Caracas, thủ đô của đất nước Venezuela cách xa Hà Nội gần 17 nghìn cây số, có một gia đình người Venezuela ba thế hệ rất yêu quý Việt Nam. Đó là gia đình của nhà ngoại giao, nhà báo Venezuela, Ángel Miguel Bastidas, cùng con gái và các cháu ngoại của ông đã từng sống, làm việc và học tập ở Hà Nội. Dù đã trở về nước, mỗi người trong gia đình họ đều đau đáu một tình yêu và nỗi nhớ về Hà Nội. Hà Nội ân tình, hữu nghị, lưu lại trong trái tim những người bạn Venezuela biết bao kỉ niệm và khiến họ lưu luyến khi rời xa...

Từ Caracas vẫn luôn nhớ về Hà Nội…

Ángel Miguel Bastidas: Những ký ức về Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn

Nhà ngoại giao, nhà báo Venezuela, Ángel Miguel Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhà ngoại giao, nhà báo Venezuela, Ángel Miguel Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hà Nội với nhà ngoại giao, nhà báo Ángel Miguel Bastidas là một câu chuyện dài mà ông say sưa kể hàng giờ. Ngày 26 tháng 9 năm 2007, Ángel tới Hà Nội để đảm nhận vị trí Bí thư thứ hai phụ trách Báo chí của Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam. Không ngạc nhiên khi trò chuyện với Ángel, ông có thể nói về nghề báo, về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về một địa danh hay một sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam, với kiến thức sâu sắc cùng niềm yêu kính, khâm phục. Dù đã đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị ở Việt Nam, nhưng Ángel vẫn dành nhiều tình cảm nhất cho Hà Nội.

“Tôi đến Việt Nam mang theo trong tâm trí những hình ảnh về một Hà Nội của những năm tháng chiến tranh đau thương mà tôi từng biết đến qua những bài báo, những tấm ảnh, thước phim, cùng với rất nhiều những câu hỏi mà tôi muốn tự mình giải đáp để hiểu hơn về thủ đô của Việt Nam anh dũng, kiên cường. Tôi nung nấu ước mơ được tới Việt Nam, nơi có những “người đàn ông và phụ nữ có đôi mắt hình quả hạnh đào” như nhà cách mạng, nhà thơ Cuba José Martí đã từng miêu tả trong tác phẩm “Một cuộc dạo chơi qua xứ người An Nam” mà tôi đã từng đọc trên Tạp chí “Tuổi vàng dành cho thiếu nhi Cuba và Mỹ Latin từ khi còn nhỏ”.

Ángel đã chia sẻ với tôi như vậy khi được hỏi về cảm xúc của lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội từ 17 năm trước. Lúc ấy ông đã rất muốn biết làm thế nào mà một thành phố từng trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, từng hứng chịu những đợt ném bom của không quân Mỹ, đã trỗi dậy ngoạn mục để trở thành “Thành phố vì Hòa bình”. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng đã qua rồi những ngày kháng chiến gian khổ. Khúc ca khải hoàn vẫn vang lên mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, kí ức về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn, nhưng trước mắt ông là một Hà Nội đã thực sự “thay da đổi thịt”.

Ángel kể rằng ông như đang xem một bộ phim tài liệu về Hà Nội của thời bình khi ngồi trên taxi từ sân bay Nội Bài về khách sạn trên đường Âu Cơ: “Không còn đổ nát hay mùi khói súng, không còn những mảnh vỡ của pháo binh hạng nặng hay máy bay chiến đấu đã từng nằm rải rác trên mảnh đất này. Không còn hình ảnh của Hà Nội bị tàn phá bởi bom đạn Mỹ mà tôi đã xem trong bộ phim tài liệu “Hà Nội thứ Ba ngày 13” của nhà làm phim Cuba Santiago Álvarez Román. Thay vào đó là một khung cảnh thật yên bình: những chiếc nón trắng nhấp nhô trên cánh đồng lúa, những vựa rau trù phú ven sông Hồng, những người lao động đạp xe bình thản… Hình ảnh của một Hà Nội đời thường, giản dị và cần cù lao động chưa bao giờ gần tôi đến thế”.

Ông Ángel chia sẻ cảm nhận về Hà Nội sau mỗi đợt nghỉ phép về nước rồi quay trở lại Việt Nam: “Hà Nội như một cửa ngõ đón khách quốc tế với cây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được thiết kế 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Thủ đô nghìn năm văn hiến, chào đón bạn bè quốc tế trên đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố. Tôi vô cùng ấn tượng trước nhịp sống năng động của thành phố. Những công trình quy mô, những trục đường cao tốc, những trung tâm mua sắm hiện đại cho thấy thành phố đang vươn mình, đúng như tên gọi Thăng Long, nghĩa là Rồng trỗi dậy”.

