Nhà báo trong tâm dịch
Chung sức cùng xã hội


Nhà báo Dương Minh Anh
Sinh năm 1976
Phóng viên Báo Nhân Dân làm việc tại Cơ quan thường trực TP Hồ Chí Minh
Tình nguyện viên Câu lạc bộ “Chuyến xe nghĩa tình” của Hội Chữ thập Đỏ TP Hồ Chí Minh
Nhà báo trong tâm dịch, ngoài ghi chép và viết, còn là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử buồn. Nhưng trong tận cùng khốn khó và hiểm nguy, vẫn xuất hiện những điểm tựa cho người bệnh Covid-19, người xấu số mất do dịch, và cả những hành động nhân văn “bộc phát”. Và những sự kiện ấy, sẽ được người làm báo ghi chép, lan tỏa vào cuộc sống, góp phần cùng xã hội vượt qua đại dịch.
6 giờ sáng
Điện thoại reo, đầu bên kia, một lời kêu cứu: “Nhà báo giúp giùm. Nhà có 6 người dương tính, trong đó bà Huỳnh Thị Lắm chết hồi khuya. Hai vợ chồng tôi tàn tật, ba đứa con còn nhỏ, xin giúp cái hòm và hỏa táng bà. Địa chỉ: 23/27 đường Nhật Thảo, quận 10”.
Không kịp rửa mặt, tôi chuyển thông tin này đến Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh. Mười phút sau, Chủ tịch Hội Trần Trường Sơn có phản hồi: “Đang chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ quận và phường vào. Lo đến đâu, chúng ta tính tiếp đến đó”.
Bình tâm chút, tôi xác minh thì biết gia đình này rất khó khăn. Qua gần hai năm dịch kéo dài, họ đã kiệt quệ không mua nổi hòm, gọi dịch vụ tiền cao quá, căn nhà chỉ tám mét vuông đang có 5 F0 sống và 1 xác chết đã trắng. Để “chuẩn” hơn, tôi đề nghị và người nhà đã gửi clip. Thật đau lòng!
8:00
Tôi vào group Zalo nhà báo-bác sĩ, thấy tít “Đêm giông bão”, mở ra xem thì thấy chút tích cực từ Đội Hỗ trợ F0: “Đêm qua, ổ dịch với hàng chục ca đang trở nặng cần được ứng cứu khẩn, có nhiều em nhỏ, cụ già, người vô gia cư… tâm lý không ổn định, giao tiếp hạn chế, rất khó làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Toàn đội bàn rất kỹ, lên phương án, lập riêng nhóm năm bác sĩ chuyên trách theo dõi 24/24. Những chuyến xe chở oxy, đồ bảo hộ, vật tư y tế đưa đến ổ dịch ngay.
Khó khăn nhất là không thể hướng dẫn những người bên trong sử dụng các phương tiện, vật tư đúng cách. Nhóm đã bàn mua gấp một số smartphone để giao tiếp bằng video call cùng F0.
Không ai bán, nhóm gọi ngay cho Dat Nguyen, CEO Di Động Việt. May thay bạn ấy từ chối bán mà… xin tặng. Với nỗ lực của toàn đội, mọi thứ đã dần kiểm soát, từng ca rồi từng ca cơ bản ổn, ca nặng nhất với chỉ số SpO2 chỉ 66% đã hồi sinh thần kỳ khi SPO2 lên gần 90%. Cảm ơn đồng đội tuyệt vời, cảm ơn người TP Hồ Chí Minh tốt bụng giúp nhau trong giông bão. Thông tin này được kiểm chứng và đến 11 giờ, tôi đưa vào bài cho một ấn phẩm của Báo Nhân Dân.

13:00
Cơ quan yêu cầu có ngay bài viết về công tác tiêm vaccine của một quận cho số báo tới. Điện thoại xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận, vốn nguyên là một F0 khỏi bệnh, đồng chí nhiệt tình cung cấp ngay báo cáo, cùng hơn 10 ảnh minh họa, kèm câu: “Mong thành phố có nhiều thông tin bớt đau thương”.
Bài viết hoàn thiện sau 50 phút, tôi bấm nút “gửi” trên Gmail. Làm báo thời dịch nên tôi nhắn thêm câu: “Báo cáo đã gửi 'hàng.' Sếp bên kia: 'Ok em'."
14:00
Tôi phải ra đường chuyển thức ăn cho ba F1 là người thân, đồng thời mang thùng nước muối cho một người bạn súc họng, vệ sinh mũi. Qua ba chốt phòng, chống dịch từ quận Bình Tân sang Tân Phú, rồi quận 11, quận 10, thùng nước muối đến chủ nhân sau hơn một giờ, trong lúc ngày thường mất phân nửa thời gian. Lại trình thẻ, giấy tờ để ship thức ăn, thuốc đến nơi cần. Những món vặt vãnh này, không thể nhờ ai trong thời điểm này cả.
Thuận tay, tôi chớp vài tấm hình, để lưu lại hình ảnh một thời điểm buồn. Trên đường, chỉ xe cứu thương rú còi và vài shipper công nghệ cắm cúi chạy. Công an, bộ đội đứng khắp nơi làm nhiệm vụ, nắng chang chang trên đầu!

