Giá trị của hòa bình

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian căng mình chống dịch. Ảnh: Hoàng Triều

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian căng mình chống dịch. Ảnh: Hoàng Triều

Tháng tư lịch sử. Thêm một lần cả dân tộc được nhắc nhớ dấu mốc vĩ đại của thống nhất, độc lập. Cũng là thêm những tháng ngày dải đất vốn luôn phải oằn mình bởi các cuộc chiến tranh được thấm đẫm, hiểu sâu thêm giá trị không thể đong đếm được của hòa bình. Để vững bước, tự tin đi tới.

Đại thắng hôm qua

và chiến thắng hôm nay

Hải Đường

Đã 47 năm trôi qua nhưng âm vang Chiến thắng 30/4 vẫn lay động muôn trái tim người Việt. Trước mắt chúng ta như vẫn hiện lên “những binh đoàn ta sáng nay từ bốn ngả, đang trở về trong biển tay reo”. Thêm một mùa xuân của hòa bình, thống nhất. Thêm một mùa xuân hội nhập quốc tế, hòa hợp dân tộc.

Đất nước phát triển, chính trị ổn định, kinh tế khá giả, đời sống người dân no ấm, hạnh phúc, sánh vai cùng bạn bè quốc tế, đó là mục tiêu cao cả nhất. Một triết lý giản dị là làm sao để đất nước bình yên, chủ quyền được giữ vững, hòa bình được trọn vẹn, thế nhưng những ngày tháng này trên thế giới vẫn đang nổ ra những cuộc xung đột vũ trang, súng vẫn nổ và máu vẫn chảy.

Khi đi tìm "một điều gì đó không liên quan đến khoa học quân sự cổ điển", Pino Tagliazucchi, nhà nghiên cứu người Italy đã kết luận: "Đó là tổng hòa của lịch sử-văn hoá của dân tộc Việt Nam, cũng như sự ý thức cuộc đấu tranh vì độc lập là của tất cả mọi người”.

Đại thắng mùa xuân 1975 là kết quả tổng hợp của thời cơ cách mạng, sự phát triển có tính chất bước ngoặt về thế và lực của cách mạng Việt Nam, sự hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chiến thắng vĩ đại đó thể hiện đỉnh cao của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy ít đánh nhiều, biểu thị một tư duy quân sự độc đáo và sáng tạo.

Đại biện lâm thời Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Chanthaphone Khammanichanh:

Mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Quân đội và nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 làm chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và đế quốc trên đất nước Việt Nam. Thắng lợi của quân đội và nhân dân Việt Nam còn là chiến thắng tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, là đòn bẩy thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Chính chiến thắng này là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc Lào tiến hành công cuộc giải phóng đất nước.

Là một đất nước từng trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng ta hiểu hơn ai hết cái giá của hòa bình. Yêu hòa bình, yêu lẽ phải là lương năng của con người. Chiến tranh sẽ chẳng mang lại gì ngoài khả năng kéo lùi lịch sử, gieo tai họa lên cuộc sống của các dân tộc bị xâm lăng.

Ôn lại những bài học từ chiến thắng vang dội mùa xuân 1975 là dịp chúng ta có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chiến thắng đó còn là động lực để chúng ta hướng ra biển lớn trong hội nhập quốc tế. Thắng kẻ thù xâm lược còn phải tiếp tục vươn lên thắng mọi kẻ thù, từ thiên tai, dịch bệnh đến sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch; từ sức cản, sức ỳ, sự thoái hóa, biến chất ở ngay trong mỗi con người, điều mà sinh thời Bác Hồ thường gọi đó là thứ “giặc ở trong lòng”.

Ký giả, nhà sử học người Mỹ Stanley Karnow nhận xét: “Bên cạnh việc sản sinh ra một quan niệm rằng trong mỗi con người Việt Nam tiềm tàng một chiến binh, ký ức về những trận chiến đấu ấy đã tôi luyện nên một ý thức mãnh liệt về bản sắc dân tộc. Ý thức ấy vẫn đập đều đặn trong văn chương, kịch nghệ và nghệ thuật dân gian ở Việt Nam”.

