ETC
Quyết tâm chính trị và khát vọng đồng bộ hoá hạ tầng thanh toán điện tử
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Ðây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông, chủ phương tiện đi qua trạm không cần dừng lại trả tiền.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Công nghệ này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường, nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách quản lý phương tiện hiện đại một cách dễ dàng.
Hành trình 7 năm gian nan
Dự án thu phí không dừng ETC bằng công nghệ RFID được thí điểm tại Việt Nam từ 2015, quá trình triển khai gặp vô vàn khó khăn, nhiều lần trì hoãn và đình trệ kéo dài. Hành lang pháp lý cho thu phí không dừng ETC dần hình thành với Nghị quyết 437 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, tạo tiền đề phát triển và đặt ETC vào đúng vai trò và vị trí tương xứng của nó. Thí điểm thu phí tự động hoàn toàn đầu tiên trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 6/2022 cho kết quả đột phá, tỷ lệ ETC đạt 97%, chứng minh lợi ích vượt trội của ETC tới người dân, phương tiện lưu thông.
I - Hai kỷ lục của ngành ETC
Sau các đợt kiểm thử thành công, ngày 1/8/2022, chủ đầu tư Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà thầu Công ty cổ phần Tasco đã chính thức hoạt động dịch vụ ETC trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Công trình nằm trong hợp đồng dịch vụ thu phí ETC 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Nội Bài – Lào Cai và Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Đây là một trong những dự án trọng điểm được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải hết sức quan tâm, liên tục đôn đốc, chỉ đạo, giám sát do tính chất quan trọng của 4 tuyến cao tốc huyết mạch và quy mô lớn nhất lịch sử ngành ETC Việt Nam.
Nội Bài-Lào Cai cũng là tuyến cao tốc đầu tiên nằm ngoài hệ thống cao tốc bắc-nam phía đông và là tuyến cao tốc nối miền ngược với miền xuôi duy nhất trên cả nước đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ áp dụng thu phí hoàn toàn tự động. Tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai vẫn đang giữ kỷ lục về chiều dài tuyến và có nhiều trạm thu phí nhất cả nước. Đặc điểm này khiến quá trình thi công, lắp đặt, vận hành thử nghiệm ETC trên toàn tuyến Nội Bài-Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn.
Do áp lực về tiến độ hoàn thành (chưa đầy hai tháng), VEC và nhà thầu đã phải phân bố lực lượng trên chiều dài 245 km, trong điều kiện khí hậu thời tiết khu vực mùa hè hay xảy ra mưa giông, tố lốc rất nguy hiểm… Với tinh thần quyết tâm vượt qua trở ngại, VEC và Tasco đã đưa hệ thống ETC trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào vận hành đúng tiến độ yêu cầu. Tasco/VETC rất tự hào đã đóng góp một phần vào nỗ lực chung của Nhà nước và nhân dân trong quá trình xây dựng hệ thống giao thông thông minh qua ứng dụng công nghệ ETC suốt dọc dài Tổ quốc.
“Tasco/VETC cùng các nhà thầu phụ đã huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai xây lắp hệ thống ETC với hơn 1.700 đầu việc phải triển khai tại 4 tuyến, gần 200 người trực chiến và hơn 5.000 người hỗ trợ. Đơn cử, một hạng mục kéo đường truyền cho 28 trạm thu phí, cần sự vào cuộc của cả công an xã và vận động người dân kéo cáp trồng cột đến các trạm thu phí. Các cán bộ kỹ thuật/vận hành đã dốc sức ngày đêm, ăn ngủ tại các điểm trạm, đồng loạt triển khai khối lượng công việc rất lớn, trên toàn bộ các trạm thu phí của 4 tuyến cao tốc.
Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, phần lớn công việc phải thực hiện vào ban đêm và rạng sáng để kịp tiến độ. Quá trình đó cũng không kém phần căng thẳng với hơn 90 nhà thầu phụ hỗ trợ và những thách thức đầy áp lực như trong quá trình làm phát sinh cơn bão, hàng không về kịp, VETC đã phải nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp xử lý và khắc phục”, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC cho hay.
Các cán bộ kỹ sư, công nhân chuẩn bị và kiểm tra thử qua 21 kịch bản mô phỏng và 90 lượt kiểm tra tự do để bảo đảm giống với thực tế nhất, đồng thời chuẩn bị kịch bản ứng phó sự cố phát sinh khi vận hành. Mọi khâu trong quy trình đều để lại những kỷ niệm, những cung bậc vui buồn không thể nào quên của “người VETC”.
Kết quả, Công ty VETC triển khai ETC tại 4 tuyến cao tốc với 28 trạm thu phí, 132 làn chỉ trong vòng 50 ngày trong quý II/2022 vừa qua (tương đương khối lượng 5-7 năm triển khai từ trước đến nay). Ngồi nhớ lại, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC vẫn khẳng định, đây là một “kỷ lục ETC” tại Việt Nam, bởi so với trước đây, để lắp đặt 1 trạm ETC phải mất tới 60 ngày.
Ngay sau khi triển khai, áp dụng thu phí ETC, những giá trị to lớn mà nó mang lại rất dễ nhận thấy. Tất cả các tuyến cao tốc đều giảm ùn tắc; thời gian lưu thông qua trạm nhanh, thuận tiện hơn. Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí 1 dừng. Thực tế, chỉ sau vài tuần, tình hình giao thông những ngày cuối tuần trước đây thường xuyên ùn tắc đã khác hẳn. Cảnh ùn ứ trước trạm, các lực lượng chức năng “căng mình” điều tiết giao thông trên cao tốc hay các tuyến nhánh để phân luồng gần như không còn.
Một “kỷ lục ETC” khác đã được xác lập ngay trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, điển hình tại tuyến cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình có tới 90 nghìn lượt xe qua trạm nhưng không xảy ra tình trạng tắc đường. Tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây, một “điểm nóng” về giao thông cũng thông thoáng hơn rất nhiều cùng trong thời điểm trên. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ phương tiện; giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát,…
Để các phương tiện lưu thông thông suốt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, VETC đã huy động cao nhất về nguồn nhân lực dán thẻ để hỗ trợ khách hàng, phục vụ 24/7 tại các trạm thu phí VETC vận hành; phục vụ giờ hành chính tại các trạm kết nối.