Những thành tựu của Hà Nội trên chặng đường 70 năm qua không chỉ là niềm vinh dự và tự hào với người dân Thủ đô, mà còn góp phần xây dựng Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh, là động lực để các dân tộc ở Mỹ Latinh có thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở phía Tây bán cầu.
Nhà ngoại giao, nhà báo Venezuela, Ángel Miguel Bastidas

Hơn mười năm công tác ở Việt Nam là một hành trình gắn bó dài lâu, thân thiết của Ángel với Hà Nội. Mỗi ngày ông đều miệt mài đọc và viết về Việt Nam. Luôn say mê tìm hiểu lịch sử Việt Nam, thế nên, những tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được dịch sang tiếng Tây Ban Nha như Chiến đấu trong vòng vây” hay “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” được ông cất giữ, nâng niu. Những mẩu báo, những hình ảnh trên báo Nhân Dân hay Hà Nội Mới mà Đại sứ quán đặt mua hàng ngày được ông cất giữ cẩn thận, dán vào một quyển sổ để làm tư liệu riêng cho mình.

Ngoài công việc, Ángel dành thời gian để khám phá và trải nghiệm Hà Nội theo cách riêng. Ông thường cắt tóc ở những quán ven đường, thích ăn sáng với món xôi và có thể dễ dàng nhớ tên các món xôi cốm, xôi lạc, xôi dừa... Đặc biệt yêu thích nhiếp ảnh, ông đã ghi lại những khoảnh khắc bình yên cũng như nhịp sống sôi động của Hà Nội. Bức ảnh có tựa đề “Hoàng hôn trên hồ Tây” của ông đã góp mặt trong triển lãm “15 năm Hà Nội - thành phố hòa bình” năm 2014.

Bức ảnh “Hoàng hôn trên hồ Tây” của nhà báo Ángel Miguel Bastidas đã góp mặt tại triển lãm “15 năm Hà Nội - thành phố hòa bình” năm 2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bức ảnh “Hoàng hôn trên hồ Tây” của nhà báo Ángel Miguel Bastidas đã góp mặt tại triển lãm “15 năm Hà Nội - thành phố hòa bình” năm 2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Là một trong những người sáng lập ra Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam, Ángel đã có những đóng góp tích cực trong việc quảng bá đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè Venezuela và Mỹ Latinh. Ông đã vinh dự được trao giải nhì Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại năm 2017 với cuốn sách “Xin Chào” bằng tiếng Tây Ban Nha do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách là tập hợp của gần 200 bài báo đăng trên chuyên mục Xin chào” do Ángel làm chủ bút được đăng tải thứ ba hàng tuần trên tờ El Correo del Orinoco (Bưu điện Orinoco) của Venezuela.

Mỗi bài báo trong chuyên mục Xin chào” đều ghi lại một sự kiện, một nhân vật lịch sử, có khi là một kỉ niệm, một khoảnh khắc đáng nhớ của Ángel ở Việt Nam, minh chứng cho sức viết dồi dào và mong muốn của tác giả được đưa Việt Nam lại gần hơn với Venezuela. Những bài báo được đặt tên ngắn gọn như “Nguyễn Văn Trỗi”, “Đường Hồ Chí Minh”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” hay “Tết”, “Lễ Vu Lan” và trong đó chắc chắn không thể thiếu bài viết về Hà Nội. Trong bài viết “Hà Nội kiên cường” đăng vào dịp kỉ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, tác giả viết: “Ta lại được thấy hàng nghìn bông hoa, những ánh đèn lung linh đủ màu sắc, những tấm áp phích làm tôn lên vẻ đẹp của Hà Nội, nhắc mọi người rằng để có được một ‘Thành phố vì Hòa bình' như hôm nay, nhân dân Thủ đô phải trải qua cuộc chiến đấu trường kỳ, với biết bao máu xương của các thế hệ cha anh đã đổ xuống trên mảnh đất này”.

