Người đặt nền móng
cho du lịch bền vững
Không phải bỗng nhiên mà người đàn ông có gương mặt hồn hậu dễ mến đó lại được cộng đồng làm du lịch bền vững đặt mệnh danh phù thủy homestay. Ông là Dương Minh Bình, Giám đốc công ty phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam (Community Based Tourism, viết tắt là CBT); tác giả của hàng chục mô hình homestay trải dài trong nam ngoài bắc, từ biển lên rừng, đồng bằng lên miền núi.
Triết lý Đi một ngày đàng...
Những ngày cuối tháng ba, sau một thời gian kết nối gặp gỡ giữa những người ăn sóng nói gió, “phù thủy” homestay Dương Minh Bình hân hoan khoe với làng làm du lịch cộng đồng, sắp tới sẽ trình làng một sản phẩm du lịch đình đám đầy sức quyến rũ, bởi nó gắn liền với một huyền thoại sống, người Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay vượt biển Thái Bình Dương bằng bè tre truyền thống. Họ, gồm ông Dương Minh Bình và người vượt biển bằng bè tre, ông Lương Viết Lợi, chân trời góc bể vốn không liên quan gì đến nhau; ấy vậy mà một ngày duyên lành, người đàn ông thành phố tìm về vùng duyên hải xứ Thanh hẻo lánh tìm gặp người kia, nghe câu chuyện ly kỳ gần 30 năm trước ông đã cùng những người bạn xa lạ bước lên chiếc bè tre tự tạo, lênh đênh nửa năm trời vượt biển... Từ huyền thoại sống Lương Viết Lợi, ông Dương Minh Bình đã tự tin đầy cảm xúc bay bổng để xây dựng nên sản phẩm du lịch độc đáo của xứ Thanh: trải nghiệm với bè tre ngược dòng sông Mã, tham quan làng cổ bên sông, sống lại cảm giác du ngoạn nhuốm mầu huyền thoại khi lênh đênh câu cá trên sông và nghe kể kỳ tích về cầu Hàm Rồng, sợi dây kết nối quá khứ hiện tại khi ghé lễ đền Cô Bơ...
Ở một không gian văn hóa khác, Dương Minh Bình lại phiêu lãng với miền đất đỏ bazan Tây Nguyên. Du khách được nghe kể chuyện về những bức tượng gỗ, những bậc cầu thang uy nghi gắn với nếp sinh hoạt nghìn đời người dân đại ngàn. Với cá tính “làm không cần nói”, với khả năng quan sát và giàu kinh nghiệm của người làm du lịch, trong các chuyến khảo sát, Dương Minh Bình luôn nắm bắt được cái độc đáo riêng có nhất của địa danh ông đến, để từ đó nâng tầm thành điểm nhấn của sản phẩm địa phương.
Du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn. Từ nhu cầu đó, người dân ở nhiều địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác... mà không có theo một sự hướng dẫn nào. “Nông thôn này tham quan trải nghiệm nông thôn kia” - đó là cách ông Bình đào tạo thay đổi tư duy cho người dân làm du lịch. Học hỏi, giao lưu chia sẻ kết nối là cách ông Bình vẫn tổ chức thường xuyên trong cộng đồng du lịch trên toàn quốc.
Xây dựng được một sản phẩm du lịch chất lượng cần có sự sáng tạo bay bổng mà luôn có tính kết nối liền mạch quá khứ hiện tại, cái sống động của dòng chảy cuồn cuộn hiện tại với sự thâm trầm mờ ảo của ký ức thời gian... đó là cái đặc trưng tinh tế sáng tạo của các sản phẩm du lịch mang dấu ấn
Dương Minh Bình.
A Chu homestay.
A Chu homestay.
