Làm thế nào
để giải quyết
những bất cập?
Làm thế nào để khơi thông những điểm nghẽn đang cản trợ sự phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại lẫn tương lai? Nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia đã nêu giải pháp cho vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình,
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T:
Thúc đẩy ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp
Tôi đại diện cho Tập đoàn T&T cùng 35 nhà đầu tư vào điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khắc phục những bất cập trong việc ban hành cơ chế giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tôi cho rằng cần tính toán lại khung giá điện tại Quyết định 21 được ban hành chưa phù hợp với Thông tư 15 và các văn bản có liên quan. Khung giá phát điện mới cần bảo đảm các yếu tố: thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu về tham vấn Hội đồng Tư vấn và Bộ Tài chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, đồng thời khắc phục những điểm chưa phù hợp trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện cho dự án điện chuyển tiếp. Bên cạnh đó, cần ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về Hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển đổi.
Theo đó, các hợp đồng mẫu này cần giữ lại các chính sách khuyến khích cho NLTT, cụ thể: Thời hạn áp dụng giá điện cho dự án điện chuyển tiếp là 20 năm; Cho phép chuyển đổi giá sang USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD hoặc quy định về tỷ lệ lạm phát/trượt giá trong giá phát điện và quy định trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án NLTT với giá mua điện tại thời điểm giao nhận. Các chính sách trên sẽ giúp nhà đầu tư an tâm, tiếp tục đầu tư, phát triển dự án điện chuyển tiếp và tránh được thiệt hại về kinh tế, thậm chí có thể gây sụp đổ dự án và tăng nợ xấu, làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng vì mục tiêu hoàn vốn không khả thi.
Mặt khác, việc xây dựng cơ chế giá mới và đàm phán giá mua điện sẽ mất nhiều thời gian, trong thời gian chờ đợi chính sách mới, Chính phủ và Bộ Công thương nên cho phép các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn tất xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và được thanh toán cho sản lượng này sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất. Việc cho phép huy động công suất như trên sẽ không chỉ bảo đảm lợi ích của những nhà đầu tư NLTT đã phải chờ đợi chính sách mới trong thời gian dài mà còn tránh việc lãng phí tài nguyên điện sạch, nguồn lực đầu tư cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Cuối cùng, các nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong thời gian tới. Để phù hợp, thực hiện đúng với chủ trương của Đảng và Chính phủ đưa thị trường buôn bán điện cạnh tranh vào hiệu quả và xét tới thực tế là nhiều bên sử dụng lớn đã sẵn sàng mua bán điện từ các dự án, cơ chế DPPA sẽ là phương án bổ sung cần thiết để các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời có thể đi vào hoạt động và thu hồi vốn từ một kênh nhiều tiềm năng khác.
Ông Phạm Nguyên Hùng,
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo
(Bộ Công thương):
Cần chuyển sang cơ chế giá điện cạnh tranh
Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Trên tinh thần đó, Bộ Công thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên chính về phát triển nguồn NLTT. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời, v.v.) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các NLTT tạo quy mô nhỏ cho mục đích tiêu thụ tại chỗ.
Đồng thời, Bộ Công thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển NLTT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển NLTT. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiện hành vi, thói quen sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.
Hiện nay, cơ chế giá điện ưu đãi (giá FIT) đã kết thúc. Với các cơ chế khuyến khích này thì quy mô đã đạt khoảng 20,7 kW chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 27% tổng công suất điện.
Với công nghệ NLTT ngày càng phổ biến, giá thành ngày càng giảm thì các cơ chế khuyến khích này cần có thời gian nhất định và cần chuyển sang cơ chế cạnh tranh tiếp cận thị trường. Chúng tôi chia sẻ các khó khăn hiện hữu của nhiều nhà đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời đã không kịp tiến độ để được hưởng giá FIT theo các quy định của Nhà nước, song nhà đầu tư phải chấp nhận “luật chơi có thời hạn” về hưởng giá FIT, để bảo đảm sự công bằng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công thương cũng đã ban hành Khung giá điện chuyển tiếp theo đúng các quy định của pháp luật và doanh nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư các dự án NLTT và đơn vị mua điện là EVN cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn này.
Theo Luật Điện lực, để bảo đảm tính tự quyết của bên mua điện, bên bán điện, Bộ Công thương ban hành hướng dẫn về trình tự lập thẩm định và ban hành khung giá bán điện, trên cơ sở đó nhà đầu tư, EVN sẽ đàm phán về giá điện.
Bà Cao Thị Thu Yến,
chuyên gia năng lượng và môi trường:
Cần có một bộ luật riêng về năng lượng tái tạo
Trên thực tế, một quá trình chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ với kết quả to lớn diễn ra tại Việt Nam trong 5 năm vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, sự bùng nổ về nguồn NLTT khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, thiếu nghiên cứu tổng hợp, đầy đủ về chuyển dịch năng lượng và các nghiên cứu thành phần chuyên sâu cho từng loại hình năng lượng, đã tạo ra nhiều vấn đề bất cập trước mắt và lâu dài đối với hệ thống cung ứng năng lượng và toàn xã hội. Việc này cần sớm có giải pháp xử lý từng bước và đồng bộ.
Mặt khác, hiện nay đang thiếu luật riêng về NLTT nên chưa có các định nghĩa rõ ràng cho các loại NLTT như Hydrogen và dẫn xuất. Vì vậy, cần phải có 1 bộ luật riêng NLTT.
Ngoài ra, cơ chế thực hiện đấu thầu NLTT chưa hoàn thiện. Loại nguồn NLTT có tiềm năng lớn và có tính ổn định cao như điện gió ngoài khơi hiện đang vướng mắc từ khâu khảo sát đến thực hiện đầu tư dự án; chưa có cơ chế tài chính cho hệ thống tích trữ năng lượng như pin, thủy điện tích năng... Việc chậm phát triển hệ thống lưu trữ sẽ dẫn đến hạn chế khả năng huy động nguồn NLTT
Theo tôi, để có thể thực hiện hiệu quả các quy hoạch năng lượng, điện và chuyển dịch năng lượng một cách công bằng và bền vững, các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nghiên cứu Kế hoạch chuyển dịch năng lượng cấp quốc gia cần được các bộ, ngành chủ quản giao triển khai một cách đồng bộ và đủ sớm tại Tập đoàn Điện lực (EVN) và các đơn vị liên quan. Đề xuất cách tiếp cận/phối hợp khi nghiên cứu Kế hoạch chuyển dịch năng lượng ngành điện quốc gia do EVN chủ trì như sau: trên cơ sở các định hướng đã được duyệt về cung cấp năng lượng, tham chiếu kết quả nghiên cứu các quy hoạch dự thảo liên quan như Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch không gian biển... cũng như dự báo chuyển dịch lớn về nhu cầu năng lượng các ngành như giao thông, phát triển đô thị, công nghiệp... Ngoài ra, EVN chủ trì càng sớm càng tốt để triển khai lập Dự thảo Kế hoạch chuyển dịch năng lượng ngành điện (mốc giả thiết là tháng 9/2023) và chỉnh sửa, hoàn thiện sau khi tham vấn, thống nhất với các bên liên quan ngoài EVN và trong EVN (mốc giả thiết là tháng 12/2023).
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Văn-Bảo Thanh-Việt Hưng-Bích Lan-Minh Quân
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trọng Duy, nguồn internet