Đối với các tuyến cao tốc trọng điểm, VETC tăng cường thêm các điểm dán thẻ, nhân sự dán thẻ và nhân viên hậu kiểm để giám sát giao dịch, xử lý giao dịch bất thường, truy thu giao dịch và phối hợp xử lý các sự cố kỹ thuật. Đối với các sự cố không nhận diện được thẻ thu phí eTag, VETC cam kết phối hợp cùng các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm, hạn chế tối đa tình trạng trục trặc trong quá trình tổ chức thu phí, đồng thời xây dựng kịch bản và chuẩn bị sẵn các phương án xử lý tình huống trong các ngày nghỉ lễ cao điểm.
Sau khi triển khai thu phí ETC trên các tuyến cao tốc lớn toàn quốc, VETC đã liên tục tối ưu hệ thống, dịch vụ, xử lý các sự cố phát sinh. Chỉ sau khoảng 1 tháng kể từ khi áp dụng thu phí ETC, số lượng phương tiện đã dán thẻ ETC của hai nhà cung cấp dịch vụ đã chiếm hơn 80% trên tổng số 4,8 triệu phương tiện cả nước. Trong đó, gần 2,3 triệu phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ VETC, chiếm gần 60% tổng số phương tiện dán thẻ ETC toàn quốc. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ xe đã dán thẻ ETC trên địa bàn tăng trưởng rất ấn tượng, từ 35% lên đến 78%.
VETC đã đồng loạt ra quân trên 63 tỉnh, thành phố, tổ chức chương trình dán thẻ bằng nhiều hình thức đa dạng cùng nhiều ưu đãi, nhằm khuyến khích phương tiện tham gia ETC. VETC đã dành ngân sách hơn 100 tỷ đồng để thực hiện chương trình miễn phí cho khách hàng trong năm 2022. Tính riêng giai đoạn từ khi có Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 19/7 đến 01/08/2022 vừa qua, VETC đã dán thẻ cho hơn 245 nghìn xe, trung bình 22.000 thẻ/ngày, đặc biệt ngày 1/8 số lượng dán thẻ đạt 27.000 thẻ trong ngày. Số lượng dán thẻ tăng gấp 6 lần so trung bình 6 tháng đầu năm, nâng tổng số thẻ ETC của VETC đã dán trong năm 2022 lên 1,9 triệu thẻ. VETC đã huy động đội ngũ nhân lực khắp các tuyến cao tốc, tập trung tại các điểm trạm để hỗ trợ chủ xe dán thẻ, qua trạm thuận tiện nhất.
II - Quyết tâm chính trị lớn để chính sách ETC đi vào cuộc sống
ETC cũng có thể coi là “điểm nhấn” thể hiện quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan nhằm đưa hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc vào vận hành, đáp ứng đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ trước đó và khi bắt đầu áp dụng ETC, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực tiếp chủ trì hàng loạt cuộc họp để xử lý các tình huống phát sinh, nhằm đưa hệ thống vận hành trôi chảy. Phó Thủ tướng nhiều lần nêu rõ, thu phí ETC là hình thức rất văn minh, hiện đại, với nhiều ưu điểm, mang lại lợi ích to lớn như làm giảm chi phí xã hội (tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, chi phí, nhân lực và bộ máy vận hành), từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân... Việc triển khai ETC là yêu cầu đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và nhiều văn bản chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo Chính phủ. "Do đó, chúng ta phải kiên quyết thực hiện", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được lựa chọn thí điểm áp dụng thuần ETC từ đầu tháng 6/2022, sau đó nhân rộng ra các tuyến khác trên cả nước. Việc thí điểm ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tương đối thuận lợi, an ninh trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí bảo đảm số lượng phương tiện dán thẻ tăng rất nhanh. Theo ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), khi thí điểm thuần ETC trên tuyến, đại đa số phương tiện chấp hành tốt, nghiêm túc, đây là tín hiệu rất tốt.
Bộ Giao thông vận tải, các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chủ động tuyên truyền, phổ biến lợi ích của thu phí không dừng ETC cũng như các quy định liên quan để người dân biết, nắm rõ và đồng thuận thực hiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ dán thẻ, tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dán thẻ, mở tài khoản một cách thuận lợi nhất. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, giám sát việc lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí không dừng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng gây rối mất an ninh trật tự tại khu vực thu phí...
Theo ông Hồ Trọng Vinh, VETC là đơn vị được Bộ Giao thông vận tải lựa chọn triển khai ETC từ năm 2015. Đến nay sau 7 năm, VETC đã rút ra nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh sao cho phù hợp văn hóa và phù hợp trong hoạt động thu phí ở Việt Nam. Công nghệ RFID áp dụng ở Việt Nam rất tiên tiến, hiện đại hơn hẳn nếu so sánh với Singapore, vẫn sử dụng công nghệ OBU (có một hộp thiết bị đọc để trên xe). Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí ETC.
Xét về chi phí, RFID là công nghệ có chi phí thấp, dễ triển khai. Liên minh châu Âu đang sử dụng tiêu chuẩn chung, dùng công nghệ DSRC cần các hộp thu OBU đặt trong mỗi xe với giá 10 Euro (khoảng 240.000 đồng). Thiết bị này cần pin để hoạt động và phải thay thế sau khoảng 5 năm hoặc lâu hơn. Tại Singapore, giá lắp đặt lần đầu thiết bị OBU rất cao, gần 160 đô-la Singapore (2,7 triệu đồng). Ngoài ra, theo ITS International, chi phí sử dụng, bảo dưỡng các trạm đọc dữ liệu xe ra vào cũng cao hơn so với công nghệ RFID. Trong khi đó, với công nghệ RFID Việt Nam đang áp dụng, chi phí triển khai rẻ hơn. Thẻ dán hoạt động không cần pin nên trên lý thuyết, mỗi thẻ có thể đi theo hết vòng đời của phương tiện.
