Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác giảm nghèo cần triển khai những nội dung chủ yếu nào để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về nội dung này.

Tập trung giải quyết triệt để vùng “lõi nghèo”

Phóng viên: Thưa ông, ngày 18/1/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ông có thể chia sẻ một góc nhìn tổng quát, với những nội dung quan trọng trong chương trình giảm nghèo này? Và có những điểm mới nào trong chương trình khác với giai đoạn trước?

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo:

Chúng ta đã biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) có mục tiêu tổng quát nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chương trình hướng tới hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Một số mục tiêu cụ thể cũng được đề cập tới trong Chương trình quan trọng này. Đáng quan tâm như, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Mặt khác, Chương trình ghi nhận nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020 trước đây. Tôi có thể chia sẻ chi tiết thế này.

Trước hết, Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Chương trình triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Thêm vào đó, phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định. Bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành mới như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo.

Phóng viên: Vậy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới sẽ giải quyết vấn đề “lõi nghèo” như thế nào, thưa ông?

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo:

Xin nói rõ, để tập trung giải quyết vấn đề “lõi nghèo”, Chương trình trong giai đoạn này đã được thiết kế với các dự án, nguồn lực ưu tiên cho các vùng này. Tôi sẽ đề cập tới một số nội dung trọng tâm.

Chương trình dành 3/7 dự án đầu tư cho vùng “lõi nghèo” - các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nội dung hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa như hạ tầng giao thông, điện, dịch vụ viễn thông; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các dự án còn lại thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Nguồn lực được bố trí ưu tiên triển khai thực hiện trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và các tỉnh có huyện nghèo.

Tiêu chí huyện nghèo là cơ sở để phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường, với doanh nghiệp tiêu thụ/bao tiêu sản phẩm đầu ra; ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Tập trung hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nông dân ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội  để trồng chè (Ảnh: Trần Hải).

Dành tối thiểu 75.000 tỷ đồng cho giảm nghèo

Phóng viên: Ông có thể nói rõ thêm, Chương trình sẽ góp phần giải quyết một số nội dung mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia như thế nào, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19?

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo:

Để tạo sự kết nối, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tiếp tục giải quyết một số nội dung chưa thực hiện xong.

Cụ thể là, tiếp tục hỗ trợ nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đây là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế-xã hội và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thiếu sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở, giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, Chương trình tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế-xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Số liệu thống kê cho biết, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 14% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,8 triệu hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 8% (2,2 triệu hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% (1,6 triệu hộ).

Đây cũng là lý do Chương trình được thiết kế với 7 dự án, cùng tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng để tập trung thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm; giảm ít nhất một phần hai tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập. Vì vậy, Chương trình tập trung hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trong đào tạo nghề, việc làm bền vững, có sinh kế, thu nhập ổn định.

Chương trình góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Trong đó, có các mục tiêu là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.

Thực hiện lồng ghép để đạt mục tiêu đề ra

Phóng viên: Trong quá trình triển khai, Chương trình cần phối hợp với các chương trình khác liên quan đến giảm nghèo của Chính phủ như thế nào? Cụ thể như “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”. Qua đó, nhằm tránh sự chồng chéo để có thể đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo:

Tôi xin nhấn mạnh rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết các các vấn đề trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có sự lồng ghép, phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.

Về mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tập trung hướng tới giải quyết các vấn đề nghèo đói, an sinh xã hội của người dân gặp hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, dễ bị tổn thương để không rơi vào nghèo đói; đặc biệt người dân có thu nhập dưới chuẩn mức sống tối thiểu để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững, về giải quyết nghèo đói và an sinh xã hội... Còn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025 tập trung giải quyết các vấn đề về dân tộc thiểu số.

Ngày 11/12/2020, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (Ảnh: Trần Hải).

Ngày 11/12/2020, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (Ảnh: Trần Hải).

Về đối tượng, địa bàn đầu tư, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 hướng đến hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước; hỗ trợ đầu tư huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tập trung hỗ trợ người dân sinh sống trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đầu tư xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phóng viên: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động khó lường tới nền kinh tế nước ta, dự kiến có những khó khăn nào về nguồn lực sẽ đặt ra trước mắt?

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo:

Cần hiểu rõ rằng, nguồn lực thực hiện Chương trình gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đóng góp của đối tượng hưởng lợi và các nguồn xã hội hóa khác.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương: 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 28.000 tỷ đồng), chiếm 64%. Vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng, chiếm 16,92%. Nguồn vốn huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng, chiếm 19,08%.

Để bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ có giải pháp huy động vốn, lồng ghép nguồn lực và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hiệu quả. Tôi sẽ đề cập về 5 điểm nổi bật.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Thứ hai, bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Thứ ba, lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Thứ tư, phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Song hành với đó, tổ chức “Ngày vì người nghèo” hằng năm nhằm huy động sự tham gia, đóng góp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, tập đoàn, doanh nghiệp và cộng đồng.
Thứ năm, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, cả đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Đồng thời, tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian tới, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, việc tăng cường các chính sách khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo có được quan tâm nhiều hơn không?

Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo:

Tôi cho rằng, bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, việc tăng cường các chính sách khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo được quan tâm, đẩy mạnh thông qua các nhiệm vụ cụ thể.

Một là, các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nghèo bền vững theo hướng đổi mới cách tiếp cận, giảm chính sách cho không, tăng chính sách gắn với điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.

Hai là, đổi mới phong trào thi đua “Vì người nghèo”: Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc Việt Nam đối với người nghèo.

Rất cần động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Ngày 11/12/2020, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (Ảnh: Trần Hải).

Ngày 11/12/2020, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (Ảnh: Trần Hải).

Để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, chúng ta tập trung hỗ trợ nhiều nội dung thiết thực.
Đó là đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, gắn với doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững.

Hoặc hỗ trợ người dân tham gia các dự án/hoạt động phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ, du lịch nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập; hỗ trợ người dân nâng cao năng lực và giá trị, hiệu quả sản xuất.

Đồng thời, hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, thông tin; đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Xin cảm ơn ông!


Ngày xuất bản: 30/1/2022
Chỉ đạo sản xuất: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH, LÊ NGÂN
Nội dung: VŨ LAN, LÊ NGÂN
Trình bày: PHƯƠNG NAM
Ảnh: TRẦN HẢI, CHÍ TÂM, BÁO NHÂN DÂN