Giải pháp nào
cho hàng không
"cất cánh"?
Hàng không là ngành vận tải có tầm quan trọng đặc biệt của mỗi quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Ở Việt Nam giai đoạn 2010-2019, ngành hàng không tăng trưởng hơn 15%/năm, được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến hoạt động ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, có thời gian ngành hàng không phải dừng hoàn toàn hoạt động khai thác thị trường quốc tế, thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng. Năm 2022, ngành hàng không ghi nhận những dấu hiệu phục hồi nhờ việc tiêm vắc-xin rộng rãi, nền kinh tế chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt. Dù vậy, việc phục hồi vẫn đan xen nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng cao, nhân lực trong ngành hàng không nghỉ việc nhiều, các thị trường trọng điểm quốc tế chưa mở cửa trở lại...
Nhìn nhận những khó khăn, thách thức của ngành hàng không đồng thời chỉ ra “chìa khóa” để ngành hàng không “cất cánh” sau đại dịch là chủ đề của tiêu điểm tháng 9 của Nhân Dân hằng tháng.
Hồi phục
thị trường hàng không -
chặng đường
nhiều chông gai
Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, triển vọng hồi phục và phát triển của ngành hàng không đã có tín hiệu khá rõ nét. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, phải mất 3-5 năm nữa, hàng không mới lấy lại được “phong độ” như trước khi xảy ra đại dịch.
Vì thế, các chuyên gia hàng không khuyến nghị, Nhà nước nên xây dựng một đề án tổng thể cấu trúc lại ngành hàng không cùng các chính sách hỗ trợ thiết thực, kiến tạo “đường băng” để hàng không sớm cất cánh trở lại.
“Cú sốc” chưa từng có
Năm 2019, ngành hàng không trên thế giới có tốc độ phát triển cao với sản lượng vận chuyển khoảng 38,3 triệu chuyến bay, 4,5 tỷ lượt hành khách và hơn 58 triệu tấn hàng hóa. Ngành hàng không tạo ra 87,7 triệu việc làm, đóng góp 3.500 tỷ USD vào tổng sản lượng của nền kinh tế toàn cầu (tương đương 4,1%). Từ một ngành “hoàng kim”, ngành hàng không toàn thế giới đã lâm vào vực thẳm khủng hoảng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lượng khách đi bằng hàng không sụt giảm mạnh, từ 4,5 tỷ khách năm 2019 xuống còn 1,8 tỷ năm 2020 (giảm khoảng 60%) và 2,4 tỷ năm 2021 (giảm khoảng 47%). Doanh thu chạm đáy khiến hầu hết các hãng đều rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề.
Theo ước tính, năm 2020, các hãng hàng không đã lỗ 168 tỷ USD, đồng thời phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là dòng tiền rơi vào trạng thái âm trong suốt thời gian đại dịch do không bán được vé nhưng vẫn phải chi trả nhiều khoản chi phí để duy trì hoạt động. Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhận định, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng ngành hàng không thế giới cũng như ngành hàng không Việt Nam, kéo lùi sự phát triển của ngành, gây hậu quả tiêu cực đối với các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không. “Cú sốc” chưa từng có này khiến các đơn vị trong ngành phải mất vài năm mới khôi phục năng lực như cũ. “Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng không trong thời điểm hiện tại là hết sức cần thiết, cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và nỗ lực tự thân các doanh nghiệp trong ngành” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không hàng chục năm, ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, mà chịu hậu quả nặng nề nhất chính là các hãng hàng không Việt Nam. Thị trường hàng không gần như tê liệt, năm 2020 chỉ bằng khoảng một nửa so năm 2019, sang năm 2021 sụt giảm chỉ còn khoảng 20%. Các hãng hàng không Việt Nam đã phải tìm mọi cách chật vật xoay xở, tự vận động cũng như được cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ phần nào để duy trì hoạt động chờ đến khi thị trường hồi phục. Qua nghiên cứu, khảo sát, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng, phải đến năm 2025, thị trường hàng không quốc tế thế giới mới hồi phục ngang mức năm 2019.
Đối với vận chuyển nội địa, dự báo hồi phục nhanh hơn, tuy nhiên không phải tất cả các thị trường hoặc phân khúc thị trường đều phục hồi với tốc độ như nhau. Năm nay, thị trường đã hồi phục khá mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường nội địa, góp phần giảm nhẹ khó khăn và tạo đà cho sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không trong những năm tới. “Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục mới chỉ dừng ở thị trường nội địa, còn thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam, vẫn còn nhỏ giọt do chính sách hạn chế của từng quốc gia, cho nên để có thể đạt được như năm 2019 (trước dịch), chặng đường trước mắt vẫn còn dài và rất nhiều chông gai”, ông Thắng nhận định. Nguyên do bởi các hãng hàng không đã khôi phục phần lớn đường bay đến thị trường truyền thống, nhưng lượng khách quốc tế đi máy bay chủ yếu là khách công vụ, thăm thân và kinh doanh, còn khách du lịch, nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn rất ít ỏi.