RFID là công nghệ được nhiều nước sử dụng, tại châu Âu vốn sử dụng phổ biến chuẩn DSRC, nhiều nước cũng bắt đầu thử nghiệm chuyển sang RFID. Các dự án như đường hầm Herrent ở Đức, cầu Mersey của Anh và một số mạng lưới ở Thổ Nhĩ Kỳ đều dùng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến điện. Pháp cũng bắt đầu thử nghiệm thu phí cao tốc qua RFID. Mặt khác, RFID còn là công nghệ áp dụng được nhiều cho các dịch vụ khác ngoài thu phí đường bộ, như trả phí bãi đỗ xe, quản lý giao thông hoặc kiểm soát ra vào công sở. Với cùng một thẻ ETC, một tài khoản định danh, người dùng có thể trả nhiều dịch vụ khác nhau liên quan đến phương tiện. Các công ty, cơ quan nhà nước có thể dùng công nghệ này để tự động cho phép xe ra vào nếu đủ điều kiện.
“Thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 1, cố gắng hoàn thiện hành lang pháp lý để tiến tới giai đoạn 2. Khi đã ở giai đoạn 2 thì chuyển sang giai đoạn 3 và 4 sẽ rất nhanh. Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, lúc đó sẽ không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể lưu thông qua điểm thu phí bình thường như đi trên đường. Đây là điều mong muốn nhất của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải”, ông Hồ Trọng Vinh cho biết.
Quá trình triển khai vận hành, VETC là đơn vị triển khai từ đầu có kinh nghiệm điều chỉnh sao cho phù hợp văn hóa của Việt Nam. Công tác tuyên truyền cho lái xe ngay từ ngày đầu cũng là công tác phức tạp và rất khó khăn. Từ ngày đầu khi dán thẻ này vào các phương tiện, các chủ phương tiện rất nghi ngại sẽ bị theo dõi. Do đó thời gian đầu không hợp tác để dán thẻ nên phải vận động, tuyên truyền rất nhiều để các chủ phương tiện hiểu được lợi ích mà công nghệ này mang lại. Đồng thời, ngay sau khi nhận được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương nâng cấp Tài khoản giao thông thành Trung gian thanh toán, VETC khẩn trương và tích cực triển khai giải pháp công nghệ nhằm sớm hiện thực hóa việc nâng cấp tài khoản giao thông - bổ sung chức năng trung gian thanh toán.
III - Tăng mạnh lượng dán thẻ, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng ETC
Do hệ thống ETC lần đầu được thực hiện ở nước ta, có nhiều bên tham gia quản lý vận hành (ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC,…), cộng với việc trước đó, các trạm BOT đã lắp đặt hệ thống thu phí một dừng cho nên quá trình chuyển đổi còn nhiều lúng túng, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Ðể kiện toàn và phát huy hiệu quả hệ thống ETC, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan quản lý, đơn vị chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ khẩn trương xử lý triệt để các tình huống, sự cố phát sinh, “vá lỗi” để hệ thống ETC thật sự đem lại hiệu quả xã hội, giúp người dân lưu thông thuận tiện.
Ðối với nhà cung cấp dịch vụ, Bộ yêu cầu huy động lực lượng, mở rộng các điểm dịch vụ dán thẻ; tổ chức dán thẻ trực tiếp tại trụ sở các cơ quan, ban, ngành, địa phương, khu chung cư; công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ dán thẻ để tạo thuận tiện cho người sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông tại điểm dán thẻ trên các tuyến cao tốc. Các đơn vị liên quan phải khắc phục triệt để lỗi kỹ thuật, có biện pháp tăng tỷ lệ dán thẻ ETC; đơn vị quản lý và vận hành các tuyến vẫn phải duy trì một làn hỗn hợp trên một chiều xe chạy, phục vụ tình huống khẩn cấp. Mỗi lái xe khi chuẩn bị lưu thông trên cao tốc cần phải dán thẻ phương tiện và kiểm tra tài khoản bảo đảm có đủ tiền lưu thông nhằm được phục vụ thông suốt.
“Cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay của ETC mới dừng lại ở Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi theo hướng nâng lên thành Nghị định. Khi đó, sẽ quy định chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa các bên trong hoạt động thu phí ETC. Đây cũng là cơ sở để xử lý trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, trách nhiệm đơn vị vận hành trạm thu phí và trách nhiệm chủ phương tiện, từ đó sẽ có chế tài xử lý rõ ràng, cụ thể. Trước mắt, các đơn vị liên quan cần giải quyết căn cơ các vấn đề đang vướng mắc và kiến nghị Chính phủ ban hành khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, để bảo đảm các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí ETC lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan", Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định.
Trạm trưởng Thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng Lê Văn Hùng đã chỉ ra hàng loạt lỗi, sự cố phát sinh khi vận hành hệ thống thu phí ETC trên tuyến, như tình trạng xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền, hoặc có tiền trong tài khoản nhưng không bảo đảm số dư. Một số trường hợp khác, chủ xe muốn đổi thẻ ETC sang nhà cung cấp khác vướng nhiều thủ tục phiền phức, gây tâm lý ức chế đối với người dân,…
Từ thực tế thu phí ETC tại trạm đầu tuyến, ông Hùng thừa nhận thời gian đầu vẫn còn nhiều phương tiện sử dụng cả 2 loại thẻ; lượng thẻ bị lỗi, hỏng còn lớn cũng là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ giao dịch offline. Theo ông Hùng, khi những xe này lưu thông vào cao tốc, thiết bị tại làn vào hoặc làn ra không đọc được thẻ, hoặc làn vào đọc một thẻ, làn ra đọc 1 thẻ khác,... sẽ dẫn đến việc phải dừng phương tiện để nhân viên vận hành xử lý thủ công, gây mất thời gian và bức xúc cho các phương tiện đi sau. “Trường hợp không được xử lý triệt để, các xe này tiếp tục phải dừng lại khi lưu thông lần sau gây mất thời gian chờ đợi xử lý cho khách hàng và tăng nguy cơ va chạm giao thông tại làn thu phí ETC”, ông Hùng cho hay.