Trò chuyện với tôi, nhà báo Ángel khẳng định ngày 10/10/1954 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, nhắc nhở thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay về quá khứ vẻ vang của cha anh, về một trong những trang vàng chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt, ông đánh giá cao vai trò của thanh niên Hà Nội trong việc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Hà Nội đang phát triển vượt bậc nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của người dân, của lớp trẻ năng động và sáng tạo đang cống hiến sức trẻ cho Thủ đô, góp phần vào công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, không ngừng vươn lên để xây dựng một nước Việt Nam 10 lần tươi đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Những thành tựu của Hà Nội trên chặng đường 70 năm qua không chỉ là niềm vinh dự và tự hào với người dân Thủ đô, mà còn góp phần xây dựng Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh, là động lực để các dân tộc ở Mỹ Latin có thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở phía Tây bán cầu”.

Năm nay, dù đã 80 tuổi, Ángel vẫn say mê nghề báo và không ngừng dõi theo Việt Nam. Ông vẫn viết bài đều đặn cho tờ báo Ciudad Caracas (Thành phố Caracas) đồng thời là cộng tác viên của chương trình phát thanh “Cimarrón” được phát sóng hàng tuần trên đài phát thanh của Quốc hội Venezuela Somos Asamblea Radio. Hà Nội vẫn được nhà báo Ángel nhắc tới rất nhiều trong những bài báo, những chương trình phát thanh, là cách để ông thể hiện tình yêu tới thành phố mà ông coi là quê hương thứ hai.

Những hiểu biết, trải nghiệm cùng tình cảm sâu nặng của ông dành cho Hà Nội đã được trao truyền tới thế hệ sau. Năm 2012, con gái của ông, Maikki Bastidas Estupiñán, đã thực hiện được mong muốn của mình: tới thăm cha cô và khám phá Hà Nội mà theo lời kể của ông, là một thành phố rất đáng sống, với những con người nồng hậu, tử tế.

Cuốn sách “Xin Chào” bằng tiếng Tây Ban Nha của tác giả Ángel Miguel Bastidas do Nhà xuất bản Thế giới phát hành, đạt giải nhì Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại năm 2017. (Ảnh: Trang Ngân)

Cuốn sách “Xin Chào” bằng tiếng Tây Ban Nha của tác giả Ángel Miguel Bastidas do Nhà xuất bản Thế giới phát hành, đạt giải nhì Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại năm 2017. (Ảnh: Trang Ngân)

Maikki Bastidas Estupiñán: Tôi đã có những kỉ niệm gia đình đẹp nhất trong cuộc đời ở Hà Nội

Maikki Bastidas Estupiñán (ngoài cùng bên trái) và khách mời tại chương trình phát thanh "Vietnam en Venezuela" trên kênh phát thanh Venezuela OyeVen, FM 106.9. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Maikki Bastidas Estupiñán (ngoài cùng bên trái) và khách mời tại chương trình phát thanh "Vietnam en Venezuela" trên kênh phát thanh Venezuela OyeVen, FM 106.9. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Maikki sinh ngày 29 tháng 11 năm 1979 tại Caracas và hiện là mẹ của ba cô con gái. Maikki đến Hà Nội vào một ngày đầu năm 2012.Chào đón cô là những bó hoa, những nụ cười và cái ôm thật chặt của những người bạn Hà Nội.

Cảm xúc của Maikki dành cho Hà Nội từ những ngày đầu vẫn còn như mới đây. Cô nhớ lại trong niềm xúc động bồi hồi: “Những người bạn Việt Nam đã chờ ở sân bay và hồ hởi chào đón chúng tôi. Cảm giác thật gần gũi. Rồi sau đó, những cánh đồng lúa rộng lớn, những người nông dân đội nón, những ngôi nhà khang trang dần hiện lên trước mắt tôi. Cảnh tượng đó, cảm xúc đó khắc sâu trong tim tôi mãi mãi. Ngay lúc ấy, tôi có dự cảm rằng cuộc đời của tôi và con gái Angélica sẽ thay đổi”.

Gia đình của Maikki sống cùng cha cô ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, nơi mà cô cùng chồng con thong thả đạp xe và ngắm Hồ Tây mỗi khi chiều xuống. Maikki nghẹn ngào nhớ lại: “Những người hàng xóm Việt Nam đã coi chúng tôi là một phần của gia đình họ. Chính sự quan tâm chân thành của những người bạn Hà Nội và lối sống lành mạnh, giản dị ở đây khiến tôi cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng tích cực. Sống ở Hà Nội thật dễ chịu, an toàn. Vì thế, tôi đã quyết định sinh con và làm mẹ lần thứ 2 tại nơi đây”.

