MỘT NĂM NHÌN LẠI

Năm 2021 khép lại với những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục phải thay đổi cách dạy và học phù hợp điều kiện thực tiễn ở mỗi giai đoạn, mỗi địa phương. Một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Việc dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp cần thiết giúp học sinh không "quên" kiến thức, duy trì nền nếp học tập; bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

TẠM DỪNG ĐẾN TRƯỜNG,
KHÔNG DỪNG HỌC

Thời gian đầu, do thiếu chuẩn bị, việc dạy học trực tuyến chưa hiệu quả. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến (ngày 30/3/2021). Ngành Giáo dục cùng các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.840 máy tính hỗ trợ học sinh học tập. Ngoài ra, ngành Giáo dục huy động được 142,43 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác và đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Giám đốc Viettel Hải Phòng trao tặng máy tính bảng cho đại diện học sinh một số trường trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Viettel Hải Phòng trao tặng máy tính bảng cho đại diện học sinh một số trường trên địa bàn thành phố.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng bảo đảm chất lượng, tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học phù hợp với kế hoạch của địa phương; phối hợp các đài truyền hình tổ chức sản xuất bài giảng, phát sóng giúp học sinh học tập được thuận lợi. Trong đó, riêng lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh; lớp 6 đã triển khai bài giảng của các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chuyên mục Hỗ trợ dạy học trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được thiết lập để liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử, thông tin hướng dẫn lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến...

Việc xây dựng Kho học liệu số toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử e-learning; hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình; hơn 7.500 luận văn tiến sĩ; gần 30 nghìn bộ câu hỏi trắc nghiệm. Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp Ban điều hành đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các doanh nghiệp tiếp tục phát triển học liệu số gồm sách giáo khoa được số hóa, bài giảng điện tử, video bài giảng, phần mềm mô phỏng... góp phần thích ứng, nâng cao chất lượng dạy học ở các cấp, bậc học.

HOÀN THÀNH KỲ THI
TỐT NGHIỆP THPT ĐẶC BIỆT

Đáng chú ý, năm 2021, trên cơ sở đánh giá tác động của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã quyết định tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo hai đợt thi: Đợt 1 từ ngày 6-9/7 và đợt 2 từ ngày 5-7/8. Đây là lần đầu, sau nhiều năm, kỳ thi được tổ chức thành hai đợt tại nhiều tỉnh, thành phố do tác động của dịch Covid-19. Kỳ thi có sự vào cuộc của toàn ngành Giáo dục và nhận được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương đã kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm tổ chức thi an toàn, nhất là việc xử lý các trường hợp thí sinh bị nhiễm Covid-19 theo đúng quy trình phòng, chống dịch ở phòng thi, điểm thi trong cả hai đợt.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Kết quả, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành công, bảo đảm khách quan, nghiêm túc, công bằng và an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên cả nước là 98,41%. Các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2020, khẳng định kỳ thi dần đi vào ổn định, ngày càng đúng với bản chất kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp điều kiện dạy học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, có sự phân hóa phù hợp, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 theo hướng giữ ổn định phương thức tổ chức thi, tuyển sinh như các năm 2020, 2021. Xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều năm, bảo đảm thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 37 lượt học sinh tham gia Olympic gồm: 1 đoàn tham dự Olympic Tin học khu vực châu Á- Thái Bình Dương, 1 đoàn tham dự Vật lí Olympic khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế các môn Toán học, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.

Kết quả: tất cả các thí sinh dự thi đều đoạt giải gồm: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Việt Nam có 7 dự án tham dự REGENERON ISEF 2021 và có 1 dự án đoạt giải chính thức của Hội thi và 2 dự án đoạt đặc biệt do các tổ chức khoa học-công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

TRỌNG TÂM
CHUYỂN ĐỔI SỐ

Với những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, năm 2021 qua đi cho thấy giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó quá trình dạy học trực tuyến do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng chưa bảo đảm, đường truyền internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn. Số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đáng chú ý, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới, kinh tế số. Nhiều chương trình giảng dạy phải thay đổi phần thực hành, thực tập cho phù hợp hoàn cảnh dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn năm 2022, toàn ngành tích cực thực hiện các giải pháp củng cố chất lượng giáo dục phổ thông để khắc phục, thích nghi, và phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, tăng cường triển khai giáo dục đồng bộ kiến thức, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, các tố chất văn hóa và phẩm chất văn hóa cho học sinh, chú ý trang bị kỹ năng số và văn hóa số. Thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học xây dựng nền tự chủ trên cơ sở tự chủ học thuật và tự chủ lấy nhân tố con người, nhà khoa học làm nền tảng.

