Những cuộc… đổi đời

DƯỚI TÁN RỪNG PÙ MÁT

Được ví như lá phổi xanh của của miền tây xứ Nghệ, Vườn quốc gia Pù Mát là khu vực bảo tồn tính đa dạng sinh học đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình lớn nhất bắc Trường Sơn. Đây cũng là ngôi nhà chung của 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ cùng gần 1.000 loài động vật. Không ít trong số này thuộc diện đặc biệt quý hiếm như sao la, hổ và voi rừng.

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ hơn 94.000 ha rừng đặc dụng tại đây đã được đặc biệt chú trọng, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của “báu vật” mang tên Pù Mát.

MỘT NGÀY TUẦN RỪNG CÙNG "ĐỘI ĐẶC NHIỆM" VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT

Biết chúng tôi có ý định theo chân lực lượng kiểm lâm trong một buổi tuần rừng, Lữ Văn Duy, Trạm phó trạm Quản lý, bảo vệ rừng Khe Choăng – trạm “tận cùng khó, tận cùng xa” của Vườn quốc gia Pù Mát liên tục cảnh báo về… mức độ khốc liệt của hành trình. Rằng, chuyến đi có thể sẽ kéo dài nhiều ngày mà “những tay ngang” không quen sẽ khó lòng chịu nổi. Và rằng, khi bước vào lõi rừng rồi, chuyện nản chí, quay về sẽ là… bất khả thi vì không có ai dẫn đường trở lại. Đặc biệt, vào rừng sẽ rất “ngộp” vì hầu như không có gió. Như một chiếc lồng kín. Chưa kể độ dốc cao, không có lối mòn, nguy cơ trượt ngã… luôn rình rập.

Đoàn phóng viên Báo Nhân Dân chuẩn bị tham gia chuyến tuần rừng cùng lực lượng kiểm lâm.

Đoàn phóng viên Báo Nhân Dân chuẩn bị tham gia chuyến tuần rừng cùng lực lượng kiểm lâm.

Nhưng thấy cánh nhà báo vẫn quyết tâm, Duy đành bấm bụng, nhắc anh em chuẩn bị thêm trang bị, lương thực mang theo. Kế hoạch nhanh chóng được anh phổ biến: Hôm nay, lực lượng kiểm lâm sẽ cùng các thành viên Đội chuyên trách bảo vệ rừng Anti Poaching của Save Vietnam's Wildlife lần theo dấu vết bẫy thú trong vùng lõi đại ngàn.

Trước giờ xuất phát, một lượng lớn nước uống, gạo, cá khô… đã được tập kết và xếp đầy trong các balo được làm bằng… vỏ bao tải đựng phân bón. Trong khi đoàn khách lo lắng vì nghĩ tới đoạn đường phải leo thì đội đặc nhiệm lại nhẹ bẫng, xăng xái khoác lỉnh kỉnh hành lý, thiết bị đi rừng.

Chuẩn bị cho chuyến tuần rừng tại Trạm Kiểm lâm Khe Choăng, VQG Pù Mát.

Chuẩn bị cho chuyến tuần rừng tại Trạm Kiểm lâm Khe Choăng, VQG Pù Mát.

Đúng 7 giờ sáng, cả đoàn bắt đầu xuất phát. Lữ Văn Duy, người rắn chắc như một cây lim rừng, cõng trên lưng một balo màu xanh bạc đã cũ sờn, tay cầm quắm phát cây rảo bước dẫn cả đoàn tiến về phía trước.

Rời trạm chừng nửa giờ, vượt qua dòng suối lớn mùa khô, băng tiếp rừng thưa đa phần là vầu nứa, thử thách đầu tiên của đại ngàn “thết đãi” khách đường xa mới chính thức được… bày ra. Do là rừng nguyên sinh nên các lối mòn bắt đầu mất dấu hẳn. Dốc nối dốc, thi thoảng lại dựng đứng lên như sống lưng con ngựa bất kham đang lồng lên giận dữ. Tốc độ của cả đoàn bắt đầu chậm hẳn lại.

