Bắc Kạn đưa du lịch

thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. 

Phóng viên: Trước tiên, xin đồng chí cho biết, vì sao Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lại chọn phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025?

Đồng chí Hoàng Duy Chinh: Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Trong đó, trọng điểm là Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, Khu RAMSA thứ 1.938 của thế giới, di tích lịch sử văn hóa quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, còn có nhiều thắng cảnh khác và di tích An toàn khu Chợ Đồn cùng nhiều lễ hội, phong tục đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh (hàng đầu, thứ tư từ trái qua) kiểm tra, khảo sát hướng tuyến xây dựng cao tốc Chợ Mới- thành phố Bắc Kạn.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh (hàng đầu, thứ tư từ trái qua) kiểm tra, khảo sát hướng tuyến xây dựng cao tốc Chợ Mới- thành phố Bắc Kạn.

Tuy nhiên, Đảng bộ tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, những tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác, phát huy xứng tầm. Nhiều người vẫn ví von rằng hồ Ba Bể đẹp như nàng tiên nhưng nàng tiên ấy vẫn đang say ngủ, chưa thức giấc. Trong bối cảnh kinh tế chung ngày càng phát triển, du lịch sẽ càng có cơ hội tăng trưởng bền vững. Điều đó là cơ sở để Đảng bộ tỉnh lựa chọn, xác định, đặt mục tiêu đưa du lịch là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Một góc hồ Ba Bể

Một góc hồ Ba Bể

Phóng viên: Trong hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn cũng đặt mục tiêu về phát triển du lịch nhưng dường như kết quả không được khả quan. Theo đồng chí, đâu là điểm nghẽn cản trở sự phát triển và nhiệm kỳ này, Đảng bộ tỉnh sẽ có những đột phá nào để đưa du lịch phát triển?

Đồng chí Hoàng Duy Chinh: Trong những năm qua, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Bắc Kạn về lợi ích phát triển du lịch được nâng lên. Hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2019, Bắc Kạn đón hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt hơn 980 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,4%, đóng góp của du lịch đạt khoảng 1,7% GRDP toàn tỉnh.

Điểm nghẽn lớn nhất chính là kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ. Khoảng cách từ Thủ đô Hà Nội tới Bắc Kạn không xa nhưng mất nhiều thời gian di chuyển. Trong khi từ thành phố Bắc Kạn tới Khu du lịch Ba Bể, đường quanh co, nhỏ, xuống cấp khiến việc đi lại rất khó khăn. Cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là đột phá đưa du lịch phát triển”
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp; các khu, điểm du lịch chưa có quy hoạch chi tiết; công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân là do ngân sách còn hạn hẹp; chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm toàn diện đến phát triển du lịch; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được thực hiện thường xuyên; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tua, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế.

Điểm nghẽn lớn nhất chính là kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ. Khoảng cách từ Thủ đô Hà Nội tới Bắc Kạn không xa nhưng mất nhiều thời gian di chuyển. Trong khi từ thành phố Bắc Kạn tới Khu du lịch Ba Bể, đường quanh co, nhỏ, xuống cấp khiến việc đi lại rất khó khăn. Cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là đột phá đưa du lịch phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khảo sát thực địa triển khai dự án đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khảo sát thực địa triển khai dự án đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18 về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện sáu nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là: Tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong phát triển du lịch. Quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến đầu tư công khoảng hơn 7.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông, trong đó, trọng điểm là đường cao tốc từ Chợ Mới tới thành phố Bắc Kạn và đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang). Khi hai tuyến đường này hoàn thành, lưu thông từ Hà Nội tới hồ Ba Bể sẽ chỉ còn khoảng ba giờ đồng hồ. Cùng với đó, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Kạn đi Cao Bằng. Chúng tôi tin tưởng và quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ đến các điểm, khu du lịch.

Một góc hồ Ba Bể

Phóng viên: Bắc Kạn hiện vẫn chưa có những khu du lịch quy mô lớn, cao cấp. Điều này sẽ được giải quyết ra sao trong thời gian tới và làm thế nào để phát triển nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Duy Chinh: Chúng tôi đặc biệt chú trọng “Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch” với trọng tâm là: “Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp, phù hợp nhu cầu và xu hướng du lịch mới; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, kinh doanh du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương”.

Bắc Kạn phấn đấu đến 2025 cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm tuyến du lịch. (Trong ảnh: Một cầu cạn trên đường tiền cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới).

Bắc Kạn phấn đấu đến 2025 cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm tuyến du lịch. (Trong ảnh: Một cầu cạn trên đường tiền cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới).

Điều đáng mừng là dù các tuyến đường trọng điểm mới chỉ có chủ trương, quyết định đầu tư nhưng đã tạo sức hút đáng kể với nhiều nhà đầu tư. Tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát các dự án du lịch có tầm cỡ, quy mô quốc gia và khu vực trên các trọng điểm về du lịch ở Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới…

Hiện tại, Bắc Kạn đang tập trung chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; quy hoạch Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể và vùng phụ cận.

Định hướng đến năm 2030:

- Ngành du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thu hút khoảng 50.000lượt khách quốc tế và 1.700.000 lượt khách nội địa.
- Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tương đương với 10% GRDP toàn tỉnh.
- Có 60% nguồn nhân lực du lịch được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.

Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững nhưng luôn giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, du lịch hài hòa với thiên nhiên là du lịch bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, đón ít nhất 32 nghìn lượt khách quốc tế và một triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách quốc tế và 1,7 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Item 1 of 4

Nội dung: TUẤN SƠN
Trình bày: PHAN ANH, ĐĂNG PHI