Sau những thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975, đồng thời theo đề nghị của Bộ Tổng Tham mưu, bổ sung nhiệm vụ: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Ngay sau cuộc họp, theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục Tác chiến cử cán bộ sang Bộ Ngoại giao xin cung cấp tài liệu, bản đồ về các đảo, quần đảo Việt Nam và chuyển lệnh của Bộ Tổng Tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ngay Sở Chỉ huy Tiền phương vào Đà Nẵng để sẵn sàng tiếp quản căn cứ hải quân ngụy và chuẩn bị phát triển chiến đấu trên biển, giải phóng các đảo. 

Ngày 30/3/1975, trước diễn biến của tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường vụ Quân uỷ Trung ương điện gửi các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, giao cho Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng phái viên của Bộ và cán bộ Hải quân nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo hiện do quân nguỵ miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 2/4/1975, tại Tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo về giải phóng Đà Nẵng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho cho đồng chí Lê Trọng Tấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng: “Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa… Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Với tầm nhìn chiến lược, có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ XXI”.

Tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa… Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Với tầm nhìn chiến lược, có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ XXI

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho cho đồng chí Lê Trọng Tấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng ngày 2/4/1975.

Chiều ngày 4/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân - Chính ủy và Tư lệnh Quân khu 5: “giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Lúc này, đồng chí Nguyễn Bá Phát đang có mặt tại Đà Nẵng, nhanh chóng trao đổi với Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh Hoàng Hữu Thái, yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng khác đến đánh chiếm trước. 

Trường Sa là một quần đảo nằm ở phía Nam biển Đông, với trên 100 đảo lớn, nhỏ và bãi san hô ngầm, diện tích khoảng 180.000km2. Thời điểm đầu năm 1975, quần đảo này chỉ có 11 đảo có người ở; trong đó, có 5 đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ, gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn. Quân địch đóng trên 5 đảo này có khoảng 160 tên thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy: Đảo Nam Yết là nơi đóng Sở Chỉ huy có 50 tên, đảo Song Tử Tây 39 tên, đảo Sơn Ca 25 tên, đảo Sinh Tồn 19 tên và đảo Trường Sa lớn 30 tên. 

Chấp hành mệnh lệnh của trên, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định sử dụng tàu của Đoàn 125 đưa lực lượng ra giải phóng đảo, không cho địch kịp tăng viện đối phó. Theo phương án tác chiến, mục tiêu tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa. Phương châm tác chiến là: Bí mật, bất ngờ. Thời cơ tiến công từ 0 đến 2 giờ, là lúc ta có thể lợi dụng yếu tố thuỷ văn để bí mật đổ quân lên đảo.

Ngày 9/4, phát hiện có dấu hiệu địch rút quân khỏi các đảo ở quần đảo Trường Sa, Quân ủy Trung ủy ương điện “tối khẩn” cho các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Hoàng Hữu Thái: Có tin quân ngụy chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. “Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”. Lực lượng giải phóng đảo được thành lập có phiên hiệu Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126, làm Chỉ huy trưởng.

"Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm"

Quân ủy Trung ủy ương

Lúc 4 giờ ngày 11/4, Đoàn C75 gồm ba tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 chở Đội 1 của Trung đoàn 126 đặc công hải quân, 1 phân đội hỏa lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471, Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng đi giải phóng đảo Song Tử Tây ở phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa. Các tàu hải quân ta giả dạng tàu đánh cá, không số, không treo cờ, xuất phát lúc trời gần sáng. 19 giờ ngày 13/4, tàu 673 chở Phân đội 1 tiếp cận đảo, quân địch trên đảo bắn pháo tín hiệu xua đuổi, tàu 673 lại lui ra xa thả trôi. Hai tàu 674 và 675 cơ động ra án ngữ ở phía Bắc và phía Nam đảo, sẵn sàng chi viện. 1 giờ ngày 14/4, tàu 673 tắt đèn tiến sát đảo, tìm vị trí có lợi nhất để đổ bộ. 

Theo lệnh của chỉ huy, ba mũi xuống xuồng cơ động vào đảo. Sau 2 giờ vật lộn với sóng lớn và nước xoáy, lực lượng đổ bộ đã tiếp cận chiếm lĩnh các vị trí ở rìa đảo. Rạng ngày 14/4, các phân đội bí mật đổ bộ lên đảo. Mũi 1, gồm 4 tổ đặc công có trang bị B40, B41 và 1 khẩu ĐKZ 82 đánh từ hướng Nam lên. Mũi 2, gồm 3 tổ đặc công có B40, B41 đánh từ hướng Tây vào. Mũi 3, gồm 2 tổ đặc công đánh từ hướng Đông Nam sang. 4 giờ 30 phút, các mũi đồng loạt nổ súng tiến công. 5 giờ 15 phút ngày 14/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Mất Song Tử Tây, địch điều hai tàu HQ 16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại đảo, song không dám tiến công mà quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết - nơi đặt Sở Chỉ huy trung tâm của địch ở quần đảo Trường Sa. 

Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ta để lại phân đội 1 chốt giữ đảo; lực lượng còn lại quay về Đà Nẵng củng cố và chuẩn bị đánh tiếp các đảo khi có thời cơ. Ngày 17/4, cả ba tàu đã về tới Đà Nẵng. Nắm chắc diễn biến tình hình, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương (thành lập ngày 23/4/1975) đã thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở đợt tiến công giải phóng tiếp các đảo còn lại ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, ta sử dụng hai tàu 673 và 641 của Đoàn 125 chở Phân đội 2 và 3 của Đội 1 Đoàn 126 và một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 đi đồng loạt giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. 

Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 1/4/1975.

Bộ đội Hải quân giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 1/4/1975.

4 giờ ngày 21/4, các tàu nhổ neo hướng ra Trường Sa. Chiều 24/4, tàu ta đã tiến sát mục tiêu; đến đêm, tàu 673 định đổ quân lên đảo Nam Yết thì gặp tàu khu trục của địch tuần tiễu gần đó nên phải về trú ở Song Tử Tây chờ thời cơ. Tàu 641 áp sát đảo Sơn Ca nhưng không thể đổ bộ lên đảo do ngược dòng, nước chảy xiết nên lại phải di chuyển lên hướng Tây Bắc để chọn vị trí đổ bộ thuận lợi hơn. 0 giờ 30 phút ngày 25/4, lực lượng đổ bộ (Phân đội 2) do Thiếu uý Đỗ Viết Cường chỉ huy đã lên được đảo Sơn Ca. Sau khi trinh sát nắm chắc mục tiêu, đúng 2 giờ 30 phút ngày 25/4, trận tiến công giải phóng đảo Sơn Ca bắt đầu. Các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng. Địch hoàn toàn bất ngờ, chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy; đến 3 giờ, ta làm chủ đảo Sơn Ca.

Trưa 26/4, quân địch đưa các tàu tuần dương, khu trục lùng sục quanh đảo, nhưng không dám đổ bộ đánh chiếm lại đảo mà lại quay về Nam Yết. 20 giờ 15 phút ngày 26/4, đài trinh sát kỹ thuật của ta bắt được điện của chỉ huy địch lệnh rút quân khỏi Nam Yết. 2 giờ 45 phút ngày 26/4, Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân lệnh cho tàu 673 lập tức đưa Phân đội 3 và tổ đặc công Quân khu 5 lên chiếm đảo, quyết không để lực lượng khác lợi dụng cơ hội này chiếm đảo. Chấp hành mệnh lệnh, 1 giờ 30 phút ngày 27/4, tàu 673 rời đảo Sơn Ca hướng về Nam Yết. 10 giờ 30 phút cùng ngày, tàu ta vào gần đảo. Phát hiện lực lượng ta, các tàu địch chở quân rút khỏi đảo vội vàng tháo chạy. Ta nhanh chóng đổ bộ chiếm lĩnh đảo. 11 giờ 30 phút ngày 27/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết. Sau khi chiếm đảo Nam Yết, tàu 673 tiếp tục đưa một bộ phận Đội 1 đi giải phóng đảo Sinh Tồn thì quân địch ở đây đã rút chạy hết. 10 giờ 30 phút ngày 28/4, ta làm chủ đảo. 

16 giờ ngày 28/4, bộ đội ta tiếp tục đi giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía Nam của quần đảo. 9 giờ ngày 29/4, lực lượng ta đổ bộ lên, làm chủ hoàn toàn đảo. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Quân ủy Trung ương… nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược... Một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên với những đảo và quần đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã thuộc chủ quyền của Tổ quốc.

Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng!”

Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược. Chiến công đó khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Như vậy trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Quân chủng Hải quân đã tham giải phóng các đảo và quần đảo trên biển Đông do quân đội Sài Gòn chiếm đóng. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là một phần lãnh thổ Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế mà nhiều nước muốn chiếm đóng. Nhờ giải phóng sớm các đảo, ta ngăn chặn được ý đồ của một số nước, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Trong hồi ký Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, Quân ủy Trung ương đã đã nhận thấy “tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông. Nhãn quan chiến lược quân sự của Bộ Thống soái tối cao đã nhìn rõ vấn đề cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp. Khó khăn lớn nhất là phải đánh chiếm các đảo với lực lượng hải quân nhỏ bé lúc bấy giờ. Trên mặt trận Biển Đông, hành động cũng phải “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Ngày xuất bản: 11/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Thực hiện: Thi Uyên
Nội dung: Phan Sỹ Phúc
Trình bày: Uyển Hương - Tạ Lư
Mô hình sa bàn: YooLife, Hồng Quân - Lê Chí