Đổi thay
từ những cánh đồng
“gặt” gió, đón nắng

Nhiều vùng đất khô cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt thừa thãi nắng gió lại trở thành những trang trại điện gió, điện mặt trời, làm thay đổi cả đời sống kinh tế-xã hội của cả một địa phương. Thực tế đó đang diễn ra ở các tỉnh duyên hải miền trung, đồng bằng sông Cửu Long...
“Tiểu sa mạc”
trở thành trung tâm năng lượng tái tạo
Ninh Thuận từ lâu được biết đến như một “tiểu sa mạc”, nơi “thiếu mưa, thừa nắng và gió” quanh năm. Theo khảo sát, Ninh Thuận có lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, bảo đảm ổn định cho tuabin gió phát điện. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Số tháng nắng trong năm là 9 tháng (tương đương 200 ngày nắng/năm). Vì vậy, đây là địa phương được đánh giá có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Trước đây, đi dọc Ninh Thuận thường thấy những đàn cừu gặm cây xương rồng - hình ảnh đặc trưng của miền đất khô hạn, nay đã mọc lên rất nhiều trang trại điện gió, điện mặt trời.
Tính đến hết năm 2022, Ninh Thuận có 34 dự án điện mặt trời, 11 dự án điện gió và nhiều dự án năng lượng tái tạo (NLTT) đã và đang được xây dựng. Kể từ khi những trang trại điện gió, điện mặt trời vận hành thương mại đã đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh nghèo này. Năm 2021, giá trị gia tăng ngành sản xuất và phân phối điện tại Ninh Thuận đạt hơn 3.613 tỷ đồng, đóng góp 6,84% GRDP toàn tỉnh và đóng góp 6,822 tỷ kWh/năm lên nguồn điện lưới quốc gia, giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động. Hiệu quả sử dụng đất được nâng cao khi những “tiểu sa mạc” khô cằn hầu như bỏ hoang thì giờ đây nắng và gió đã “đẻ” ra tiền. Và nhờ những dự án NLTT, các con đường rải nhựa phẳng lỳ mọc lên, kết nối các vùng đất vốn hoang vu, đi lại khó khăn.
Nhận thấy những tiềm năng to lớn ấy, Nghị quyết Đảng bộ Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm NLTT của cả nước. Sau khi dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ngành năng lượng đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong bốn ngành kinh tế trọng điểm; hình thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ NLTT. Với những tiềm năng khổng lồ về NLTT, mục tiêu ấy hoàn toàn trong tầm tay, những gì Ninh Thuận đạt được dù chỉ mới chỉ mang tính “khởi động”, nhưng đã tạo ra sự đổi thay kỳ diệu cho nhiều vùng đất.
Ông Nguyễn Văn Thành ở xã An Hải, huyện Ninh Phước thường ngồi câu cá ven biển và ngắm những tuabin điện gió quay đều suốt ngày đêm - một cảnh tượng trên quê hương mà cứ ngỡ như trong mơ. Trước đây, vợ chồng ông chăn cừu, hai con trai đi biển, công việc nặng nhọc, thu nhập thấp mà bấp bênh. Nhưng kể từ khi có dự án điện mặt trời và điện gió được đầu tư ở Ninh Phước, cả gia đình đã đổi đời. Hai con trai ông được nhận vào trang trại điện mặt trời làm việc, vợ chồng ông mở quán cơm, phục vụ cho cán bộ, công nhân dự án, thu nhập cao và bớt nhọc nhằn hẳn.
Không chỉ ở Ninh Thuận, nhưng dự án NLTT cũng đang tạo ra đổi thay tích cực ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Thuận hay Bình Định. Ba dự án điện mặt trời mang tên Phù Mỹ do Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch (NLS) - trực thuộc BCG Energy đầu tư tại xã Mỹ Thắng và Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã đi vào vận hành thương mại, hòa vào lưới điện quốc gia. Dự án được xây chủ yếu trên đất cát trắng do UBND xã quản lý, cây trồng kém phát triển và không có nhà cửa của cư dân sinh sống. Khi dự án đi vào hoạt động toàn bộ, ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2. Công ty NLS cam kết ủng hộ hàng năm cho 2 xã trong 5 năm đầu (từ 2021 đến 2025) số tiền 12,5 tỷ đồng, ngoài ra còn hỗ trợ nhiều hoạt động của địa phương như đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ phòng, chống thiên tai... Điều quan trọng là những dự án điện mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định này đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Cụ thể, trong thời gian cao điểm xây dựng dự án đã có 2.000 người lao động làm việc, hiện nay công tác vận hành giai đoạn 1 đang sử dụng 103 nhân sự. Nhờ đó, nhiều người dân ở vùng đất ven biển nghèo vốn ít sinh kế đã có công việc và thu nhập tốt hơn nhiều so với trước đây.