Thời gian đầu, dư luận phản ánh có hiện tượng xe không tham gia lưu thông vẫn bị trừ tiền; đại lý của nhà cung cấp "chạy doanh số", phương tiện bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ của ePass, dán thẻ bất chấp mong muốn của chủ phương tiện, gây bức xúc, khó khăn cho các chủ phương tiện khi muốn dán thẻ khác,... Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới quy định xử phạt đối với chủ phương tiện không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào cao tốc. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ chưa được đề cập, do đó cũng cần phải được bổ sung, nhằm hướng tới công khai, minh bạch.
Về các tình huống lỗi ETC phát sinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) Bùi Trình nhận định, xảy ra một số hiện tượng trên, có nhiều nguyên nhân như khách hàng dán thẻ nhưng không nạp tiền, làm mất thẻ, hoặc chuyển đổi phương tiện,... Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC Hồ Trọng Vinh cũng cho hay, quy trình dán thẻ của VETC được quản lý rất chặt chẽ, trường hợp xe dán hai thẻ là lỗi của nhân viên đơn vị cung cấp dịch vụ, có thể vì chạy theo doanh số nên cố tình dán thẻ lần hai mà không yêu cầu chủ xe hủy tài khoản trước đó.
“ETC Việt Nam có quy mô lớn phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 4,5 triệu xe, tốc độ tăng trưởng cao. VETC tự hào đã làm chủ công nghệ ETC, nỗ lực cao độ và có đóng góp tích cực vào thực hiện chính sách của nhà nước về thu phí tự động hoàn toàn từ 1/8 (hoàn thiện 4 tuyến của VEC, Trung Lương Mỹ thuận). Với khối lượng công việc khổng lồ, mặc dù quá trình vận hành còn phát sinh 1 số lỗi kỹ thuật nhất định, nhưng VETC luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, rất mong chủ phương tiện tiếp tục đồng hành”– ông Vinh chia sẻ thêm.
Các tình huống phức tạp khi triển khai ETC tại Việt Nam
• Xe không chính chủ, xe mua đi bán lại rất nhiều.
• Về dán thẻ, khi xe không chính chủ đi vào cao tốc, nhiều khi lái xe không quyết định được việc có dán thẻ hay không dẫn đến việc xe từ chối và quay đầu lại.
• Về công tác vận hành: Lái xe không phải là chủ xe, không kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông, hay lái xe thuê không rành về công nghệ, nhiều trường hợp xe không đủ tiền qua làn ETC gây khó khăn trong công tác tư vấn, hướng dẫn nạp tiền.
• Xe mua đi bán lại, có nhiều trường hợp chủ mới không muốn sử dụng dịch vụ ETC của đơn vị này mà muốn chọn đơn vị còn lại.
• Tỷ lệ dùng chưa đạt 100%: Nhiều xe chỉ đi trong thành phố, không có nhu cầu dán thẻ ETC.
• Hệ thống không đồng nhất do có tuyến BOT đầu tư hệ thống khác nhau, mỗi nhà cung cấp có thiết bị khác nhau gây khó khăn trong kết nối vận hành.
• Ở các tuyến cao tốc đi qua vùng nông thôn, lưu thông qua trạm có thể không chỉ là “xe” mà còn là phương tiện do trâu, bò kéo, việc nhận diện và xử lý các “phương tiện đặc biệt” này cũng gặp không ít trở ngại.
• Các quy định thu phí khác nhau cho các ví dụ nhỏ như xe rơmooc kéo theo container loại 4-5, nhận diện qua máy khó khăn trong việc phân tách chủng loại…
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, có giải pháp khắc phục ngay các bất cập, chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ phối hợp trong quá trình vận hành, khai thác, bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt, kết nối, liên thông. Nếu chủ phương tiện muốn hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ, cần đáp ứng ngay thông qua việc mở rộng các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua internet.
Một số lái xe cũng thắc mắc vì sao phải nạp tiền vào tài khoản giao thông riêng biệt mà không tích hợp tài khoản ngân hàng. Đơn vị cung cấp dịch vụ cũng giải thích do tốc độ xử lý hệ thống e-banking của ngân hàng thường chậm hơn hệ thống ETC, dẫn tới nguy cơ barrier đóng mở không đúng thời điểm, tiềm ẩn gây sự cố cho phương tiện. Ngoài ra, do vấn đề bảo mật, ngân hàng cũng không cho phép đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống. Trên thế giới hiện nay, cũng không có nhà cung cấp nào trừ phí trực tiếp trên tài khoản ngân hàng.
Đối với vấn đề nạp tiền vào tài khoản phải mất phí, đại diện cả hai nhà cung cấp dịch vụ VETC và VDTC đều khẳng định không hề thu bất cứ loại phí nạp tiền nào của người dân, nếu có phát sinh phí là do phía ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán quy định. Hiện nay, có khoảng 10 kênh để nạp tiền vào tài khoản giao thông, các nhà cung cấp tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để xem xét, liên kết dịch vụ và miễn phí khi nạp tiền vào tài khoản giao thông.
Hai nhà cung cấp cũng khuyến nghị người dân sử dụng dịch vụ chuyển khoản miễn phí vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet banking để nạp tiền, nội dung chuyển khoản chỉ cần điền thông tin biển số xe hoặc số tài khoản giao thông là bảo đảm thành công. Số tiền trong tài khoản giao thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của khách hàng, khi xe đi qua trạm thì số tiền bị trừ sẽ thuộc quyền sở hữu của đơn vị cung cấp dịch vụ và số dư còn lại có thể rút ra tùy theo nhu cầu của khách hàng.