15:30
Tôi hẹn với Nguyễn Thanh Quang, anh chàng đầu trọc chuyên lái xe chở F0 trong group “Chuyến xe nghĩa tình”. Đang là Giám đốc Công ty CP Sứ Việt Nam và Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Inovina nhưng khi dịch bùng phát, anh vừa chỉ đạo sản xuất, vừa làm tình nguyện.
Đang tự cách ly vợ con, Quang nói anh cảm thấy ngộp và nóng khi lần đầu mặc bộ đồ bảo hộ.
Xe trờ đến điểm hẹn, chưa kịp bấm mở cửa, hai bà cháu F0 vừa xuất viện ập đến, leo ngay lên xe. Vào số, nhấn ga, chúng tôi nghe em bé cứ reo mừng, còn bà cụ thì rưng rưng.
Chỉ một đoạn ngắn từ Khu Cách ly KTX Đại học Ngân hàng về phường Tam Bình (TP Thủ Đức) mà Quang và phụ lái bị hai bà cháu quây bằng chục câu hỏi. Họ đã cách ly điều trị quá lâu và rất mừng vui khi về nhà.
Chiếc xe 51A-630.38 đưa hai bà cháu: Lê T. Đ. (53 tuổi) và Huỳnh N. M. (9 tuổi) về địa chỉ X đường 12, KP4, phường Tam Bình, thật bình an. Chàng doanh nhân đầu trọc tốt bụng thở phào.

18:00
Bốn thùng bún gạo khô xin được, tôi mang cho bốn gia đình khó khăn theo đúng ý người cho. Người này là Anh hùng Lao động, lại là cô ruột tôi, phát thực phẩm cho dân nghèo cả năm nay rồi. Cả thành phố này, hầu như ai cũng phát tâm thì tôi với nhiệm vụ vận chuyển, tiếc gì một chút công sức.
Các chốt phòng, chống dịch thấy chiếc xe máy chở thực phẩm, cũng không gọi hỏi gì. Các anh phất tay cho xe qua nhanh, ai cũng hiểu, người dân đã rất khó khăn rồi.
Tối, tại trụ sở Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP Hồ Chí Minh, xe Mitsubishi Triton của gia đình anh Lê Quốc Toàn, Lê Đức Phát (con trai) xuất phát đến điểm hẹn chở F0 vào viện.
Hai vợ chồng F0 rất nặng phải chuyển từ Bệnh viện Dã chiến Củ Chi về bệnh viện tuyến cuối. Anh vừa chạy vừa an ủi F0 bớt lo lắng, căng thẳng.
Thời điểm này, ngoài xe cấp cứu thì ít có ai dám chở F0. Nhưng các doanh nhân thì lại “lỳ và liều”: chở cấp cứu, chở F0 về, F0 vào viện, chở hòm F0 đi hỏa táng… đều là những công việc mà họ chấp nhận làm bởi hiện tại, rất khó tìm dịch vụ cấp cứu, mai táng, hỏa táng.
20:00
Tôi ăn bữa mì tôm quen thuộc thứ ba trong ngày. Ra đường săn tin, rồi sử dụng điện thoại lấy tin liên tục, mắt rất mỏi và vai gáy như rã rời. Quá nhiều thông tin mà một người làm báo cần tiếp thu, trong đó ngoài công việc viết, ghi chép lịch sử; tôi còn là một shipper, một tay xin… hòm, một tư vấn tâm lý cho F0 qua điện thoại.
Một ngày quá nhiều tin tức và công việc đối với người làm báo trong đại dịch, thế nhưng chỉ một dòng tin cuối ngày: “Qua Hội Chữ Thập đỏ, Hiệu trưởng Trường Anh ngữ Quốc tế Mỹ Việt Phan Hưng Quốc và Hiệu phó Trường Trung cấp Y tế Quang Trung Nguyễn Đình Bá đứng ra lo hậu sự cho bà Huỳnh Thị Lắm và sẽ đưa tro cốt người xấu số vào Chùa Phật Linh 2” đã làm tôi vơi đi những mệt mỏi, cảm thấy ấm áp trong tình yêu thương đồng loại.
Từ trường hợp đau lòng này, Quỹ “Ấm áp người ra đi” hình thành.

Tổ chức sản xuất: Ngọc Thanh
Thực hiện: Hữu Việt, Hồng Minh, Lê Vân, Bông Mai, Dương Minh Anh, Phương Mai, Thiên Vương, Mạnh Hảo