Là một người mẹ, lại theo học ngành Dinh dưỡng và Ăn kiêng, Maikki cho biết cô đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống và chăm sóc con cái. “Tôi ấn tượng và cảm động với cách mà mọi người ở đây chăm lo tới sức khỏe và từng thành viên trong gia đình tôi từ những điều nhỏ bé, giản dị nhất. Trí tuệ ngàn năm, sự khéo léo, tinh tế hiện diện trong mọi sinh hoạt của người Hà Nội, ngay cả trong ẩm thực đời thường, trong cách kết hợp gia vị và chế biến đồ ăn. Tôi ngưỡng mộ những người phụ nữ Hà Nội luôn yêu thương và chăm sóc gia đình cẩn thận. Điều đó khiến tôi thêm yêu quý và gần gũi với Hà Nội”, Maikki kể.

Trong quãng thời gian gần sáu năm sống ở Hà Nội, Maikki đã có cơ hội cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò là hiệu đính bản tin và phát thanh viên tiếng Tây Ban Nha. Cô tâm sự rằng bản thân đã học hỏi được rất nhiều điều từ những người đồng nghiệp, cũng như rất vinh dự khi được trò chuyện với thính giả từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Quay trở lại Venezuela, Maikki cùng cha cô và một số người bạn từng công tác ở Việt Nam đã cho ra mắt chương trình phát thanh “Vietnam en Venezuela” (Việt Nam ở Venezuela), phát sóng thứ Năm hàng tuần Kênh phát thanh Venezuela OyeVen, FM 106.9 từ tháng 3 năm 2023. Loạt 5 tập đầu tiên của chương trình đã nhận được giải ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX ở hạng mục Phát thanh. Nội dung của chương trình là những cuộc trò chuyện về lịch sử, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như những thành tựu Đổi mới của Việt Nam, cùng những dấu mốc quan trọng của mối quan hệ Việt Nam-Venezuela.

Maikki Bastidas Estupiñán cùng cha cô, Ángel Miguel Bastidas, tại chương trình phát thanh "Vietnam en Venezuela" trên kênh phát thanh Venezuela OyeVen, FM 106.9. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Maikki Bastidas Estupiñán cùng cha cô, Ángel Miguel Bastidas, tại chương trình phát thanh "Vietnam en Venezuela" trên kênh phát thanh Venezuela OyeVen, FM 106.9. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Maikki cho biết cô thường nhắc tới Hà Nội trong các chương trình phát sóng trên kênh Venezuela OyeVen, FM 106.9. Cô còn dành riêng một số để nói về ẩm thực Hà Nội. Cô hào hứng chia sẻ: “Tới đây, tôi và con gái Angélica dự định thực hiện một loạt Podcast dành riêng cho Hà Nội bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Đây là cách mà chúng tôi “tri ân” Hà Nội, để cảm thấy các bạn ở thật gần chúng tôi dù chúng ta cách nhau nửa vòng trái đất”.

Với tôi, Hà Nội thực sự là một thành phố đáng sống. Tôi xin dành tặng ba từ để nói về Hà Nội của ngày hôm nay, đó là: Kỳ diệu, bình yên và nồng ấm.
Maikki Bastidas Estupiñán

Cũng như cha cô, Maikki rất khâm phục tinh thần lao động và ý chí vươn lên của người dân Hà Nội, đặc biệt là những bạn trẻ. Theo cô, người trẻ Hà Nội đam mê học tập và làm việc, chăm sóc gia đình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thanh niên Hà Nội luôn thành kính tổ tiên, tôn trọng gia đình và hướng về cội nguồn, luôn khát khao cống hiến cho đất nước, đồng thời nỗ lực phát triển bản thân. Cô cũng mong muốn các con của mình sau này được theo học ở Hà Nội để tiếp thu những giá trị tốt đẹp nơi đây.

Theo Maikki, dù là để ghé thăm, làm việc hay sinh sống, mỗi người đều có lý do của riêng mình để yêu Hà Nội “Tôi đã đem lòng yêu thành phố này, nơi từng chìm trong khói lửa chiến tranh nhưng đã dũng cảm chiến đấu để rồi trở thành một thành phố hòa bình. Với tôi, Hà Nội thực sự là một thành phố đáng sống. Tôi xin dành tặng ba từ để nói về Hà Nội của ngày hôm nay, đó là: Kì diệu, bình yên và nồng ấm”, Maikki xúc động bày tỏ.