IV - Ông Hồ Trọng Vinh:
“Tài khoản giao thông trước yêu cầu phát triển của giao thông thông minh”
Nhằm làm rõ hơn về quá trình triển khai thu phí ETC trên phạm vi toàn quốc, xử lý các tình huống phát sinh và mở rộng tiện ích phục vụ khách hàng, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty VETC. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
PV: Thưa ông Hồ Trọng Vinh, ông có thể đánh giá khái quát thực tế việc triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) tại Việt Nam đã và đang diễn ra như thế nào?
Ông Hồ Trọng Vinh: Sau 7 năm triển khai ETC, Công ty VETC của chúng tôi hiện đang chiếm thị phần top đầu với số lượng lên đến 112 trạm thu phí, chủ yếu trên các tuyến cao tốc và quốc lộ 1, với khoảng 80% lưu lượng ETC qua trạm thu phí, lưu lượng giao dịch ETC tăng từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu giao dịch mỗi ngày. Trên phạm vi cả nước hiện có 3,8 triệu phương tiện dán thẻ trên tổng số 4,8 triệu xe, đạt khoảng 80%, trong đó riêng VETC hơn 2,3 triệu xe.
Và đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai thu phí ETC hoàn toàn, những giá trị to lớn mà công nghệ này mang lại là điều dễ nhận thấy. Tất cả các tuyến cao tốc áp dụng ETC đều giảm ùn tắc; thời gian lưu thông qua trạm nhanh, thuận tiện hơn rất nhiều. Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí 1 dừng (MTC). Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ phương tiện; giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát…
Một ví dụ rất nhỏ, nếu có hơn 1 triệu giao dịch thu phí theo cách truyền thống mỗi ngày, đồng nghĩa với việc hơn 1 triệu xe phải dừng lại tại các trạm thu phí khoảng 2-5 phút, lãng phí lớn về mặt thời gian và phát sinh nhiều khí thải. Chỉ vài yếu tố giảm bớt thời gian, hao mòn máy móc, hạn chế khí thải,… đã mang lại lợi ích lớn lao về môi trường, sức khỏe và đời sống dân sinh.
PV: Sau nhiều năm triển khai, thu phí không dừng ở nước ta vẫn chỉ dừng ở giai đoạn 1, vậy đâu là nguyên nhân và dự kiến khi nào sẽ chuyển sang giai đoạn 2?
Ông Hồ Trọng Vinh: Thay vì mất 5 năm cho 3 giai đoạn, chúng ta đã mất 5 năm cho giai đoạn 1: “phủ sóng” ETC trên toàn bộ các trạm thu phí. Đó là quá trình chủ yếu nhằm xử lý các vướng mắc về mặt chính sách. Các giai đoạn tiếp theo sẽ là “cho phép khách hàng có một hạn mức trả sau” và “bỏ barrier”. Thu phí ETC ở Việt Nam gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 - có Barrier: Hệ thống kiểm tra số dư, đủ số dư - barrier mở, xe qua trạm.
- Giai đoạn 2 - có Barrier: cho phép chủ phương tiện trả tiền trước hoặc sau.
- Giai đoạn 3 - Bỏ Barrier: Xe qua đảo thu phí bình thường.
- Giai đoạn 4 - Bỏ Barrier và đảo thu phí: phương tiện lưu thông tự do, chỉ có hệ thống camera treo trên giá long môn.
Trong 4 giai đoạn trên, tôi đánh giá việc chuyển dịch từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là quan trọng nhất và cũng vướng nhiều hành lang pháp lý nhất, kể cả phải xây dựng chế tài xử phạt về trả sau cũng như các phương án thu hồi tiền nợ. Vấn đề này, Bộ Giao thông đang bước đầu xây dựng, hoàn thiện quy định và nâng cấp thành một nghị định để có thể sớm triển khai giai đoạn 2 vào quý II/2023, khi lượng phương tiện dán thẻ đạt 95% trở lên.
Nhìn vào quá trình phát triển công nghệ ETC của các nước tiên tiến và thành công nhất trên thế giới, việc vận hành thực tế của họ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đơn cử như Đài Loan (Trung Quốc) đã phải mất khoảng 13 năm mới vận hành trơn tru. Rất nhiều vấn đề phát sinh của hệ thống ETC ở nước ta đang gặp phải cũng chính là những sự cố từng được xử lý tại thị trường ETC Đài Loan. Và ở mỗi giai đoạn, những vấn đề phát sinh là không thể tránh khỏi.
Tại Việt Nam, có rất nhiều vấn đề phức tạp khi triển khai ETC như: hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; tín dụng ngân hàng; biển số trùng nhau, xe không chính chủ, xe mua đi bán lại nhiều, gây khó khăn cho việc thu phí trả sau,… VETC luôn làm việc trên tinh thần hợp tác chặt chẽ với các với cơ quan chủ quản, đặt mục tiêu tăng tiện ích tối đa cho người dân. Chúng tôi cũng tin rằng các chủ phương tiện sẽ thích nghi nhanh chóng sau khi nhận thấy các lợi ích ETC mang lại, từ đó tham gia sử dụng dịch vụ một cách tự nhiên, tự nguyện.
PV: Tại sao số lượng phương tiện dán thẻ phải đạt 95% mới chuyển được sang giai đoạn 2 của thu phí ETC?
Ông Hồ Trọng Vinh: Hiện tại, công nghệ ETC đọc bằng thẻ định danh dán trên phương tiện, không đọc bằng biển kiểm soát. Một phương tiện không dán thẻ đi vào đường cao tốc cũng có thể coi như “sự cố” phát sinh, việc xử lý tình huống này sau đó rất phức tạp. Đạt tỷ lệ tối thiểu 95% xe dán thẻ, có nghĩa là chúng tôi tính toán còn khoảng 5% phương tiện chỉ đi ở nội đô hoặc những xe ở khu vực vùng sâu, vùng xa, gần như không bao giờ đi qua trạm thu phí. Tỷ lệ “bao phủ” dán thẻ càng lớn, độ chính xác càng cao, toàn bộ xe lưu thông qua trạm đều dán thẻ ETC sẽ bảo đảm sự đồng nhất, hạn chế được tối đa việc phải dừng đỗ xử lý sự cố, kỹ thuật tại các trạm thu phí ở chiều ra.