Toàn ngành đặt trọng tâm trong việc chuyển đổi số toàn diện giáo dục và đào tạo; khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra, giảm bớt sự chênh lệch và bất bình đẳng trong giáo dục giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm đối tượng.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

CÂU CHUYỆN

CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Năm 2021 là năm thứ 2 dịch Covid-19 diễn ra gây ảnh hưởng tới ngành giáo dục, có lẽ bởi vậy, thầy cô, phụ huynh và các em học sinh dường như không còn bị động, cũng không còn tâm lý chờ đợi dịch qua đi để tiếp tục học mà đã chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện mục tiêu “ngừng đến trường, không ngừng học”.

Kể từ Lễ khai giảng trực tuyến chưa từng có trong tiền lệ cho đến nay, bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy cô giáo và các em học sinh đã đi được gần nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2020-2021 với hầu hết các hoạt động đều diễn ra trên không gian mạng. Dù đã nỗ lực thích ứng, nhưng khó khăn, trở ngại vẫn còn rất nhiều.

Khó khăn trước hết có lẽ đến với các thầy cô giáo, những người phải tiên phong thích ứng để bảo đảm nhiệm vụ giúp học sinh “ngừng đến trường, không ngừng học”. Vốn quen với bảng đen phấn trắng, giờ đây các thầy cô phải học cách biến màn hình các thiết bị điện tử thành tấm bảng truyền đi tri thức, đồng thời phải nỗ lực ứng phó với những tình huống khó khăn chưa có tiền lệ để duy trì nền nếp học hành và giao tiếp thầy trò... Đó là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi cùng quyết tâm vượt dịch dạy tốt của mỗi giáo viên, mỗi học sinh và kể cả các bậc cha mẹ.

Đối với các em học sinh, chưa bao giờ các em phải xa mái trường, xa bạn bè thầy cô, xa những trò chơi, câu chuyện mỗi giờ giải lao lâu đến vậy. Với các em, học không chỉ đơn giản là tiếp thụ những kiến thức do thầy cô truyền đạt, mà là được đến trường, được giao lưu, gặp gỡ. Vì dịch Covid-19, thầy cô, bạn bè của các em nay đều “gói gọn” trong một chiếc máy vi tính. Không ít em bởi vậy cảm thấy tù túng, bí bách. Những tiết học thiếu đi sự tương tác trực tiếp khiến các em nhỏ trở nên khó tập trung hơn. Những bài học đôi khi ngắt quãng giữa chừng bởi đường truyền yếu khiến các em phải chủ động tìm hiểu nhiều hơn ngoài giờ…

Đặc biệt, với các bậc phụ huynh, học trực tuyến có thể coi là vấn đề nan giải. Bởi lẽ, khi bố mẹ phải đi làm mà con thì học trực tuyến ở nhà, ai sẽ hỗ trợ các con, nhất là các em học sinh nhỏ tuổi. Học trực tuyến đi đôi với việc phải trang bị thiết bị học tập và cập nhật các phần mềm học. Đây không chỉ là vấn đề tốn kém về tiền bạc, mà thậm chí là bất khả thi với khá nhiều phụ huynh, những người cho con đến trường đã là một nỗ lực, đặc biệt với những phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, điều kiện tiếp cận công nghệ hết sức khó khăn... Ngay đến những phụ huynh có thể cho con điều kiện học hành tốt, thì đồng hành cùng con học trực tuyến cũng là một trải nghiệm vô cùng nan giải.