Giờ đây, cuộc sống của Maikki bận rộn với vai trò làm mẹ của ba cô con gái, nhưng lòng thì vẫn không nguôi nỗi nhớ về Hà Nội. Đặc biệt, người đồng hành với cô trong quãng thời gian quý giá ở Hà Nội cũng như trong những dự định sắp tới chính là con gái đầu lòng, Angélica Colina Bastidas, năm nay tròn 18 tuổi.

Angélica Colina Bastidas: Tôi là một cô gái Venezuela mang tâm hồn Hà Nội

Angélica Colina Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica Colina Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica Colina Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica Colina Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica Colina Bastidas sinh ra ở Caracas vào ngày 2 tháng 11 năm 2006. Cô tới Việt Nam khi mới 5 tuổi. Hiện tại Angélica sống cùng cha mẹ ở Caracas và đang theo học nghệ thuật đồ họa tại Trường Nghệ thuật Thị giác Cristobal Rojas.

Maikki kể lại: “Mọi người đã đón nhận, yêu thương con gái tôi. Angélica học tiểu học tại Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, được gặp nhiều bạn bè từ khắp nơi trên thế giới nhưng cô bé đặc biệt yêu quý những người bạn Việt Nam. Đặc biệt, chỉ sau một tháng, Angélica đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, khiến tôi rất ngỡ ngàng và vui mừng vì con gái đã có thể hòa nhập với cuộc sống mới”.

Với Angélica, tiếng Việt thật đẹp. Cô còn biết rằng Hà Nội nghĩa là “Thành phố trong lòng sông”. Angélica chia sẻ cảm nhận về tiếng Việt: “Sáu thanh điệu của tiếng Việt luyến láy như một bài thơ mà tôi rất mong muốn có cơ hội được học lại. Tôi muốn được tiếp cận tiếng Việt sâu sắc hơn, để có thể hiểu được ý nghĩa của những bài hát tiếng Việt, đặc biệt là những bài hát về Hà Nội”.

Angélica Colina Bastidas chụp ảnh cùng ông ngoại và mẹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica Colina Bastidas chụp ảnh cùng ông ngoại và mẹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ở Hà Nội, Angélica được quen biết với những người bạn dù khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ, nhưng đều cư xử với cô hết sức tuyệt vời. “Tôi coi Hà Nội là nhà của mình, nơi ai cũng thật tốt bụng, ngọt ngào và luôn chào đón bạn bè nước ngoài, trong đó có tôi, giúp tôi thích nghi dễ dàng với cuộc sống ở đó và cảm thấy như ở nhà mình vậy. Những người hàng xóm của tôi rất giản dị, chân thành. Tôi nhớ có một gia đình bán hàng tạp hóa gần nhà, họ rất cởi mở, yêu quý gia đình tôi, luôn khen ngợi tôi “Cháu thật xinh đẹp!”, khiến tôi cảm thấy rất được trân trọng và yêu quý”, Angélica nói.

Gần sáu năm ở Hà Nội của Angélica là một câu chuyện tuổi thơ sống động, với hồ Tây, làng gốm Bát Tràng, khu phố cổ và những dịp Tết cổ truyền và Tết Trung thu, và cả những lần được ông ngoại Ángel đèo xe máy khám phá khắp phố phường Hà Nội. Cô kể: “Hồ Tây và khu phố cổ ở trung tâm là một phần quan trọng trong tuổi thơ và trải nghiệm sống của tôi ở Hà Nội. Tôi thường cùng gia đình đi dạo, ngắm cảnh và cảm nhận nhịp sống bình yên, truyền thống nhưng cũng rất hiện đại và hối hả của Thủ đô”. Hồ Tây đặc biệt hiện diện nhiều hơn trong kí ức của Angélica, gợi lại trong cô những kỷ niệm đời thường, những buổi sáng đi học được chiêm ngưỡng cảnh hồ và ngồi thong thả vẽ gốm sứ ven hồ với bạn bè khi chiều xuống.

Mỗi dịp cuối tuần, Angélica lại được ông ngoại đèo xe máy đi dạo và chụp ảnh khắp các con phố ở Hà Nội, cả những ngôi làng ven ngoại ô thành phố. Cô cũng được mẹ đưa đến thăm làng gốm Bát Tràng. Maikki không giấu được niềm tự hào khi nói về con gái: “Những trải nghiệm học làm gốm đã giúp Angélica rèn luyện tính kiên nhẫn, khơi dậy sự sáng tạo, giúp cô bé trở nên xuất sắc trong lĩnh vực sáng tạo gốm sứ tại trường nghệ thuật mà cô đang theo học”.

