Gỡ nút thắt để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung

Câu chuyện về các điển hình đổi mới, sáng tạo ở 3 miền đất nước đem đến các bài học kinh nghiệm, đồng thời đặt ra các vấn đề cần tháo gỡ để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận 14 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, vững mạnh, gồm những ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn gắn với công nghệ thông minh; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.

Để tạo động lực phát triển mới, cần có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Cha đẻ loại gạo ngon nhất thế giới và 3 lần sáng kiến “gây tranh cãi”

Một ngày trong trạng thái “bình thường mới”, tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, kỹ sư – Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua trải lòng cùng chúng tôi về chuỗi thời gian dài làm việc của mình, trong đó có ba việc mà ông tâm đắc nhất: thứ nhất là tham mưu để Tỉnh ủy Sóc Trăng đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm; thứ hai là đưa cây lúa thơm cải tiến xuống vùng đất mặn có nuôi tôm; thứ ba là xây dựng, chuyển giao quy trình sản xuất nấm xanh cho nông dân để diệt bọ rầy nâu hại lúa (2006 – 2007).

Ảnh: Hà Nam

Ảnh: Hà Nam

Ông Cua cho biết, năm 1993, một năm sau ngày tái lập tỉnh Sóc Trăng, ông tham mưu để Tỉnh ủy Sóc Trăng đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm. Ông đã tự xây dựng mô hình gieo trồng cây lúa thơm Khao Dawk Mali, có nguồn gốc Thái Lan từ trại giống huyện mà mình phụ trách, từ ruộng nhà, từ hợp tác với những nông dân đã tích lũy được kiến thức bản địa ở vùng đất quê. Qua đó chứng minh được rằng: Năng suất lúa thơm, dẫu là lúa mùa cảm quang nhưng vẫn cao hơn lúa thường, không làm giảm sản lượng mà giá bán cao hơn gần gấp đôi giúp nâng cao đời sống nông dân. Từ đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng mới đưa ra chủ trương phát triển lúa thơm trong giai đoạn an ninh lương thực chưa bảo đảm.

“Những tưởng đây là điều không thể vì khi đó còn trong giai đoạn an ninh lương thực rất bấp bênh nhưng sau đó chủ trương này lan tỏa tới Trung ương và được Chính phủ tán đồng vàphát triển hầu hết các tỉnh có điều kiện trong cả nước”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Đến khi hệ thống thủy lợi phát triển, cần cây lúa thơm cải tiến để tăng năng suất và tăng vụ nhằm tăng sản lượng, kỹ sư Hồ Quang Cua và công sự lại mạnh dạn tổ chức lai tạo từ đầu thế kỷ 21.

“Mặc bao lời “đe nẹt” từ một số nhà “khoa học hàn lâm” đang giữ trọng trách lai tạo giống lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ nêu ra các khó khăn rất lớn để né tránh nhưng chúng tôi xem đó là bảng chỉ đường những vật cản phải vượt qua và thực tế đã vượt qua thật”, kỹ sư Hồ Quang Cua nói.

Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ 3 từ trái sang) và các công sự nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Nguyễn Phong

Kỹ sư Hồ Quang Cua (thứ 3 từ trái sang) và các công sự nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ảnh: Nguyễn Phong

Để minh chứng cho thành quả, kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự đã đăng ký dự thi Gạo ngon nhất thế giới và trong hai lần đầu gạo thơm ST (Sóc Trăng) đã đoạt “Top ba” (2017, 2018). Năm 2019, gạo thơm ST đoạt giải Nhất và sang năm 2020 đoạt giải Nhì. Qua bốn lần thi gạo thơm ST đều được vinh danh, được giải thưởng và đã nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thế giới.

