GIỜ PHÚT LỊCH SỬ

QUỐC KỲ VIỆT NAM

TUNG BAY TRÊN CỘT CỜ HÀ NỘI

Duy Đức

Đêm 9 tháng 10 năm 1954, giữa lúc người Hà Nội thao thức chờ đón ngày hôm sau - ngày mà đại diện Đảng, Chính phủ cùng với đoàn quân chiến thắng chính thức tiến vào tiếp quản Thủ đô - thì bên ngọn tháp cao của Cột cờ thành Hoàng Diệu đã diễn ra một cuộc “chiến đấu” gay go thầm lặng ít ai biết đến.

Để ghi dấu ấn mốc son lịch sử oai hùng về Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng khỏi tay quân xâm lược sau hơn 70 năm bị chiếm đóng, phải làm sao có một lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trên đỉnh tháp Cột cờ trong buổi lễ chào cờ thiêng liêng chiều ngày 10 tháng 10. Nhiệm vụ này được giao cho Đại đội 2 công binh do đồng chí Phạm Văn Trọng chỉ huy và phối thuộc với Trung đoàn Thủ Đô. Đồng chí Nguyễn Viên chính ủy Trung đoàn Thủ Đô đặc trách kiểm tra đôn đốc việc làm cán kéo cờ. Cấp trên phát cho đơn vị hai lá cờ rộng 30m2 đựng trong hai chiếc lẵng trẻ và yêu cầu cán cờ phải cao 12m.

Từ chiều ngày 9/10/1954, đồng chí Phạm Văn Trọng đã dẫn đơn vị công binh "đặc nhiệm” đến vị trí làm công tác chuẩn bị. Thoạt đầu mọi người cho rằng việc này dễ dàng, đơn giản, nhưng khi xem xét cụ thể tại thực địa mới thấy có rất nhiều khó khăn, tưởng chừng không làm nổi.

Trên tầng 3 là thân Cột cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, mỗi cạnh 2,13m với thân cao 18,2. Đỉnh Cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng 8 cạnh. Muốn trèo lên tán phải đi qua một cửa tò vò rồi leo lên 54 bậc cầu thang xây gạch kiểu xoáy trôn ốc ở trong thân Cột cờ. Trên nóc tán, anh em công binh phải dựng một cột trụ cao 12m có thể mang được lá cờ đỏ sao vàng rộng tới 30m2 và khi đó lá cờ sẽ tung bay ở độ cao gần 60m so với mặt đất. Mà trên đỉnh tháp có gió thổi mạnh, làm thế nào dựng được cán cờ thật vững chắc để kéo cờ lên tung bay giữa bầu trời?

Lần thứ nhất các chiến sĩ công binh nối thật chắc ba cây tre luồng rồi nâng lên chôn vào một lỗ xây gạch có sẵn trên nóc tháp. Nhưng ngay khi chưa mang cờ mà chiếc cán ấy đã bị gió thổi lung lay nghiêng ngả. Phải có cán cờ bằng ống thép. Thật nan giải! Chính ủy Nguyễn Viên vừa quán triệt nhiệm vụ, vừa động viên các chiến sĩ phát huy dân chủ bàn bạc tìm ra bằng được giải pháp tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Đại đội trưởng Phạm Văn Trọng đề xuất ý kiến: đến ga Hàng Cỏ mượn một thanh ray xe lửa dài 12m làm cán cờ.

Khi bộ đội công binh đến ga, anh em công nhân đang tất bật xây dựng cổng chào, nghe bộ đội trình bày ý định bèn nói: “Thanh ray thép nặng lắm, làm cán cờ sao được! Để chúng tôi giúp các anh chế tạo một ống thép đủ độ cứng và gắn cả một ròng rọc kéo cờ nữa”. Phạm Văn Trọng và các chiến sĩ công binh rất vui mừng, cảm động trước nhiệt tình cùng sáng kiến thiết thực của anh em công nhân ga Hàng Cỏ.

Cán cờ làm xong, bộ đội hò nhau vác về thì các anh công nhân lại bảo: “Tội gì phải vác! Chúng tôi cho mượn xe đẩy chuyên dụng của đường sắt mà chở về cho nhẹ nhàng”. Khoảng 10 giờ đêm, hai chiếc xe chở cán cờ lọc cọc đi qua Cửa Nam, nhiều nhà hé cửa nhìn ra xem rồi kháo nhau “Bộ đội Cụ Hồ chở súng ca nông vào thành, cái nòng dài và to quá!”.