Giám đốc Ban quán lý dự án điện gió Hoà Bình 1 giới thiệu với khách tham quan về dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Duy
Giám đốc Ban quán lý dự án điện gió Hoà Bình 1 giới thiệu với khách tham quan về dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Duy
Khi cánh đồng điện gió
trở thành điểm du lịch nổi tiếng
“Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu giờ đây không chỉ trở thành biểu tượng của công nghiệp NLTT của cả nước mà lợi ích kinh tế của nó còn đến từ thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan dự án kỳ vĩ này. Đây cũng là “cánh đồng điện gió” đầu tiên của Đông Nam Á được xây dựng trên thềm lục địa. Khởi công tháng 9 năm 2010, đến nay, dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đặt tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu - công trình điện gió lớn nhất cả nước đã hoàn thành 2 giai đoạn, lắp đặt được 62 trụ tuabin công suất 16 - 83MW, trên diện tích 1.300ha, với tổng mức đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng. Mỗi tuabin nặng hơn 210 tấn làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn ngay cả trong muối mặn, trụ cao 100m và mỗi cánh quạt vươn dài 80m. Chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia từ tháng 6 năm 2013, đến nay nhà máy đã đóng góp sản lượng điện đạt 1 tỷ kWh.
Từ xa nhìn vào đã thấy những trụ tuabin trắng tinh như những chiếc chong chóng khổng lồ chầm chậm quay trong gió giữa nền trời và biển. Các cột tháp và tuabin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu đều được đặt trên bờ biển. Phía trong là khu rừng phòng hộ tạo khung cảnh xanh mát, trong lành. Một hệ thống cầu bê-tông vững chắc nối từ con đường đi ra các tuabin, bên dưới là thủy triều lên xuống và có những cánh rừng đước đua chen. Ít ai ngờ cách đây chưa lâu nơi bạt ngàn những cây bần, cây đước hoang vu, bốn bề sóng biển gầm gào, gió mạnh thổi suốt ngày đêm, giờ đây “đặc sản” gió ấy lại trở thành tài nguyên, chuyển hóa thành năng lượng điện sạch.
Có lẽ đây cũng là dự án NLTT đầu tiên trở thành điểm du lịch, nơi “check in” không thể bỏ qua với du khách. Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã quyết định công nhận khu điện gió Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Điểm tham quan nổi tiếng miền Tây Nam Bộ này đón hơn 200.000 lượt khách du lịch mỗi năm. Tỉnh đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp cùng dịch vụ vui chơi giải trí gần khu vực “cánh đồng điện gió”, đồng thời xây dựng tour tuyến gắn với các điểm đến lân cận như chùa Quan Âm Phật Đài, vườn nhãn cổ, nhà công tử Bạc Liêu.
“Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu trở thành dự án đầu tư lớn nhất của tỉnh Tây Nam Bộ này đã khai phá vùng bãi bồi ven biển, biến gió thành năng lượng sạch. Nó cũng trở thành cú huých cho nhiều dự án đầu tư vào điện gió ở đồng bằng sông Cửu Long vốn đầy tiềm năng. Chỉ tính riêng tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã có hơn 400km bờ biển với bãi bồi rộng hàng trăm nghìn ha có thể phát triển điện gió rất thuận lợi. Trên thực tế các địa phương đã triển khai một số dự án điện gió có hiệu quả. Nhiều cánh đồng “gặt” gió đã mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn những cánh đồng trồng lúa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với xu thế của thời đại.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Văn-Bảo Thanh-Việt Hưng-Bích Lan-Minh Quân
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trọng Duy, nguồn internet