Năm 2001, sau khi có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi mạnh dạn đem giống lúa thơm ST3 gieo trồng vào mùa mưa sau vụ tôm nước lợ vào mùa khô thì lại có ý kiến “…lúa cho ra lúa, tôm cho ra tôm…” của một vị giám đốc Sở. Nhưng hiện nay cây lúa thơm ST đã chiếm vị trí chủ lực ở vùng nước lợ ven biển đồng bằng sông Cửu Long, được các nhà khoa học thế giới xem là “Mô hình độc đáo trên thế giới” và là chủ trương phát triển của các tỉnh ven biển và cũng được nhiều doanh nghiệp xây dựng “Thương hiệu gạo Lúa – Tôm”.

Những đóng góp cho phát triển của chúng tôi đều xuất phát từ cơ sở, từ thực tiễn, từ ít tới nhiều, từ nhỏ tới lớn nên được thời gian chứng minh cho sự bền vững, hiệu quả và làm tham mưu tốt cho các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng các chủ thương chính sách phát triển.

Kỹ sư Hồ Quang Cua tại ruộng mạ lúa thơm ST. Ảnh: Nguyễn Phong

Kỹ sư Hồ Quang Cua tại ruộng mạ lúa thơm ST. Ảnh: Nguyễn Phong

Mặc bao lời “đe nẹt” từ một số nhà “khoa học hàn lâm” đang giữ trọng trách lai tạo giống lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ nêu ra các khó khăn rất lớn để né tránh nhưng chúng tôi xem đó là bảng chỉ đường những vật cản phải vượt qua và thực tế đã vượt qua thật

Kỹ sư Hồ Quang Cua

Nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng thế giới

GS,TS Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTech (Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh) là nhà khoa học sống tại Việt Nam duy nhất nằm trong danh sách nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Các đóng góp của giáo sư 45 tuổi này thể hiện trong lĩnh vực liên ngành cơ học tính toán, ứng dụng khoa học máy tính, công nghệ in 3D, học máy…

GS,TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ, 20 năm qua, ông kiên trì xây dựng và phát triển một hệ thống nghiên cứu trong nước với kinh phí chủ yếu từ các Quỹ nghiên cứu quốc tế. Mỗi năm, ông dành thời gian để duy trì đi mở rộng hợp tác quốc tế, tìm kiếm các dự án uy tín, các học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ. Việc hợp tác quốc tế giúp ông không ngừng học tập nâng cao kiến thức, có điều kiện xây dựng nhóm nghiên cứu quốc tế, chương trình kết nối nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành ở các nước tiên tiến.


Chúng ta cần phải chung tay góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam bằng con đường hội nhập trong nghiên cứu khoa học. Công bố quốc tế uy tín về lịch sử, văn hóa, con người, chủ quyền biển đảo… là cơ sở dữ liệu tin cậy để hàng triệu độc giả khắp các châu lục truy cập, tham khảo. Đó là một phương pháp tiếp cận sáng tạo để nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam với thế giới

GS, TS Nguyễn Xuân Hùng

“Nhóm của chúng tôi duy trì hệ thống làm nghiên cứu 24/24. Khi đội ngũ nghiên cứu trong nước nghỉ ngơi thì nhóm ở ngoài tiếp tục công việc (theo khung lệch giờ giữa các châu lục). Với cách này, dữ liệu nghiên cứu được chia sẻ không gian để bảo đảm hệ thống nghiên cứu vận hành tối ưu nhất. Đối với tìm kiếm các dự án, mức độ cạnh tranh thường rất cao, vì thế nội dung nghiên cứu đòi hỏi tính thời sự quốc tế, tính mới, sáng tạo và tính chuyên nghiệp cao trong khâu chuẩn bị hồ sơ. Do đó, cần phải duy trì nhịp nghiên cứu hội nhập xu thế phát triển của thế giới, cơ hội lấy được kinh phí mới khả thi. Các dự án quốc tế được tài trợ là cơ hội để tôi gửi các bạn trẻ ra nước ngoài học tập và đến nay nhiều người trong số đó đã thành danh”, GS,TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Quan điểm của GS, TS Nguyễn Xuân Hùng là ưu tiên theo đuổi những hướng nghiên cứu mà các tổ chức, các nhóm nghiên cứu quốc tế đang quan tâm nhất, vẽ được bản đồ khoa học mà người Việt Nam phải có chỗ đứng và tạo ra cơ hội để bồi đắp tri thức cho bản thân, cho học trò.