PV: Đây là dự án công nghệ, các dữ liệu được VETC lưu trữ trong bao lâu? VETC có lường trước đến trường hợp bị tin tặc tấn công với mục đích trục lợi, phá hoại?
Ông Hồ Trọng Vinh: Các dữ liệu thu phí được VETC lưu trữ suốt đời, riêng dữ liệu hình ảnh camera được lưu trữ trong 5 năm. VETC luôn đề cao vấn đề bảo mật hệ thống và thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng đánh giá hoạt động bảo mật. Hiện tại, VETC vẫn đang làm tốt nhiệm vụ bảo mật, dữ liệu của VETC có rất nhiều lớp bảo mật, do đó nếu trong trường hợp tin tặc tấn công thì ngay từ vòng bảo vệ ngoài đã bị hệ thống phát hiện và cảnh báo, ngăn chặn.
Ngoài ra, VETC luôn không ngừng đào tạo chất lượng nhân sự nội bộ để có nguồn nhân lực tốt nhất, bảo đảm minh bạch trong mọi hoạt động vận hành thu phí ETC. Hiện nay, VETC có hơn 800 nhân viên, quy mô đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 1 năm qua. Trong số đó, có hơn 100 kỹ sư về công nghệ và số lượng này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới để đáp ứng các nhu cầu mới. Bên cạnh nguồn nhân lực lớn mạnh trên, các kỹ sư của VETC trực tiếp đặt hàng, làm việc cùng các hãng về thiết bị thông minh, ví dụ như việc sản xuất và cung cấp đầu đọc ở thị trường nước ngoài và Việt Nam sẽ khác nhau, do điều kiện thời tiết của Việt Nam rất khắc nghiệt. Do đó, khi triển khai, VETC cần những kỹ sư giỏi để phối hợp với hãng khắc phục, cải tiến.
PV: Có thông tin nghi ngờ dường như VETC được cơ quan quản lý ưu đãi ngay từ đầu, ông nghĩ sao về thông tin này? Với thị trường ETC Việt Nam còn bó hẹp, có cần hai nhà cung cấp dịch vụ hay chỉ 1 là đủ, hoặc nhiều hơn? Hiện tại, VETC đang chiếm thị phần ưu thế, trong tương lai ông có nghĩ đến khả năng “thôn tính” VDTC không?
Ông Hồ Trọng Vinh: VETC giữ vai trò tiên phong trong xu thế dịch chuyển công nghệ giao thông thông minh tại Việt Nam. Những ngày đầu, có rất ít đơn vị mặn mà tham gia vào lĩnh vực ETC vì sự mới mẻ và công nghệ còn rất phức tạp. Do đó, việc VETC tham gia đấu thầu dự án hoàn toàn công khai và các đơn vị chủ quản lựa chọn đều công khai, minh bạch.
VETC luôn xác định đặt khách hàng làm trung tâm, luôn cầu thị, lắng nghe. Chúng tôi xác định tập trung nguồn lực và hành động cho việc tạo ra kết quả và các ưu tiên là quan trọng nhất. Việc có thêm những nhà cung cấp mới là điều tất yếu, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và hướng tới tạo dựng những giá trị, lợi ích cho khách hàng. VETC sẽ luôn lắng nghe, hỗ trợ, phối hợp cùng các bên liên quan bằng tư duy “đôi bên cùng thắng”, với tầm nhìn chinh phục mục tiêu chung và mang lại những trải nghiệm dễ chịu nhất cho khách hàng. Với sứ mệnh “cung cấp sản phẩm và dịch vụ Giao thông thông minh vì sự phát triển của văn minh xã hội”, VETC sẽ song hành cùng các bên liên quan và các nhà cung cấp dịch vụ khác để mang lại lợi ích cho người dân và khách hàng.
Ở Việt Nam, công nghệ ETC của hai nhà cung cấp VETC và VDTC là tương đồng nhau. Mọi thiết bị đều được đặt theo tiêu chuẩn ISO và lắp ghép phù hợp mô hình của Việt Nam. Ngoài ra, trên mỗi làn thu phí, đều có các phương án dự phòng sẵn như 2 đầu đọc, 2 antene,… Đối với đặc thù ngành ETC, khi có thêm nhà cung cấp, vấn đề kết nối và liên thông công nghệ sẽ là yếu tố cần tính đến – cân nhắc ở góc độ của cơ quan quản lý. Khi có quá nhiều nhà cung cấp, quá trình xử lý barrier mở có thể gặp phải “câu chuyện ở Dubai”: trên xe có nhiều thẻ, dẫn tới việc giao tiếp công nghệ của các nhà cung cấp phức tạp.
Hiện tại, VETC đang tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình theo các nội dung đã ký trong Hợp đồng BOO1 và sẽ thúc đẩy phát triển thị trường ETC lên giai đoạn 2 càng sớm càng tốt để người dân ngày càng thấy rõ lợi ích của ETC hơn nữa. Trong thời gian sắp tới, việc nâng cấp tài khoản giao thông - bổ sung chức năng trung gian thanh toán: sẽ giúp chúng tôi tiến gần hơn mong muốn VETC trở thành nhà cung cấp dịch vụ thu cước, phí điện tử giao thông và các dịch vụ giá trị gia tăng số 1 tại Việt Nam.
PV: Các dự án BOT thường có vòng đời từ 20-25 năm. Sau khi dự án BOT kết thúc thu phí, lúc đó VETC sẽ giải thể hay như thế nào?
