“Làn gió mát” từ du lịch nông thôn xứ Quảng

"Du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm" là chủ đề của ngày Du lịch Thế giới (27/9) năm nay. Covid-19 đã khiến ngành du lịch chịu tổn thất chưa từng có, và để không một ai bị bỏ lại phía sau, du lịch phải mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho tất cả mọi người. Câu chuyện phát triển du lịch bền vững từ vùng nông thôn Quảng Nam những năm qua là một thí dụ điển hình của mô hình “du lịch vì sự tăng trưởng bao trùm”.

Hương đồng, gió nội

Chỉ mới phát triển du lịch trong vòng vài năm gần đây, nhưng hình ảnh một số làng quê của Quảng Nam đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước: làng rau Trà Quế, rừng dừa Cẩm Thanh, làng trái cây Đại Bình…Quảng Nam có tiềm năng lớn để biến loại hình du lịch nông thôn thành thế mạnh khi phục hồi du lịch, thu hút khách hậu Covid-19.

Cách TP Hội An khoảng 8km, farmstay Lò Gạch Cũ ở thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) là cái tên “hot” trên các diễn đàn, mạng xã hội của cộng đồng du lịch kể từ mùa hè 2020. Cơ sở du lịch được thiết kế mộc mạc, thân thiện giữa khung cảnh đồng lúa bao la, bát ngát, đẹp như tranh.

Du khách Quảng Nam, Đà Nẵng và khắp cả nước, đặc biệt là giới trẻ đã tìm đến đây tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm cuộc sống làng quê.

Chủ Lò Gạch Cũ là chị Lê Thị Thanh Nga (sinh năm 1986), một người con của đất Duy Xuyên. Sinh ra và lớn lên giữa ruộng đồng, Thanh Nga có đam mê và kiến thức nông nghiệp, đồng thời có sự nhạy bén và mạnh dạn để xây dựng mô hình farmstay (du lịch trải nghiệm ở nông trại), điều mà không nhiều người dân địa phương nghĩ tới.

Cảnh quan có thể đáp ứng nhu cầu thích trải nghiệm đẹp-độc của du khách.

Cảnh quan có thể đáp ứng nhu cầu thích trải nghiệm đẹp-độc của du khách.

Chị cho biết, từ năm 2019 bắt đầu thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hữu cơ, trồng giống lúa tím than và nghiên cứu một số sản phẩm chế biến từ gạo tím. Tình cờ trên cánh đồng của chị Nga có một lò gạch cũ bỏ hoang gần 20 năm, không có giá trị, thậm chí chính quyền địa phương từng định phá bỏ.

Tuy nhiên, nhận thấy cảnh quan có thể đáp ứng nhu cầu thích trải nghiệm đẹp-độc của du khách, chị Nga cùng gia đình đã mua lại, cải tạo, trang trí và biến khu vực chung quanh lò gạch này thành điểm check-in ấn tượng, đón khách tới ngắm cảnh đồng lúa, mua nông sản, thử làm nông dân...

Từ một khối bê-tông hoang phế, lò gạch trở thành điểm nhấn độc đáo. Chiếc cầu, hàng rào, bàn ghế trong quán cà-phê Lò Gạch Cũ đều được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa, gỗ, rơm rạ, hài hoà với thiên nhiên chung quanh. Khách vào cửa tham quan, chụp ảnh miễn phí. Farmstay còn tổ chức các hoạt động khám phá nghề trồng lúa, bắp (ngô), lớp học làm xà phòng thủ công, chế biến món ăn từ nông sản địa phương như lúa, khoai lang.

Đặc sản gạo tím than của farmstay Lò Gạch cũ

Đặc sản gạo tím than của farmstay Lò Gạch cũ

Tuy cơ sở phải đóng cửa nhiều lần để thực hiện các quy định phòng, chống Covid-19 trong năm qua, nhưng farmstay này vẫn duy trì hoạt động cơ bản là nông nghiệp, các sản phẩm chính bao gồm gạo tím than, ngô nữ hoàng, rượu gạo đen, trà gạo đóng chai…

Chị Nga chia sẻ, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi làm nông nghiệp kết hợp du lịch, nhưng nông dân chính là người hiểu rõ nhất ruộng vườn của mình, là “hướng dẫn viên” tốt nhất cho du khách. Việc cải tạo lò gạch, mở thêm dịch vụ ăn uống giúp cơ sở của chị thu hút nhiều khách đến mua hàng hơn, đồng thời cũng tăng giá trị và độ nhận diện của sản phẩm.