Hãy cùng nhìn lại một năm vượt khó của giáo dục từ thực tế câu chuyện của những người trong cuộc.

Học trực tuyến, giáo viên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, từ việc thiết kế bài giảng phải sinh động hơn, trên nền tảng số với nhiều kỹ năng công nghệ. Với giáo viên trẻ như tôi, tôi cũng phải thường xuyên mày mò học hỏi trên các nhóm giáo viên, hội giáo viên trên mạng. Tuy nhiên, với những giáo viên đã nhiều tuổi ở trường tôi, đây thực sự là vấn đề nan giải.

Một vấn đề khác khiến giáo viên chúng tôi “đau đầu” lúc này chính là cách đánh giá học sinh sao cho thực sự khách quan và bảo đảm thực chất trong thời gian học tập trực tuyến. Bởi để các em làm bài thi ở nhà thì thật khó kiểm soát chất lượng, mà để các em đến trường để làm bài thi thì không an toàn trong việc phòng, chống dịch.

Nhà trường đã lên phương án kết hợp hình thức thi trực tuyến và thu bài trực tiếp. Tức là lên lịch thi, bố trí giáo viên trông thi cụ thể; giáo viên chia sẻ đề thi qua ứng dụng Zalo đến phụ huynh đồng thời với việc chia sẻ đề thi tại phòng học zoom. Học sinh sẽ làm bài dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên trông thi, cuối buổi phụ huynh chụp ảnh nộp bài và nhà trường có lịch thu bài trực tiếp tại trường sau. Các buổi thi sẽ được ưu tiên bố trí vào thứ bảy hoặc chủ nhật để cha mẹ có thể hỗ trợ máy móc cho con mình trong suốt buổi thi.

Ngoài những khó khăn thường gặp như đường truyền mạng không ổn định khiến việc theo dõi bài giảng bị gián đoạn thường xuyên; thiết bị dạy và học của giáo viên và học sinh không đồng bộ dẫn đến việc truyền đạt kiến thức của giáo viên và việc tiếp thu của học sinh đôi khi bị hạn chế; hay học online đồng nghĩa với việc phải sử dụng liên tục máy tính, điện thoại, gây ảnh hưởng đến thị lực, cột sống,… thì một khó khăn lớn khác mà em gặp phải là các hoạt động nhóm cũng mất thời gian hơn, khó thực hiện hơn, từ đó hiệu quả của các buổi thuyết trình nhóm cũng bị giảm…

Để khắc phục những khó khăn đó, em đã phải thu xếp thời gian để tìm hiểu thêm kiến thức trong các bài giảng trên các trang mạng, bổ sung thêm kiến thức từ các nhóm học thêm cũng như trao đổi với các bạn cùng học. Cố gắng bổ sung và đảm bảo dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe”.

Khó khăn lớn nhất là bố mẹ vẫn phải đi làm nhưng con thì phải học online. Trẻ con không phải đến trường nên giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, khó kiểm soát. Học online nhiều khi đường truyền Internet không ổn định hoặc bố mẹ đi làm, không quán xuyến được lịch học hoặc các thiết bị học tập của con. Con sử dụng máy tính và truy cập Internet để học nên nhiều khi còn mải chơi game hoặc thiếu tập trung, bố mẹ rất khó kiểm soát…

Để khắc phục khó khăn, gia đình đã phải trang bị thêm thiết bị máy tính và đường truyền mạng để phục vụ cho việc học tập của con. Hướng dẫn con làm quen với các công cụ học trực tuyến và tự học. Hằng ngày, yêu cầu con xây dựng kế hoạch học tập, gửi các nội dung bài học cho bố mẹ trước khi gửi cho cô giáo. Dành thêm thời gian hỗ trợ, chăm sóc và vui chơi cùng con vì các con không có điều kiện được ra ngoài.

CƠ HỘI ĐỂ THẦY CÔ
TỰ NÂNG CAO NĂNG LỰC


Với các thầy cô giáo - những người đi tiên phong trong việc thích ứng linh hoạt với dịch bệnh để duy trì hoạt động dạy và học, các thầy cô luôn tìm cách tự nâng cao năng lực bản thân, từ khả năng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy cho đến mô hình bài giảng điện tử mới, mô hình thi cử mới,.. với một tâm niệm “vượt khó, dạy tốt”, bảo đảm cho các em học sinh một môi trường học tốt nhất có thể trong mùa dịch bệnh.

