Rực rỡ và lộng lẫy, đó là thế giới của nhà thiết kế Thủy Nguyễn. Với “Mộng bình thường”, Thủy Nguyễn không chỉ kể câu chuyện thời trang, mà đó còn là câu chuyện tình yêu của chị với văn hóa truyền thống rực rỡ sắc màu.
1. Với chị, Hà Nội là sự trở về, nơi Thủy sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó rất nhiều ký ức tuổi thơ của chị. Triển lãm thời trang “Mộng bình thường” của Thủy Nguyễn đang trưng bày ở một con phố sang trọng bậc nhất Hà Nội, phố Tràng Tiền với mong muốn, mang thời trang đến gần công chúng.
Đó là hành trình 9 năm để kể câu chuyện về một Việt Nam đương đại, không bị đóng khung trong cây đa, bến nước, sân đình, trong những tà áo dài truyền thống. Việt Nam đương đại rực rỡ sắc màu trong sự kết nối của truyền thống và câu chuyện hôm nay. Tôi hỏi Thủy, vì sao thời trang của Thủy rất hiện đại mà vẫn đậm chất Việt. “Nó là con người của tôi, khi mình đau đáu về điều gì nó sẽ ra tác phẩm như thế. Tôi không thể không làm về truyền thống và dân gian được. Chỉ có cách thể hiện thế nào, làm thế nào thôi”.
Nó là con người của tôi, khi mình ĐAU ĐÁU VỀ ĐIỀU GÌ ĐÓ nó sẽ ra tác phẩm như thế. Tôi không thể không làm về truyền thống và dân gian được. Chỉ có cách thể hiện thế nào, làm thế nào thôi.
- NTK THỦY NGUYỄN -
Đắm chìm trong “Mộng bình thường” của Thủy Nguyễn để cảm nhậnrõ nét sự đa dạng của các bộ sưu tập thời trang cũng như những nguồn cảm hứng giúp hình thành nên chúng. Các mẫu thiết kế của Thuỷ xoay quanh những câu chuyện cá nhân như tình mẫu tử, quê hương, đời sống tâm linh và thiên nhiên trong không gian “Ở trọ trần gian”. Tất cả được tái hiện thông qua các diễn cảnh thiết kế công phu, đầy kịch tính; nhằm tôn vinh tính năng động, sáng tạo của thời trang Việt Nam đương đại trong không gian hội nhập Việt Nam và thế giới.
Thủy nói, giấc mơ thời trang đến với chị bắt đầu từ những chuyến đi ra nước ngoài, tham dự những bữa tiệc ngoại giao. Lúc đó chị phải sử dụng đồ của các hãng thời trang nước ngoài. Thủy cảm nhận rất rõ, những bộ thời trang đó không liên quan gì đến mình. Nó không thể hiện được cái tôi trong những bộ trang phục và đặc biệt, nó không có màu sắc Việt Nam.
Thuy Design House ra đời cũng từ mong muốn đó, kể câu chuyện về Việt Nam qua thời trang. Vì thế, mặc dù Thủy không được đào tạo bài bản để trở thành một nhà thiết kế thời trang nhưng hoạt động sáng tạo của chị được xây dựng từ nhiều lớp lang kiến thức và trải nghiệm về sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây.
Thủy Nguyễn coi trọng những ý tưởng mới và cá tính riêng biệt, đồng thời trí tưởng tượng bay bổng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong triết lý sống của mình - là kim chỉ nam cho việc thực hành nghệ thuật cũng như thời trang. Đối với Thuỷ, ‘hội hoạ và thời trang có nhiều điểm tương đồng - màu sắc và hình khối' được thể hiện qua không gian không giới hạn.
Thủy đã cho ra đời nhiều bộ sưu tập gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước như “Lúng liếng”, “Viên mãn”, “Gió mùa về”, “Cọc cạch”, “Mộng mị’, “Tình tang”, “Mỵ Châu”... Trong đó bộ sưu tập “Lúng liếng” đánh dấu cho việc thổi hồn hội họa vào thời trang của chị. Thủy chia sẻ: “Tôi muốn đưa sức sống đương đại vào các thực hành của mình. Khi bóc tách từng thiết kế và bộ sưu tập, người xem sẽ thấy được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đong đầy chất thơ nhưng vẫn rất năng động, sáng tạo”.
“Mộng bình thường” là thành quả của 9 năm mòn mỏi với bao nhiêu gấm vóc, lụa là, kim chỉ, bao nhiêu cô Tấm miệt mài làm việc. Thủy Nguyễn xác tín đi con đường của mình, một con đường không thỏa hiệp với đám đông hay chạy theo các xu hướng thời trang. Và bây giờ là khoảng thời gian tĩnh lặng để chị ngắm nhìn lại hành trình của mình. Đó là con đường kể cho mọi người nghe câu chuyện của Thủy, về những ký ức, những kỷ niệm, về những phố phường Hà Nội hay đơn giản, là một bức tranh hàng Trống đang bị mai một bởi thời gian.
Dân gian trong Thủy như một ám ảnh của tiềm thức, vì thế, nó đi ra tự nhiên như hơi thở, chứ không phải là sự vay mượn hay lắp ghép. Ở Thuỷ luôn thấy một sự nhất quán trong việc hướng tới văn hoá truyền thống Việt Nam khi các bộ sưu tập của chị thường lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh hoạ thế kỷ 20 đi ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương và áo dài – biểu tượng của văn hoá Việt – hay các phụ kiện cổ truyền khác.