Ông Hồ Trọng Vinh: Tại Việt Nam, trong tương lai gần, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược quan trọng được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Dự án VETC ký với Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực trong vòng 22 năm. Sau khi kết thúc thu phí các dự án BOT hiện nay, VETC sẽ chuyển sang phục vụ các dự án hạ tầng giao thông mới của nhà nước như cao tốc bắc-nam,… Như vậy, VETC sẽ luôn song hành với các dự án và Bộ Giao thông vận tải. Điều đó đồng nghĩa với việc “còn thu phí trên các tuyến đường - VETC còn tồn tại”.
PV: VETC có tự sản xuất thẻ eTag để cung cấp cho khách hàng không? Vừa qua, nhiều khách hàng phàn nàn thẻ hay bị lỗi, hỏng, ông nghĩ sao về vấn đề này? Có một số trường hợp lỗi thẻ liên tục, ông có nghĩ đến việc thay thế bằng cách dán khác hoặc không cần sử dụng thẻ vật lý?
Ông Hồ Trọng Vinh: VETC không tự sản xuất thẻ, để sản xuất thẻ định danh eTag cần một dây chuyền khép kín với công nghệ cao, hiện đại với vốn đầu tư lớn. Ngay từ đầu, VETC đã không lấy mục đích kinh doanh thẻ hay tìm kiếm lợi nhuận từ việc sản xuất thẻ. Hơn nữa, số lượng phương tiện cần dán thẻ ETC hiện tại cũng không còn nhiều.
Tôi cũng nhận được thông tin về việc thẻ bị lỗi, hỏng vừa qua, song thực tế, một số lượng lớn thẻ VETC dán trên các phương tiện từ năm 2015 đến nay vẫn hoạt động tốt khi đi qua các làn thu phí ETC, vì vậy tôi cho rằng không có chuyện chất lượng thẻ kém, nhanh lỗi hỏng. Thẻ bị lỗi, hỏng thường do các yếu tố sau: Thường xuyên tác động vào thẻ gây gãy antene trong thẻ, ảnh hưởng đến việc đọc thẻ; hoặc khách hàng bóc thẻ ra nửa chừng, sau đó dán lại. Đối với xe dán thẻ trên đèn, khi đi rửa xe, bị nhân viên rửa xe vô tình tác động vào thẻ, hoặc dùng vòi xịt mạnh, gây đứt mạch trong thẻ.
Một số trường hợp khác, phương tiện dán phim cách nhiệt chất lượng kém (có nhiều kim loại) dẫn đến xung đột từ tính, khiến đầu đọc không đọc được thẻ hoặc đọc chập chờn. Đối với xe dán thẻ trên kính, lái xe hay để bảng kim loại sau thẻ cũng làm hệ thống không đọc được. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ những nhà cung cấp dịch vụ ETC trên thế giới về vấn đề dán thẻ để bảo đảm tối ưu nhất tính năng, chất lượng của dịch vụ. Theo đó, chỉ có hai vị trí dán thẻ chuẩn nhất đó là trên kính bên phải và đèn xe.
Về việc không cần có thẻ vật lý trên xe, hiện nay, một số quốc gia trên thế giới cũng đang nghiên cứu chuyển sang nhận diện qua GPS. Tuy nhiên, do các yếu tố kỹ thuật, độ chính xác của GPS chưa cao và cần thiết bị sử dụng pin mới hoạt động được. Một vấn đề khác, nếu áp dụng GPS tại Việt Nam, các lái xe có thể tắt nguồn thiết bị (giống như tắt thiết bị giám sát hành trình vừa qua) dẫn đến việc quản lý khó khăn. Vì vậy, tôi vẫn cho rằng công nghệ RFID đang áp dụng hiện tại là chuẩn và phù hợp nhất với điều kiện đặc thù Việt Nam.
PV: Có thông tin cho rằng, VETC chiếm dụng vốn của khách hàng thông qua việc nạp tiền vào tài khoản giao thông, ông giải thích gì về điều này?
Ông Hồ Trọng Vinh: Hiện nay, có 2 dòng tiền đổ vào VETC, 1 là dòng tiền khách nạp vào tài khoản giao thông, 2 là dòng tiền khi phương tiện dán thẻ VETC đi qua trạm thu phí. Đối với dòng tiền khách nạp vào tài khoản giao thông VETC, thực chất nguồn này thuộc ngân hàng quản lý, VETC chỉ mang tính chất quản lý hộ tài khoản và không được đụng chạm vào nguồn tiền này; khách hàng có quyền rút tiền ra bất cứ lúc nào. Theo đó, VETC không được hưởng lãi suất và không được sử dụng vào bất kỳ mục đích khác. Đối với số tiền phí dịch vụ khi xe qua trạm thu phí được chuyển vào tài khoản giao thông của VETC – do VETC quản lý - sẽ chuyển cho nhà đầu tư BOT của trạm đó ngay trong ngày hôm sau khi thống nhất số liệu. Vào cuối tháng, VETC chỉ được hưởng phí dịch vụ thu hộ do nhà đầu tư BOT đó chuyển trả theo hợp đồng đã ký. Toàn bộ mọi hoạt động thu phí của VETC đều có sự giám sát của nhà đầu tư BOT, người sử dụng dịch vụ và đơn vị Nhà nước giám sát, vì vậy quá trình này hoàn toàn công khai, minh bạch.
Hiện nay, số lượng phương tiện trên cả nước dán thẻ ETC đạt khoảng 3,8 triệu, tổng số dư tài khoản giao thông của các chủ phương tiện trong tương lai số dư này sẽ còn tăng cao hơn. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần bàn phương án tối ưu trong quản lý, sử dụng số dư trong tài khoản giao thông, tài khoản thu phí nhưng thời điểm này Nhà nước chưa có cơ chế quản lý, sử dụng số dư trong tài khoản giao thông và tài khoản thu phí, dẫn tới những lo ngại, băn khoăn của người dân chưa được giải đáp.