Cách suy nghĩ của tôi, sở thích của tôi, giá trị của tôi chắc chắn là những giá trị đẹp đẽ và nhân văn mà tôi đã được học hỏi và tiếp thu ở Hà Nội.

Angélica Colina Bastidas

Angélica đặc biệt yêu hội họa và có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Cô nhớ những buổi tối được vui đùa cùng bạn bè, được nói tiếng Việt cùng các bạn và cùng nhau vẽ tranh: “Tôi còn nhớ một buổi tối, tôi cùng hai cô bạn thân vẽ một bức tranh chú mèo ngồi trên hàng rào ngắm trăng. Đó là một kỷ niệm thơ ấu rất đẹp”.

Những năm tháng tuổi thơ trong sáng và bình yên, cùng tình yêu thương của gia đình, bạn bè và những người hàng xóm ở Xuân La đã khiến Angélica cảm thấy mình như là người Việt Nam. Cô bộc bạch: “Khung cảnh, con người, những kỉ niệm về Hà Nội cứ vương vấn trong tâm trí tôi. Thậm chí, khi về nước, tôi cứ ngỡ mình là một cô gái Hà Nội. Cách suy nghĩ của tôi, sở thích của tôi, giá trị của tôi chắc chắn là những giá trị đẹp đẽ mà tôi đã có được khi sống ở Hà Nội”.

Yêu Hà Nội và say mê nghệ thuật, Angélica dành một góc nhỏ trong căn phòng của cô để “khắc họa” Việt Nam. “Đây là một góc nghệ thuật trong căn phòng nhỏ của tôi, với những bức ảnh, những yếu tố văn hóa Việt Nam truyền thống và cả tác phẩm hội họa trừu tượng”.

Góc “Việt Nam” trong căn phòng của Angélica ở Caracas, Venezuela. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Góc “Việt Nam” trong căn phòng của Angélica ở Caracas, Venezuela. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Góc nhỏ này, như Angélica nói, là để gợi nhớ cô về văn hóa Việt Nam, về những kỷ niệm tuổi thơ ở Hà Nội mà cô luôn nâng niu, giữ gìn.

Em bé Hanoi: Tự hào vì được đặt tên là Hanoi

Khoảnh khắc Maikki Bastidas Estupiñán cùng con gái Hanoi Colina Bastidas mới chào đời tại Bệnh viện Việt Pháp, ngày 7 tháng 2 năm 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khoảnh khắc Maikki Bastidas Estupiñán cùng con gái Hanoi Colina Bastidas mới chào đời tại Bệnh viện Việt Pháp, ngày 7 tháng 2 năm 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cô bé Hanoi Colina Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cô bé Hanoi Colina Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica và Hanoi trong trang phục truyền thống Áo dài của Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Angélica và Hanoi trong trang phục truyền thống Áo dài của Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bé Hanoi Colina Bastidas mặc áo dài và đội nón lá Việt Nam, chụp cùng với ông ngoại Ángel Miguel Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bé Hanoi Colina Bastidas mặc áo dài và đội nón lá Việt Nam, chụp cùng với ông ngoại Ángel Miguel Bastidas. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cô bé Hanoi, con gái thứ hai của Maikki, có tên đầy đủ là Hanoi Colina Bastidas. Bé sinh ra tại Hà Nội vào ngày 7 tháng 2 năm 2017, tại Bệnh viện Việt Pháp. Maikki kể lại rằng quá trình mang thai bé Hanoi là một trải nghiệm tuyệt vời. Cô luôn biết ơn sự quan tâm, chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ người Việt. “Mọi người đều rất chu đáo, chuyên nghiệp và đồng hành cùng tôi trên mọi chặng đường với rất nhiều tình cảm và yêu thương. Ngay khi con tôi chào đời, họ đặt cháu lên ngực tôi, cho bé được tiếp xúc da với mẹ, rồi tôi được chuyển vào phòng hồi sức trong suốt hai tiếng đồng hồ”, Maikki hồi tưởng lại.

Khoảnh khắc ấy, với Maikki, cô chưa từng nghĩ sẽ đến với mình. Mang thai và sinh con ở Hà Nội là một quyết định đúng đắn. Bầu không khí yên bình ở nơi đây, những người hàng xóm tốt bụng, những người đồng nghiệp luôn ở bên cạnh cô lúc khó khăn đã giúp cô có một thai kì khỏe mạnh và đầy ắp niềm vui để chờ đón bé Hanoi ra đời.