Không có đường, chúng tôi phải lổm ngổm bò, tay cố níu chặt vào từng mấu đá, gốc cây nhô ra. Tiếng thở dốc mỗi lúc một rõ. Người không quen, đã phải áp sát mình vào mặt đất, hì hục tiến lên từng bước. Áo ngoài, khăn đội đầu ướt đầm mồ hôi. Đến cả ngực cũng như muốn vỡ tung ra vì thở gấp. Thi thoảng, đất đá từ người phía trên lại lộp cộp trôi, rồi lọt thỏm xuống phía đoạn đường vừa vượt qua ban nãy.

Mông Văn Khánh, người Đan Lai bản địa, từng là một thợ săn có tiếng nay đã hoàn lương. Do có nhiều kinh nghiệm nhất, anh được cắt cử đi sau cùng để hỗ trợ đoàn phóng viên, cũng như đề phòng bất trắc. Chặt cho mỗi người một cây gậy chống, Khánh cười bảo: Từ đây lên đến điểm nghỉ, toàn bộ đường sẽ chỉ toàn dốc như này.

“Anh chị phải tiết kiệm nước và đặc biệt phải bám sát đoàn, tránh việc bị lạc lại ở phía sau”, cựu thợ săn của Pù Mát lên tiếng nhắc nhở.

Nói đoạn, Khánh kể, vào khoảng năm 2010, có một cán bộ đi tuần tra rừng do mệt quá nên đã ngồi nghỉ lại bên một gốc săng lẻ già. Nhưng chỉ một lát sau, anh phát hiện đồng đội đã khuất bóng sau những vạt cây um tùm. Khi đoàn kiểm lâm phát hiện ra, quay lại tìm thì tận… 2 ngày sau mới thấy chàng thanh niên trẻ nằm co ro trong một bụi cây, mặt tái mét và vô cùng hoảng loạn. Suốt 48 giờ, người bị lạc thiếu kinh nghiệm không thể tìm được thức ăn. Thứ duy nhất trong tay chỉ là một chiếc bật lửa đã gần hết gas.

Nghe chuyện, đội trưởng Lữ Văn Duy góp thêm: Nguyên tắc bất di bất dịch là mắt luôn phải nhìn thấy lưng người đi trước. Bởi, đi rừng nếu không bám đoàn rất dễ bị bỏ lại vì chỉ cần một đoạn cong khuất sẽ khiến mọi dấu vết bị… xóa sổ.

Càng lên cao, đường càng khó đi. Những tán rừng thấp đã lùi lại hẳn phía sau. Bốn bề chỉ còn những gốc cây dựng đứng, che kín cả nền trời. Thi thoảng, người leo còn thấy lùng bùng bên tai tiếng đàn khỉ chí chóe giành ăn đâu đó trên những tán cây rậm rì.

Theo trạm phó Trạm kiểm lâm Khe Choăng, khu vực trạm quản lý có diện tích khoảng 18.000 ha, giáp biên giới Việt – Lào. Đây cũng là nơi Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam chọn làm điểm thả nhiều loại động vật hoang dã sau cứu hộ. Hiện, trạm Khe Choăng có 6 cán bộ biên chế. Tính bình quân, mỗi cán bộ có nhiệm vụ bảo vệ gần 3.000 ha.

“Chúng tôi có 2 hình thức tuần tra bảo vệ rừng, bao gồm đi tuyến dài từ 7-10 ngày/tháng và kiểm tra tuyến ngắn ngay trong ngày. Chuyến đi cùng các anh chị hôm nay thuộc hình thức thứ hai”, trạm phó Duy tiếp tục chia sẻ.

