KIÊN CƯỜNG BÁM ĐẤT, BÁM DÂN, ĐÁNH ĐỊCH TRONG LÒNG ĐỊCH, GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (3/1947 - 7/1954)

Chuẩn bị khai hỏa tại pháo đài Láng, mở đầu toàn quốc kháng chiến. Ảnh trong sách: Hà Nội - Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, NXB Hà Nội, 2014

Chuẩn bị khai hỏa tại pháo đài Láng, mở đầu toàn quốc kháng chiến. Ảnh trong sách: Hà Nội - Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, NXB Hà Nội, 2014

Sau khi chiếm đóng thành phố, ngày 2/3/1947, giặc Pháp mở đợt tấn công lớn ra phía Tây thành phố đánh chiếm thị xã Hà Đông, một phần huyện Thanh Trì và Hoài Đức.

Sau đợt tấn công này, quân Pháp chốt giữ các vị trí Chèm, Khuyến Lương, Cầu Diễn, thị xã Hà Đông, Văn Điển, lập phòng tuyến thứ hai bảo vệ Hà Nội. Tiếp đó, địch mở cuộc tấn công lớn về phía nam thành phố, thọc sâu vào vùng Chương Mỹ - Ứng Hòa - Mỹ Đức để tìm diệt các cơ quan đầu não của ta. Đầu tháng 7/1947 giặc Pháp chiếm đóng Phùng, và bắt đầu lập phòng tuyến thứ ba từ Phùng qua Thanh Quang, Mai Lĩnh, Thạch Bích, Khúc Thủy, Chùa Thông để bảo vệ Hà Nội. Đến đầu năm 1948, trên ba hàng phòng tuyến, địch huy động 2.000 quân đóng ở 32 đồn bốt kiểm soát toàn bộ nội, ngoại thành và 4 huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai, chưa kể 6.000 quân cơ động bảo vệ nội thành.

Sau khi chiếm đóng thành phố, quân đội Pháp đã dựng lên chính quyền của thực dân và tay sai bù nhìn, biến Hà Nội thành Thủ phủ của Liên bang Đông Dương, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của toàn Liên bang; đồng thời, Hà Nội cũng là trung tâm của chiến trường Bắc Bộ và Bắc Đông Dương, một hậu cứ quan trọng bậc nhất mà chúng thường xuyên huy động quân trong các chiến dịch càn quét.

Kể từ ngày các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô tạm rời xa thành phố, lòng hẹn ước ngày trở về giải phóng Thủ đô, được viết nên bằng xương máu của hàng ngàn cán bộ, đảng viên, bộ đội, du kích suốt 8 năm kiên cường kháng chiến trong lòng địch

Từ khi địch chiếm đóng, căn cứ vào tinh thần nghị quyết hội nghị cán bộ Trung ương (từ ngày 3/4 đến ngày 6/4/1947), Hà Nội đã gấp rút chỉnh đốn lại đội ngũ, kiện toàn lại tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể, công an, tự vệ để trở về hoạt động sau lưng địch.

Quân dân Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, tháng 12/1946. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)

Quân dân Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, tháng 12/1946. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)

Tháng 3/1947, Ban Dân quân Khu XI được thành lập. Các đơn vị tự vệ của Hà Nội từ nội thành rút ra đang đứng chân trên đất Hà Đông được tổ chức thành 13 đội Du kích tập trung đã kết hợp với bộ đội chủ lực tiếp tục chặn đánh, tiêu diệt, tiêu hao địch, tạo nên thế trận chung của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; quân dân chung một ý chí kháng chiến; tiêu biểu nhất là trận Cự Đà (27/3/1947), Yên Sở (2/4/1947), Mậu Lương (19/5/1947).

Từ trong khói lửa kháng chiến, trung đoàn 80 (sau đổi phiên hiệu là trung đoàn 48) được thành lập ngày 27/2/1947 tại Mậu Lương, bám sát trận địa tuyến Đường 1; trung đoàn 37 đã được thành lập ngày 20/3/1947 ngay tại thị xã Hà Đông, bám sát trận địa trên tuyến đường Hà Nội-Hòa Bình; trung đoàn 35 bám sát trận địa trên tuyến đường Hà Nội-Sơn Tây. Sự ra đời của các trung đoàn đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội chủ lực quốc gia và củng cố niềm tin vào “kháng chiến nhất định thành công”.