Vì sao bạn lại đặt tên con gái thứ 2 của mình là Hanoi? Tôi hỏi và Maikki hào hứng trả lời : “Tên tôi (Maikki) là một từ bản địa, có nghĩa là “hạt ngô”. Việt Nam có 54 dân tộc và 63 tỉnh thành. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu đặt một cái tên đặc biệt, đẹp đẽ và gợi nhớ về Việt Nam cho con gái thứ hai sắp chào đời. Sau khi tìm hiểu kĩ càng, tôi quyết định chọn cái tên Hà Nội dành tặng con gái. Bởi Hà Nội là một từ thật đẹp, là nơi chúng tôi gắn bó và yêu mến. Mỗi lần gọi tên con, tôi như đang gợi nhớ lại trong tim hình ảnh của thành phố Hà Nội thân yêu”.

Cái tên Hà Nội khiến cháu cảm thấy mình quan trọng. Dù trên thế giới này còn có người khác tên là Hà Nội nhưng có lẽ cháu là cô bé duy nhất sinh ra ở Hà Nội, lại mang tên của Hà Nội và hiểu ý nghĩa đặc biệt của Hà Nội đối với gia đình cháu. 

Hanoi Colina Bastidas

Gia đình Maikki trở về Venezuela vào cuối năm 2018. Vì thế, cô bé Hanoi sống ở Hà Nội cho đến khi bé gần hai tuổi. Lưu lại trong kí ức trẻ thơ của bé là những ánh đèn đêm đầy màu sắc ở trung tâm thành phố, và phảng phất gương mặt những người bạn Pháp và Việt cùng chơi với bé.

Hanoi bây giờ đã 7 tuổi và đang học lớp 2. Theo lời Maikki, Hanoi có thể đếm số bằng tiếng Việt và từ đầu tiên bé nói được là “Mẹ”. Bé cũng nói “Ăn” khi bé đói và một số từ đời thường khác. Khi ở Hà Nội, bạn bè Việt Nam thường hay nói “Xin chào”, “Tạm biệt” với bé. Và khi trở về Caracas, cô bé gặp ai cũng vẫy tay nói “Xin chào”.

Giờ đây, tuy không còn được nói tiếng Việt nhưng bé có thể nhận ra các từ đã học. “Một lần, tôi đưa Hanoi tới tham dự một sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela tổ chức. Khi nghe thấy người Việt ở đó trò chuyện, Hanoi tỏ ra rất vui vì được nghe tiếng Việt. Dường như bé đang cảm nhận một điều gì đó rất đỗi thân quen. Đôi mắt Hanoi sáng lên, lấp lánh niềm vui”, Maikki nhớ lại.

Tôi hỏi Hanoi: “Cháu có thích cái tên của mình không?”. Bé trả lời rất rành mạch, rõ ràng: “Cháu rất thích cái tên Hanoi của mình. Cháu rất tự hào vì tên của cháu trùng với tên thủ đô của Việt Nam, một đất nước mà rất nhiều bạn bè Venezuela yêu quý. Tên cháu được in trên áo phông và đồ vật kỉ niệm của Việt Nam. Cái tên Hanoi khiến cháu cảm thấy mình quan trọng. Dù trên thế giới này còn có người khác tên là Hà Nội nhưng có lẽ cháu là cô bé duy nhất sinh ra ở Hà Nội, lại mang tên của Hà Nội và hiểu ý nghĩa đặc biệt của Hà Nội đối với gia đình cháu”.

Tôi mở dần những tấm ảnh của Hanoi mà Maikki gửi qua email. Những bức ảnh bé nằm tiếp xúc da kề với mẹ ngay sau khi chào đời ở Hà Nội, hay bé mặc áo dài Việt Nam màu đỏ chụp cùng chị gái Angélica khiến tôi thực sự xúc động.

Mong ngày được quay trở lại Hà Nội

Tôi muốn các con của tôi được tiếp cận với nền văn hóa Việt Nam, mong các con được hạnh phúc trở lại trong vòng tay yêu thương của những người bạn Hà Nội chăm chỉ và hiếu học.

Maikki Bastidas Estupiñán

Tiếp tục cuộc trò chuyện với tôi, nhà báo Ángel bày tỏ mong muốn được quay trở lại Hà Nội, để tiếp tục viết và khám phá. Từ Venezuela, ông vẫn dõi theo Việt Nam qua tin tức hàng ngày. “Cũng nhờ theo dõi tin tức trên báo Nhân Dân tiếng Tây Ban Nha, tôi đã cập nhật được tình hình phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Những hình ảnh của tuyến đường sắt trên cao mà tôi được xem trên báo, cùng với những hình ảnh cờ hoa, băng rôn trang trí đường phố những dịp lễ lớn như Quốc khánh hay Ngày Giải phóng Thủ đô, khiến tôi rất vui mừng vì diện mạo Thủ đô của các bạn thực sự thay đổi”.