Dừng lại một lát, anh tiếp lời, đối với tuyến dài, việc đầu tiên anh em… phải làm là… tìm nơi có sóng điện thoại để gọi điện về báo cho gia đình biết, bởi “vào rừng, chẳng ai nói trước được chi mô”. Xong xuôi, tất cả mới chia nhau chuẩn bị trang thiết bị, sổ sách, lương thực, thực phẩm. Tính cả máy định vị, bản đồ, đèn và nhu yếu phẩm, mỗi người trung bình sẽ phải cõng ngót nghét 20kg hành lý trên vai.

Tuần tra trong rừng, lực lượng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, thiếu thốn. Ngoài muỗi, vắt, ruồi vàng, họ còn phải đối mặt với thú dữ, rắn độc… Tuy nhiên không quản ngại khó khăn vất vả, "Đội đặc nhiệm" sẽ xoay tua tuần tra liên tục ra vào rừng. Đội này ra khỏi rừng thì có đội khác vào túc trực, tuần tra ngay để trong rừng lúc nào cũng có người.

Mỗi khi đến địa điểm cần thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong Đội đặc nhiệm sẽ đánh dấu lại vị trí trên bản đồ GPS.

Tuyến đường tuần tra được kiểm tra liên tục để bảo đảm hiệu quả cao.

Lương Văn Nam, trưởng nhóm bảo vệ rừng Anti Poaching, thành viên Tổ tuần tra đã có 9 năm gắn bó với Pù Mát. Nam bảo, công việc tuần tra rừng cực nhất là vào mùa mưa. Giai đoạn này, rừng nguyên sinh có thể thách thức ngay cả những người giàu kinh nghiệm nhất. Độ ẩm lớn, vắt khắp nơi. Đáng sợ hơn chính là lũ quét.

“Tôi vẫn nhớ giai đoạn tháng 9/2022, khi anh em rời trạm, trời vẫn nắng đẹp. Sau 1 ngày, vào đến lõi rừng thì toàn bộ thiết bị liên lạc… mất sóng. Không ai biết bão số 4 đang đổ bộ về miền trung gây mưa rất lớn. 1 giờ sáng, khi cả đoàn đang ngủ thì bỗng có ai gọi thất thanh: Có lũ”.

Nghe hiệu lệnh, tất cả vùng dậy, nháo nhào chạy ra khỏi đường… lũ quét. Khi đã hoàn hồn thì nơi cắm trại chỉ còn lổn nhồn bùn và một vài chiếc nồi lấm lem đất. Mấy gã đàn ông, mặt thất thần, người ướt sũng, bì bọp nhặt lại những gì còn sót lại. Những ngày sau đó, cả đội chỉ biết cố động viên nhau vượt qua cơn đói, vượt qua những dòng nước lớn để ra khỏi rừng.

Gỡ bẫy, cứu hộ động vật trong Vườn quốc gia Pù Mát. (Ảnh tư liệu)

Gỡ bẫy, cứu hộ động vật trong Vườn quốc gia Pù Mát. (Ảnh tư liệu)

Cánh "lính mới" vào Khe Choăng còn truyền tai nhau rằng: Vào Pù Mát làm kiểm lâm, ngoài sức khỏe, cần có thêm kỹ năng… đu dây như diễn viên xiếc. Bởi, trên đường “hành quân”, nhiều đoạn thác từ trên lưng chừng trời ầm ầm đổ xuống, cắt ngang toàn bộ lối đi. Anh em buộc phải cắt dây rừng, bện thành những sợi dài cả chục mét rồi cử một người giàu kinh nghiệm nhất trèo vòng lên trên, cố định 2 bên để từng thành viên bám vào đi qua.

Đi đã khổ một thì chuyện ăn uống lại khổ tới… hai, ba. Đồ ăn ngoài cá khô, muối vừng, thì còn có những miếng thịt đựng vào trong những lọ muối để chống thiu. Mỗi lần nấu, dù đã luộc đi luộc lại mấy lần mà vị mặn chát vẫn đăng đắng nơi đầu lưỡi.

