Trong đêm Gala vinh danh Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng Human Act Prize 2024, dự án Bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc Ba Na (Bahnar) đã được trao là một trong 3 giải thưởng hạng mục Dự án Triển vọng. Dự án do Đại học VinUni cùng cộng đồng người Ba Na tại Kon Tum thực hiện.
Ngôn ngữ Ba Na thực sự là một ngôn ngữ đặc biệt và đáng được biết đến trên toàn cầu. Họ có mối liên kết tâm linh sâu sắc với rừng, điều này được phản ánh trong ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ Ba Na chứa đựng một số bí mật về cách sống bền vững và sinh tồn trên hành tinh đang thay đổi liên tục của chúng ta. Ngôn ngữ này có rất nhiều tri thức về môi trường quý giá và những hiểu biết thực tiễn về cách sử dụng tài nguyên rừng một cách bền vững.
Tổ tiên của người Ba Na chủ yếu sinh sống tại vùng dưới chân núi Mang Yang, theo dọc hai bờ sông Ba, và từ đó lan ra về phía đông đến các huyện đồng bằng giáp ranh miền núi và các huyện miền núi thuộc tỉnh Bình Định. Theo thời gian, do quá trình di dân qua các giai đoạn lịch sử, người Ba Na dần dần chuyển cư về phía tây đến lưu vực các sông Ayun, Đắk Bla, và cuối cùng đến vùng Kon Tum như hiện nay. Lịch sử của người Ba Na chặt chẽ liên kết với lịch sử của các dân tộc Tây Nguyên.
Dân tộc Ba Na thường gọi chung bằng tên “Bahnar,” có nghĩa là “Người ở núi.” Ngoài ra, họ còn được biết đến với các tên gọi khác như Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông…
Người Ba Na sinh sống theo hình thức quần cư thành làng, được gọi là “plei”. Các làng của người Ba Na thường được đặt ở vị trí bằng phẳng hoặc tương đối bằng phẳng, gần các con sông và suối, và có quy mô không quá lớn.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Ba Na ở Việt Nam có 286.910 nghìn người, bao gồm 141.758 nam và 145.152 nữ.
Người Ba Na có mặt tại 58/63 tỉnh, thành của Việt Nam, song tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, với lần lượt 189.367 và 68.799 người, tương ứng 66% và 23,98% dân số Ba Na cả nước. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).
Bảo tồn ngôn ngữ, vấn đề cấp bách của nhiều dân tộc thiểu số
Nhiều năm qua, với quan điểm nhất quán, Đảng và nhà nước ta luôn khẳng định văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển. Văn kiện đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm phát triển: “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, hiện cả nước đã có 30 tỉnh, thành phố triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số. Tiếng của người Ba Na cũng là một trong 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số được phát hành trên các chương trình truyền hình, phát thanh trung ương của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Chữ viết Ba Na cũng là một trong 6 loại ngôn ngữ tiếng dân tộc được xây dựng thành bộ sách giáo khoa.
Người trẻ không còn nói tiếng Ba Na nhiều, chúng tôi phải dạy và tập cho trẻ. Có khi một ngày dạy được một tiếng thôi, mai nữa, mốt nữa, tập từng tiếng, từng tiếng thôi…
Già làng A Ben – dân tộc Ba Na, Kon Tum
Vấn đề cấp bách bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số hiện nay chính là xây dựng các hệ thống lưu trữ, các bộ từ điển trước khi chúng bị mai một. Dự án Bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc Ba Na của trường Đại học Vin Uni là một trong những giải pháp góp phần giải quyết vấn đề này.
Đất nước Việt Nam rất phong phú về ngôn ngữ, có hơn 100 thứ tiếng được sử dụng nhưng không phải ngôn ngữ nào cũng được khoa học ghi nhận và ghi lại bằng tài liệu. Chúng tôi đang triển khai một dự án xây dựng một từ điển tiếng, từ điển dạng âm thanh nói giúp lưu lại những ngôn ngữ này. Và tôi tin nó sẽ hữu dụng.