Từ tháng 9/1947, Khu ủy khu XI quyết định tái lập Thành ủy Hà Nội và chỉ định đồng chí Đào Văn An làm Bí thư; sau đó đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Bí thư Khu ủy khu XI về làm Bí thư Thành ủy thay đồng chí Đào Văn An được cử đi công tác khác. Lúc này địa bàn Hà Nội gồm nội thành, 3 quận IV, V, VI ngoại thành và 2 phủ: Hoài Đức, Đan Phượng, 2 huyện Thanh Trì, Thanh Oai của tỉnh Hà Đông sáp nhập về nhằm tạo bàn đạp cho cán bộ các ngành dân - chính - đảng và du kích Thủ đô vào thành phố gây dựng lại cơ sở kháng chiến.

Đến tháng 10/1947, toàn thành phố có 1.278 đảng viên, sinh hoạt ở 151 chi bộ (95 chi bộ xã, 39 chi bộ cơ quan, 17 chi bộ du kích tập trung) nhưng phần lớn các chi bộ đều ở trên đất tự do của Hà Đông để chỉ đạo vào nội thành và ngoại thành. Đây là một yếu tố bất lợi của Đảng bộ Hà Nội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến. Mặc dù vậy, chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, phối hợp với quân dân Việt Bắc, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Thành đội Hà Nội phối kết hợp với trung đoàn 48 tập kích vào các vị trí Thạch Bích, Đông Phù, Đông Trạch, Văn Điển, Quang Tó; đồng thời, tổ chức phá tề ở các làng xã của quận VI thắng lợi. Đặc biệt, ngày 10/10/1947, đội hành động của công an thành phố đã lọt vào nội thành trừng trị tên Trương Đình Tri, Chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Việt ở Cổng Đục, làm cho địch khiếp sợ, nhân dân nức lòng phấn khởi, tin tưởng vào kháng chiến.

Đường hào hình chữ chi để cản xe tăng Pháp tiến vào Hà Nội, năm 1947. Ảnh: baotanglichsu.vn

Đường hào hình chữ chi để cản xe tăng Pháp tiến vào Hà Nội, năm 1947. Ảnh: baotanglichsu.vn

Ở ngoại thành và các vùng nông thôn, làng kháng chiến đã phát huy tác dụng và tỏ rõ sức mạnh của chiến tranh du kích. Nhân dân xã Tam Hưng (Thanh Oai), Vật Lại (Ba Vì), Nam Hồng (Đông Anh) đã xây dựng làng kháng chiến. Nhân dân Nam Hồng đào đắp hàng vạn mét khối đất tạo thành hệ thống giao thông trong lòng đất gọi là “địa đạo” dài gần 10km luồn lách khắp các xóm thôn và liên hoàn toàn xã. Cùng với hệ thống giao thông là hào lũy, hào nổi, hào ngầm, hầm bí mật, ụ chiến đấu tạo thành làng chiến đấu. Huyện Mê Linh có làng kháng chiến Yên Nhân, xã Tiền Phong và chiến khu Bãi Sậy chạy dọc tuyến đê sông Hồng thuộc các xã: Tráng Việt, Văn Khê.

Từ các căn cứ ở hậu phương, vượt qua muôn vàn gian khó, Đảng bộ và quân dân Hà Nội đã quyết tâm trở lại thành phố, gây dựng cơ sở, đánh địch trong lòng địch. Những trận phá tề, trừ gian, đánh các vị trí địch trên ba phòng tuyến của địch chứng tỏ đường lối kháng chiến, toàn dân, toàn diện của Đảng ta đã phát triển một bước mới, trong hoàn cảnh riêng biệt của Hà Nội, một đô thị và cũng là một chiến trường quan trọng bậc nhất ở Đông Dương.

Căn cứ vào tình hình của Hà Nội và toàn quốc, đầu năm 1948, Trung ương Đảng quyết định giải thể khu XI; Hà Nội nằm trong Liên khu III gồm các tỉnh, thành của đồng bằng Bắc Bộ. Từ đây, cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Liên khu ủy III. Thực hiện nghị quyết của Liên khu ủy III, Hà Nội sáp nhập với Hà Đông thành Liên tỉnh Lưỡng Hà do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư. Địa bàn hoạt động của thành phố được mở rộng, có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng([1]).