Lương Văn Nam, trưởng nhóm bảo vệ rừng Anti Poaching, thành viên Tổ tuần tra đã có 9 năm gắn bó với Pù Mát.

Lương Văn Nam, trưởng nhóm bảo vệ rừng Anti Poaching, thành viên Tổ tuần tra đã có 9 năm gắn bó với Pù Mát.

công việc tuần tra rừng cực nhất là vào mùa mưa. Giai đoạn này, rừng nguyên sinh có thể thách thức ngay cả những người giàu kinh nghiệm nhất. Độ ẩm lớn, vắt khắp nơi. Đáng sợ hơn chính là lũ quét.

công việc tuần tra rừng cực nhất là vào mùa mưa. Giai đoạn này, rừng nguyên sinh có thể thách thức ngay cả những người giàu kinh nghiệm nhất. Độ ẩm lớn, vắt khắp nơi. Đáng sợ hơn chính là lũ quét.

Chống thợ săn bằng... thợ săn

Đang mặn chuyện, bỗng từ phía trước, “cựu thợ săn” người Đan Lai Mông Văn Khánh khựng lại. Vốn có cả chục năm “ăn của rừng”, Khánh đã thuộc từng ngóc ngách của lõi Pù Mát. Gần như nằm rạp xuống, gã lấy mấy đầu ngón tay đẩy nhẹ lớp lá khô trên mặt đất, để lộ ra vài dấu chân mơ hồ của một loài thú móng guốc nào đó.

Cựu thợ săn Mông Văn Khánh giải thích cơ chế hoạt động của bẫy dây.

Cựu thợ săn Mông Văn Khánh giải thích cơ chế hoạt động của bẫy dây.

“Đường thú chạy các anh ạ. Gần đây khả năng có bẫy của dân”, Khánh vừa nói vừa lần tìm chung quanh. Chỉ ít phút sau, bên dưới lộ ra một chiếc bẫy kẹp cỡ nhỏ vẫn còn bóng sáng.

“Thông thường, các thợ săn sẽ đặt bẫy ngay trên đường di chuyển của thú. Họ rất tinh trong việc phát hiện dấu chân động vật. Chỉ cần nhìn vết móng là phán đoán được đó là nai, sơn dương hay sóc”, Khánh vừa cẩn thận nhấc bẫy, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm đánh dấu vị trí phát hiện trên thiết bị GPS vừa giải thích.

Vệt thú chạy phát hiện trong rừng già Pù Mát.

Vệt thú chạy phát hiện trong rừng già Pù Mát.

Thậm chí, “cựu thợ săn” khẳng định, để tăng “hiệu năng”, một hệ thống bẫy liên hoàn cũng sẽ được thiết lập. Để chứng minh, người đàn ông bản Co Phạt nhặt một khúc cây dài chừng 1m bắt đầu dò dẫm chung quanh. Đến một bụi tre lân cận, bỗng đầu gậy rút mạnh. Lực kéo từ bẫy dây hất văng khúc cây ra khỏi tay Khánh, treo lủng lẳng lưng chừng.

“Đây là bẫy dây, loại bẫy được làm từ dây phanh xe đạp, dây cáp hoặc thậm chí… dây điện. Một đầu bẫy được buộc vào ngọn cây. Đầu còn lại thường được buộc dạng thòng lọng rồi cố định thông qua hệ thống lẫy đơn giản bằng cành khô ghim trên mặt đất. Khi được lắp đặt, toàn bộ hệ thống như dây cung với lực bật rất lớn”, Khánh giải thích.

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tiến hành thu bẫy dây do người dân đặt trong Vườn quốc gia Pù Mát.

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tiến hành thu bẫy dây do người dân đặt trong Vườn quốc gia Pù Mát.