Bộ đội Cụ Hồ trên đường phố Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu

Bộ đội Cụ Hồ trên đường phố Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu

Về đến chân Cột cờ, anh em công binh dùng tời kéo cán cờ lên nóc tán tháp, lấy dây cáp neo buộc vào trụ gạch, rồi lấy cờ buộc vào dây cáp nhỏ kéo thử. Lá cờ từ từ chui qua cửa sổ vươn lên... bỗng “roạch”! Gió to kéo rách cờ, cán cờ cũng bị xô nghiêng. Phải lấy gỗ chèn chặt ở chân trụ gạch và thay lá cờ bị rách bằng lá cờ thứ hai. Mười lăm phút sau, cờ lại được kéo lên đỉnh cán, tung bay lồng lộng. Mọi người sung sướng nhìn cờ Tổ quốc tung bay, lòng lâng lâng niềm tự hào. Ai cũng phấn khởi hình dung cảnh tượng uy nghi sẽ diễn ra ngày mai: Đồng chí Nguyễn Quốc Trị - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ Đô, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vinh dự kéo cờ Tổ quốc lên đỉnh Cột cờ thành Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng.

Nghỉ ngơi một lát, anh em công binh kéo cờ xuống xem có trơn tru an toàn không. Giờ phút thiêng liêng, phải bảo đảm không xảy ra sự cố trục trặc gì! Vậy là lá quốc kỳ lại được từ từ hạ xuống, nhưng xuống một đoạn thì... khựng lại. Kéo lên không được nữa mà kéo xuống cũng không xong! Thì ra vì gió giật mạnh, dây cáp nhỏ buộc cờ bị trượt khỏi ròng rọc, làm kẹt cứng. Giải quyết thế nào bây giờ? Đã 2 giờ sáng, ai nấy vừa đói, vừa lạnh, vừa mệt rã rời. Có lẽ phải hạ cán cờ xuống làm lại từ đầu. Bỗng có tiếng nói: “Tôi xin xung phong leo lên gỡ cờ”. Đó là tiểu đội trưởng Trần Văn Giai quê ở Hậu Lộc - Thanh Hóa, trước khi vào bộ đội có nghề trèo cau thuê. Cả đơn vị vừa mừng vừa lo cho Giai vì leo lên chiếc cột sắt cao như vậy rất nguy hiểm. Anh em xúm quanh cán cờ, đưa tay sẵn sàng đỡ bạn và nín thở nhìn tiểu đội trưởng Giai bám leo nhích từng phân một lên cán cờ. Lá cờ được đưa trở lại đỉnh cán, nhưng bắt buộc phải cố định ở đó chứ không thể kéo lên kéo xuống như ý muốn. Làm xong, đồng chí Giai tụt xuống, các kẽ chân tóe máu, bong cả móng tay. Anh em mừng rỡ ôm lấy Giai rồi băng bó cho anh.

Vậy là ngày mai không thể có chuyện Anh hùng Nguyễn Quốc Trị kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh Cột cờ như phương án đã định. Chính ủy Nguyễn Viên báo cáo sự vụ bất khả kháng này lên cấp trên và được đồng chí Cao Văn Khánh Phó tư lệnh Đại đoàn 308 chấp thuận. Lúc ấy đã là 4 giờ sáng. Toàn thể đội công binh “đặc nhiệm” cùng với các phái viên cơ quan chính trị cấp trên còn hồi hộp đứng tại chỗ hãnh diện nhìn lên chiếc cột trên đỉnh tháp Cột cờ mang lá cờ Tổ quốc to lớn đang tung bay giữa bầu trời Hà Nội vào đêm cuối thu.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội

Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954.

Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954.