“Chúng ta cần phải chung tay góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam bằng con đường hội nhập trong nghiên cứu khoa học. Công bố quốc tế uy tín về lịch sử, văn hóa, con người, chủ quyền biển đảo… là cơ sở dữ liệu tin cậy để hàng triệu độc giả khắp các châu lục truy cập, tham khảo. Đó là một phương pháp tiếp cận sáng tạo để nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam với thế giới”, GS, TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.

Chiến lược phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Trang trại điện gió của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trung Nam Group

Trang trại điện gió của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trung Nam Group

Trong 2 năm 2019, 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, trong đó lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp hết sức quan trọng. Trong suốt quá trình phát triển, với mục tiêu tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển nền kinh tế xanh theo hướng nhanh và bền vững; trong đó, năng lượng sạch là nhóm ngành ưu tiên phát triển. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, đề xuất cũng như ban hành một số cơ chế, chính sách có hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch trên địa bàn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong tất cả các khâu.

Cụ thể, về công tác định hướng chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển bền vững dựa trên trục phát triển điện hạt nhân (năng lượng sạch) và tiếp tục được đẩy mạnh từ khi Trung ương chủ trương dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân, Ninh Thuận đã chủ động chuyển hướng chiến lược sang phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là khâu đột phá. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các quy hoạch từ Trung ương đến địa phương; từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến các quy hoạch chuyên ngành về năng lượng, đất đai, xây dựng,.... Chủ động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự kết nối và lan tỏa cao, tạo đột phá trong thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi; hạ tầng truyền tải điện... Chủ động, kịp thời kiến nghị và được Trung ương chấp thuận một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc như: Chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận với nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy các nhóm ngành trụ cột; cơ chế giá mua bán điện; chính sách về ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng, tiền sử dụng đất, lao động...

Một số mô hình về đổi mới, sáng tạo, kết hợp đa mục tiêu về nâng cao hiệu quả nguồn lực trong phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh, như: Thực hiện thí điểm lần đầu tiên trong cả nước về xã hội hóa, giao cho tư nhân đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW gắn với đầu tư Trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV tại huyện Thuận Nam.

Đến thời điểm này, Tổ hợp năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời của có quy mô tổng công suất hơn 355MW (trong đó điện mặt trời 204MW; điện gió 151MW) nhằm kết hợp khai thác tối đa hiệu quả diện tích đất phía dưới các tua-bin trụ gió để phát triển trang trại điện mặt trời của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam tại huyện Thuận Bắc được coi là lớn nhất, duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Tại huyện Thuận Nam, mô hình sản xuất muối công nghiệp kết hợp phát triển điện mặt trời, điện gió với quy mô công suất 330MW điện mặt trời và 88 MW điện gió của Tập đoàn Bim được triển khai trên các diện tích trước đây sản xuất muối, nhưng hiện nay không còn sản xuất.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án trên đã khai thác tối đa nguồn lực, hiệu quả sử dụng đất tại những vùng đất hoang hóa, không có khả năng sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho điện lưới quốc gia hơn 2 tỷ kWh/năm, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội địa phương ngày càng nhiều.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh (ngoài cùng bên phải) tham quan dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh (ngoài cùng bên phải) tham quan dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh: Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành đúng thời điểm Đảng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đây là chủ trương, là cơ chế đột phá, quan trọng, để khuyến khích, đồng thời bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được cụ thể hóa trong thực tiễn phát triển; khai thác hiệu quả bước đi sáng tạo, đột phá được tổ chức, người đứng đầu công nhận, cho phép chưa có trong tiền lệ, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương.

Quảng Nam và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cũng nằm trên dải đất miền trung, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều việc làm năng động, sáng tạo và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam nằm trong nhóm địa phương nghèo nhất nước nhưng đến nay, đã được đứng vào tốp 15 tỉnh, thành phố cả nước có điều tiết nguồn thu ngân sách về Trung ương.