Ngành hàng không đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: VNA
Ngành hàng không đối diện nhiều khó khăn. Ảnh: VNA
Những “biến số” khó lường
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề đánh giá, ngành hàng không Việt Nam đã tạo ra và duy trì sự phát triển khá thần tốc trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã cắt đứt đà phát triển của ngành, thị trường bị giảm sút nghiêm trọng, dòng tiền mất cân đối, thanh khoản giảm nhanh và sâu; nhiều lao động mất việc làm, khiến cấu trúc của ngành bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Nhiều người hẳn chưa thể quên năm trước, ngành hàng không Việt Nam tê liệt vì quyết định “đóng cửa bầu trời” để chống dịch. Có những ngày, trên bầu trời không có một chuyến bay thương mại nào hoạt động. Gần đây, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tuy tổng thị trường nội địa tăng trưởng rất ấn tượng, vượt cả năm 2019 (năm đỉnh cao trước dịch), nhưng thị trường quốc tế lại phục hồi rất chậm. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa lọt vào danh sách 92 quốc gia “vùng xanh”, nhiều nước vẫn áp dụng chính sách hạn chế du lịch, trong khi đường bay quốc tế mới là yếu tố đem lại hơn 60% doanh thu cho hãng hàng không.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, thời điểm tháng 1/2020, trước khi đại dịch bùng phát, số chuyến bay của các hãng hàng không trong nước lên tới gần 35 nghìn chuyến, khi dịch bùng phát đợt 1 (tháng 4/2020), số chuyến giảm còn chưa đầy 5.000 chuyến. Thời điểm hoạt động bay giảm xuống mức thấp nhất (tháng 9/2021), các hãng trong nước chỉ còn bay hơn 1.300 chuyến, chưa bằng 4% so số chuyến bay trong tháng 1/2020. Nhờ chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc tiêm vaccine, sang năm 2022, năng lực của ngành hàng không dần phục hồi, quá trình tái cấu trúc được khởi động và dự báo sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả từ cuối năm nay,... Tuy nhiên, các hãng hàng không đang phải đối diện những thách thức không nhỏ từ ảnh hưởng của các chuỗi cung ứng trong ngành bị “đứt gãy” khiến việc cung cấp phụ tùng, thiết bị gián đoạn; các đơn vị trong ngành hàng không thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và chuyên môn, nghiệp vụ; suy thoái kinh tế khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm,...
“Biến số” khó lường nhất của vận tải hàng không vừa qua chính là tác động của xung đột quốc tế, mâu thuẫn Nga-Ukraine khiến giá nhiên liệu tăng cao đột biến. Theo tính toán của một lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines, hãng xây dựng kịch bản nhiên liệu bay năm 2022 dự kiến 80 USD/thùng Jet A1, tuy nhiên, trên thực tế, bình quân 6 tháng đầu năm, giá nhiên liệu vọt lên tới 116 USD/thùng, thậm chí tháng 7 lên 165 USD/thùng. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí nhiên liệu bay làm Vietnam Airlines phát sinh thêm gần 2.400 tỷ đồng. Các thị trường trọng yếu, chiếm tỷ trọng chính về lượng khách đi/đến Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... vẫn tiếp tục duy trì các chính sách hạn chế về xuất nhập cảnh, nhất là thị trường Trung Quốc. Do chưa bay được quốc tế, các hãng tập trung khai thác đường bay nội địa, cạnh tranh nhau gay gắt làm nảy sinh nghịch lý: giá nhiên liệu tăng 82% nhưng giá vé giảm 17% so năm 2019. Đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trước đây luôn được coi là “đường bay vàng” của Vietnam Airlines nhưng hiện tại dù bay đầy tải nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí.
Một “biến số” khác là tình trạng lạm phát tăng cao trên thế giới, nhiều đồng tiền bị mất giá, các hãng hàng không khai thác thị trường quốc tế thu tiền vé bằng đồng bản tệ, còn trả các chi phí bằng USD, vô hình trung có thể nói các hãng bị thiệt hại “song-kép” về tỷ giá. Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không là cấp thiết và cần có sự đồng hành của các ban, ngành, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp của ngành hàng không trong bối cảnh mới cùng với xu thế phát triển của ngành hàng không thế giới. Do khai thác cầm chừng trong giai đoạn dịch bệnh, đến nửa cuối năm 2021, các hãng hàng không đã có sự xáo trộn, thay đổi nhân lực, chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực khác. Trong thời gian ngắn tới đây, khi hàng không phục hồi, các hãng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động chuyên môn (tổ bay, nhân viên kỹ thuật,...).
Trong suốt một thập niên (từ năm 2010 đến 2019), ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, đạt tốc độ hơn 15%/năm, phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, trở thành phương thức và biểu tượng kết nối Việt Nam với thế giới. Sự phát triển của ngành hàng không luôn là động lực, khâu đầu tiên trong việc thu hút đầu tư và phát triển ngành du lịch của đất nước. Vì thế, nhiều chuyên gia hàng không đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các điểm bất cập trong cơ chế, chính sách; trình Chính phủ có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phát triển trong tình hình mới, với tư cách là ngành đột phá để khôi phục và phát triển kinh tế.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Minh Trang-Hoàng Dung-Quang Hưng-Bảo Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
VNA, Bamboo Airways, Ngọc Linh, nguồn internet