Thậm chí, để tăng… sát thuơng, nhiều thợ săn còn mài sắc phần tiếp xúc. Với loại bẫy này, chỉ cần đi qua, thòng lọng sẽ thít chặt “nạn nhân” trước khi treo chúng cho tới… chết – cái chết đến từ từ, dai dẳng và đau đớn sau… rất nhiều ngày. Nếu may mắn thoát được, động vật cũng sẽ tiếp tục chịu cơn đau kéo dài hàng tuần trước khi gục xuống vì nhiễm trùng hoặc mất máu. Tổ trưởng Tổ gỡ bẫy Lương Văn Nam thì chua xót kể, thời điểm còn làm việc tại trạm Khe Kèm, anh liên tục phải chứng kiến cảnh voọc dính bẫy dây, có con chỉ còn trơ lại xương trắng.

Theo thống kê của WWF công bố năm 2020, riêng các khu vực bảo tồn tại Việt Nam, Lào, và Campuchia có tới khoảng 12,3 triệu bẫy dây theo hình thức này…

Riêng tại Pù Mát, tính tới tháng 12/2024, cơ quan chức năng đã gỡ được trên 1.500 bẫy thủ các loại, phá hủy 97 lán của thợ săn, tịch thu nhiều kích điện đánh bắt cá trái phép, trục xuất 54 người ra vào rừng trái phép.

Thậm chí, trong khuôn viên trụ sở làm việc của Vườn quốc gia Pù Mát còn đang trưng bày một cặp voi mẹ, con được làm từ hơn 15.000 chiếc bẫy thú. Đây là số bẫy do lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Pù Mát tháo gỡ, tịch thu trong giai đoạn 2018-2023. Các bẫy thú rừng được sử dụng "kết voi" chủ yếu là bẫy kẹp, bẫy dây sắt thòng lọng, bẫy lao.

Việc kết bẫy thú rừng thành cặp voi nhằm gửi tới du khách và người dân thông điệp là không sử dụng bẫy săn thú rừng, bảo vệ các loại động vật hoang dã. Khi xem mô hình cặp voi mẹ con được làm từ những chiếc bẫy thú ai cũng trầm trồ. Đồng thời đánh giá đây là một tác phẩm độc lạ, lại rất có ý nghĩa.

Hai chú voi được làm từ 15.000 chiếc bẫy thú. Đây là số bẫy do lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Pù Mát tháo gỡ, tịch thu trong giai đoạn 2018-2023.

Phần đầu của vòi voi làm bằng bẫy kẹp - một loại bẫy có tính sát thương rất cao, có khả năng gây nhiễm trùng cho các loại thú không may gặp phải.

Trở lại với Pù Mát. Khánh, một cựu thợ săn vốn chỉ quen với rừng già dĩ nhiên không biết tới những con số nêu trên. Nhưng, là một người từ “ăn của rừng”, vài năm trước, hơn ai hết, Khánh cảm nhận rõ rằng: Rừng hình như đang bị… rỗng dẫn từ bên trong. “Đi vào rừng hái măng hiếm khi nghe thấy vượn hót, chim kêu. Vệt mang, nai đi cũng thưa vắng hẳn. Thế là em… nghỉ, xin vào Đội gỡ bẫy Anti poaching, hỗ trợ anh em kiểm lâm”.

Ở Pù Mát, những người như Khánh chẳng phải hiếm hoi. Lãnh đạo vườn quốc gia từ nhiều năm qua đã cố gắng thuyết phục và… thuê chính những thợ săn và lâm tặc hoàn lương giữ rừng như một nhiệm vụ chuyên trách. Đó là các trường hợp của gã “tìm trầm” Nguyễn Văn Huy ở Trạm kiểm soát bảo vệ Khe Thơi hay “người rừng” Lương Văn Kính ở Khe Bu. Dựa vào kinh nghiệm “thượng thừa” hàng chục năm “ăn rừng”, họ luồn lách dưới tán lá xanh, gỡ sạch bẫy trên đường; rồi vận động bà con bàn giao súng, bỏ nghề săn bắn cũ.