Một trong những vấn đề mà tỉnh quan tâm trong thời gian gần đây, đó là công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh Quảng Nam xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo muộn hơn các địa phương khác trong khu vực miền trung – Tây Nguyên. Đầu năm 2017, UBND tỉnh mới bắt đầu thành lập Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chính thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Toàn tỉnh hiện có 16 hội/câu lạc bộ về khởi nghiệp sáng tạo với số lượng các thành viên tham gia các câu lạc bộ ngày càng đông đảo, hầu hết là các doanh nhân trẻ, cán bộ khoa học trẻ, thanh niên và sinh viên.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam Phạm Ngọc Sinh cho biết, thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo đà cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (đeo kính) tham gia sự kiện Phụ nữ Quảng Nam với phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tấn Nguyên

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (đeo kính) tham gia sự kiện Phụ nữ Quảng Nam với phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tấn Nguyên

Đáng nói, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND (ngày 02/11/2020) về việc quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và quyết định về Đánh giá, công nhận và khuyến khích ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô cấp vùng, quốc gia (như: Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp thời kỳ 4.0, Diễn đàn khởi nghiệp nông nghiệp, Diễn đàn phát triển nông nghiệp gắn khởi nghiệp nam Trung bộ, Diễn đàn kết nối doanh nhân trong hệ thống Câu Lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp với cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam, Diễn đàn khởi nghiệp du lịch nói không với rác thải nhựa, Hội thảo Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương…).

Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức công nhận hơn 60 dự án khởi nghiệp cấp tỉnh và 5 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc đã được Hội đồng đánh giá, xét chọn doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tiêu biểu toàn quốc (do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì thực hiện) vinh danh. Quảng Nam cũng là địa phương khởi xướng và duy trì mạng lưới Câu lạc bộ khởi nghiệp miền trung – Tây Nguyên nhằm tạo lập Hệ sinh thái khu vực phát triển bền vững.

Sản phẩm tinh dầu tràm Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt (huyện Thăng Bình) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Ảnh: Tấn Nguyên

Sản phẩm tinh dầu tràm Linh Vũ của chị Bùi Thị Nguyệt (huyện Thăng Bình) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Ảnh: Tấn Nguyên

Ngoài ra, Quảng Nam đã tổ chức đào tạo cho gần 60 ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ trên địa bàn tỉnh. Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh đã phối hợp Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành hỗ trợ vay lãi suất 0 đồng cho các dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, với số tiền hỗ trợ 3 tỷ đồng; đào tạo 2 lớp chuyên gia nguồn tại chỗ; đăng cai, phối hợp Đại học Huế tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn cho các tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, quá trình phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam trong suốt thời gian qua gắn liền với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cộng sự. Đây có lẽ đó cũng là cốt cách của người xứ Quảng xưa nay.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, vấn đề quan trọng được rút ra ở đây không chỉ là những con số, kết quả đạt được mà lớn hơn chính cách tư duy, sáng tạo trong công tác triển khai, thực hiện khởi nghiệp sáng tạo. Lãnh đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân đã có những việc làm hay, sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn theo dõi, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người có thể lao động, sáng tạo trên cương vị, công việc của mình.

“Mọi người được làm những gì không trái Hiến pháp, pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong thực tiễn; nếu vì động cơ trong sáng, vì lợi ích chung mà không thành công thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm… theo đúng tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị (ngày 22/9/2021) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là điều ông Thanh rất tâm đắc và khuyến khích mọi người vận hành công việc theo hướng này nhằm mang lại kết quả, hiệu quả cao nhất.

Quá trình phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam trong suốt thời gian qua gắn liền với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cộng sự. Đây có lẽ đó cũng là cốt cách của người xứ Quảng xưa nay

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh

Những người trẻ xuất sắc của một doanh nghiệp lấy sáng tạo làm sức sống

Đổi mới, sáng tạo đã mang đến nhiều thành công trong các ngành, lĩnh vực, địa phương khác nhau, và doanh nghiệp không phải là ngoại lệ, thậm chí đó chính là lẽ sống còn của doanh nghiệp. Chính việc đưa đổi mới sáng tạo lên ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn Viettel đã tạo nên đội ngũ những người trẻ, dám bứt phá trong nghiên cứu để vươn lên lọt vào top những người xuất sắc của thế giới.

