Cậu bé người Mông

mắc kẹt bên rìa thành phố

Phụ hồ Giàng A Vàng
Sinh năm 2003
Người dân tộc Mông, trú tại thôn Cù Dí Sang, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, Điện Biên
Xuống Hà Nội làm phụ hồ từ khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021


Ngày thứ 7 ở Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội)

“Ngày nào cũng giống nhau, em cũng không nhớ hôm nay thứ mấy. Một ngày qua nhanh thôi. Em chỉ mong về nhà, sắp tới mùa gặt rồi,” Giàng A Vàng, 18 tuổi, vừa mới tốt nghiệp THPT, từ Điện Biên xuống Hà Nội làm phụ hồ kiếm thêm chưa được bao lâu thì thủ đô có lệnh giãn cách. Vàng cùng 5 người bạn đã không qua nổi chốt kiểm soát ở Xuân Mai (Chương Mỹ) và bị kẹt lại từ bấy đến nay.


6:00

Buổi sáng em không phải dậy từ 5 giờ như khi đi làm phụ hồ nữa. Lúc trước đi làm, 5 giờ sẽ dậy, làm tới 11 giờ, rồi buổi chiều làm từ 14 giờ tới 18 giờ. Ngày nào cũng thế. Mỗi ngày được tính một công.

Năm ngoái em xa nhà lần đầu, cũng đi làm phụ hồ như thế này, được 180 nghìn một ngày. Em đi hai tháng, mang được một ít tiền về cho bố và tiêu cho mình. Nhưng mà lần này em mới làm được bốn công rưỡi thì bị giãn cách.

Bây giờ mỗi ngày ở đây được mọi người giúp ăn ba bữa, không thiếu cái gì. Em cũng không để ý hôm nay là thứ mấy. Em có một cái điện thoại vào mạng, nhưng nó hỏng từ trước khi xuống Hà Nội rồi, bây giờ chỉ còn một cái điện thoại bé, nhưng hết tiền nên em khi nào bố gọi thì em nghe, em không gọi được.

Mọi người có mang tới mấy thùng mì tôm, bọn em ăn sáng với mì tôm. Có cả nhãn mọi người mang vào nữa. Mấy hôm trước ở phòng trọ, chủ công trình cũng mang đồ vào cho bọn em nấu. Em cứ tưởng họ nuôi ăn, nhưng lúc em nói muốn về thì họ lại thông báo là trừ tiền ăn, tiền điện nước, cuối cùng em cũng không được đồng nào. 6 đứa bọn em, có 4 đứa được mỗi người một triệu vì đã ở trước đó hơn một tháng. Em và một đứa nữa bị trừ hết tiền.

8:00

Phòng bên cạnh có đón thêm hai người nữa, mấy anh dân quân tự vệ nói họ cũng như bọn em, đi bộ từ công trường làm việc tới đây thì bị kẹt lại. Hai anh ấy đã lớn tuổi, đi từ 10 giờ đêm hôm trước tới sáng nay mới tới nơi. Đêm qua mưa to, họ nói phải trú lại ở một mái hiên rồi mới đi tiếp được. Hôm bọn em đến đây cũng gặp một nhóm công nhân nữa. Những bạn đó hôm trước đã được một công ty bên Hòa Bình đến đón đi và nhận làm rồi.

11:00

Trưa hôm bọn em đi từ công trường [Đông Anh, Hà Nội – PV], trời nắng như hôm nay này, không có mưa đâu. Ban đầu bọn em thuê xe ôm, đi được một đoạn thì họ thả xuống, bọn em đi bộ. Nắng quá thì bọn em nghỉ một lúc. Em không có nhiều đồ, xuống đây em mang theo tám bộ quần áo, bây giờ cũng thế.

Có hai chú bên kia [phòng bên cạnh – PV], các chú ấy đi bộ từ Nguyễn Xiển đến đây, giữa đường còn phải bỏ bớt đồ đi vì mệt quá. Bọn em còn có tiền thuê xe một đoạn. Nhưng mà cũng chẳng có tiền mua đồ ăn gì nên tới đây đói lắm. Các cô chú anh chị ở đây lúc đó còn đi nấu mì cho bọn em.