Các cựu thợ rừng “thính” đến độ luôn được cử làm hoa tiêu dẫn đường cho cả đoàn mỗi khi tới vùng lạ. Đi dọc khe suối, thấy có rác hoặc nước đục ngầu lên, họ sẽ biết chắc chắn phía trước có lán dựng trái phép. Nhìn dấu chân người hoặc cành lá ngã rạp, họ cũng sẽ phán đoán được phía trước mình đang có… lâm tặc hay không.

“Có những lúc, bà con mắng dữ lắm, bảo thằng Khánh được lắm. Mi là gì mà bảo chúng tau không được vào rừng. Chúng tau sẽ đập mi đó. Nói vậy, nhưng bà con được vận động nên cũng tui cũng nỏ hề chi”, Khánh cười hiền lành nói.

Tổ trưởng Lương Văn Nam thì bảo: Nhờ có những người như Khánh, chính xác hơn, nhờ cách làm “lấy thợ săn để chống thợ săn” mà 3 năm qua, rừng dần giàu trở lại. Giờ đi vào lõi Pù Mát, các anh đã có thể thấy vượn đùa nhau, chim chóc bay lượn; thấy cả dấu vết của những loài đặc hữu như mang Trường Sơn, sơn dương hay rái cá…

Những đàn nai trở về....

Những đàn nai trở về....

ĐỘI ĐẶC NHIỆM CHỐNG SĂN THÚ

Nhắc tới nỗ lực bảo vệ rừng Pù Mát, bên cạnh lực lượng kiểm lâm và nhóm những “thợ săn hoàn lương”, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới Đội chống săn trộm – Anti poaching Team mà Lương Văn Nam tham gia.

Tháng 6/2018, với mong muốn tham gia tích cực vào hành trình “giữ xanh trái tim Pù Mát”, tổ chức Save Vietnam’s Wildlife đã thành lập Anti Poaching Team. Ban đầu, đội chỉ bao gồm 7 thành viên, trước khi mở rộng ra như hiện nay.

Tất cả thành viên là những thanh niên ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng chuyên ngành về Lâm nghiệp ở Việt Nam. Các thành viên phải trải qua quá trình đào tạo và huẩn luyện nghiêm khắc từ việc dồi kiến thức về bảo tồn, các loài động vật hoang dã, luật pháp, vấn nạn xã hội cho đến kỹ năng tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và cả việc học theo thợ săn – những người có nhiều kinh nghiệm đi rừng đồng thời tìm và phát hiện dấu vết vi phạm trong rừng.

Đội chống săn trộm của SVW cũng là mô hình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thuộc Dự án phi lợi nhuận được nhận nguồn viện trợ kinh phí hoạt động từ các tổ chức bảo vệ hoang dã quốc tế, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm sắp tuyệt chủng.

Kết hợp với lực lượng kiểm lâm cơ sở, Anti Poaching Team góp phần tạo nên một đội “đặc nhiệm” hoạt động theo cơ chế tuần tra chung, có nhiệm vụ triển khau các tuyến tuần tra bảo vệ rừng; truy quét, ngăn chặn và gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại, tịch thu súng săn, đẩy đuổi người ra khỏi vùng cấm khai thác.

Nguyễn Hữu Trung, một trong những thành viên đầu tiên của Anti Poaching chia sẻ: Trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, gỡ bẫy, cứu thú, không ít lần các thành viên nhóm bảo vệ rừng phải đứng hình trước những cảnh tượng đau lòng.

“Thay vì được nhìn thấy động vật sống thì lại nhìn thấy những xác động vật treo lơ lửng trên dây bẫy hay là những đống xương động sau khi bị lấy thịt chất đầy hốc cây. Một số anh em còn không dám nhìn.” Trung bồi hồi nhớ lại.

