
Chiến thắng Biên Phủ là "cột mốc bằng vàng" trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc thời đại to lớn. Đó là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự, nghệ thuật chiến tranh cách mạng đúng đắn, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự quan tâm chăm lo xây dựng rèn luyện Quân đội về mọi mặt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, công tác chính trị tư tưởng, củng cố tinh thần quyết chiến quyết thắng cho quân và dân ta luôn được đặc biệt quan tâm, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.

Chuẩn bị bước vào Chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Quân đội và gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!”. Thư của Bác được phổ biến khắp mặt trận, tạo ra không khí phấn khởi, thi đua lập công trên khắp các trận địa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
"Lệnh động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, toàn thể các binh chủng, mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được gửi tới các đơn vị: “Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử Quân đội ta từ trước đến nay... Đánh thắng ở Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Nava hiện đã thất bại nặng, sẽ giáng một đòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn đế quốc Pháp-Mỹ. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi sẽ có một ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước, sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt-Miên-Lào... Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Hồ Chủ tịch”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị họp, bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chính trị họp, bàn mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)
Trong quá trình chiến đấu, trong một số cán bộ, chiến sĩ đã có lúc đã xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực như ngại thương vong, ngại tiêu hao, mệt mỏi, ngại khó, ngại khổ; chủ quan khinh địch, tự mãn với thắng lợi bước đầu. Để khắc phục tư tưởng này, Bộ Chính trị ra chỉ thị: “Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.


Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn động viên bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: tapchiqptd.vn)
Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn động viên bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: tapchiqptd.vn)
Tổng cục Chính trị chỉ đạo đoàn văn công đến biểu diễn ngay tại chiến hào, trong hầm pháo; hát cho bộ đội ở vị trí tiền tiêu nghe qua máy điện thoại. Nhiều bài thơ, văn, bài hát và những thước phim tư liệu quý; hơn 33 số báo với nội dung phong phú đã trở thành món ăn tinh thần, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại những kinh nghiệm quý trên nhiều phương diện, trong đó có công tác giải quyết tư tưởng, củng cố tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội trong chiến dịch, thể hiện trên những nội dung cơ bản:
Thứ nhất, giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp; có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội
Theo kế hoạch ban đầu, phương châm tác chiến của ta là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt địch trong thời gian ngắn khoảng 2 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận đề nghị giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nhưng hoãn thời gian nổ súng, thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phê chuẩn.
Trước tình huống mới, việc chuẩn bị chiến trường phải làm lại từ đầu, đặc biệt là phải kéo pháo ra. Điều đó làm cho không ít cán bộ, chiến sĩ thắc mắc, tư tưởng chưa thông suốt. Chính vì vậy, công tác chính trị, tư tưởng đã tập trung giáo dục cho bộ đội nhận thức đầy đủ về tình hình chiến dịch, tính khách quan, tất yếu của việc thay đổi phương châm tác chiến; lấy kết quả thắng lợi của các chiến dịch trước đây để giáo dục, động viên bộ đội phát huy cao độ ý chí quyết tâm chiến đấu; tập trung làm cho bộ đội nhận rõ mục tiêu, nhiệm vụ, cách đánh, trên cơ sở đó, phát huy tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao và trách nhiệm chính trị đối với chiến dịch.
Thứ hai, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ các cấp thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình, chủ động nắm, giải quyết kịp thời tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trên các hướng, mũi tiến công
Với lực lượng mạnh, địch đã bố trí một hệ thống phòng ngự dày đặc gồm 49 cứ điểm với hệ thống hỏa lực nhiều tầng, có chiến hào ngang dọc và khả năng phòng ngự độc lập, có khả năng ứng cứu, chi viện lẫn nhau. Một số cứ điểm còn có hầm ngầm, hàng rào dây thép gai bao quanh từ 50 đến 200m. Ngoài ra còn có các bãi mìn dày đặc và hàng rào điện sát mặt đất... Đây là khó khăn, trở ngại to lớn trong chiến đấu. Trước tình hình đó, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ các cấp đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của bộ đội, kịp thời động viên, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu và cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, chịu đựng gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của đợt 1, tiêu diệt cả ba trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo.

Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Thứ ba, công tác tư tưởng cần bám sát diễn biến chiến trường, huy động sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu cao của bộ đội để giành thắng lợi trong từng trận đánh
Trong đợt 2 chiến dịch, sau các trận đánh ở cứ điểm A1 và 105 không thành công, ngày 4/4/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công để củng cố lực lượng, giữ vững trận địa và tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tiến công mới. Nhằm khắc phục hiện tượng hữu khuynh tiêu cực, Đảng ủy chiến dịch phát động một đợt sinh hoạt chính trị, đấu tranh với tư tưởng cầu an, dao động, ngại gian khổ, hy sinh, nâng cao lòng tin tưởng vào thắng lợi và tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận. Cơ quan chính trị xuống từng đơn vị phổ biến kế hoạch tác chiến mới và giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ tình hình, củng cố quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó ta đã hoàn thành mục tiêu trong đợt tấn công thứ ba ngoài mong đợi. Đây là một thành công nổi bật về công tác chính trị, tư tưởng của ta trong thời điểm nóng bỏng của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thứ tư, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác thương binh, tử sĩ và chính sách hậu phương quân đội, xây dựng, phổ biến các gương điển hình tiêu biểu trong chiến dịch
Trong chiến dịch, đã có nhiều tấm gương xả thân chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, như: “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Hoàng Văn Nô, người dũng sĩ đâm lê đã liên tiếp đâm chết nhiều tên địch, cho đến khi bị tử thương mà vẫn còn trong tư thế hiên ngang diệt địch. Tô Vĩnh Diện đã không chút do dự hy sinh tính mệnh để bảo vệ pháo. Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Đó là những chiến sĩ quân báo một mình dùng mưu trí bắt sống nhiều địch, những chiến sĩ lái xe bị thương không rời tay lái...”. Tại tuyến lửa, nhân dân ta đã sát cánh cùng với bộ đội, lăn mình trong khói lửa tải đạn, tải thương binh. Tại các bệnh viện, trên đường tải thương, nhân dân đã chăm sóc, thăm hỏi thương binh như con em ruột thịt, cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu cần thiết để chiến đấu và trực tiếp chiến đấu bên cạnh bộ đội từ cái kim, sợi chỉ, miếng quà, tấm bánh, gửi hàng nghìn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ, gửi đến cho chiến sĩ cả tấm lòng thương yêu đùm bọc của toàn dân.
Việc cổ vũ động viên kịp thời thương, bệnh binh giữ vững ý chí quyết tâm và có nghị lực vượt qua đau đớn, yên tâm điều trị và luyện tập để sớm bình phục. Trong đó, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với tổ chức thực hiện công tác chính sách, hậu phương quân đội đã tạo nên sự đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.


Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. (Ảnh: TTXVN)

Lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy. (Ảnh: TTXVN)
Lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy. (Ảnh: TTXVN)
Những kinh nghiệm trong việc giải quyết tư tưởng, củng cố tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị và không ngừng phát huy tác dụng. Hiện nay tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen phức tạp khó lường.
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự bùng nổ thông tin dưới tác động của cuộc cách công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu mới đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là việc định hướng nhận thức, tư tưởng cho bộ đội trước những luồng thông tin nhạy cảm, phức tạp, trái chiều. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu ngày càng cao, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Theo đó, cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy với nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ và cơ quan chính trị các cấp trong giáo dục chính trị tư tưởng
Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một nhiệm vụ, một nội dung quyết định để xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ; là cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của Quân đội. Do đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải cụ thể, bám sát kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của trên; tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khâu yếu, mặt yếu. Khắc phục triệt để hiện tượng coi công tác giáo dục chính trị-tư tưởng là của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Phát huy có hiệu quả vai trò tham mưu của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một nhiệm vụ, một nội dung quyết định để xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ; là cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của Quân đội.
Trình độ lý luận, phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống của đội ngũ cán bộ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành, phát triển nhân cách của bộ đội. Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Quân đội, các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục; đồng thời, yêu cầu mỗi cán bộ phải luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, không ngừng hoàn thiện về nhân cách để làm gương cho bộ đội noi theo. Cơ quan chính trị các cấp phải tham mưu đúng, trúng, kịp thời những vấn đề đang nổi lên để cấp ủy, người chỉ huy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Do đó, các cấp cần chú ý xây dựng đội ngũ này, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng theo đúng yêu cầu đặt ra. Mặt khác, mỗi cán bộ tham mưu phải tự mình ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chính trị, khả năng chuyên môn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Hai là, chủ động làm tốt các khâu, các bước trong nắm, quản lý, giải quyết, định hướng tư tưởng, dư luận, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn quân
Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tư tưởng ở đơn vị cơ sở, phải tiến hành đồng bộ các nội dung, biện pháp. Trong đó, trước hết cần nắm hoàn cảnh xã hội, lịch sử gia đình, môi trường làm việc, diễn biến quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của quân nhân; tùy theo điều kiện cụ thể sử dụng những phương pháp thích hợp, có thể trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi, quan sát các hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói, lễ tiết, tác phong... hoặc thông qua thực hiện các nhiệm vụ, hồ sơ lý lịch, phản ánh, báo cáo của các tổ chức, phiếu điều tra... Căn cứ những kết luận đã rút ra, phân loại từng đối tượng cụ thể cho phù hợp để quản lý, chú ý những quân nhân chậm tiến; những đơn vị yếu, kém. Đây là cơ sở để tiến hành tư tưởng đối với đơn vị, với quân nhân.
Giải quyết tình hình tư tưởng quân nhân cần phải thận trọng, bám sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu của bộ đội; giải quyết đúng quy trình, thấu tình đạt lý; kiên quyết chống biểu hiện quân phiệt, xúc phạm danh dự nhân phẩm chiến sĩ và cấp dưới.
Giải quyết tình hình tư tưởng quân nhân cần phải thận trọng, bám sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, nhu cầu của bộ đội; giải quyết đúng quy trình, thấu tình đạt lý; kiên quyết chống biểu hiện quân phiệt, xúc phạm danh dự nhân phẩm chiến sĩ và cấp dưới. Khi phát hiện những vấn đề mới nảy sinh về tư tưởng, cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xử lý đúng quy trình, đúng phân cấp, bình tĩnh, khéo léo, hợp tình, hợp lý, tránh nóng vội, áp đặt, quy chụp, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến công tác quản lý quân nhân. Khi có vụ việc xảy ra phải kịp thời báo cáo theo quy định, tuyệt đối không được dấu giếm, báo cáo sai sự thật; tổ chức sinh hoạt kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân; kịp thời có biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định tình hình tư tưởng trong đơn vị. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ luật; kịp thời biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, tổ chức tham quan học tập, nhân rộng cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, khơi dậy ý thức tự trọng của quân nhân...
Ba là, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về đối tượng, đối tác của cách mạng, nhận thức rõ đặc điểm, âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến trong từng tình huống cụ thể
Tổ chức quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Quán triệt bộ đội nhận thức đúng quan điểm của Đảng về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”, “Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Đó là những âm mưu, hành động gây chiến tranh xâm lược”; “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chế độ; xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam bằng phương thức vũ trang hoặc phi vũ trang, cả từ bên ngoài và bên trong. Trong mỗi đối tượng cũng có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác cũng có mặt khác biệt, mâu thuẫn cần đấu tranh.

Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Abyei và Nam Sudan. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Các sĩ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Abyei và Nam Sudan. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm “phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Sự đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo của Đảng thể hiện ở việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại là bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Bốn là, đẩy mạnh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, kịp thời phản bác quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch
Thực tế hiện nay, những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực thù địch đã có những tác động không nhỏ đến đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tình trạng thoái hóa, biến chất về phẩm chất đạo đức; dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phai nhạt niềm tin vào Đảng đã và đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều đó đã đặt ra nguy cơ và thách thức hiện hữu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Trước tình hình đó, cần chủ động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, phản bác các luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên không gian mạng. Kịp thời dự báo những sự thay đổi trong âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, thông qua đó, đề ra các chủ trương, giải pháp phòng chống, đấu tranh phù hợp điều kiện, hoàn cảnh trong tình hình mới.
Năm là, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội và hậu phương Quân đội
Các cấp ủy đảng cần thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động “đền ơn đáp nghĩa” do các cấp phát động như phong trào xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách nhân kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, quân đội và địa phương. Hằng năm, nhân ngày lễ, Tết, toàn quân tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên kịp thời các gia đình chính sách.

Thiêng liêng Lễ chào cờ từ giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh - giàn khoan xa nhất Biển Đông. (Ảnh: HIẾU NGUYỄN)
Thiêng liêng Lễ chào cờ từ giàn khoan Hải Thạch-Mộc Tinh - giàn khoan xa nhất Biển Đông. (Ảnh: HIẾU NGUYỄN)
Phối hợp tốt với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổ chức vận động quyên góp ủng hộ các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở các khu vực biển, đảo, phối hợp cùng các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trích ngân sách thăm thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các đơn vị đóng quân trên địa bàn, góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của các gia đình chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương, đóng góp sức mình xây dựng quê hương giàu mạnh. Đồng thời, qua đó giáo dục, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ hăng hái lên đường nhập ngũ; cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội yên tâm công tác, tích cực rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những bài học trong giải quyết tư tưởng cho bộ đội, củng cố tinh thần quyết chiến, quyết thắng được rút ra từ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nội dung: Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Như Trúc
Bài viết tại Hội thảo "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019)"
Trình bày: Ngô Hương