"Tôi mong muốn giữ gìn những vẻ đẹp của truyền thống, đó cũng là cách định vị chúng ta là ai trong thế giới toàn cầu. Tôi luôn tò mò tự hỏi, tại sao văn hóa của chúng ta là màu này chứ không phải màu kia, sao hoa sen lại trở thành biểu tượng. Tôi cứ đào sâu vào những thứ mà mình yêu say mê như thế để tìm kiếm những sáng tạo mới. Truyền thống nhưng phải đương đại để tiếp cận giới trẻ chứ không phải truyền thống theo quan niệm cứng nhắc. Cứ cố gắng mỗi ngày một tí, chắt chiu một tí sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người", chị chia sẻ.
2. Không gian làm việc của Thủy ở Sài Gòn cũng được lấp đầy bằng những kỷ niệm thân thương. Một bức tranh, một chiếc áo dài từ thời thiếu nữ, một đĩa nhạc hay những món đồ lưu niệm Thủy mang về từ nhiều vùng văn hóa khác nhau, trong những chuyến đi. Và trong không gian ấy, người nghệ sĩ đã tự do sống và yêu để sáng tạo ra một thế giới của riêng mình.
Thủy kể, hồi bé, chị thường ở nhà một mình, không biết làm gì nên lấy đồ hàng ra chơi. Cô bé ngày đó đã được sống tự do trong thế giới tưởng tượng của mình. Và bây giờ, với thời trang, Thủy được “chơi đồ hàng” trong thế giới của kho cườm, vải, của thêu và đính. Thủy cho tôi xem hình ảnh những người thợ lành nghề của chị phải đính từng sợi và hạt thành miếng vải, đều và thẳng tắp để dựng một chiếc áo dài, tỷ mẩn và khéo léo. 6 người thợ thủ công làm trong 8 tháng, Thủy muốn show những kỹ thuật tinh tế nhất của mình.
Với chị, thời trang KHÔNG CHỈ LÀ một bộ quần áo đẹp mà chúng ta khoác lên người. Thời trang, sâu sắc hơn, là một CÂU CHUYỆN kể, gần gũi và thân quen.
“Có những kỹ thuật mà thợ thủ công không phải không làm được mà nó bị mai một, tôi muốn giữ lại và làm theo cách đương đại hơn. Có những bộ áo dài rồng bay phượng múa, tôi không dùng vải mà dùng kỹ thuật thủ công, từ các hạt cườm thêu đính đan vào nhau. Tôi không muốn áo dài một ngày nào đó vào bảo tàng mà muốn nó đương đại hơn, gần gụi hơn để đi vào cuộc sống hàng ngày”. Chị chia sẻ.
Trong đời sống, Thủy Nguyễn đảm nhiệm nhiều vai khác nhau, làm mẹ, làm vợ, nấu cơm, rửa bát, làm phim rồi vẽ tranh, làm thiết kế thời trang. Quá nhiều thứ cùng một lúc trong đầu vì thế thời trang của chị rất nhiều màu sắc. Chị cho rằng: “Tôi hay tự đặt câu hỏi cho mình, liệu có được hơn nữa không, chắc sự tò mò, hoặc sự muốn nữa, muốn thêm thể hiện rõ trên tác phẩm, lý giải cho việc tại sao thời trang của tôi nhiều màu như thế, nhiều cườm như thế, nhiều lớp lang như thế”.
Thủy có một nỗi sợ mơ hồ, sự đứt gãy với thế hệ trẻ.
Làm thế nào để trò chuyện với con, làm thế nào để các con chị yêu những thứ mà chị yêu. “Truyền thống nhưng phải đương đại nếu không giới trẻ sẽ không thích. Tôi làm không vì mình vì thế hệ tương lai. Làm thế nào để có kết nối với các bạn trẻ, để họ theo dõi mình, như thế chúng ta mới phát triển và lâu dài được”, chị nói.
Vì thế, thời trang của chị không chỉ xuất hiện trên các sàn diễn hay những show diễn thời trang. Thủy muốn, thời trang gần gũi hơn, đi vào đời sống. Và lần này, Thủy dành nhiều tâm huyết đưa “Mộng bình thường” đi tour cũng với giấc mơ đó, giới thiệu cho mọi người về thời trang theo một cách khác.
“Đây là khoảng thời gian tĩnh lặng để nhìn sâu vào bên trong. Tôi mong chia sẻ được những điều mình nghĩ với khán giả, họ có thể đọc được những ý tưởng mình đã gieo vào đó. Đó chính là Thủy. Cách Thủy làm thời trang cũng từ Thủy ra”.
Với chị, thời trang không chỉ là một bộ quần áo đẹp mà chúng ta khoác lên người. Thời trang, sâu sắc hơn, là một câu chuyện kể, gần gũi và thân quen.
Thuỷ Nguyễn tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng cao học tại Học viện nghệ thuật thị giác và kiến trúc quốc gia (Ukraine) ở Kiev. Trong cộng đồng nghệ thuật, chị được biết đến dưới nghệ danh ‘Tia-Thuỷ Nguyễn’, đặc biệt trong vai trò sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tại TP. HCM năm 2016 (Không gian độc lập đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại).
Năm 2019, với những hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật thị giác và kinh doanh, Thuỷ được vinh danh là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Chị là người bận rộn, con người của những chuyến đi. Cuộc gặp của chúng tôi cũng vội vàng giữa những hành trình của Thủy đến và đi giữa Hà Nội- Sài Gòn. Thủy nói, chị sẽ khép lại hành trình 9 năm với “Mộng bình thường” và bắt đầu một hành trình mới, khai mở những không gian mới trong thế giới tâm tưởng của mình.
Ngày xuất bản: 28/3/2023
Thực hiện phỏng vấn: LINH VÂN
Trình bày: NGỌC DIỆP