Điều mà Trung từng mang về sau mỗi chuyến đi rừng là những ưu tư, hình ảnh ám ảnh về những cái chết đen, hay nỗi niềm đau đáu khi thấy các hoạt động trái phép còn rất nhiều, đi đâu cũng thấy lán trại của thợ săn…

“Sau hơn 4 năm gắn bó với công việc bảo vệ rừng, mình đã không còn trông thấy những nhà dông bẫy dài, những lán trại cố định nữa, thấy được nhiều dấu vết động vật hoang dã hơn,” Trung nói trong tự hào.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Pù mát, sự kết hợp chung dưới sự điều phối của Vườn cũng chính là mô hình tuần tra bảo vệ rừng đầu tiên được thiết lập tại Việt Nam, đồng thời mang lại hiệu quả rõ nét.

Tính riêng trong năm 2024, nhờ mô hình phối hợp hiệu quả, công tác quản lý, bảo vệ hơn 94.000 ha rừng đặc dụng tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương đạt nhiều kết quả quan trọng. Đơn vị đã tổ chức 563 lượt tuần tra, tháo dỡ 54 lán trại, gỡ bỏ 308 bẫy thú, trục xuất 49 người xâm nhập trái phép và xử lý 10 vụ vi phạm hành chính. Ngoài ra, 10 cá thể động vật hoang dã, 6 bộ kích điện và 2 khẩu súng tự chế đã bị thu giữ.

Vườn quốc gia Pù Mát nhìn từ trên cao.

Vườn quốc gia Pù Mát nhìn từ trên cao.

Công tác giao khoán bảo vệ rừng tiếp tục được đẩy mạnh, với hơn 65.000 ha rừng được giao khoán cho 588 hộ gia đình, 108 nhóm hộ và 11 cộng đồng dân cư. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng đã giúp người dân vùng đệm cải thiện đời sống, giảm áp lực lên tài nguyên rừng.

Về bảo tồn động vật hoang dã, 35 cá thể đã được tiếp nhận và cứu hộ, trong đó 20 cá thể được tái thả về tự nhiên. Hơn 1.500 cá thể động vật ngoại lai cũng được phối hợp chuyển giao đến cơ sở cứu hộ. Vườn quốc gia Pù Mát đang triển khai các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu loài cá đặc hữu và phát triển các loại dược liệu quý.

Năm 2024 cũng không xảy ra vụ cháy rừng nào tại vùng lõi. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và động vật hoang dã cũng được thực hiện thường xuyên. Vườn quốc gia đã đón hơn 40.000 lượt khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Pù mát, sự kết hợp chung dưới sự điều phối của Vườn cũng chính là mô hình tuần tra bảo vệ rừng đầu tiên được thiết lập tại Việt Nam, đồng thời mang lại hiệu quả rõ nét.

Chiều cùng ngày, sau hơn 5 tiếng băng rừng, gỡ bẫy, kiểm tra hiện trạng vùng rừng lõi Khe Choăng, cả đoàn quyết định hạ trại ven một con suối nhỏ. Một bếp lửa dã chiến được nổi lên, bữa cơm đơn sơ giữa đại ngàn cũng được chuẩn bị. Quây quần bên bếp lửa, anh em kể cho nhau nghe chuyện vợ con, gia đình ở nhà ra sao. Trong phút chốc, không gian chỉ còn lại tiếng cười. Phía xa, tiếng vượn gọi nhau cuối chiều văng vẳng, khắc khoải như hằn in lên nền rừng đang xạm đi trong loang lổ tối.

Ngày mai, hành trình của những trái tim xanh giữ rừng Pù Mát sẽ tiếp tục được nối dài…

Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân tham gia chuyến tuần rừng cùng lực lượng bảo vệ rừng Pù Mát.

Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân tham gia chuyến tuần rừng cùng lực lượng bảo vệ rừng Pù Mát.

Ngày xuất bản: 30/1/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - THÀNH CHÂU
Nội dung và trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh & Video: THÀNH ĐẠT, VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT, BÁO NGHỆ AN