Giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng ngày càng vững mạnh để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương,
Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là Đại hội XIV của Đảng”.
Trao đổi với lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ ba) ngày 31/10/2024 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”1.
Như vậy, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và hiện tại Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều rung lắc dữ dội, đầy biến động với những xu thế mới, Việt Nam đang đứng trước một sự lựa chọn lịch sử mang tính đột phá, quyết định tương lai của toàn dân tộc. Đó là hình thành tầm nhìn mới với những mũi nhọn đột phá, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh để “sánh vai với các cường quốc năm châu” theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại hay bằng lòng, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được để tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trí tuệ và bản lĩnh của Đảng thể hiện qua những quyết sách mang tầm thời đại tạo ra đột phá mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: 1- Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; 2- Về tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; 3- Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; 4- Về chuyển đổi số; 5- Đẩy mạnh chống lãng phí cùng với chống tham nhũng, tiêu cực; 6- Về công tác cán bộ được xác định là “then chốt” của “then chốt”; 7- Về kinh tế.
Đó là 7 định hướng chiến lược mà Đảng lãnh đạo thực hiện có hiệu quả thì khát vọng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mới được hiện thực hóa. Trong đó, nội dung giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh là nội dung quan trọng, góp phần đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.
Như chúng ta đều biết, “liêm” và “chính” là hai trong bốn đức tính cốt lõi của con người: cần, kiệm, liêm, chính. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, bốn đức tính ấy là nội dung cốt lõi phản ánh đạo đức cách mạng, là “nền tảng của đời sống văn hóa mới”, là phẩm chất trung tâm của đạo đức và là mối quan hệ đối với “tự mình” của người cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bốn đức tính cần có ấy của con người, giống như “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. Mức độ cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa của một dân tộc; bởi vì, Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. “Liêm” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của nhân dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của nhà nước, của nhân dân. Tức là, phải trong sạch, không tham lam địa vị, tiền của, danh tiếng, sung sướng. Không tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Hành vi trái với chữ “liêm” là cậy quyền thế mà đục khoét, ăn của dân hoặc trộm của công làm của riêng; dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình.
“Chính” là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Đối với mình, không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn kiểm điểm mình để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở. Đối với người, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc, để việc công lên trên việc tư, làm việc gì đến nơi đến chốn, không ngại khó, nguy hiểm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người chính trực thấy “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”[2].
Thực tiễn xây dựng chính đảng mác-xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống thì càng ngày sẽ càng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng cần phải nâng cao năng lực chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thường xuyên thực hiện liêm, chính trong Đảng. V.I. Lê-nin đã chỉ ra rằng, điều nguy hiểm nhất của một đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước chính là xa rời quần chúng. Vậy, cái gì khiến Đảng xa rời quần chúng? Đó chính là tình trạng tha hóa, biến chất ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản.
Trên thực tế, nhiều đảng cầm quyền trên thế giới tự suy vong chính là do sự tha hóa, biến chất trong đảng, đảng không còn đủ uy tín trong lòng nhân dân. Đảng chỉ có thể cầm quyền khi vẫn còn đủ uy tín bởi phẩm chất trong sạch, giữ được phẩm chất liêm, chính và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã cảnh báo rất rõ: “Những hạn chế, khuyết điểm hiện nay trong Đảng đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Thực tế ấy đã và đang diễn ra với Đảng ta. Bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện liêm, chính nghiêm túc, thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, gây nhiều hệ lụy trong Đảng mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng bị xử lý kỷ luật hầu hết đều là cán bộ, đảng viên có vai trò chính trong các vụ việc vi phạm. Chỉ riêng đối tượng thuộc diện Trung ương quản lý trong 6 tháng qua đã có 34 trường hợp vi phạm ở các mức độ khác nhau.
Qua kết quả nêu trên, cùng với những vụ án lớn nghiêm trọng tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế, đến các vụ việc xảy ra ở một số tỉnh, thành trong thời gian qua... đã phản ánh rõ tinh thần liêm, chính trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không còn được giữ vững và thậm chí còn bị tha hóa nghiêm trọng. Đáng tiếc là, những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn là những người được Đảng và Nhà nước đào tạo cơ bản, có hiểu biết pháp luật, nhưng đã không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền, hay nói như một nhà văn nổi tiếng thế giới là “đã bị hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người” dẫn đến làm trái các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Trong thời gian dài, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể đã buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đảng viên thiếu được tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.
