Giải pháp nâng cao giá trị
Chân-Thiện-Mỹ
trong không gian mạng

Làm thế nào để xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh mới trên môi trường số? Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà văn cùng thảo luận về vấn đề này trong Bàn tròn của Nhân Dân hằng tháng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Phải xây dựng bộ tiêu chí số về chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng”.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng là điều hiển nhiên phải làm. Chúng ta đang di chuyển lên không gian mạng, đây là cuộc di chuyển vĩ đại nhất và lớn nhất trong lịch sử nhân loại về môi trường sống. Lên môi trường mới dĩ nhiên phải xây dựng chuẩn mực đạo đức và văn hóa mới. Đó là điều vô cùng cần thiết. Bởi vì, Trí tuệ nhân tạo mới ra đời chưa lâu nhưng đạo đức của Trí tuệ nhân tạo đã trở thành vấn đề nghị sự toàn cầu rồi.

Tôi nghĩ trước hết để xây dựng chuẩn mực văn hóa và con người trên không gian mạng là phải có Bộ tiêu chí hay quy ước số về chuẩn mực văn hóa và con người. Điều này nhiều nước phương Tây đã làm, chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.
Một hành vi trên không gian mạng, tác động đối với xã hội lớn hơn hành vi trong đời thực rất nhiều lần vì có tính lây lan rất nhanh. Một số nước như Singapore đang có xu hướng sẽ tăng những hình phạt cho các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Khi chúng ta chưa có những thể chế, những chuẩn mực về văn hóa và con người cho môi trường số thì có thể tạm thời dùng thể chế, chuẩn mực đã có trong đời thực. Sau đó, chúng ta cần xây dựng thể chế số, chuẩn mực văn hóa và con người trên môi trường số.

Trên môi trường số, quá trình quản lý dễ hơn rất nhiều, nhưng phải dùng công nghệ để quản lý công nghệ. Bất kỳ hành vi nào trên không gian mạng đều để lại dấu vết. Nhưng trên không gian mạng nếu vô danh thì thành ra vô trách nhiệm. Cho nên, Bộ Thông tin và Truyền thông trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã đề xuất khi tham gia mạng xã hội phải xác thực qua số điện thoại di động. Một khi ý thức rằng nếu làm gì sai trái sẽ bị truy ra thì người dùng mạng xã hội sẽ có trách nhiệm hơn.

Điều này giống như Khổng Tử từng nói: Người quân tử khác người bình thường chủ yếu ở chỗ sau đây: Người quân tử ở chỗ đông người và chỗ một mình thì hành xử giống nhau. Nhưng người quân tử rất ít. Điều đó có nghĩa là đa số chúng ta, có người nhìn thấy thì hành xử đúng đắn hơn, không ai nhìn thấy thì hành xử khác. Cho nên, trên không gian mạng, nếu làm gì mà có thể bị nhìn thấy và xác minh ra thì sẽ cẩn trọng và có ý thức trách nhiệm hơn. Nếu vô danh một cách tuyệt đối thì rất nguy hiểm.

Nhà văn Di Li: “Văn hóa sẽ nâng cao giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong môi trường số”

Theo tôi để xây dựng những chuẩn mực ấy, phải bắt đầu từ những trí thức, những KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), rồi tiến tới các tầng lớp khác. Những người trí thức phải nhận thức được điều này đầu tiên. Nhưng đôi khi tôi nhận thấy một số trí thức, KOL đang thể hiện sự thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội thì thay đổi được ai?

Là một nhà văn tôi cho rằng sức mạnh của văn học nói riêng và văn hóa nói chung giúp đẩy lùi cái xấu, cái ác, hình thành những chuẩn mực văn hóa và đạo đức trên mạng xã hội. Nói chung, khi càng có nhiều tác phẩm văn học hay thì càng lôi cuốn người đọc, càng lôi cuốn thì càng lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Sách hay sẽ nâng cao giá trị Chân-Thiện-Mỹ và sự cộng hưởng càng lớn trong môi trường số. Cuốn sách “Tật xấu người Việt” của tôi cũng đang góp phần làm việc đó. Nhiều người đọc sách cũng đã phản tỉnh và thay đổi nhận thức.

Trong trang đầu cuốn sách “Tật xấu người Việt” tôi có đề câu “Văn hóa phản ánh nhân dạng, nguồn gốc và ước mơ của mỗi chúng ta” của Wendell Pierce, có nghĩa là văn hóa phản ánh bộ mặt của mỗi cá nhân và một dân tộc. Nếu thêm vào mấy từ “Mạng xã hội phản ánh nhân dạng, nguồn gốc và ước mơ của mỗi chúng ta” thì cũng đúng với bối cảnh hôm nay. Nhìn vào mạng xã hội ở một cộng đồng nào đó cũng phần nào đoán được trình độ dân trí và đặc điểm văn hóa con người nước đó.

Văn hóa là một khái niệm rộng, đương nhiên cách ứng xử nên mạng xã hội cũng phản ánh văn hóa của mỗi người rồi.