Hơn hai năm qua, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã gây biết bao khó khăn, gian khổ, thử thách ý chí, bản lĩnh của cả dân tộc. Thiệt hại về sinh mạng, về kinh tế là rất lớn, nhưng chúng ta đã đương đầu với sự bình tĩnh, thích ứng linh hoạt, an toàn. Trong cuộc chiến chống đại dịch, tinh thần “thần tốc, táo bạo” lại vang lên, gợi nhớ về một mệnh lệnh ngắn gọn, sắc sảo và hào sảng của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong Cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.

Bắt đầu từ ngày 29/1/2022 và xuyên Tết Nhâm Dần, cả nước bước vào chiến dịch tiêm vaccine thần tốc. Nhờ đó đã hạn chế rất nhiều sức “công phá” của dịch bệnh. Vào thời điểm cao nhất, có những ngày Hà Nội liên tiếp có số ca nhiễm từ 30 đến 35 nghìn. Tuy nhiên có tới 95% số ca bệnh cách ly, điều trị tại nhà. Số ca bệnh nặng và số tử vong chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thế giới nhận xét, Việt Nam đã “đi sau về trước” trong việc “phủ sóng” vaccine.

Tinh thần “thần tốc, táo bạo” năm xưa lại đã được tái hiện. Trong ảnh: Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng. Ảnh: TTXVN

Tinh thần “thần tốc, táo bạo” năm xưa lại đã được tái hiện. Trong ảnh: Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng. Ảnh: TTXVN

“Bão tan mưa ấm ngàn cây” là câu thơ như tiếng reo vui của một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Từ giữa tháng 3, Việt Nam đã mở cửa bầu trời, mở cửa mặt đất. Khách du lịch hào hứng trở lại đất nước thơ mộng và mến khách. Trong các điểm du lịch nổi tiếng mà bè bạn lựa chọn có TP Hồ Chí Minh-“hòn ngọc Viễn Đông”- nơi gần 50 năm trước đã viết nên thiên anh hùng ca sáng chói, ghi vào lịch sử đất nước ta như một Chi Lăng, một Bạch Đằng, Đống Đa trong thế kỷ 20.

Đại sứ Cuba Orlando Hernández Guillén:

Việt Nam - ngọn hải đăng anh dũng

Ngày 30/4/1975, ngay khi biết tin chiến thắng ở miền nam Việt Nam, Fidel Castro đã đến trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở La Habana và cùng chung vui với thắng lợi anh hùng đầy vẻ vang của nhân dân Việt Nam. Fidel gửi những cái ôm nồng nhiệt, thắm thiết tới Đại sứ Hà Văn Lâu và tất cả các nhân viên nơi đây, bỏ qua nghi thức ngoại giao, sẻ chia niềm vui với những người anh em Việt Nam như trong một gia đình. Vị Tổng Tư lệnh khẳng định, đó không chỉ là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà còn là thắng lợi của nhân dân Cuba và tình đoàn kết quốc tế.

Cuba vinh dự là quốc gia đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và tiếp nhận cơ quan đại diện thường trực tại La Habana. Ở đất nước chúng tôi, năm 1967 là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Hai năm sau đó, chúng tôi là những người đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam và mở đại sứ quán ngay trong khu rừng tại Tây Ninh.

Với tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng, trước sau như một, Việt Nam luôn sát cánh cùng Cuba trong mọi giai đoạn phát triển. Đất nước Việt Nam anh hùng luôn là một trong những người bạn, người anh em chí cốt của Cuba trong những thời điểm khó khăn nhất, ủng hộ chúng tôi trong cuộc chiến nhằm dỡ bỏ cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính bất công do Mỹ áp đặt đối với Cuba. Chúng tôi tin rằng, mối quan hệ lịch sử và đặc biệt gắn kết hai dân tộc, hai Đảng và Chính phủ của chúng ta là cơ sở vững chắc để Cuba và Việt Nam tiếp tục nâng cao hơn nữa sự hợp tác về kinh tế, thương mại và tài chính lên mức độ tương xứng mối quan hệ chính trị.

Chủ tịch Fidel Castro từng nói: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã viết nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Và vì mục tiêu cao đẹp như vậy, người Việt Nam đã đấu tranh không mệt mỏi trong suốt những tháng năm đó, và chắc chắn sẽ tiếp tục đấu tranh vì chủ quyền dân tộc!