Thực hiện nghị quyết hội nghị của Trung ương lần 4 (tháng 5/1948), Đảng bộ Hà Nội đưa ra chủ trương phát triển dân quân du kích rộng khắp, dùng ngoại thành làm bàn đạp để tiến vào nội thành, phát động phong trào chiến tranh du kích rộng khắp ở sau lưng địch. Dựa hẳn vào dân, đồng thời được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh Vĩnh Yên, Kim Anh, Đa Phúc (phía Tây Bắc), Kim Bảng (phía Nam) có địa bàn tiếp giáp với Hà Nội, tiểu đoàn 185 của trung đoàn 48 do Liên khu III cử về Đan Phượng, Hoài Đức làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền; cán bộ chiến sĩ Đội 84 của mặt trận Hà Nội đã mở những con đường bí mật, an toàn, từ ngoại thành vào nội thành, gây dựng cơ sở dân quân du kích ở các xí nghiệp, công sở, đường phố.

Cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội giữa sào huyệt của thực dân Pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò, ảnh hưởng đối với toàn quốc: “Đồng bào trong và ngoại ô Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết, vì vậy mà hy sinh đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết, mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc; ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang chiến đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội. Và dù gian nan, khó nhọc mấy cũng quyết đánh tan giặc Pháp để giải phóng đồng bào ra khỏi xiềng xích tàn bạo của lũ thực dân và bù nhìn. Đồng bào cố gắng tiến lên! Ngày vẻ vang sẽ không xa([2]).

Đồng bào trong và ngoại ô Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết, vì vậy mà hy sinh đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết, mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc; ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to. Tôi và Chính phủ cùng toàn thể bộ đội, toàn thể đồng bào luôn luôn nhớ đến anh em ruột thịt đang chiến đấu hết sức gay go ở vùng Hà Nội. Và dù gian nan, khó nhọc mấy cũng quyết đánh tan giặc Pháp để giải phóng đồng bào ra khỏi xiềng xích tàn bạo của lũ thực dân và bù nhìn. Đồng bào cố gắng tiến lên! Ngày vẻ vang sẽ không xa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kiên trì vượt qua bao gian nan khó khăn, thử thách chất chồng, Đảng bộ Hà Nội đã xây dựng được hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ thành phố xuống tận các làng xã, khu phố với 2.095 dân quân, gần 500 du kích, gần 100 làng có cơ sở kháng chiến, trong đó có 67 xã có Ủy ban hành chính kháng chiến([3]). Chiến tranh du kích đã phát triển ngay tại Thủ phủ của Liên bang Đông Dương.

Phối hợp với mặt trận Liên khu III, cuối năm 1948, trung đoàn 48 vượt qua các hàng phòng tuyến địch tổ chức tổng tấn công, đánh các vị trí quan trọng trong trung tâm thành phố như Nhà máy Điện, Nước Yên Phụ, cầu Long Biên, Ô Chợ Dừa, Stai-ke, kho xăng Cầu Đất; các vị trí đồn bốt trên ba phòng tuyến của địch bị ta đánh liên tiếp. Cuộc tổng phá tề đã làm cho bộ máy của chính quyền tay sai rệu rã, thúc đẩy phong trào kháng chiến phát triển đều khắp nội ngoại thành và các vùng nông thôn xung quanh thành phố.

Đầu năm 1949, Trung ương Đảng chủ trương “chuẩn bị tổng phản công” và từ tháng 5/1949 đặt Hà Nội là Đặc khu trực thuộc Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương chỉ định làm Bí thư Đặc khu Hà Nội; đồng chí Phùng Thế Tài được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội.

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hoàn thành cuộc rút quân “thần kỳ”, tập trung tại làng Thượng Hội, Đan Phượng, Hà Tây, ngày 22-2-1947. Ảnh: baotanglichsu.vn

Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hoàn thành cuộc rút quân “thần kỳ”, tập trung tại làng Thượng Hội, Đan Phượng, Hà Tây, ngày 22-2-1947. Ảnh: baotanglichsu.vn

Ngày 1/6/1949, Trung ương Đảng có chỉ thị đặc biệt cho Đảng bộ Hà Nội về nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường Thủ đô để “tổng phản công” thắng lợi. Trong chỉ thị này, Trung ương Đảng nêu rõ vị trí của Hà Nội trong chiến trường toàn quốc “Hà Nội là một địa bàn quan trọng vào bậc nhất của địch về mặt quân sự, chính trị, kinh tế([4]). Do đó Trung ương giao cho Hà Nội ba nhiệm vụ cốt yếu: Chuẩn bị chiến trường; xây dựng bộ đội chủ lực tinh nhuệ; phối hợp với Liên khu III hoạt động và nghi binh để kiềm chế địch([5]).

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Thành ủy đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng, tăng cường các ban chuyên môn, Đảng vụ, tuyên huấn, gấp rút đào tạo cán bộ, xây dựng các chi bộ tự động công tác, chấn chỉnh hệ thống giao thông liên lạc; đẩy mạnh công tác công vận, phụ vận, công chức, trí thức vận, địch ngụy vận. Lực lượng vũ trang Thủ đô lớn mạnh vượt bậc: Các đại đội độc lập thống nhất thành tiểu đoàn bộ đội chủ lực 108. Hai chi đội biệt động của Liên khu III đưa vào thành phố được củng cố thành tiểu đoàn 104. Du kích tập trung tổ chức lại thành ba đại đội địa phương (290, 300, 320). Lực lượng chính trị và dân quân du kích ngoại thành phát triển sâu rộng với 24.000 hội viên ở các đoàn thể, 5.950 dân quân du kích xã.

Đảng bộ Hà Nội đã phát triển mạnh: Ở nội thành có 25 chi bộ với 157 đảng viên, ở ngoại thành có 33 chi bộ với 1.665 đảng viên, ở căn cứ Hòa Bình có 992 đảng viên([6]). Chiến tranh du kích ở thành phố đã phát triển với nhiều mức độ và hình thức phong phú như trận tập kích vào sân bay Bạch Mai (đêm 17 rạng sáng 18/1/1950) của tiểu đoàn 108, vụ trừng trị tên Đặng Trần Học - Phó Giám đốc Công an bù nhìn Bắc Việt của Công an Hà Nội (ngày 17/1/1950); cuộc tổng bãi khóa của học sinh, sinh viên toàn thành phố (kéo dài từ cuối tháng 12/1949 đến đầu tháng 1/1950).

Lần đầu tiên học sinh, sinh viên Hà Nội đã phối hợp với học sinh, sinh viên Sài Gòn bãi khóa tạo thành sức mạnh to lớn và có ảnh hưởng lớn đến dư luận trong nước và quốc tế về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Báo chí Hà Nội và Sài Gòn nhất loạt đăng tin ngày 20/1/1950 hàng nghìn học sinh, sinh viên và nhân dân Hà Nội đã dự lễ cầu siêu cho học sinh Trần Văn Ơn tại chùa Quán Sứ và Nhà thờ Lớn.

Ở ngoại thành, dân quân du kích đẩy mạnh kháng chiến, hình thành được thế chiến đấu liên hoàn giữa các thôn trong xã, và giữa các xã trong một miền để chống địch càn quét, diệt các đồn bốt địch, phá tề, trừng trị những tên quận trưởng gian ác. Trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, báo chí, Hà Nội đã có nhiều tờ báo của Đảng bộ và các ngành như tờ “Tiên phong” - nội san của Đảng bộ, “Cứu quốc Thủ đô” của Mặt trận Liên Việt Hà Nội; “Quân Thủ đô” của Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội; “Công an Hồ Gươm” của Ty Công an Hà Nội; “Quay súng” và “Non à la Guerre của Ban địch vận Hà Nội, “Nhựa sống” của Đoàn học sinh kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện của Hà Nội đã phát triển lên đỉnh cao và hỗ trợ tích cực cho chiến dịch Biên giới thắng lợi.

Phối hợp nhịp nhàng với Mặt trận Hà Nội đang “Chuẩn bị chiến trường, tiến tới tổng phản công”, Tỉnh ủy Hà Đông đã lập Ban Hà Đông-Hà Nội để thống nhất hành động, đánh địch có hiệu quả khi quân cơ động từ Hà Nội thường xuyên hành binh về thị xã và các vùng đệm giữa Hà Nội-Hà Đông. Để “chia lửa” với quân dân ta trong chiến dịch Lê Lợi, thu đông 1949, ở huyện Hoài Đức, Đan Phượng, đại đội 29 của trung đoàn 48 tổ chức chống càn, phá tề, diệt chỉ điểm, tập kích, phục kích các vị trí địch đóng quân, đánh mìn trên các Đường số 6 đi Hòa Bình và Đường số 11 đi Sơn Tây.

Từ trong phong trào kháng chiến, lực lượng vũ trang Hà Đông đã xây dựng được 11 đại đội bộ đội địa phương với 1.520 cán bộ, chiến sĩ. Toàn tỉnh có 31.895 dân quân, 8.263 du kích, trong đó có 880 du kích tập trung (tháng 12/1949, vì điều kiện hậu cần, vũ khí khó khăn, tỉnh Hà Đông giải thể các đội du kích tập trung ở cấp xã). Đảng bộ Hà Đông lớn mạnh với hơn 1 vạn đảng viên. Cơ sở chính trị trong quần chúng được củng cố và mở rộng với tổng số hội viên trong các đoàn thể quần chúng 239.181 người([7]).

Đối phó với kế hoạch “Chuẩn bị chiến trường, tiến tới tổng phản công” của ta, quân Pháp thiết lập khu “tam giác sắt” Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình” nhằm chia cắt Việt Bắc với Liên khu III và IV, bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ mà đầu não của chúng là Hà Nội. Do đó, từ cuối tháng 11/1948 đến tháng 4/1949, địch mở những cuộc tấn công lớn với hàng ngàn bộ binh, có xe tăng, máy bay yểm trợ, đánh chiếm Sơn Tây. Mặc dù bị địch khủng bố, lực lượng bị tổn thất lớn, từ 5.000 đội viên; du kích xã chỉ còn khoảng 1.000 đội viên vào giữa năm 1949, nhưng cán bộ đảng viên Sơn Tây đã siết lại đội ngũ, trở về bám đất, bám dân, gây dựng lại cơ sở. Nhân dân các làng xã kiên cường đánh địch, một lòng một dạ bảo vệ cán bộ kháng chiến, tiêu biểu nhất là các làng Vật Lại, Hạ Bằng, Ngọc Liệp, Hoàng Xá, Sài Sơn. Du kích làng Vật Lại 4 lần đánh tan các cuộc tấn công của địch, được gọi là “pháo đài thép” của Ba Vì.

Số lượng lớn pháp binh và công binh của Bộ Tư lệnh được tập trung cho Chiến dịch biên giới. Ảnh: TTXVN

Số lượng lớn pháp binh và công binh của Bộ Tư lệnh được tập trung cho Chiến dịch biên giới. Ảnh: TTXVN

Thu đông năm 1950, quân Pháp bị thất bại nặng nề ở chiến dịch Biên giới, kế hoạch Rơ-ve sụp đổ làm cho chúng mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường. Ta liên tiếp mở các chiến dịch tấn công đánh địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, đánh các vùng trọng điểm. Phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch ở Vĩnh Yên, giữa tháng 1/1951, một bộ phận bộ đội của sư đoàn 320, cùng với quân dân Sơn Tây mở “chiến dịch Sơn Tây” đợt 1 tiến công địch ở Quảng Oai và Bất Bạt, làm tan rã một mảng lớn hệ thống đồn bốt địch ở phía Nam Sơn Tây. Tháng 3/1951, nhằm phối hợp với chiến dịch Hoàng Hoa Thám, quân dân Sơn Tây cùng với bộ đội chủ lực mở “chiến dịch Sơn Tây” đợt 2, đánh đồn bốt và phá tề ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ. Ở Hà Đông, tháng 6/1951, ta đã phá cuộc bao vây truy quét của 10 tiểu đoàn cùng với 200 xe cơ giới của địch vào Khu Cháy, Ứng Hòa. Tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm của bộ đội, du kích đã được Bác Hồ gửi thư khen.

Đây cũng là thời kỳ thực dân Pháp được Mỹ giúp sức thực hiện kế hoạch Đờ-tát-xi-nhi, hòng bình định vùng tạm chiếm, giành lại thế chủ động đã mất, trong đó, Hà Nội là cái chốt quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng ngự của địch ở đồng bằng Bắc Bộ. Để thực hiện âm mưu “quyết không để mất thêm tấc đất nào vào tay cộng sản”, địch đóng 112 vị trí và xây dựng thêm hàng chục cứ điểm boong-ke ở phía Bắc sông Hồng, xây thêm nhiều đồn bốt trên ba hàng phòng tuyến trực tiếp bảo vệ Hà Nội; lập các vành đai trắng ở trung du (Phúc Yên) kéo xuống vùng đồng bằng ven sông Đáy, sông Tích, đường số 11A, đường số 6, đường 21; đồng thời chuyển thị xã Sơn Tây thành khu quân sự với 6.000 lính Âu-Phi để bảo vệ Hà Nội từ xa. Chúng còn tăng cường các biện pháp, thủ đoạn mỵ dân đi đôi với bóc lột nhân dân nội thành, khủng bố trắng ở ngoại thành. Làng xã bị tan hoang, cơ sở bị vỡ hàng loạt, cán bộ bị hy sinh, bị mổ bụng, chặt đầu dã man nên buộc phải rút ra vùng tự do hoặc sang các tỉnh khác.

Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội đã từng bước thực hiện chủ trương chuyển hướng hoạt động, lấy đấu tranh chính trị và kinh tế là chính để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân; khi có điều kiện thì chuyển lên đấu tranh vũ trang, chú trọng từng bước phát triển tổ chức của quần chúng bằng hình thức thấp (hội chơi họ, hội hiếu hỷ...). Đảng bộ Hà Nội đã chấn chỉnh lại hệ thống tổ chức của Đảng theo nguyên tắc bí mật, giản đơn để lãnh đạo quần chúng phục hồi và phát triển cơ sở. Quận ủy nội thành chuyển thành Ban Cán sự nội thành. Cơ sở đảng và quần chúng ở nội thành được tổ chức lại theo ngành dọc, bảo đảm gọn nhẹ, bí mật. Cán bộ quân sự và dân quân tự vệ nội thành cũng buộc phải chuyển vào các ngành theo tổ chức quần chúng. Mặt trận Hà Nội chỉ còn các bộ phận đoàn bộ và đại đội 8 ở căn cứ (Hòa Bình). Ở ngoại thành, chi bộ thôn được chia thành các tổ nhỏ, không quá 5 người một tổ.

Trong những ngày tháng gian nan, thử thách ngặt nghèo, đảng viên của Đảng bộ nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu đã kiên cường, bám đất, bám dân. Nhân dân một lòng trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Nhờ vậy, giữa nanh vuốt của địch, nội thành vẫn có 18 chi bộ với 208 đảng viên. Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Đảng bộ Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh có ý kiến chỉ đạo trực tiếp cho Đảng bộ về phương châm, phương pháp công tác để sửa những hạn chế trong khi tổ chức thực hiện chuyển hướng hoạt động. Đi đôi với chấn chỉnh tư tưởng, nhận thức; tổ chức Đảng bộ cũng được kiện toàn. Tháng 8/1952 đồng chí Lê Thanh Nghị về Hà Nội làm Bí thư Liên khu ủy III kiêm Bí thư Thành ủy thay đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử đi nhận công tác khác.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Tháng 12/1952, quân Pháp bị thất bại nặng nề ở Hòa Bình, kế hoạch Đờ-tát-xi-nhi cũng sụp đổ. Địch rút chạy co cụm về Hà Nội cố thủ và tăng cường siết chặt thành phố, càn quét dữ dội đồng bằng Bắc Bộ để bảo vệ đầu não của chúng. Trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo, cán bộ, đảng viên hoạt động ở nội thành đã hết sức sáng tạo, mưu trí, vận dụng chủ trương của Đảng vào hoàn cảnh thực tiễn của thành phố để hoạt động bán công khai và công khai, từ đó vận động được quần chúng vào các tổ chức thấp (hội ái hữu, hội phụ nữ, hội tương tế, hội chơi họ và hợp pháp (hội cấp tế nạn nhân chiến tranh...), tranh thủ được cả một số ban trị sự công đoàn vàng của địch; đồng thời tổ chức lực lượng cốt cán vào công đoàn, tự vệ bí mật trong các nhà máy lớn của thành phố.

Các ban cán sự Đảng nội thành, ngoại thành, ban cán sự các ngành (công vận, trí thức vận, phụ vận) đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Cơ sở kháng chiến đã gây dựng lại trong các ngành, các giới trí thức, công chức, thanh niên, phụ nữ. Từ giữa năm 1953 phong trào kháng chiến Hà Nội dần dần được phục hồi. Một số cuộc đấu tranh bùng nổ ngay tại nội thành: thanh niên chống bắt lính và đi học sĩ quan ở Đà Lạt; tiểu thương chống tăng thuế môn bài, công nhân các xí nghiệp Ga Hà Nội, Điện, Nước, Rượu, Sở Lục lộ đấu tranh đòi tăng lương và phụ cấp đắt đỏ.

Xe tăng và trận địa hỏa lực của Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong trận Tu Vũ. Ảnh: baotanglichsu.vn

Xe tăng và trận địa hỏa lực của Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong trận Tu Vũ. Ảnh: baotanglichsu.vn

Chiến tranh du kích phát triển, nên quân dân các tỉnh xung quanh Hà Nội đã mở được căn cứ du kích ở Yên Lãng, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Thuận Thành (Bắc Ninh), Khoái Châu, Văn Giang (Hưng Yên), Kim Bảng (Hà Nam). Tỉnh Hà Đông có các khu du kích ở Bắc và Nam Mỹ Đức, Liên Nam - Tây Thường Tín, Trung và Tây Phú Xuyên - Nam Ứng Hòa, trong đó có Khu Cháy nổi tiếng. Những căn cứ này đã tạo thành vành đai, làm hậu thuẫn mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và quân dân Hà Nội từ nơi đứng chân ở các khu du kích, tiến vào nội thành. Phong trào kháng chiến Hà Nội phát triển lên bước mới, hòa nhịp với quân dân cả nước trong đông xuân 1953-1954 để đập tan kế hoạch Na-va.

Trong kế hoạch của Na-va, Hà Nội vẫn được xác định là địa bàn trọng điểm trong chiến lược tăng cường phòng ngự ở đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, Na-va đã bố trí binh lực tinh nhuệ nhất ở Hà Nội để làm lực lượng dự trữ chiến lược; từ Hà Nội hành quân cơ động, đánh thọc sâu ra các chiến trường Bắc Bộ và sang Lào.

Ngày 20/11/1953, xuất phát từ sân bay Bạch Mai và Gia Lâm Hà Nội, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng cứ điểm quân sự mạnh nhất ở Đông Dương. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh. Trận quyết chiến chiến lược ở lòng chảo Điện Biên Phủ có quan hệ đặc biệt với Hà Nội, nơi đặt đầu não của bộ máy chiến tranh Đông Dương. Vì vậy, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định cho quân dân Hà Nội chặn tiếp viện bằng đường hàng không của Pháp lên Điện Biên Phủ.

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954. Ảnh tư liệu quocphongthudo.vn

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm mùng 3, rạng sáng 4/3/1954. Ảnh tư liệu quocphongthudo.vn

Thực hiện sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lực lượng vũ trang của Mặt trận Hà Nội đã vạch kế hoạch đánh sân bay Gia Lâm, Trận đánh đã diễn ra đêm mồng 3 rạng sáng 4/3/1954, tiêu diệt 18 máy bay địch, đốt cháy kho xăng. Ta còn dùng nội ứng đốt cháy kho dù trong Sở Binh lương ở Thành Hà Nội (Citadel).

Phối hợp với Mặt trận Hà Nội, du kích Đường 5 liên tiếp lật nhào các đoàn tàu chở vũ khí từ Hải Phòng về Hà Nội.

Hòa nhịp với Hà Nội, quân dân Hải Phòng tập kích sân bay Cát Bi thắng lớn đêm mồng 6/3/1954.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng vui mừng đã gửi ngay thư khen cán bộ chiến sĩ Mặt trận Hà Nội và Hải Phòng.

Sau chiến thắng Cát Bi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi" cùng Huân chương Quân công hạng Nhất. Ảnh: Chủ tịch Ủy ban hành chính gắn Huân chương cho một đơn vị có thành tích trong trận đánh Cát Bi. (Ảnh lưu tại Bảo tàng Hải Phòng/VOV)

Sau chiến thắng Cát Bi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi" cùng Huân chương Quân công hạng Nhất. Ảnh: Chủ tịch Ủy ban hành chính gắn Huân chương cho một đơn vị có thành tích trong trận đánh Cát Bi. (Ảnh lưu tại Bảo tàng Hải Phòng/VOV)

Cùng thời gian này, các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã dấy lên phong trào đấu tranh đòi hòa bình, đòi chính phủ Pháp thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh. Bản kiến nghị đã được trí thức Hà Nội gửi sang cho luật sư Nguyễn Mạnh Hà ở Pari. Ông đưa thẳng bản kiến nghị cho báo Le Monde đăng công khai, gây tiếng vang và đã ảnh hưởng tới báo chí, công luận yêu chuộng hòa bình của nước Pháp.

Đánh địch ngay tại sào huyệt địch nên công tác địch vận là một mũi tiến công rất hiệu quả. Ban Địch vận của Mặt trận Hà Nội in hàng vạn tờ truyền đơn, giấy thông hành để kịp thời tán phát cho binh lính. Sĩ quan, binh lính địch rã ngũ tập thể. Cả tiểu đoàn dù số 7 ở Việt Nam học xá và 1.200 lính đóng ở sân bay Bạch Mai quay súng về với nhân dân. Bến Phà Đen trở thành địa điểm bí mật đón nhận ngụy binh rã ngũ đưa ra vùng tự do.

Trong khi quân đội Pháp đang bị ta tấn công trên chiến trường Điện Biên Phủ thì ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chấp hành lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sư đoàn 320 đánh mạnh ở đồng bằng ven sông Đáy, đồng thời Bộ Tư lệnh Liên khu III chỉ huy các lực lượng vũ trang của Hà Đông-Sơn Tây luồn sâu vào các căn cứ của các binh đoàn cơ động Pháp, tấn công đồn bốt, chặt đứt hậu cần, binh lực tiếp viện lên Điện Biên.