“Hiện nay, ngoài thanh toán phí đường bộ, cơ quan quản lý chưa có quy định cho phép chủ phương tiện sử dụng số tiền nhàn rỗi đã nạp vào tài khoản giao thông cho các mục đích khác như trả phí đậu đỗ sân bay, cảng biển, thanh toán xăng dầu…. Tài khoản thu phí chỉ được sử dụng vào những mục đích rất hạn chế như các giao dịch thu-chi liên quan đến phí sử dụng đường bộ theo Hợp đồng BOO1 mà chưa có quy định rõ ràng cho phép Công ty VETC được sử dụng để hỗ trợ khách hàng thanh toán các khoản chi tiêu hợp pháp khác.
Chủ phương tiện phải duy trì số dư trong tài khoản nhưng không được hưởng lãi suất do chưa có cơ chế hoàn trả, cho phép chủ phương tiện rút tiền đã nạp về tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt để dùng vào mục đích cá nhân khi chưa sử dụng. Việc chuyển tiền/rút tiền mặt tiềm ẩn rủi ro cao cho cả Công ty VETC và khách hàng do chưa có quy định rõ ràng về việc nhận biết, xác thực thông tin khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi”.
Một vấn đề nhỏ khác là nhiều chủ phương tiện thắc mắc khi nạp tiền vào tài khoản giao thông VETC bị mất phí. Trên thực tế, ngoài các kênh nạp tiền có tính phí, VETC còn có rất nhiều hình thức nạp tiền miễn phí cho khách hàng. Một trong những mẹo nhỏ giúp khách hàng phân biệt các kênh nạp tiền mất phí và có phí khi nạp tiền vào tài khoản giao thông VETC, đó là:
- Cách nạp mất phí: khi khách hàng nạp tiền, thông tin biển số xe, họ tên đầy đủ tự động được các đối tác cập nhật.
- Nạp tiền không mất phí: Chuyển khoản vào ngân hàng BIDV, điền thông tin thủ công hoặc chuyển khoản qua ngân hàng BIDV với mã định danh V3ETC + biển kiểm soát phương tiện/số tài khoản giao thông.
Khách hàng khi qua trạm thu phí có 2 điểm cần lưu ý: kiểm tra số dư, kiểm tra thẻ định danh vật lý có dán trên xe không để tránh rơi vào tình huống xe đến trạm nhưng không đủ điều kiện đi qua, gây ùn tắc ảnh hưởng đến các xe sau (hiện vẫn còn khoảng 1% lái xe đến trạm thu phí quên nạp tiền).
PV: Được biết, trước đòi hỏi chính đáng của khách hàng và người dân về mở rộng tiện ích thẻ, VETC đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng cấp Tài khoản giao thông thành tài khoản trung gian có chức năng thanh toán. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?
Ông Hồ Trọng Vinh: Ngày 18/8 vừa qua, VETC đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận cho phép nâng cấp tài khoản giao thông - bổ sung chức năng trung gian thanh toán. Tại văn bản này, VETC đã trình bày những mục tiêu quan trọng của phương án nâng cấp nhằm bảo đảm lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC. Mỗi cá nhân có thể sở hữu 1 ví điện tử trực tiếp, bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC còn được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, cảng hàng không, giao thông thông minh, dịch vụ trung gian thanh toán cho các tiêu dùng khác.
Việc bổ sung tính năng trung gian thanh toán sẽ giúp gia tăng tiện ích cho khách hàng, cho phép chủ phương tiện được sử dụng số dư họ đã nạp cho các mục đích khác trong trường hợp chưa cần sử dụng để thanh toán phí đường bộ. Điều này cũng tạo điều kiện cho chủ phương tiện tối ưu việc sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi, nhằm tạo trải nghiệm tốt hơn, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ETC.
Ngoài ra, trong tương lai gần, một số hoạt động dịch vụ giao thông sẽ phát triển, cũng hướng tới thanh toán điện tử không dùng tiền mặt như dịch vụ bãi đỗ xe; mua xăng, dầu; nộp phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ,.... Do đó, bổ sung tính năng trung gian thanh toán cho tài khoản giao thông sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích của khách hàng một cách tối ưu nhất. Các dịch vụ xoay quanh chiếc ôtô của tài khoản giao thông khi được nâng cấp sẽ mang lại trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
Tính năng trung gian thanh toán cũng giúp nâng cao an toàn và bảo mật cho chủ sở hữu tài khoản, tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước do phải được hoạt động và vận hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, Luật Phòng chống rửa tiền. Trong mọi trường hợp, Công ty VETC sẽ có trách nhiệm phối hợp với phía ngân hàng, bảo đảm luôn có đủ tiền để trả cho chủ sở hữu tài khoản giao thông đúng số tiền chưa sử dụng trong tài khoản.
Thủ tục thực hiện hoạt động trung gian thanh toán cũng khá đơn giản, nhanh chóng và đã có tương đối đầy đủ hành lang, cơ sở pháp lý để thực hiện. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin của VETC về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật và nhân sự của một hệ thống trung gian thanh toán.
PV: VETC có kỳ vọng và chiến lược gì trong việc hiện đại hoá và đồng bộ hoá hạ tầng giao thông với hạ tầng thanh toán điện tử?
Ông Hồ Trọng Vinh: Từ bài học thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) về ứng dụng công nghệ ETC, Công ty VETC mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong công cuộc đồng bộ hạ tầng giao thông số toàn quốc. Đây sẽ là tiền đề tạo ra lợi ích to lớn cho xã hội, xuyên suốt hành trình phát triển từ hiện tại đến tương lai. VETC tập trung hoạt động dựa trên sứ mệnh và bộ giá trị cốt lõi đã xác định. Đối với mỗi con người, chúng tôi hướng đến việc học hỏi và phát triển không ngừng, hướng đến việc tạo ra giá trị mới mỗi ngày.
VETC mong muốn Bộ Giao thông vận tải quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan sớm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng thời hỗ trợ VETC trong việc nâng cấp Tài khoản giao thông thành Tài khoản thanh toán trung gian để mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người dân nói chung và khách hàng của VETC nói riêng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngày xuất bản: 14/10/2022
Tổ chức xuất bản: MINH TRANG
Nội dung: TRANG LY - XUÂN LINH
Trình bày: ĐỨC DUY