Theo chúng tôi, không phải lúc này chúng ta “mở cửa trở lại” mà là tiếp tục cuộc hành trình sau những gián đoạn, thăng trầm. Và vì thế, vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế là định hướng quan trọng, là mệnh lệnh của cả dân tộc. Những đoàn người đã từng có thời điểm hối thúc nhau về quê tránh dịch, nay đang trở lại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… và nhiều trung tâm công nghiệp khác. Thật là một tín hiệu ấm lòng khi doanh nghiệp hồi phục, đi vào sản xuất, bù lại quãng thời gian đã mất.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Mức tăng trưởng kinh tế quý I năm nay so cùng kỳ năm trước đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Đây sẽ là cú huých cho những quý tiếp theo. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 khởi sắc khi các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Bốc xếp hàng hoá tại Công ty cổ phần Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Bốc xếp hàng hoá tại Công ty cổ phần Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Những kết quả nêu trên rất đáng trân trọng, như cha ông ta thường nói “có cứng mới đứng đầu gió”. Cơn gió ấy thậm chí trở thành bão trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới gánh chịu “bão giá” chưa từng có trong mấy thập niên vừa qua. Niềm vui nhân lên niềm tin và sức mạnh để bứt phá, thực hiện thành công những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.

“Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng”, câu thơ Tố Hữu viết trong ngày toàn thắng, 4/1975, bỗng vang lên! Đại thắng hôm qua và trận thắng hôm nay chung đúc từ truyền thống đấu tranh anh dũng, ngoan cường của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử. Dẫu chông gai phía trước còn nhiều, nhưng chiến thắng hôm nay và đích đến ngày mai đang chờ đón, thúc giục chúng ta, với niềm tin, trí tuệ và dũng khí của người ra trận thời Đổi mới.   

Nhiều tờ báo kinh tế lớn trên thế giới đã nhắc tới Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực, là quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với dự báo đà tăng trưởng cao trong năm nay. Theo nhận định của HSBC (Việt Nam): “GDP Việt Nam trong quý I/2022 tăng hơn 5% so cùng kỳ năm trước. Con số này nói lên một thông điệp nước này đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng”.

Và ngày 30/4 – Ngày “non sông thu về một mối” – vẫn sẽ vĩnh viễn là mốc son đánh dấu không chỉ một chiến công vĩ đại, mà còn là thời khắc hoa hòa bình bừng nở, trên tay một “dân tộc chiến binh”.

Sứ mệnh tình người

Ngọc Trung

Một quốc gia đã từng phải chịu đựng những đau thương, mất mát, sự tàn phá của chiến tranh… chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình, để luôn khao khát bảo vệ và lan tỏa giá trị ấy. Và cũng bởi vậy, Quân đội Nhân dân Việt Nam có thêm một lực lượng mới, có thêm một sứ mệnh mới: tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc.

Rạng ngời nụ cười nữ sĩ quan “mũ nồi xanh” Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Nhật Hương

Rạng ngời nụ cười nữ sĩ quan “mũ nồi xanh” Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Nhật Hương

“Q uân đội ta chỉ cần bảo vệ vững chắc Tổ quốc là điều quan trọng nhất. Tại sao phải cử bộ đội đi tới những nơi chỉ có súng đạn, đói nghèo và dường như không liên quan đến Việt Nam?” . Trước đây, và cả bây giờ nữa, có nhiều người đã đặt câu hỏi này, khi theo dõi trên báo chí, thông tin về việc Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Câu trả lời, theo một cách nôm na nhất, có lẽ, là như thế này…

Khi bạn sống trong một khu tập thể, mà quanh năm bạn chẳng giao tiếp với ai, cũng chẳng giúp đỡ các gia đình nghèo khó, thì khi nhà bạn có chuyện, liệu có ai sẽ giúp đỡ, bênh vực hay không? Còn ngược lại, khi bạn cởi mở, thân thiện, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, thì sự hòa hiếu và nhân ái đó sẽ là lá chắn vô hình giúp bạn nhận được sự yêu quý, ủng hộ và giúp đỡ từ những người chung quanh.

Với một đất nước cũng vậy. Đó chính là kế sách để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, mà hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đội chiếc mũ nồi xanh, lên đường làm nhiệm vụ cũng là vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đó.