Tỉnh Hà Đông được tăng cường 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 254 và một tiểu đoàn của tỉnh Hòa Bình, thành lập Ban Chỉ huy Mặt trận Tây Nam Hà Nội do đồng chí Chu Đỗ - Bí thư Tỉnh ủy làm chỉ huy trưởng. Lúc này công tác địch ngụy vận trở thành mũi nhọn sắc bén làm rã ngũ địch. Do đó, một số cán bộ của Hà Đông được điều ra tăng cường cho Ban Chỉ huy Mặt trận Tây Nam Hà Nội, trong đó trọng điểm là thị xã Hà Đông - nơi thường xuyên nhận quân cơ động từ thành Hà Nội ra thị xã để hành binh đi các địa phương càn quét.

Đồng chí Chu Đỗ đã điều động cán bộ ở các huyện Liên Nam, Thường Tín, Hoài Đức tăng cường cho thị xã và thành lập 4 đội địch vận. Đông xuân 1953-1954, quân dân Hà Đông đã diệt 20 bồn đốt địch; vận động 13.229 binh lính sĩ quan đào ngũ, rã ngũ. Riêng thị xã Hà Đông đã vận động được 345 sĩ quan, binh lính địch ra hàng, đem theo 1 xe jeep, 248 khẩu súng([8]).

Sơn Tây là cái “chốt” đặc biệt quan trọng của vùng tam giác Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình. Vì thế Bộ Tư lệnh Liên khu III quyết định điều tiểu đoàn 928 lên Sơn Tây, phối hợp với bộ đội địa phương, tấn công Hạ Bằng (6/3/1954), sau đó đánh địch trong trận càn lớn vào Cần Kiệm - Hạ Bằng - Tân Xã (10/3/1954) và Hạ Bằng - Liệp Tuyết (25/3/1954), giành thắng lợi lớn làm cho địch ở Hà Nội thêm hoang mang, rệu rã. Khu du kích Thạch Thất - Quốc Oai - Phúc Thọ tạo thành thế liên hoàn cho mặt trận Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây. Hệ thống kìm kẹp của địch bị phá vỡ một mảng lớn, quân đội Pháp phải căng lực lượng ra đối phó với cả chiến trường Điện Biên Phủ và các mặt trận trung du, đồng bằng.

Ngày 26/5/1954, bộ đội chủ lực của Liên khu III phối hợp với đại đội 350 của tỉnh Hà Đông, tấn công tiêu diệt vị trí Bồng Lai, Thọ Lão, mở ra vùng giải phóng phía bắc Đan Phượng. Khu du kích Đan Phượng - Phúc Thọ tạo thành thế liên hoàn dọc đường 11A. Cũng trong tháng 7, một bộ phận của sư đoàn 320 và 304 được điều về Sơn Tây, phối hợp với quân dân địa phương bao vây, tấn công địch liên tục, khiến địch bị cô lập, tan rã. Trên 300 binh sĩ phản chiến. Toàn bộ một trung đội và 270 binh sĩ ra hàng. Ở phía Nam Sơn Tây, lực lượng địch hoảng loạn, rút chạy về Hà Nội cố thủ.

Đánh địch trên cả mặt trận chính trị, quân sự, địch ngụy vận quân dân Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thức tỉnh nhân loại đứng lên tự giải phóng, giành lấy độc lập, tự do. Hà Nội - thủ phủ Liên bang Đông Dương của Pháp bước vào cuộc đấu tranh mới để tiếp quản thành phố từ tay quân đội Pháp.

Hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan vẫy chào đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô, sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan vẫy chào đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô, sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu TTXVN

Chú thích:

[1] Liên tỉnh Lưỡng Hà chỉ tồn tại trong 5 tháng, từ ngày 10/5/1948 đến ngày 1/10/1948.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1949), Nxb. Chính trị quốc gia, sđd, tr.589.

[3] BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000), sđd, tr. 219, 220.

[4] BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội(1930-2000), sđd, tr. 221, 227.A

[5] BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội(1930-2000), sđd, tr. 221, 227.A

[6] BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000), sđd, tr. 226, 227, 229.

[7] Tỉnh ủy Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ Hà Tây, tập II (1945-1954), 1994, tr. 93 và 99.

[8] Lịch sử Đảng bộ Hà Tây, tập II (1945-1954), sđd, tr. 282.

Trình bày: BẢO MINH