Nặng lòng với Việt Nam, Ángel luôn trăn trở làm sao có thể đóng góp nhiều hơn để góp phần đưa thế hệ trẻ hai nước xích lại gần nhau. “Việc tăng cường các thỏa thuận hợp tác và các hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai nước sẽ giúp thế hệ trẻ Venezuela biết đến những bước tiến của Việt Nam”, ông khẳng định.

Angélica cũng vậy, cô dự định quay trở lại Việt Nam để theo học Đại học. Cô cũng mong bạn bè Venezuela sẽ biết tới Hà Nội nhiều hơn. Cô nói: “Việt Nam là một đất nước tuyệt vời với những con người thật đáng quý, một nơi rất xứng đáng để ngày càng nhiều bạn bè thế giới biết tới. Tôi muốn nói với họ rằng Hà Nội là một nơi mà ai cũng nên đến ít nhất một lần trong đời. Tôi mong muốn giới trẻ Venezuela ngày càng biết thêm về Hà Nội”.

Cô bé Hanoi cũng háo hức mong có ngày được ghé thăm Hà Nội: “Cháu muốn ngay bây giờ trở lại thành phố nơi cháu đã sinh ra. Cháu muốn trải nghiệm những điều thú vị, đẹp đẽ như chị Angélica, được đạp xe ven hồ Tây, ăn sáng với món xôi với mẹ cháu ở khu chợ truyền thống. Cháu cũng rất tò mò muốn thấy em gái Michelle của cháu sẽ háo hức như thế nào khi nhìn thấy những ánh đèn lung linh, hoa tươi và màu sắc rực rỡ của Hà Nội, vốn là những gì mà cháu có thể nhớ được cho tới bây giờ”.

Maikki tâm sự rằng cô rất hạnh phúc vì các con của mình đã yêu quý Hà Nội theo đúng cách mà cha cô đã truyền lại. Cô cho biết được quay lại thủ đô Việt Nam để sinh sống, học tập và làm việc là mục tiêu trong tương lai của cô và các con. “Tôi muốn các con tôi được tiếp cận với những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, mong các con được hạnh phúc trở lại trong vòng tay yêu thương của những người bạn Hà Nội chăm chỉ, hiếu học và dũng cảm”, cô nói thêm.

Lời chúc gửi tới Hà Nội

Từ đầu dây bên kia, từ Caracas ở cách xa Hà Nội nhưng thật gần gũi trong trái tim, Maikki thay mặt cha cô cùng các con gái, xúc động nhắn nhủ:

“Tôi muốn gửi thông điệp yêu thương, đoàn kết và sức mạnh đến những người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc Việt Nam nói riêng, đang nỗ lực phục hồi sau hậu quả của cơn bão Yagi. Tôi tin rằng các bạn sẽ luôn mạnh mẽ, kiên cường và luôn chiến thắng bất cứ khó khăn nào. Tôi chúc các bạn sẽ chào đón 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô trong không khí thật vui tươi, phấn khởi. Tất cả bạn bè quốc tế trong đó có gia đình tôi sẽ hết lòng đồng hành cùng các bạn, sẽ luôn khắc sâu trong tim hình ảnh Hà Nội rực rỡ trong những dịp lễ quan trọng, với cờ đỏ sao vàng, băng rôn và hoa tươi trang hoàng khắp các nẻo đường. Từ Venezuela, gia đình tôi xin gửi tới Hà Nội những lời chúc tốt đẹp nhất và mong sớm được gặp lại các bạn!”.

Thật trân quý và xúc động biết bao ân tình của những người bạn Venezuela gửi tới Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, và cũng đúng dịp Việt Nam và Venezuela sắp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/12/1989 – 18/12/2024). Hà Nội sẽ luôn mở rộng vòng tay chào đón các bạn quay trở lại, để cùng viết tiếp bài ca hữu nghị giữa hai dân tộc yêu chuộng hòa bình và luôn hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp.

Ngày xuất bản: 8/10/2024
Chỉ đạo thực hiện: Lê Quang Thiều, Phạm Trường Sơn
Nội dung: Thanh Hằng
Trình bày: Trang Ngân