Nguyễn Danh Thành, sinh năm 1995, Giám đốc Trung tâm Công nghệ, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel là một trong 8 cá nhân điển hình toàn cầu năm 2020 và là giám đốc trẻ nhất tại Viettel.

Nguyễn Danh Thành vốn là một kỹ sư phần mềm làm việc tại Tổng công ty Viễn thông Viettel (VTT), nhiệm vụ chính là phát triển Bank Plus rồi tiếp theo là ViettelPay. Sau đó, anh ra ngoài một thời gian ngắn. “Ngay cả lúc đó, tôi cũng chưa từng nghĩ là sẽ không quay lại. Khoảng thời gian đó tôi làm việc này việc kia, coi đó là quãng thời gian để tôi tự làm mới bản thân”, anh tâm sự.

Khoảng giữa tháng 8/2019, anh quay trở lại với Viettel. Lúc này, bộ phận về thanh toán số đã được tách ra khỏi VTT và đưa về VDS - một tổng công ty mới được xây dựng với nhiệm vụ chiến lược cho nền tảng thanh toán số.

Dù từng nghỉ làm ở Viettel, khi quay lại anh vẫn được trọng dụng và giao dự án trọng điểm Mobile Money. Viettel là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới triển khai Mobile Money theo hướng tích hợp nó vào tài khoản viễn thông. Thực tế cho đến nay cũng chỉ có mình Viettel đi giải quyết bài toán theo hướng độc đáo này. “Chúng tôi sẽ phải tự nghiên cứu, giải quyết tất cả mọi thứ vì không ai có thể chỉ cho mình một cách chính xác phải làm như thế nào mới là đúng”, anh cho biết.

Chuyên gia Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ, sinh năm 1993, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên trong danh sách các thành viên xây dựng tài liệu hướng dẫn Quản trị dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp tại diễn đàn công nghệ toàn cầu TMForum. Đây là một diễn đàn công nghệ toàn cầu bao gồm hơn 850 công ty, trải dài ở 180 quốc gia trên toàn thế giới với nhiều tên tuổi lớn như Microsoft, Nokia, Verizon, Saleforce, Huawei, Telefonica, Amdocs, Vodafone, Orange, T-Mobile, … Trong danh sách này chỉ có 15 người, họ đều là các chuyên gia dữ liệu hàng đầu trên thế giới.

Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ đã có đóng góp trong các tài liệu đầu tiên trên thế giới về Quản trị dữ liệu như “Quản trị dữ liệu IG1225 – Nhận thức mới về Quản trị dữ liệu trong tương lai v1.0.0”, “Tóm tắt chiến lược về quản trị dữ liệu cho Ban Điều hành IG1246 v1.0.0”, …. không chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu thực trạng pháp lý dữ liệu hiện tại, mà còn định hướng phát triển trong tương lai cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng quản lý tài sản dữ liệu trong thời kỳ chuyển đổi số.

Nguyễn Chí Thanh, sinh năm 1994, là Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn và là Trưởng ngành trẻ nhất tập đoàn Viettel. Anh phụ trách nghiên cứu và định hướng các công nghệ Big Data sử dụng trong toàn Tập đoàn Viettel. Anh trực tiếp xây dựng và thiết kế nhiều hệ thống ứng dụng Big Data với các công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới như Hadoop, Kafka, Spark... Các hệ thống như Data Warehouse, Data Lake, đặc biệt Nền tảng dữ liệu Viettel - Viettel Data Platform (VDP) là nền tảng dữ liệu lớn đầu tiên ở Việt Nam giúp xử lý khối lượng dữ liệu lớn trong khoảng thời gian rất ngắn với chi phí tối ưu.