TỰ GIÁC HỌC TẬP
LÀ QUAN TRỌNG


Trong việc học, ý thức và khả năng tự trau dồi luôn là điều quan trọng với mỗi học sinh. Một không gian mạng với vô vàn tài liệu mở chính là nguồn tri thức mà các em nên trau dồi sau những bài giảng “trực tuyến” còn hạn chế. Quan trọng vẫn là ý thức tự giác học tập!

Sau một năm học trực tuyến là chính, Lê Đức Mạnh, lớp 11C3, THPT Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để giúp cho việc học hành trở nên hiệu quả hơn. Mạnh xác định rõ mục tiêu học tập của bản thân và thường xuyên rèn cho mình tinh thần tự giác cũng như tìm kiếm sự hứng thú trong việc học tập. Ngoài thói quen ghi chép bài đầy đủ, đọc lại bài sau mỗi giờ học, Mạnh lên kế hoạch học tập chi tiết và dành thời gian để có thể đọc thêm tài liệu, đặc biệt là xem các video bài giảng để trang bị kiến thức một cách tốt nhất.

Lê Nhật Khanh, sinh viên năm nhất Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Lê Nhật Khanh, sinh viên năm nhất Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với cô sinh viên năm nhất Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Lê Nhật Khanh, nghe giảng trên lớp chưa bao giờ là đủ, bản thân Khanh luôn tự nhủ phải đọc, nghiên cứu lại bài sau đó rồi mới yên tâm làm những việc khác. Bởi khi tự học, tự nghiền ngẫm, Nhật Khanh thấy mình hiểu bài và nhớ bài lâu hơn rất nhiều.

Nếu như trong năm học mới, việc học trực tuyến và trực tiếp đan xen, em nghĩ mình sẽ phải tự lập một thời gian biểu qua một ứng dụng trên điện thoại. Nó đóng vai trò như một người nhắc nhở em biết nên cân bằng công việc như thế nào cho hiệu quả. Em dành nhiều thời gian hơn cho các môn chuyên ngành và sắp xếp thời gian cho việc nhà, các hoạt động vui chơi thư giãn như chơi đàn, vẽ tranh, chơi game, trò chuyện với bạn bè.

Đối với du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, được về nước khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước sở tại là một điều may mắn. Tuy nhiên, các em cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như lệch múi giờ, tốc độ đường truyền không ổn định, khó tiếp cận tài liệu…

Để khắc phục những khó khăn này, Nguyễn Thị Thùy Dương, sinh viên năm 2, chuyên ngành Kinh doanh, ĐH Công nghệ Sydney đã sắp xếp các lớp học một cách khoa học, và giữa các lớp có khoảng nghỉ để có thể bổ sung năng lượng, chuẩn bị cho lớp tiếp theo. Việc thống nhất múi giờ khi làm việc nhóm giữa các sinh viên đa quốc gia cũng là một khó khăn mà Thùy Dương phải vượt qua. Cô và các bạn đã thống nhất họp nhóm ngay sau giờ học để thuận tiện cho tất cả.

Vì không thể trực tiếp trao đổi với thầy cô, bạn bè, nên khi có vướng mắc trong việc học tập, Thùy Dương thường chủ động liên lạc qua thư điện tử hoặc mạng xã hội, dù mất kha khá thời gian chờ.

Em cảm thấy việc học trực tiếp xen kẽ trực tuyến sẽ giúp sinh viên dần làm quen lại với cuộc sống học tập bình thường, giúp sinh viên không thấy quá áp lực với sự thay đổi về phương pháp học sau khi học trực tuyến suốt một thời gian dài.
Thùy Dương chia sẻ.

ĐỒNG HÀNH CÙNG CON
&
NHỮNG ĐIỀU CÓ ĐƯỢC


Chưa bao giờ chúng tôi đồng hành nhiều và sâu đến vậy trong việc học của các con. Đó là ý kiến của rất nhiều phụ huynh khi được hỏi về trải nghiệm trong năm học qua.

Quả đúng vậy, cả ngành giáo dục chuyển sang một phương thức học hoàn toàn mới - học trực tuyến, khiến vai trò của gia đình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ còn là chăm lo cho con được đến trường, giờ đây những người làm cha, làm mẹ cũng cần làm thầy, làm cô để bảo đảm an toàn cho con khi tham gia học trực tuyến, để đồng hành và hướng dẫn con trước những bỡ ngỡ của phương pháp học mới.

Dưới đây là chia sẻ đầy xúc động của họ khi đồng hành cùng con học tập:

Nhìn từ một khía cạnh khác, trong dịch bệnh, thầy cô, phụ huynh và học sinh đều ý thức hơn về vai trò thực sự của mình trong hoạt động giáo dục và tự hoàn thiện bản thân. Như cô Nguyễn Trà My (Giảng viên Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Nói vui thì, nhờ việc cố gắng thích ứng trong mùa dịch mà chúng tôi thấy mình có thể làm được nhiều điều hơn, thậm chí có những điều trước kia chưa từng nghĩ mình sẽ làm, và làm tốt đến vậy”.

MONG MUỐN
CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC


Mỗi thầy cô, mỗi gia đình và mỗi em học sinh đều có những giải pháp riêng để thích ứng với khó khăn, vượt qua khó khăn và tiếp tục sự nghiệp học tập. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là giải pháp tạm thời. Những người trong cuộc vẫn đau đáu nhiều trăn trở và mong muốn có giải pháp bền vững hơn để giáo dục sẵn sàng thích ứng với bất kỳ khó khăn nào có thể xảy ra trong tương lai.

Thầy giáo Bùi Xuân Lộc (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Ngô Quyền, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) mong muốn có những hướng dẫn cụ thể, những quy trình khoa học về cách tổ chức thi, đánh giá trình độ học sinh tương thích với phương thức dạy học trực tuyến hiện nay.

Nếu áp dụng dạy trực tuyến thì phải có những quy chế thi cử tương ứng, để không có độ chênh nhất định trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, tránh ảnh hưởng đến tương lai của các em khi xu hướng xét tuyển đại học đang dần hình thành.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội.

Đồng quan điểm như thầy Lộc, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Tiếng Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội coi những quy định, quy chế cụ thể cho thi trực tuyến là thực sự cần thiết, hướng tới bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong thi cử, bởi vậy rất cần xây dựng quy chế, quy định riêng cho hoạt động này.

Những giáo viên như cô Paloma Rovira (Viện Cervantes Hà Nội) thì chỉ đơn giản là mong muốn có một công cụ hỗ trợ dạy trực tuyến tối giản, thống nhất, dễ sử dụng và phổ cập, bởi năng lực và điều kiện để tiếp cận công nghệ của từng cá nhân là khác biệt, không phải ai cũng dễ dàng tìm hiểu và tiếp thu công nghệ mới một cách dễ dàng.

Còn đối với các em học sinh, vấn đề quan tâm hàng đầu lại là chương trình học. Trần Linh Đan, lớp 11D2, Trường THPT Việt Đức, Hà Nội và Lê Nhật Khanh, sinh viên năm 1, Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tuy có những góc nhìn khác nhau về việc dạy trực tuyến nhưng cùng chung một nguyện vọng, đó là một chương trình học hợp lý, bảo đảm sức khỏe cả tinh thần và thể chất.

Đó là bài toán khó, rất nan giải khi hoàn cảnh nhiều nơi còn khó khăn, điều kiện thiếu thốn và tâm lý lo ngại, cầu toàn vẫn còn cản trở các bước cải cách.

Về phần các bậc phụ huynh, an toàn sức khỏe của các em học sinh luôn là ưu tiên hàng đầu. Từng cá nhân có quan điểm khác nhau về việc duy trì học trực tuyến, nhưng đắn đo về dịch bệnh và cả về vaccine phòng Covid-19 khiến nhiều người sẵn sàng giữ con ở nhà học trực tuyến dù bản thân vẫn than phiền về những vấn đề của học trực tuyến.