Nhưng ở đây không phải nghĩ nhiều. Trưa nào cũng có người mang cơm đến cho bọn em. Đồ ăn thế này là quá tốt rồi, có đủ thịt, rau. Ngon hơn ăn ở quê. Em chưa bao giờ nghĩ lên Hà Nội lại có lúc đói đâu. Ở quê em mùa này em cũng đi vác đá, làm đường, nhưng mà không mấy khi có việc. Đi xa nhà mệt thì cũng mệt nhưng vì đồng tiền nên phải cố thôi. Dù kiếm tiền cũng không nhiều nhưng ở nhà cũng chẳng biết làm gì ra tiền. Nhà có mình anh trai em làm kiếm tiền nuôi cả nhà, bố em hơn 50 rồi, cũng chỉ làm ruộng. Em mang tiền về cũng giúp được bố với anh.

Thế này cũng tính là đi Hà Nội một lần. Nhưng em cũng không biết Hà Nội thế nào. Lúc đi bộ về tới đây mới lần đầu nhìn đường phố. Nhà trên này toàn nhà xây, khác nhà ở Tủa Chùa. Như thế này cũng tốt mà, em chỉ chờ hết giãn cách rồi về nhà thôi. Có mấy bạn cũng đi bộ cũng em, họ được một công ty bên Hòa Bình tới đón đi, nhận làm luôn. Nhưng em muốn về nhà, sang tháng là tới mùa gặt, em muốn thu hoạch xong rồi mới đi làm tiếp.

14:00

Có một chị mang cho bọn em mấy quyển truyện. Mỗi ngày cứ đọc truyện, tán gẫu rồi cũng hết ngày nhanh thôi. Bọn em cũng quen sau 15 ngày ở nhà trọ công trường rồi. Ở đây vẫn rộng rãi, có gió.

Gì [Thào A Gì - PV] đang đi gọi điện thoại cho bạn rồi. Nó có một cái điện thoại vào mạng được. Ở đây có hai đứa bé nhất, mới sinh năm 2005. Em thì mới thi Đại học xong. Em được 20 điểm, em đăng ký Học viện Biên phòng. Em muốn được làm bộ đội. Nhà em không có điều kiện, học trường đó không phải lo gì cả. Năm ngoái trường đó điểm chuẩn 26 điểm cơ. Nếu không đỗ em sẽ thì tiếp, chắc thi 2,3 năm gì đó.

Lát nữa sẽ lại có người mang cơm chiều đến. Đây chắc là thời gian dài nhất mà bọn em không phải làm gì cả. Nhưng em chỉ mong về nhà. Sang tháng là mùa thu hoạch rồi. Nhà em mỗi năm đều được 30-40 bao gạo, đủ để ăn cả năm. Em phụ anh và bố gặt lúa, rồi em sẽ tính xuống đây làm tiếp.

Bạn em đang làm công ty ở Bắc Ninh, nó bảo vào đó làm cũng được sáu bảy triệu một tháng. Nhưng mà Covid-19 cứ kéo dài thì em cũng không biết. Mấy đứa đang làm ở Bắc Ninh cũng có đứa có việc, có đứa không có việc.

Trước khi đi, bố em đưa cho em 200 nghìn đồng. Bây giờ em còn đang nợ mấy đứa ở đây 600 nghìn đồng. Lúc định về, em gọi anh trai, hỏi anh em không còn tiền đâu. Nhưng anh bảo cứ về đi, không có tiền cũng được, anh sẽ ra huyện đón em.

Giàng A Vàng (người dân tộc Mông, trú tại thôn Cù Dí Sang, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, Điện Biên) cùng 5 người bạn (đều từ Tủa Chùa) đi bộ từ ngày 7/8, xuất phát từ Đông Anh, dự định về quê. Tới tối 7/8 thì cả nhóm dừng lại ở chốt chống dịch ngã ba Hòa Bình – Hà Nội. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, cả nhóm được UBND thị trấn Xuân Mai sắp xếp ở tạm tại trường THCS thị trấn Xuân Mai.


Tổ chức sản xuất: Ngọc Thanh
Thực hiện: Hữu Việt, Hồng Minh, Lê Vân, Bông Mai, Dương Minh Anh, Phương Mai, Thiên Vương, Mạnh Hảo