Hiện Thanh chủ trì nhóm xây dựng Nền tảng dữ liệu lớn (Big Data Platform) do người Việt làm chủ cả về công nghệ lõi và kiến trúc nền tảng. Nguyễn Chí Thanh còn là Đồng sáng lập kiêm Quản trị viên của Cộng đồng Big Data Việt Nam với hơn 10.000 thành viên. Đây là nơi anh và những người yêu thích công nghệ có thể chia sẻ niềm đam mê và lan tỏa kiến thức cho những người yêu thích công nghệ Dữ liệu lớn tại Việt Nam.

Đinh Văn Kiệt, sinh năm 1996, bắt đầu vào làm việc tại Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) từ 8/5/2017 dưới hình thức sinh viên thực tập, sau 2 năm thực tập, đến 2019, Kiệt chính thức trở thành nhân viên của VCS. Và chỉ sau 1 năm công tác, Kiệt chính thức trở thành Product Manager (Trưởng sản phẩm) trẻ nhất VCS cho sản phẩm iML - một trong những sản phẩm mũi nhọn của VCS, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường an toàn thông tin nói riêng và công nghệ thông tin nói chung.

Giữa những thách thức mới của thời đại 4.0, Đinh Văn Kiệt đã chủ động sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ AI để tối ưu hệ thống giám sát an toàn thông tin, qua đó tiết kiệm chi phí vận hành cho Tập đoàn.

Tại Công ty An ninh mạng Viettel (VCS), Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên không gian mạng (SOC) làm nhiệm vụ giám sát, phát hiện, phân tích, ứng cứu và xử lý các sự cố an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT. Khi hệ thống phát ra những cảnh báo về việc bị tấn công, SOC ngay lập tức xử lý, đánh trả các cuộc tấn công ấy.

Về sự thành công đột phá của những gương mặt trẻ này, bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel cho biết, như nhiều cá nhân có thành tích nổi bật đã chia sẻ, họ không chỉ bị thu hút bởi các chế độ đãi ngộ mà còn tính thách thức của các dự án. Làm việc tại Viettel có cơ hội để tạo ra các thay đổi lớn và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua các dự án công nghệ tầm cỡ như phát triển công nghệ 5G, sản phẩm quốc phòng, giải pháp kỹ thuật số, nhiệm vụ quốc tế.


Sáng tạo là sức sống Viettel. Mọi cán bộ nhân viên tại Viettel đều được khuyến khích đưa ra các ý tưởng mới để hoàn thiện tốt hơn công việc hiện tại cũng như các sáng kiến, giải pháp đột phá hoàn toàn mới. Tinh thần sáng tạo và tư duy khuyến khích thử nghiệm được thấm nhuần xuyên suốt các cơ quan đơn vị và các cấp quản lý tại Viettel thông qua các hoạt động đa dạng
Bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel

“Sáng tạo là sức sống Viettel. Mọi cán bộ nhân viên tại Viettel đều được khuyến khích đưa ra các ý tưởng mới để hoàn thiện tốt hơn công việc hiện tại cũng như các sáng kiến, giải pháp đột phá hoàn toàn mới. Tinh thần sáng tạo và tư duy khuyến khích thử nghiệm được thấm nhuần xuyên suốt các cơ quan đơn vị và các cấp quản lý tại Viettel thông qua các hoạt động đa dạng”, bà Mai nói.

Kinh nghiệm của Viettel là duy trì Ngày hội Sáng tạo hàng năm như một hoạt động truyền thống vào ngày 1/6 với hàng loạt các hoạt động gắn kết nội bộ và đóng góp sáng kiến, ý tưởng tiên phong mới. Giải thưởng Viettel Stars và Giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất đã nhận được hơn 8.000 ý tưởng vào năm 2020 (cao hơn 4% so với 2019) và đã đóng góp cho Viettel gần 10 triệu USD.

Nguyễn Danh Thành, 1 trong 8 cá nhân điển hình toàn cầu năm 2020.

Nguyễn Danh Thành, 1 trong 8 cá nhân điển hình toàn cầu năm 2020.

Chuyên gia Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ.

Chuyên gia Quản trị dữ liệu Trần Anh Vũ.

Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn Nguyễn Chí Thanh.

Trưởng ngành Công nghệ dữ liệu lớn Nguyễn Chí Thanh.

Đinh Văn Kiệt, Trưởng sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel.

Đinh Văn Kiệt, Trưởng sản phẩm Công ty An ninh mạng Viettel.

Cơ hội tăng trưởng bứt phá trong kỷ nguyên số

Đánh giá về tầm quan trọng của Kết luận 14 trong giai đoạn hiện nay, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận định: Trong hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đạt được một số kết quả rất tốt, nhưng gần đây một số lĩnh vực có sự chững lại về tốc độ phát triển.

Theo ông Mai Liêm Trực, Kết luận 14 của Bộ Chính trị có 2 vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, làm trong sạch bộ máy, bảo vệ sự sáng tạo vì lợi ích chung, chống lại sự trì trệ, lợi ích nhóm, chống lại những làm việc tùy tiện của bộ máy công quyền, tăng niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng. Thứ hai, tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chuyển đổi số là nội dung cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt buộc các nước phải đổi mới, sáng tạo mà như ngày xưa gọi là “đổi mới hay là chết”.

Để đưa Kết luận số 14 vào cuộc sống, theo ông Mai Liêm Trực cần làm 3 việc. Thứ nhất là vấn đề tuyển dụng và sử dụng cán bộ, phải là người có tài, nhất là người đứng đầu phải qua thử thách và qua kết quả làm việc. Thứ hai là hành lang pháp lý và chính sách. Bảo vệ cán bộ phải cụ thể bằng pháp luật và hành lang pháp lý, bằng các quy định cụ thể. Những người đổi mới, sáng tạo cần một hành lang pháp lý sòng phẳng minh bạch rõ ràng, đến mức nào là phạm luật và đến mức như nào là không phạm luật. Thứ ba là tinh giản, cải tổ bộ máy nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân.

“Khát vọng và dấn thân vẫn là cái cốt lõi cho một nước Việt Nam hùng cường nhưng để tạo động lực sáng tạo, đổi mới cuối cùng vẫn phải bằng hành lang pháp lý, bằng luật chơi, bằng các cơ chế chính sách, bằng khen thưởng, lợi ích thì mới làm được”, ông Mai Liêm Trực nói.

Cũng chung quan điểm này, GS, TS Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo sẽ thực sự là kim chỉ nam cho đội ngũ các nhà khoa học. Chúng ta coi trọng khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt bằng cơ chế, chính sách khen thưởng, kinh phí rõ ràng… bởi “nhà khoa học cũng là con người, phải cần các nhu cầu cơ bản của cuộc sống mới có thể tập trung nghiên cứu”.

Trên tất cả, yếu tố đóng vai trò quyết định để đưa Kết luận số 14 vào cuộc sống chính là thể chế, trong thể chế có hành lang pháp lý, có chính sách, có vấn đề cán bộ, thể chế ở đây là thể chế quản trị của quốc gia, hành lang pháp lý cho người dân, doanh nghiệp hoạt động và cho cán bộ làm việc.

“Đây là yếu tố quan trọng nhất, không thực hiện được thì Kết luận số 14 cũng chỉ dừng ở mức nguyện vọng, ý chí chứ chưa đi vào cuộc sống”, ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

Khát vọng và dấn thân vẫn là cái cốt lõi cho một nước Việt Nam hùng cường nhưng để tạo động lực sáng tạo, đổi mới cuối cùng vẫn phải bằng hành lang pháp lý, bằng luật chơi, bằng các cơ chế chính sách, bằng khen thưởng, lợi ích thì mới làm được

Ông Mai Liêm Trực nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông

Ngày xuất bản: 31/10/2021
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: MINH ANH - THANH PHONG - TẤN NGUYÊN - NGUYỄN TRUNG - HỒNG VÂN - BÔNG MAI
Trình bày: ĐỨC DUY - PHAN ANH
Ảnh: NGUYỄN PHONG - TRUNG NAM GROUP - TẤN NGUYÊN - HÀ LINH