Theo anh Lộc, để tạo niềm tin ở các phụ huynh và học sinh, những cơ sở giáo dục cần có những kịch bản, tập huấn triển khai với nhiều hình thức dạy học khác nhau, linh hoạt thay đổi tuỳ hoàn cảnh và điều kiện nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục: từ trực tiếp theo mô hình sống chung với dịch bệnh, trực tuyến trong trường hợp dịch bùng phát, kết hợp trực tuyến và trực tuyến trong trường hợp dịch còn diễn biến khó lường nhưng một số nhóm đối tượng vẫn phải đi học.

PGS, TS Hoàng Ánh, Đại học Ngoại thương Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiên cứu và phổ biến các kỹ năng và phương pháp dạy trực tuyến hiệu quả cho giáo viên.

Tôi mong muốn tăng cường triển khai các lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp khi dịch bệnh còn là biến số chưa kiểm soát, để người học và phụ huynh tự quyết định đi học hay ở nhà một cách linh hoạt hơn.
PGS, TS Hoàng Ánh, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Tuy việc triển khai hình thức này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khó khăn, nhưng theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Ánh thì để vượt qua những thách thức của dịch bệnh, “an toàn và đồng thuận mới là quan trọng nhất”.

Cô cũng cho rằng thích ứng với giáo dục 4.0 là một quá trình có chút « gian nan » nhưng « thú vị » và « cần thiết ». Dù dịch có thể chấm dứt, việc dạy và học online vẫn nên tiếp tục ở một mức độ nào đó vì có rất nhiều ưu điểm như tiết kiệm chi phí, tăng tính chủ động cho cả hai bên,…

Áp lực là rất lớn, nhưng ngành giáo dục chắc chắn sẽ có được sự ủng hộ, hỗ trợ của cả cộng đồng để vượt qua các rào cản. Rất mong trong “cái khó ló cái khôn”, chúng ta sẽ sớm có những phương án sáng tạo, thống nhất và khoa học để triển khai, để cùng chung tay xây dựng một hệ thống giáo dục hiệu quả, sẵn sàng thích ứng. Bởi dù cho có những ý kiến, quan điểm trái chiều, nhưng tất cả chúng ta đều muốn dành điều tốt nhất cho thế hệ trẻ, giúp các em đặt những bước chân vững chắc trên con đường hướng tới tương lai.

Thay cho lời kết, kính mời độc giả cùng lắng nghe mong ước chung lớn nhất của các thầy cô, phụ huynh và các em học sinh hiện nay:

"TRỞ LẠI TRƯỜNG AN TOÀN"

Anh Biện Văn Quyền, giảng viên bộ môn Sinh học, Đại học Hà Tĩnh.

Anh Biện Văn Quyền, giảng viên bộ môn Sinh học, Đại học Hà Tĩnh.

Đinh Vân Nhi, Học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Đinh Vân Nhi, Học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Chị Đồng Trần Cẩm Vân, Phụ huynh học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Chị Đồng Trần Cẩm Vân, Phụ huynh học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Lê Nhật Khanh, Sinh viên năm nhất, Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Lê Nhật Khanh, Sinh viên năm nhất, Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội).

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội).

Item 1 of 6

Anh Biện Văn Quyền, giảng viên bộ môn Sinh học, Đại học Hà Tĩnh.

Anh Biện Văn Quyền, giảng viên bộ môn Sinh học, Đại học Hà Tĩnh.

Đinh Vân Nhi, Học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Đinh Vân Nhi, Học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Chị Đồng Trần Cẩm Vân, Phụ huynh học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Chị Đồng Trần Cẩm Vân, Phụ huynh học sinh lớp 4A8, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Lê Nhật Khanh, Sinh viên năm nhất, Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Lê Nhật Khanh, Sinh viên năm nhất, Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội).

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội).


Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: XUÂN KỲ, BIỆN DIỆU, PHƯƠNG NAM, MINH THU
Trình bày: MINH THU, PHƯƠNG NAM
Ảnh và dữ liệu: Báo Nhân Dân