, khai thác rất tốt trong du lịch hiện nay ở Quảng Ninh. Có thể kể đến các loại hình du lịch âm nhạc trên bờ, trên du thuyền với những show ca nhạc lớn, nhiều ca sĩ tên tuổi, du lịch ẩm thực với những món ăn đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa biển, du lịch vui chơi giải trí… dành cho giới trẻ.

Tàu du lịch cập bến vào đảo Ti Tốp

Tàu du lịch cập bến vào đảo Ti Tốp

Một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển du lịch bền vững mà tỉnh Quảng Ninh xác định là tập trung vào phân khúc khách cao cấp, muốn sử dụng các dịch vụ cao cấp và yêu thích thiên nhiên hoang sơ, không tác động nhiều vào thiên nhiên, môi trường trong quá trình sử dụng dịch vụ. Bà Nguyễn Huyền Anh cho biết, đây cũng là một sản phẩm du lịch rất đặc biệt mà tỉnh đang hướng tới xây dựng. “Có những đoàn khách đi tàu du lịch 5, 6 sao, chỉ xuống đảo tắm biển rồi lại về tàu sử dụng dịch vụ, không ảnh hưởng gì đến môi trường. Đó là loại hình du lịch cần phát huy”.

Là địa phương giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản…, nhưng một trong những thế mạnh được nhắc đến nhiều nhất hiện nay của tỉnh Quảng Ninh là du lịch. Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, du lịch Quảng Ninh hiện đang cho thấy sự đúng đắn trong hướng đi, để giờ đây đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và quốc tế trong việc quay trở lại hằng năm, chứ không chỉ đến một lần.

Hạn chế du lịch đại chúng và tập trung vào các hoạt động du lịch bền vững phải là ưu tiên hàng đầu của Vịnh Hạ Long và các di sản thế giới khác.
Bằng cách ưu tiên chất lượng hơn số lượng, Việt Nam có thể bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của vịnh đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo, phong phú cho du khách.
Các bạn cần tăng cường công tác quản lý Vịnh Hạ Long bằng các nguồn lực bổ sung để cải thiện việc giám sát và bảo tồn.
Du khách phải chịu trách nhiệm bảo vệ và bảo tồn các di sản, điều này có thể đạt được thông qua truyền thông và giáo dục có mục tiêu về du lịch có trách nhiệm
Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận bền vững và các giải pháp rõ ràng giúp Vịnh Hạ Long trở thành hình mẫu cho các địa phương khác trên toàn quốc.
Ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

 

Ngày xuất bản: 12/12/2024
Thực hiện theo Hợp đồng hợp tác truyền thông số 04/2024/HĐHTTT/STTTT-BND