Giáo sư K. David Harrison
Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật, Đại học VinUni
Bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc thiểu số, cần sự chung tay từ cộng đồng
Chủ nhiệm Dự án "Bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc Ba Na" là Giáo sư K. David Harrison – Phó Hiệu trưởng phụ trách Học thuật, Đại học VinUni. Trong suốt 2 năm nghiên cứu bảo tồn, giáo sư David đã đưa sinh viên từ Hà Nội vào Kon Tum để cùng sinh hoạt, ăn ở và làm việc cùng đồng bào người Ba Na để tìm hiểu văn hoá, ngôn ngữ của họ.
Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trong suốt hơn 2 năm qua cùng với những người bạn trong cộng đồng Bahnar và đã thấy được những tác động thực sự cũng như những kết quả tích cực của dự án. Chúng tôi đã thu âm và phát hành một album nhạc Bahnar, tạo ra một bảo tàng "Metaverse" đạt giải thưởng, đồng thời phát triển Từ điển Nói Bahnar cũng như nhiều video tài liệu.
Dưới sự dẫn dắt và hướng dẫn của cộng đồng người Ba Na, bằng những ghi chép, tài liệu ghi hình, ghi âm và nghiên cứu các hoạt động văn hoá của người Ba Na. Kho tàng lưu trữ ngôn ngữ, văn hoá người Ba Na đã được xây dựng và giới thiệu tại nhiều hội thảo quốc tế qua nỗ lực của giáo sư David và các thành viên Dự án.
Đặc biệt, vào ngày 9/10/2024, Đại học Vin Uni chính thức trở thành Unesco Chair đầu tiên của Việt Nam dưới mô hình trung tâm nghiên cứu và đào tạo. Trong đó, dự án về bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc thiểu số là một trong những sáng kiến nghiên cứu trọng điểm trong giai đoạn 2024 – 2028.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng Ba Na, tôn trọng mong muốn bảo tồn văn hóa của họ và hỗ trợ họ thông qua công nghệ.
- Dự án đã xây dựng một bộ từ điển tiếng Ba Na
- 6 bộ phim tài liệu ngắn về đời sống, các phong tục tập quán, văn hoá người Ba Na
- 15 bài nghiên cứu đồng tác giả với lãnh đạo Ba Na
- hơn 100 bức ảnh và hiện vật văn hoá
Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất các phim tài liệu và mở rộng Từ điển nói Ba Na, từ điển sẽ không dừng ở hơn 6.000 từ như hiện nay.
Dự án “Bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá dân tộc Ba Na” hướng tới mục tiêu bảo tồn ngôn ngữ Ba Na như một nền tảng quan trọng của di sản văn hoá, đồng thời tận dụng nó để thúc đẩy sự bền vững môi trường. Dự án tìm cách trao quyền cho người Ba Na bằng cách xem họ như những chuyên gia về môi trường, không chỉ đơn thuần là những người nhận viện trợ. Từ đó góp phần nâng cao hình ảnh của người dân Ba Na trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Dự án cũng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và đẩy mạnh quảng bá truyền thông các giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu của dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Đây cũng chính là một phần của mục tiêu to lớn của Giải thưởng hành động vì cộng đồng Human Act Prize nhằm vinh danh các tổ chức và cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả kịp thời, lâu dài và bền vững.
Không chỉ dừng lại ở những dự án được vinh danh, Giải thưởng hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn là hạt nhân lan toả cảm hứng cho nhiều tổ chức, cá nhân phát triển các ý tưởng, biến thành hành động thiết thực cho xã hội, cho cộng đồng. Cùng chung ta xây dựng một xã hội Việt Nam sẻ chia, đồng cảm và công bằng, văn minh.
Tất cả những điều này chỉ có thể được hiện thực hóa nhờ sự hào phóng của cộng đồng Ba Na, những người đã chia sẻ sự hiểu biết và văn hóa của họ với chúng tôi. Và chúng tôi đã mang văn hóa này đến với thế giới qua các nền tảng toàn cầu.
Thanh niên dân tộc Ba Na. Ảnh Human Act Prize
Thanh niên dân tộc Ba Na. Ảnh Human Act Prize
Ngày xuất bản: 25/12/2024
Tổ chức sản xuất: Kiều Thanh Bình
Nội dung: Phan Thành Hưng
Ảnh: Thành Hưng, Dự án Human Act Prize, báo Nhân Dân
Video Clip: Thành Hưng
Trình bày: Thành Hưng