Quán cà-phê Roving Chillhouse có vị trí đắc địa giữa cánh đồng, được giới trẻ rất ưa thích. (ảnh: Hải Lâm)

Vẻ đẹp thơ mộng, đậm đà bản sắc Việt nơi đồng sen Trà Lý. (ảnh: Ngô Hoàng Khả Trí)

Vẻ đẹp thơ mộng, đậm đà bản sắc Việt nơi đồng sen Trà Lý hút khách tới sáng tạo những bộ ảnh với sen (ảnh: Ngô Hoàng Khả Trí)

Quán cà-phê Roving Chillhouse có vị trí đắc địa giữa cánh đồng, được giới trẻ rất ưa thích. (ảnh: Hải Lâm)

Vẻ đẹp thơ mộng, đậm đà bản sắc Việt nơi đồng sen Trà Lý. (ảnh: Ngô Hoàng Khả Trí)

Vẻ đẹp thơ mộng, đậm đà bản sắc Việt nơi đồng sen Trà Lý hút khách tới sáng tạo những bộ ảnh với sen (ảnh: Ngô Hoàng Khả Trí)

Cũng có “view” lúa mênh mông và luôn trong tình trạng hết chỗ mỗi dịp cuối tuần là quán cà-phê Roving Chillhouse ở phường Cẩm Châu, TP Hội An. Nằm giữa cánh đồng, quán gồm khu vực trong nhà và ngoài trời, với bốn mặt là không gian mở. Du khách ngồi chỗ nào cũng có thể thoải mái chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên xanh ngắt mùa lúa non, vàng ươm mùa lúa chín; vừa thưởng thức ẩm thực phố Hội, vừa ngắm nông dân làm đồng, hay thả hồn theo những con đường nhỏ rẽ vào thôn xóm bình yên.

Khung cảnh thanh bình đồng quê là nơi thư giãn lý tưởng của người dân và du khách.

Khung cảnh thanh bình đồng quê là nơi thư giãn lý tưởng của người dân và du khách.

Nhiều du khách đã so sánh nơi đây với những quán cà-phê giữa thiên nhiên ở Bali (Indonesia) hay Chiangmai (Thailand), vốn mê hoặc tín đồ du lịch khắp thế giới, phủ sóng mạng xã hội Facebook, Instagram, Tiktok… Ngoài ra còn có quán Xóm Chiêu ở phường An Mỹ, hay nhà hàng Trà Quế ở phường Cẩm Hà cũng được lòng du khách bởi nằm giữa cánh đồng gió lộng, mang đến cảm giác thoáng đãng và thư thái.  

Từ TP Hội An đi về phía nam khoảng 30km là đến đồng sen lớn nhất xứ Quảng: đồng sen Trà Lý – Đồng Lớn, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Khoảng 40 héc-ta sen chuyên canh được 50 hộ dân trồng từ hàng chục năm trước, nay trở thành điểm du lịch thu hút khách địa phương và các tỉnh lân cận. Nông thôn mới ngày càng khang trang, nhiều tuyến đường được mở đến sát cánh đồng, phục vụ thuận tiện cho người dân đi lại, thương lái đến mua sen, cùng đông đảo du khách tham quan, chụp ảnh.

Tuy sen nở chỉ có mùa (thường rộ trong tháng 6, tháng 7), nhưng cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho người trồng sen. Việc dạo chơi, ngắm sen khá dễ dàng vì giống sen ở đây trồng trên ruộng cạn, có nhiều lối đi xen kẽ. Ngoài sen, khu vực này còn có những thôn làng nhỏ xinh xắn, ruộng vườn tươi tốt, những hồ nước trong bao quanh là thảm cỏ xanh…

 Thảo Nguyên, một cô giáo trẻ ở TP Đà Nẵng cùng nhóm bạn tìm đến đồng sen dã ngoại, chụp ảnh, đã thốt lên: “Dịch bệnh khiến tụi em không thể đi chơi xa, nhưng cũng nhờ thế mà nhận ra gần ngay nơi mình sống cũng có rất nhiều nơi rất đẹp, đáng đến”. Về nông thôn hít thở không khí trong lành, ngắm hoa, thăm đồng, cắm trại… là những trải nghiệm du lịch ngày càng được nhiều thanh niên thành thị ưa chuộng.