Chính vì thế, chúng ta cũng nên có những có những bộ tiêu chí số, những quy định để hình thành các chuẩn mực văn hóa và con người trên môi trường số. Nhưng khi có những bộ tiêu chí ấy điều quan trọng là phải giải thích cho người ta hiểu những lợi hại của việc tuân thủ hay không tuân thủ. Nếu người ta không nhận thức thấy việc đó quan trọng, mang lại lợi ích cho họ và cộng đồng thì họ sẽ làm những gì họ muốn.

Cuốn “Tật xấu người Việt” của tôi đã bán được 1 vạn bản in, nhưng không thấy có ai thể hiện sự khó chịu với tác giả. Tôi nghĩ vì khi chỉ ra những thói hư tật xấu đó thì đồng thời tôi cũng lí giải vì sao những thói xấu ấy lại gây ra những bất lợi cho họ đi kèm những dẫn chứng thuyết phục chứ không chỉ phơi bày những điều không hay một cách trần trụi.

Chính vì thế, phải làm cho công dân mạng thấy rõ lợi hại của việc không nên like, comment, share những bài viết xấu độc, không nên đăng tải những thông tin lệch chuẩn văn hóa và đạo đức trong môi trường số.

Do đó, phải thay đổi nhận thức, muốn thay đổi nhận thức thì phải tuyên truyền vận động một cách thiết thực và hấp dẫn, phải từ sức mạnh mềm chứ không nên áp đặt kiểu “phải thế nọ, nên thế kia”.

PGS, TSKH Lương Định Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người: “Nâng cao nhận thức, kỹ năng số, trách nhiệm xã hội của công dân mạng”

Để xây dựng các chuẩn mực văn hóa và con người trong bối cảnh mới trên môi trường số, mạng xã hội, cần sử dụng nhiều giải pháp kết hợp đồng bộ, phù hợp, vừa lâu dài, vừa quyết liệt. Ở đây tôi xin nhấn mạnh một số giải pháp sau đây:

Trước hết, ngay bây giờ và cả về lâu dài cần phải không ngừng nâng cao nhận thức, kỹ năng số, trách nhiệm xã hội của tất cả mọi thành viên xã hội tham gia hoạt động trong môi trường số, trên các mạng xã hội. Đây là giải pháp căn bản nhất, vừa có ý nghĩa chiến lược lẫn ý nghĩa hiện thời cấp bách trong bối cảnh số hóa, mỗi người vừa là người tiêu dùng các sản phẩm số, vừa là người tạo nội dung số trên các trang mạng xã hội và internet nói chung. Giáo dục và truyền thông có nhiều hình thức và vai trò đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm xã hội cho cộng đồng và mỗi cá nhân.

Thứ hai, cần tổ chức hợp lý các bộ phận “tác chiến trên không gian mạng” không chỉ về phương diện kỹ thuật-công nghệ mà cả phương diện nội dung số. Các bộ phận tác chiến đó phải đủ phương tiện, có năng lực phản ứng trực tiếp, nhanh, nhạy bén, kịp thời, đúng, trúng, phù hợp vào các hành vi lệch chuẩn, loạn chuẩn, thiếu văn hóa trên môi trường số, các trang mạng xã hội. Các bộ phận “tác chiến trên không gian mạng” là lực lượng chủ lực và phải tạo ra được cả “phong trào” mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, phòng ngừa, phản bác, loại bỏ các hành vi lệch chuẩn, loạn chuẩn, thiếu văn hóa trên các mạng xã hội.

Thứ ba, hành vi xấu, lệch chuẩn, thiếu văn hóa trên môi trường số, ở mạng xã hội, là “ảo”, nhưng chế tài phải thực hiện mạnh ngoài môi trường số, không chỉ ở mạng, mà ở trong xã hội. Chúng ta cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy, các quy định, thể chế về môi trường số, mạng xã hội để các chủ thể xã hội có môi trường pháp quy phù hợp, “thông thoáng”, “trong sạch” cho các hoạt động tích cực, nhưng có chế tài đủ mạnh, phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế và loại bỏ được những hiện tượng “lệch chuẩn”, thiếu văn hóa trên tất cả các trang mạng, môi trường số.

Thứ tư, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chủ động hơn nữa giữa phương diện kỹ thuật-công nghệ và phương diện con người-xã hội-nội dung số, trong xử lý các hành vi lệch chuẩn, loạn chuẩn, thiếu văn hóa trên không gian mạng, đặc biệt là với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không thể để sa vào tình thế bị động, “tự động” từ bất cứ phương diện nào, mà luôn chủ động, kịp thời phối, kết hợp một cách linh hoạt, đồng bộ.

Nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam luôn có sức hút với bạn bè quốc tế.

Nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam luôn có sức hút với bạn bè quốc tế.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Chương-Hiền Thu-Thùy Dương-Thiên Thanh-Bảo Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Chill, Thành Đạt, Duy Thanh, nguồn internet