Ngày 10 tháng 10 trời vừa sáng, nhân dân Thủ đô đã thức dậy. Lệnh giới nghiêm vừa dứt, người người đã đổ ra khắp phố phường và 5 cửa ô với đội ngũ chỉnh tề, với cờ hoa, biểu ngữ muôn màu muôn sắc để mừng đón “quân ta” trở về. Ánh nắng bừng lên rực rỡ. Hà Nội hôm đó thật sự là một ngày hội lớn hết sức tưng bừng náo nhiệt. Các đơn vị của Đại đoàn 308 rầm rộ tiến vào thành phố giữa tiếng hò reo chào đón của hàng chục vạn đồng bào. Những cụ ông, cụ bà mái tóc bạc phơ, những cô gái làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, những nữ sinh trẻ trung, hồn nhiên... Ai nấy đều mặc quần áo đẹp nhất, nhiều người ôm bó hoa tươi thắm bước hẳn ra giữa đường, trìu mến trao tặng tận tay các anh bộ đội đang hành quân vào Thành.

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954.

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954.

Một đoàn thanh niên mặc đồng phục trắng, hân hoan vừa đàn vừa hát các bài ca cách mạng. Những em thiếu nhi hớn hở vung từng nắm hoa giấy đa sắc màu như thả từng đàn bướm lung linh sặc sỡ bay đậu vào vai áo những người anh yêu quý trong “ngày về” chiến thắng vẻ vang. Tiếng trống múa rồng, múa lân của các phố Hàng Bông, Hàng Đường dồn dập thúc mạnh. Hàng chục bánh pháo lớn của Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân đua nhau nổ rền, xác pháo toàn hồng giống như những cánh hoa bích đào dịp tết Nguyên đán rải ra khắp phố. Nhân dân Hà Nội bày tỏ hết nhiệt tình chào đón những anh bộ đội Cụ Hồ khỏe mạnh, gọn gàng trong những bộ quân phục giản dị màu cỏ úa, nhiều anh ngực áo lấp lánh huân chương chiến công hoặc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, trong ngày khải hoàn vẻ vang.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố nhận hoa chúc mừng từ các nữ sinh trường Trưng Vương bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô.

Các đơn vị tiếp tục diễu qua các phố cho đến khi mặt trời lên tới đỉnh đầu thì chiếc xe pháo binh đi sau cùng mới vào sân vận động Cột Cờ trong Thành Hoàng Diệu. Ở đây, các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới đang tập hợp thành từng khối vuông đều đặn để chuẩn bị làm lễ chào cờ. Trên bậc cao nhất của nền Cột cờ, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và các đại biểu “chiến sĩ quyết tử” của Trung đoàn Thủ Đô đứng thành một hàng rào danh dự, tượng trưng cho ý chí “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói. Ở xung quanh sân vận động, nhân dân nội ngoại thành đã kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả những đường phố lân cận. Người nào cũng muốn có mặt tại buổi lễ chào cờ lịch sử này.

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954.

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954.

15 giờ. Còi nhà hát lớn thành phố kéo lên vang vọng một hồi dài khắp không trung, như một hiệu lệnh thiêng liêng, một lời tuyên cáo trịnh trọng của sự kiện chuyển biến lịch sử. Những chiếc kèn đồng của đoàn quân nhạc hoa lên sáng loáng dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Bài Tiến quân ca được hòa tấu theo sự chỉ huy của đồng chí Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng rất quen thuộc với đồng bào Hà Nội. Tất cả mọi người, đầu ngẩng cao kính cẩn nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng vinh quang đang tung bay phấp phới trên đỉnh Cột cờ cao ngất. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội - bước ra chỗ máy phóng thanh đọc rõ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô trong ngày lịch sử bước sang trang mới. Mở đầu lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta...
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể...”. Tiếp đó, Bác thăm hỏi toàn thể đồng bào rồi thân mật căn dặn mọi người đoàn kết phấn đấu, ra sức giữ gìn trật tự an ninh: “Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta...”. Đồng bào Hà Nội và các chiến sĩ quân đội lắng nghe lời Bác, không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng trong giờ phút lịch sử huy hoàng của Thủ đô, của đất nước Việt Nam kiên cường.

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954.

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954.

Item 1 of 3

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sỹ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sỹ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954.

Nội dung: Bài viết trích trong Sách: Đại đoàn 308 Quân tiên phong với thủ đô Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - Ban Liên lạc CCB Đại đoàn 308 - Quân tiên phong, Nxb., Hà Nội, 2009
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân, dangcongsan.vn