Bạn của người nghèo
Ông Bình có những dòng tự sự đầy trách nhiệm: Mỗi chuyến đi là một hành trình chia sẻ cho cộng đồng. Dấu chân ông in trên nhiều vùng đất nghèo khó trên cả nước. Người đàn ông có phong thái lịch lãm phong trần Dương Minh Bình có một mái ấm ở TP Hồ Chí Minh nhưng hầu như quanh năm lăn lóc khắp mọi miền đất nước giúp bà con xây dựng các mô hình homestay. Hai mươi năm dấn thân làm du lịch, ông Dương Minh Bình luôn chỉ bảo bà con theo cách cẩn thận tỉ mỉ nhất có thể. Ông truyền đạt cho bà con không chỉ đường hướng phát triển mang tính vĩ mô, mà còn vô số những thứ vụn vặt không thể tìm thấy ở sách vở, giáo trình nào. Kiến thức nền tảng về du lịch, kỹ năng giao tiếp, dọn dẹp, thu ngân, cách thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kỹ thuật chế biến từ những món đơn giản nhất như thịt kho, cơm rang thập cẩm... đến lên thực đơn phục vụ cho đối tượng khách hàng kỹ tính.
Các công ty CBT của ông luôn chú trọng các hoạt động giao lưu chia sẻ giữa các thành viên, cộng đồng các dân tộc anh em Mông, Thái, Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều... trên khắp mọi miền hội tụ.
Tráng A Chu, chàng trai người Mông ở Sơn La tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thực phẩm trong một lần tình cờ được gặp gỡ đã gắn bó với ông Bình và gia đình CBT. Được ông Bình dìu dắt, đỡ đầu, A Chu homestay đi vào vận hành hiệu quả, trở thành mô hình mẫu cho bà con bản Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La). Giờ đây, ông Bình và gia đình A Chu coi nhau như ruột thịt. Thành thạo với công việc, Tráng A Chu theo ông Bình đi khắp nơi hỗ trợ bà con tiếp tục dựng xây các mô hình du lịch, giúp bà con đổi đời. A Chu coi đó là cách bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến người thầy, người ân nhân của mình. Giữ gìn tôn tạo nếp văn hóa Mông đặc trưng, ở thổ cẩm hoa văn họa tiết trên trang phục, đến các loại nông cụ đan lát bằng vật liệu tre truyền thống, nếp nhà lợp mái tranh xưa cũ đông ấm hè mát, hài hòa với thiên nhiên. Bờ rào tre, con đường lát đá, du khách đến bản Hua Tạt được trải nghiệm cảm giác thư thái, sống chậm nhu nhuận với tự nhiên. Đó chính là giá trị cốt lõi chạm tới cảm xúc du khách mà ông Dương Minh Bình đã cùng bà con ở đây làm được. Đời sống dân bản đổi thay rõ rệt từ ngày trở thành điểm du lịch. Ông Bình khích lệ được đồng bào địa phương trở thành nhà đầu tư chính trong dự án CBT. Ông giúp họ nâng cấp hoặc làm mới các homestay dựa trên kết cấu nhà ở sẵn có tại địa phương, lồng ghép tinh tế vật liệu tre, đá hài hòa với khung cảnh chung quanh.
Khái niệm chi tiêu tích cực được ông Bình chia sẻ với những người làm du lịch như một thái độ với cuộc sống. Với các đối tác tư nhân, ông Bình thuyết phục đầu bếp khách sạn 5 sao, giảng viên du lịch đồng ý tham gia đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật; huy động vật phẩm như vỏ chăn, gối, ga trải giường, rèm để phát không; tặng máy xay sinh tố, máy pha cà-phê espresso cho học viên xuất sắc; thúc đẩy các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, các nhà điều hành tour quảng bá cho du lịch cộng đồng.
Dự án CBT Mai Hịch (Hòa Bình) với mô hình dịch vụ lưu trú tại gia và khám phá văn hóa đồng bào dân tộc Thái, được xây dựng đầu tiên vào tháng 10/2012. Là sản phẩm đầu tay, CBT Mai Hịch được chăm chút tỉ mỉ chu đáo ở những chi tiết nhỏ như góc pha chế đồ uống, bàn ăn, thùng rác, đến thiết kế món ăn phục vụ khách lưu trú... Sau vài năm hoạt động, đời sống bà con CBT Mai Hịch khởi sắc trông thấy, có hộ thu nhập tiền tỷ. Với thành công đó, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phục vụ cộng đồng (CSIP) ghi nhận, khuyến khích ông Bình thành lập doanh nghiệp xã hội CBT Travel, với sứ mệnh nhân rộng mô hình du lịch phát triển bền vững cho cộng đồng này ra toàn quốc. Tiếp nối thành công của CBT Mai Hịch, đến nay cộng đồng gia đình CBT đã phát triển lớn mạnh ở nhiều vùng quê còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Dương Minh Bình luôn trăn trở, đến nay ngành du lịch vẫn chưa đầu tư thật sự cho loại hình du lịch này. Chi phí đầu tư ít không có nghĩa là chỉ tận dụng vốn tự có. Vẫn ngôi nhà sàn của đồng bào, nhưng để phục vụ khách, đặc biệt là khách nước ngoài, thì nơi ăn ở phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt là khu vệ sinh phải văn minh, chứ không thể truyền thống như cư dân bản địa. Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương...
CBT Travel đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn, hội nghị, góp phần thay đổi cách suy nghĩ của lãnh đạo nhiều địa phương về cách phát triển du lịch phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giúp đồng bào nâng cao mức sống bằng du lịch, đồng thời bảo vệ môi trường.
Ông Dương Minh Bình cho rằng, các mô hình homestay của bà con đang xây dựng hiện nay còn nặng tính tự phát, chưa được tổ chức tính toán cân nhắc bài bản và chưa đi vào thực chất. Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa.
Ông Dương Minh Bình hướng dẫn bà con Cơ Tu cách làm món ăn Âu phục vụ khách du lịch.
Ông Dương Minh Bình hướng dẫn bà con Cơ Tu cách làm món ăn Âu phục vụ khách du lịch.
Dựng xây thêm nhiều ngôi nhà mới
Quanh năm suốt tháng, ông Dương Minh Bình không ngừng lặn lội về những miền xa heo hút, hướng dẫn đồng bào cách đầu tư du lịch hiệu quả mà không cần chờ có nguồn vốn lớn. Bà con dân tộc thiểu số vốn xa lạ với đời sống tiện nghi, càng xa lạ hơn với khái niệm làm chủ một homestay. Vậy mà giờ đây, mưa dầm thấm lâu, chủ nhân của những nếp nhà sàn đã biết cải tạo nâng cấp chuyển hóa công năng căn nhà sẵn có của mình thành nơi lưu trú đẹp đẽ, tiện nghi. Họ biết cách chế biến những loại rau quả, thức ăn quen thuộc hằng ngày thế nào cho hợp khẩu vị du khách. Họ lại biết cách hướng dẫn du khách tham quan, khám phá, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tham gia hoạt động thiện nguyện, kéo dài thời gian lưu trú của khách để trải nghiệm thêm nhiều điều mới lạ.
Uy tín trong giới làm du lịch cộng đồng, hơn 20 tỉnh, thành đã mời ông Bình về tư vấn giúp địa phương làm CBT. Trong giai đoạn du lịch hồi phục và phát triển như hiện nay, hàng loạt dự án CBT khỏe khoắn mọc lên trên các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Quảng Nam, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu. Giàu năng lượng cảm xúc và nhiệt huyết với cuộc sống, Dương Minh Bình sẽ còn tiếp tục là người bạn lớn đồng hành cùng bà con các dân tộc nghèo trên cả dải đất nhiệm màu hình chữ S...
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Bình Nhi-Đức Tâm-Trần Gia-Trần Vũ-Hiền Tâm
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Đức Tâm, Hữu Vinh, nguồn internet