Tổng Bí thư Tô Lâm với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Tô Lâm với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Để thực hiện các nghị quyết của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, cần đổi mới tư duy và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kết hợp “xây” và “chống” có hiệu quả, trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh thì mới thực hiện thắng lợi khát vọng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, hơn lúc nào hết, các cấp ủy cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ mình liêm, chính; phải cảnh giác như “đi trên băng mỏng”, như “đứng trước vực sâu” mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ, không để “hơi lạnh của đồng tiền truyền qua người”, mãi mãi không bao giờ bị vật chất đánh bại. Trách nhiệm của các tổ chức đảng là rất lớn lao trong việc xây dựng văn hóa chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước để giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên mới đạt hiệu quả.
Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có thái độ làm việc nghiêm túc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lối sống trong sáng, liêm, chính, gương mẫu, đấu tranh quyết liệt với tình trạng suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Đối với những vấn đề lớn có hệ lụy đến sự tồn vong của Đảng, các tổ chức đảng không chỉ coi trọng về mặt tư tưởng, mà còn phải hết sức coi trọng về mặt hành động, vừa kiên quyết, vừa quyết đoán, có thể phải “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, như thông điệp đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã gửi gắm.
Ba là, giáo dục liêm, chính đối với cán bộ là một nhiệm vụ khó khăn, thường xuyên, lâu dài, xuyên suốt quá trình xây dựng Đảng. Trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ và còn có nhiều sơ hở chưa đủ răn đe, trừng phạt, nếu tinh thần liêm, chính không được giáo dục thường xuyên và tự giác thực hiện, khi có chức, có quyền, cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, biến chất. Vì thế, tổ chức đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, bên cạnh việc giáo dục liêm, chính, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức của Đảng ngay từ lúc mới bắt đầu manh nha; đồng thời, cần phát hiện, giúp cho tổ chức đảng và các cơ quan pháp luật nghiêm khắc xử lý những phần tử vi phạm pháp luật để ngăn chặn, đẩy lùi “giặc nội xâm”, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Kế thừa tư tưởng của V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: “Trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem bắn những đảng viên cộng sản tham nhũng, thậm chí phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần những người ngoài Đảng” nên tiếp tục phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; có như thế, mới loại bỏ được nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Bốn là, các cấp ủy cần phải hết sức coi trọng giáo dục liêm, chính gắn với giáo dục tinh thần nêu gương. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương cho cấp dưới. Vì vậy, khi các đồng chí lãnh đạo cấp cao thật sự gương mẫu, trong sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức của toàn Đảng sẽ tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Song với tinh thần mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy định của Đảng thì chúng ta cũng phải thấm nhuần tư duy kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên tinh thần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chúng ta đều biết khi xử lý đồng chí của mình là một việc khó khăn, nhạy cảm, như ông cha ta đã nói: “Việc với nước là việc lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn”, nhưng vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải kiên quyết thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Năm là, để giáo dục liêm, chính đối với cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả cao thì phải tiến hành thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa trong các tổ chức, cơ quan của Đảng, Nhà nước để khơi dậy khát vọng chân, thiện, mỹ của cán bộ, đảng viên. Bởi vì, văn học, nghệ thuật có sức mạnh chinh phục, cảm hóa con người, nâng đỡ và nuôi dưỡng tâm hồn con người không gì thay thế được. Và, một khi giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên của một đảng cầm quyền có hiệu quả thì sẽ lan tỏa trong xã hội, tạo nên những hiệu ứng tích cực, như người ta thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau” để khẳng định vai trò tiên phong của người cán bộ, đảng viên. Như vậy, giáo dục liêm, chính là giáo dục đạo đức, nói cách khác là giáo dục cái “cốt lõi” của văn hóa để trở thành “đức trị” bổ sung cho “pháp trị”, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Sáu là, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào cuộc đấu tranh đầy cam go này, như Bác Hồ nhấn mạnh: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”3. Đồng thời, đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục liêm, chính cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần lấy hiệu quả làm thước đo, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Đại hội XIII và tích cực chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đại hội XIV của Đảng chính là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh của dân tộc ta qua 95 năm Đảng lãnh đạo, nhất là qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử trên chính là nền tảng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 15/11/2024.
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: TRẦN HẢI; ĐĂNG KHOA, DUY LINH; TTXVN