Giáo sư sử học Pierre Journoud đã dành nhiều công sức nghiên cứu các khía cạnh văn hóa, dân tộc và địa lý mà qua đó các thế hệ người Việt Nam đã xây dựng được một tư duy chiến tranh độc đáo của riêng mình trước sức ép bạo lực từ bên ngoài.

Giáo sư sử học Pierre Journoud đã dành nhiều công sức nghiên cứu các khía cạnh văn hóa, dân tộc và địa lý mà qua đó các thế hệ người Việt Nam đã xây dựng được một tư duy chiến tranh độc đáo của riêng mình trước sức ép bạo lực từ bên ngoài.

ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ "CUỘC CHIẾN VÌ HÒA BÌNH"

Theo Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp), chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ chấm dứt cuộc kháng chiến kéo dài suốt 9 năm chống chủ nghĩa thực dân Pháp, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương, mà còn có tác động sâu sắc và làm thay đổi thế giới. Mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến đấu và đàm phán khiến cuộc chiến Điện Biên Phủ trở thành một “cuộc chiến vì hòa bình”.

Giáo sư sử học Pierre Journoud là tác giả của nhiều cuốn sách về Việt Nam, trong đó có một số về trận chiến Điện Biên Phủ như "Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng" (2004), "Tướng De Gaulle và Việt Nam: 1954 - 1969", "Hòa giải", "Điện Biên Phủ - Sự kết thúc của một thế giới" và "Nghệ thuật chiến tranh Việt Nam". 

Giáo sư Pierre Journoud chia sẻ, vào thời điểm đó tại Pháp, cuộc chiến tại Điện Biên Phủ vẫn được gọi dưới cái tên chiến tranh Đông Dương. Cần phải nhắc lại một cách chi tiết về bối cảnh lúc bấy giờ để có hiểu hơn về tầm quan trọng của trận chiến Điện Biên Phủ. Theo lời kể của một cựu chiến binh tại Đông Dương, ông Jules Roy, trong một cuốn hồi ký được viết tại thời điểm 10 năm sau trận chiến: “Để trấn giữ hai mươi cây số đường, cần có nhiều tiểu đoàn, các khẩu đội pháo binh và xe bọc thép vốn đã rút lui vào buổi tối sau các phòng tuyến, nhường lại khoảng trống cho đối phương. Nếu chúng ta có thể nghĩ rằng vẫn còn một mặt trận ở đâu đó thì (thực tế) chẳng còn hậu phương nào cả, bởi vì chung quanh chỉ toàn mối đe dọa và sự nguy hiểm. Tại Pháp, ai biết được điều này?”.

Giáo sư sử học Pierre Journoud trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân.

Giáo sư sử học Pierre Journoud trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân.

Sau 8 năm tham chiến trong một cuộc chiến tranh tốn kém, mà chẳng có một mặt trận và chiến thắng nào, sự mệt mỏi trong nội bộ Quân đội viễn chinh Đông Dương (CEFEO) của Pháp đã lên tới đỉnh điểm. Ngoài ra, vào tháng 5/1953, Chính phủ Pháp của Thủ tướng René Mayer đã ra lệnh cho Tổng tư lệnh mới, Tướng Nava, thiết lập một kế hoạch tác chiến nhằm cải thiện tình hình quân sự của Pháp hướng tới một cuộc đàm phán có lợi từ thời điểm đó trở đi. Đồng thời, Chính phủ Pháp tìm cách thuyết phục đồng minh Hoa Kỳ rằng Pháp cũng đang muốn xem xét về việc sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh đầy tổn thất và gần như vô vọng này, kể từ sau cuộc đàm phán đình chiến giữa chính phủ Mỹ và Bắc Triều Tiên ở Panmunjom, cũng như cam kết không triển khai các lực lượng vũ trang của Mỹ.

Ngày 29/11/1953, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ ý ủng hộ đàm phán trong bài phỏng vấn của tờ báo Thụy Điển Expressen, thông qua Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bắc Kinh. Trong bài báo có nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng ký kết đình chiến với Pháp nếu Pháp chân thành mong muốn hòa bình và mục tiêu đó phải được thực hiện từ cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Nam.

Giáo sư Pierre Journoud nhận định: Mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến đấu và đàm phán khiến Điện Biên Phủ trở thành một “cuộc chiến vì hòa bình". Bởi vì đối với cả hai bên, trận chiến này nhằm mục đích hướng tới một cuộc đàm phán toàn thể và lệnh ngừng bắn. Do đó, kết quả và quy mô của trận chiến lớn này đã thúc đẩy giải pháp cuối cùng ở Geneva, ngay cả khi cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài cho đến đêm ngày 20, rạng sáng 21/7 khi mà các hiệp định cuối cùng được ký kết.

Cán bộ quân y của ta cứu chữa cho thương binh của quân đội Pháp trong các hầm ngầm tại chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Cán bộ quân y của ta cứu chữa cho thương binh của quân đội Pháp trong các hầm ngầm tại chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến đấu và đàm phán khiến Điện Biên Phủ trở thành một "cuộc chiến vì hòa bình".
Giáo sư Pierre Journoud

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 rõ ràng là một sự kiện làm thay đổi thế giới vào thời điểm đó. Trận chiến này đã làm rung chuyển hoàn toàn địa chính trị khu vực và thậm chí toàn cầu. Tác động của chiến dịch này tại khu vực châu Á đã được nhận thấy từ lâu.

Trận địa Điện Biên Phủ khiến cho Hoa Kỳ tăng cường đáng kể viện trợ tài chính và cơ sở vật chất cho Pháp và trên hết là chuẩn bị kỹ lưỡng hơn các kế hoạch can thiệp có thể có của quân đội Mỹ vào Việt Nam, dù có hay không có lính Pháp. Sau đó, những lý do biện minh được phát triển như lý thuyết domino, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm. Cùng với đó, các điều kiện thực hiện phải kể tới là sự tìm kiếm một nghị quyết của Quốc hội thay vì một lời tuyên chiến, trong trường hợp Tổng thống Mỹ buộc phải sử dụng vũ lực; sự cần thiết phải hành động trong khuôn khổ một liên minh khu vực - Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATOS), được thành lập bởi Hiệp ước Manila vào ngày 8/9/1954…

Nói chung, trước thời điểm cuối năm 1954, Hoa Kỳ đã tự coi mình là nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á, gây bất lợi cho các cường quốc thực dân châu Âu, trong khi những nước này bắt đầu tập trung lại lợi ích của mình ở châu Âu và châu Phi, ngoại trừ duy nhất nước Anh vẫn tiếp tục chiến đấu chống lực lượng cộng sản ở Malaysia. Nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng nổ ra với đồng minh của mình khi Quốc hội Pháp bác bỏ hiệp ước thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (EDC) vào mùa hè năm 1954, Thủ tướng Pháp Pierre Mendès France đã phê chuẩn một sự chuyển giao chính trị-quân sự thực sự cho Hoa Kỳ từ tháng 12/1954.

Chân dung ông Pierre Mendès France. (Ảnh: Getty Images)

Chân dung ông Pierre Mendès France. (Ảnh: Getty Images)

Gần đây, các nhà sử học Pháp đã đề cập đến chuỗi tác động thứ hai ở châu Phi. Tác động của chiến thắng đầu tiên của người dân ở Việt Nam, một đất nước thuộc địa chống lại quân đội liên hiệp Pháp, dường như đã trở thành chất xúc tác, thậm chí là nguồn động viên khích lệ, cho quyết định phát động cuộc đấu tranh vũ trang ở Algeria cũng như ở Maroc và Tunisia.

Trường hợp của người châu Phi ít được nghiên cứu hơn, nhưng thực tế là cuộc kháng chiến của Việt Nam và kết thúc thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã truyền cảm hứng cho cuộc kháng chiến vũ trang của nhà hoạt động vì độc lập và chống chủ nghĩa thực dân người Cameroon, Ruben Um Nyobe, ngay cả khi các cuộc đấu tranh ấy không giành được thắng lợi nào.

Ông Frantz Fanon, nhà trí thức gốc đảo Martinique (Pháp) và nhà hoạt động vì nền độc lập của Algeria, về sau đã trở thành công dân Algeria, đã mô tả Việt Nam như một hình mẫu kháng chiến cho tất cả các dân tộc bị áp bức. “Ngày 14/7 phi thực dân hóa”, như ông Jean Pouget (sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Nava) đã gọi, Điện Biên Phủ là một “sự kiện thế giới”, với một làn sóng gây chấn động khắp hành tinh, biến Việt Nam thành một “lãnh thổ dẫn đường”.

Diễn biến lịch sử đã chứng minh rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng cho sự trỗi dậy của châu Á và “Thế giới thứ ba”. Chiến thắng của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho nhiều cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc.

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" bay trên nóc hầm của tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" bay trên nóc hầm của tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud khẳng định: 70 năm sau trận Điện Biên Phủ, thật khó để có một câu trả lời duy nhất về quan điểm của người Pháp về sự kiện lịch sử này. Nhìn chung, tôi tin rằng người Pháp cảm thấy ít quan tâm đến quá khứ xa xôi, cả về vấn đề thời gian và không gian, vốn chỉ liên quan đến những người lính thực dân đã đi chiến đấu cách xa 10.000km.

Những người có hiểu biết nhất đều biết rằng chiến thắng Điện Biên Phủ hướng Pháp quay về với những kế hoạch khác. Bằng cách chủ động thiết lập mối quan hệ hợp tác với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các nước cộng sản, trong bối cảnh công chúng chỉ trích mạnh mẽ cam kết quân sự của Hoa Kỳ tại bán đảo Đông Dương, Tướng de Gaulle đã tạo điều kiện cho Pháp nối lại quan hệ với Đông Dương, 10 năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, với cái nhìn tích cực và nhân văn về bán đảo Đông Dương.

Hai bên đã thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và tinh thần gắn bó giữa những người từng tham chiến. Điều này giải thích tại sao Điện Biên Phủ, nơi đã trở thành nơi ký ức chung, lại được các chính trị gia biến thành một cột mốc lịch sử chung đáng trân trọng. Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam tháng 2/1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand đã tới thăm Điện Biên Phủ, rồi tới chuyến thăm kéo dài nửa ngày ở cả hai trận địa cũ của Thủ tướng Édouard Philippe trong khuôn khổ chuyến công du tới Việt Nam vào tháng 11/2018.

Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud.

Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud.

Trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới” xuất bản năm 2019, Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud đã nói về hiện tại và tương lai của Việt Nam và Pháp, khi hai bên dũng cảm vượt qua những ký ức đau thương để xây dựng tình hữu nghị ngày càng tốt đẹp hơn.

Quả thực, quan hệ hai nước xích lại gần nhau hơn từ năm 1954. Chính ông Pierre Mendès France, Thủ tướng Pháp và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng – Trưởng Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường hòa giải lâu dài này vào tháng 7/1954. Điều này được thể hiện rõ qua cái bắt tay lịch sử giữa hai người tại Hội nghị Geneva. Ông Claude Cheysson, cố vấn trong các vấn đề Đông Dương của ông Mendès France, người cũng có mặt tại Hội nghị Geneva, đã nói với tôi về điều này cách đây gần 25 năm. Bất chấp những khó khăn thực sự trong quan hệ song phương vào thời điểm đó, hai nước vẫn đặt ra những cột mốc lâu dài trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và văn hóa, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud nhấn mạnh: Tôi thấy các mối quan hệ song phương ở thời điểm hiện tại rất vững chắc và phong phú, đặc biệt là có sự tham gia của rất nhiều thành phần của cả hai bên. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác. Trao đổi ngôn ngữ còn hạn chế, cần tăng cường để có thể giao tiếp và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Vì vậy, hai bên cần đối thoại thật sự chất lượng đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng như sự phối hợp về các vấn đề chiến lược lớn của khu vực và thế giới, qua đó quan hệ Đối tác chiến lược được ký kết giữa hai nước vào năm 2013 mới mang lại những kết quả thực chất mà chúng ta đang mong đợi.

Nội dung: KHẢI HOÀN và MINH DUY
(Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)
Trình bày: NHÃ NAM