Sức hấp dẫn từ những miền quê

Trong và sau Covid-19, nhiều chuyên gia du lịch đã dự báo xu thế được ưa chuộng trong thời gian tới sẽ là loại hình du lịch bền vững, an toàn, gần gũi với thiên nhiên mà du lịch nông thôn/nông nghiệp có thể bứt phá. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định đại dịch đã thay đổi nhận thức của con người về sức khoẻ và môi trường, từ đó hướng tới các mô hình du lịch nông trại, sinh thái, du lịch kết hợp học tập, trải nghiệm…

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) đầu năm 2021 cũng cho thấy phần lớn khách nội địa mong muốn hình thức du lịch thiên nhiên hoặc du lịch biển, ưu tiên đi thành nhóm nhỏ cùng gia đình, bạn bè.

Du khách nước ngoài tham quan rừng dừa Bảy Mẫu ở phường Cẩm Thanh, TP Hội An. (Ảnh: Hải Lâm)

Du khách nước ngoài tham quan rừng dừa Bảy Mẫu ở phường Cẩm Thanh, TP Hội An. (Ảnh: Hải Lâm)

Quảng Nam là địa phương có đầy đủ tiềm năng về tài nguyên, khí hậu, con người, văn hoá… để phát triển du lịch nông thôn. Ngoài phố cổ Hội An đã nổi tiếng lâu nay, xứ Quảng có màu xanh bạt ngàn của lúa, của dừa, có hệ thống sông ngòi dồi dào, có những làng nghề hàng trăm năm tuổi còn giữ nguyên nếp nhà xưa, giếng cổ, bờ tre…

Chỉ riêng mô hình farmstay, nhiều trang trại nông nghiệp, ngư nghiệp của địa phương này đang hoạt động tốt và hoàn toàn có thể kết hợp thêm hoạt động du lịch. Chẳng hạn như làng rau Trà Quế ở TP Hội An từng được nhật báo Le Figaro của Pháp vinh danh đầu tiên trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam, cũng như luôn có mặt trong các tour du lịch được khách nước ngoài lựa chọn khi đến Hội An.

Màu xanh mướt mát nơi làng rau Trà Quế yên bình. (Ảnh: Hải Lâm)

Màu xanh mướt mát nơi làng rau Trà Quế yên bình. (Ảnh: Hải Lâm)

Du khách thăm quan rừng dừa Bảy Mẫu (Ảnh: Duy Hậu)
(Ảnh: Page Người Hội An)

Theo Chủ tịch Hội Homestay Việt Nam Phạm Thanh Tùng: “Điều cốt lõi tạo nên farmstay là trang trại (farm) hoạt động ổn định, có nguồn thu từ nông sản, rồi mới phát triển phần dịch vụ lưu trú (stay) cho du khách trải nghiệm. Du lịch farmstay cần làm cho du khách cảm nhận được sự chào đón, thoải mái khi ở lại, đồng thời người chủ với sự am hiểu và biết ơn đối với chính những loại cây trồng, vật nuôi trên mảnh đất của mình tạo ra trải nghiệm xuyên suốt, riêng biệt và độc đáo cho du khách.”

UBND tỉnh Quảng Nam mới đây ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025, trong đó xác định mục tiêu kiến tạo được 10-20 mô hình tiêu biểu.

Một quán cafe vườn ở Hội An (Ảnh: Page Người Hội An)

Một quán cafe vườn ở Hội An (Ảnh: Page Người Hội An)

Du lịch xanh bao gồm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái… dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, không chỉ có khai thác tiềm năng mà còn xây dựng sản phẩm xanh, lối sống xanh… cho cả cộng đồng điểm đến.

Về xu hướng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Lê Ngọc Thuận nhận định: “Trước kia người Việt thường thích tìm đến nơi đông đúc, tiện ích, hiện đại, còn du khách quốc tế đặc biệt là Âu – Mỹ thích du lịch có trách nhiệm, mong muốn tiếp cận thật nhiều văn hoá, kiến trúc, tập quán, thiên nhiên... Tuy nhiên sự khác biệt này đang nhanh chóng được xoá nhoà, nhất là với tình hình sau dịch bệnh Covid-19. Những mô hình du lịch xanh, du lịch bền vững, trải nghiệm cuộc sống thôn quê sẽ được người Việt đón nhận nhiệt tình".

Nội dung: HOÀNG HẠNH
Trình bày: NGUYỄN TRANG, PHAN ANH
Ảnh: THANH NGA, HẢI LÂM, NGÔ HOÀNG KHẢ TRÍ, DUY HẬU, Page Người Hội An.