Hành trang mà các chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam mang theo là kiến thức nông nghiệp, dành tặng những người bạn châu Phi. Ảnh: UNMISSS

Chúng ta không chỉ nói. Chúng ta làm nhiều hơn nói. Ảnh: Nhật Hương

Hành động bằng sự tự nguyện, lòng nhân ái và tình yêu thương đích thực. Ảnh: Nhật Hương

Hành trang mà các chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam mang theo là kiến thức nông nghiệp, dành tặng những người bạn châu Phi. Ảnh: UNMISSS

Chúng ta không chỉ nói. Chúng ta làm nhiều hơn nói. Ảnh: Nhật Hương

Hành động bằng sự tự nguyện, lòng nhân ái và tình yêu thương đích thực. Ảnh: Nhật Hương

“Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đó là lời khẳng định của chúng ta tại các diễn đàn đa phương. Và hành trình từ các hội nghị, các diễn đàn cấp cao tới thực địa ở những quốc gia nghèo nhất thế giới vì xung đột vũ trang, như Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Nam Sudan, hay sắp tới, là khu vực Abyei - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Nam Sudan - cũng là một trong những hành trình mà Việt Nam biến cam kết của mình thành hành động cụ thể, thông qua việc triển khai Lực lượng Gìn giữ Hòa bình.

Chúng ta không chỉ nói, mà chúng ta làm nhiều hơn nói. Điều đó chắc chắn sẽ góp phần củng cố cũng như nâng cao vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Kể từ năm 2014, đã có hàng trăm lượt sĩ quan Gìn giữ Hòa bình lên đường thực hiện nhiệm vụ, dưới hình thức cá nhân hay trong đội hình đơn vị thuộc Bệnh viện Dã chiến Cấp 2, và sắp tới là Đội Công binh. Họ đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, được Liên hợp quốc đánh giá cao, ghi nhận thông qua nhiều huy chương và giấy chứng nhận vì sự nghiệp hòa bình. Đặc biệt, Liên hợp quốc đã hai lần gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam bởi những đóng góp của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình.

Nhưng, vượt lên trên bổn phận và trách nhiệm, những anh, chị Bộ đội Cụ Hồ đã chủ động đến với người dân, giúp đỡ họ bằng sự tự nguyện, bằng lòng nhân ái và yêu thương đích thực.

Những chiến sĩ Mũ nồi xanh đã mở ra những lớp học miễn phí dạy chữ cho trẻ em nghèo; rồi hướng dẫn người dân trồng rau để ăn, rồi để bán, có thêm thu nhập. Hay trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, họ tự nguyện bỏ tiền túi ra chợ mua vải và dây chun, cặm cụi ngày đêm để may hàng trăm chiếc khẩu trang, phát miễn phí cho đồng nghiệp tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình và người dân…

Việt Nam là một trong những minh chứng hùng hồn nhất, một trong những câu chuyện thuyết phục nhất về cách một dân tộc vươn lên mạnh mẽ từ khói lửa chiến tranh, để giờ đây đang có những đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho hòa bình trên thế giới. Bởi thế, sự hiện diện của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đội hình chiến sĩ mũ nồi xanh của Liên hợp quốc góp phần khẳng định tính chính nghĩa và tính nhân đạo cao cả trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), tối 26/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông". Video clip: Truyền hình Nhân Dân-Nhân Dân cuối tuần

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022), 47 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), tối 26/4, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân đã tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Chung một dòng sông". Video clip: Truyền hình Nhân Dân-Nhân Dân cuối tuần

Từ đó, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao. Đó là điều khiến chúng ta tự hào. Nhưng xin bạn đừng quên, vị thế đó của đất nước cũng là điều mà bất cứ ai trong chúng ta, chứ không chỉ những người lính Mũ nồi xanh, cũng có thể góp sức, dù là nhỏ bé, để xây đắp, củng cố và tôn cao. Từng ngày.

Ngày xuất bản: 30/4/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, VÕ HOÀNG, ĐINH XUÂN TRƯỜNG, VÕ QUỐC TUẤN, PHẠM TRƯỜNG SƠN, LÊ QUANG THIỀU, ĐỖ THỊ THU HÀ, PHAN THỊ HIỀN LƯƠNG, CAO ANH NGUYỆN, ĐINH YẾN NHI, TRUNG HIẾU, CTV…
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG