Dịch giả Châu Hải Đường:
Giỏi tiếng mẹ đẻ là căn cốt của dịch thuật

Dáng dấp như một ông đồ Nho, nhưng dịch giả, nhà nghiên cứu độc lập Châu Hải Đường đặc biệt không tỏ ra bí ẩn, thâm trầm mà ngược lại, anh luôn cởi mở, giản dị và thẳng thẳn trước mọi câu hỏi của người cùng trò chuyện.
Là tác giả của khoảng 15 dịch phẩm chữ Hán và Trung văn, mới đây, Châu Hải Đường tiếp tục cho ra mắt bản dịch lần đầu tiên về Việt Kiệu Thư - sử liệu quý giá từ Trung Hoa từng được các nhà nghiên cứu trong nước trích dẫn không ít. Châu Hải Đường đã làm công việc ấy với tất cả sự thận trọng, nghiêm cẩn và cảnh báo cả những điểm bất cập, giúp độc giả, nhà nghiên cứu có một bước dài trong tiếp cận, tìm hiểu một giai đoạn lịch sử nước nhà qua góc nhìn khác.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với dịch giả Châu Hải Đường với mong muốn hiểu thêm về dịch phẩm, dịch giả và công tác dịch thuật sử liệu nước ngoài nói chung.
Tìm hiểu lịch sử gia đình, dòng tộc, làng xã và dân tộc là nhu cầu tự thân của mỗi người

- Phóng viên: Cách nay chừng 8 thập niên, Ứng hoè Nguyễn Văn Tố đã làm công việc “phiên dịch và so sánh sử liệu nguyên cấp” để có được các tuyển tập là “Đại Nam dật sự” và “Sử ta so với sử Tàu”, mang đến cái nhìn chân thực hơn về lịch sử nước nhà. Nay với “Việt Kiệu Thư”, anh cũng đồng thời phải làm trước việc khảo cứu, hiệu đính từ hai bản dịch Việt Kiệu Thư lưu hành ở Trung Quốc và Nhật Bản để cho ra một bản tương đối chính xác rồi mới dịch ra tiếng Việt?
-Dịch giả Châu Hải Đường: Vâng. Trước hết phải nói rằng, lịch sử hay bất cứ vấn đề gì cũng đều nên được nhìn từ hai phía, thậm chí nhiều phía, thì mới có thể thấy được các góc khuất khi ta chỉ nhìn từ một phía nào đó. Trước đây, cha ông chúng ta đã luôn đọc rất kỹ các bộ sử của phương bắc, và chính nhờ đó, mà trong nhiều trường hợp cha ông ta đã có được căn cứ từ chính ghi chép của họ để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Về tác phẩm Việt Kiệu Thư, có thể nói đó là một tác phẩm biên chép về lịch sử địa lý Việt Nam xưa từ nhiều nguồn tư liệu, tương đối công phu của Lý Văn Phượng – một quan viên triều đình - trong bối cảnh triều đình nhà Minh đang thu thập các thông tin mọi mặt về đất nước, con người, lịch sử An Nam để phục vụ cho quyết sách ứng đối trước cuộc tranh giành Lê-Mạc ở nước ta khi ấy.
Có lẽ chúng ta, nếu ai hay tìm đọc những bài viết, công trình nghiên cứu về lịch sử Trung đại Việt Nam, thì chắc hẳn đã nhiều lần thấy tên sách Việt Kiệu Thư được nhắc đến ở chỗ này hay chỗ khác, nhưng thực sự chưa ai - chính như bản thân tôi chẳng hạn – từng được thấy, được đọc bản dịch đầy đủ tác phẩm này.
Cách đây khá lâu, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi từng có bài viết: “Việt Kiệu thư trong mắt giới sử học trong nước”, qua đó ông đánh giá cao ý nghĩa của quyển sách đối với một người nghiên cứu lịch sử Việt Nam, vì vậy, tôi càng mong muốn, sẽ tìm thấy văn bản đầy đủ của cuốn sách, và nếu chưa ai làm việc dịch trọn vẹn tác phẩm ấy, thì mình sẽ làm.
Sau khi có được bản chép được coi là ổn nhất của Trung Quốc mà năm 1996 Tề Lỗ thư xã đã dùng để in ảnh ấn trong bộ “Tứ khố toàn thư Tồn mục tùng thư”, tôi đã bắt tay vào thực hiện việc biên dịch, tuy nhiên, đúng như những nhận định của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi nói về Việt Kiệu Thư, đó là: tác phẩm này còn nhiều sai sót từ chữ nghĩa tới nội dung, vì cho đến ngay tại Trung Quốc nó cũng chỉ được lưu truyền qua các bản chép tay, chứ chưa được san khắc. Tôi phải tạm gác lại để nghiên cứu thêm, vì thấy, nếu cứ “có sao dịch vậy” thì sự sai sót sẽ chỉ chồng thêm sai sót mà thôi.
May mắn, sau này tôi tiếp cận được thêm bộ Việt Kiệu Thư được lưu ở Thư viện tư liệu quốc gia Nhật Bản, cũng là bản sao chép viết tay, và khảo cứu qua thì cũng tồn tại rất nhiều sai sót. Dẫu vậy, khi đối chiếu hai văn bản với nhau, tôi thấy cũng có những chỗ chúng bổ sung được cho nhau, nếu như lại bỏ công khảo đính những chỗ sai sót chung còn lại của cả hai bản, thì vẫn khả dĩ cho chúng ta được một bản Việt Kiệu Thư tương đối chính xác.
Dịch giả Châu Hải Đường.
Dịch giả Châu Hải Đường.
Bìa tác phẩm Việt Kiệu thư.
Bìa tác phẩm Việt Kiệu thư.
- Phóng viên: Xem ra công việc này là khó nhọc tất yếu của người làm dịch thuật sử liệu ở nước ta?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Tôi đã xác định các phần hành công việc và bắt tay vào theo hướng ấy. Có thể nói, công việc này đúng là rất khó khăn. Bình thường, việc chỉ dịch thuật một văn bản cổ đã là rất khó, đằng này lại phải xác định được những điểm sai lầm, khảo đính lại, thông qua các tư liệu “nguồn” mà nó căn cứ vào, thậm chí phải tìm tòi đến tận tư liệu “nguồn của nguồn” để đính chính, nên có thể nói, khó khăn tăng lên gấp mấy lần.
Tuy nhiên, theo tôi thì công việc của người làm dịch thuật sử liệu chưa bao giờ là dễ dàng cả. Khó khăn trong lần này, cũng chỉ là nhiều hơn bình thường một chút mà thôi.
- Phóng viên: Điều gì gây cho anh bất ngờ, thú vị nhất về lịch sử nước nhà qua góc nhìn của Việt Kiệu Thư?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Cách đây mấy năm, tôi có dịch các ghi chép về Việt Nam, trong các bộ chính sử Trung Quốc xưa và biên soạn thành cuốn “An Nam Truyện”, ngoài ra, tôi cũng từng đọc qua các ghi chép liên quan đến nước ta của một số cá nhân khác.
Câu chuyện lịch sử khái quát nhất thì có thể không quá khác nhau., đôi khi chỉ chênh lệch một chút về thời gian do khoảng cách về địa lý. Ví dụ thời gian sứ bộ đi từ Việt Nam sang Trung Quốc thì sử ta ghi sớm hơn thường là một năm, và ngược lại. Điều bất ngờ và thú vị trong những cuốn sách này thường lại là ở các chi tiết. Ví dụ như các đoạn mô tả về cung điện các triều tiền Lê, triều Trần, với chữ đề tên các cửa cụ thể, hay nội dung ấn văn đóng trên giấy tờ của vua Trần như thế nào, hay việc sứ giả Đặng Nhữ Lâm đời Trần nước ta sang Trung Quốc đã vẽ lấy hình cung điện và mua các bản đồ, sách vở thế nào…

- Phóng viên: Độc giả vốn là người nghiên cứu sẽ dễ có nhiều điều để trao đổi với dịch giả, từ giá trị của những thông tin được công bố, tính chính xác, thú vị của những phát hiện nhờ khảo cứu…, nhưng độc giả bình thường có thể tiếp cận Việt Kiệu Thư thế nào, theo anh?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Thực ra, tìm hiểu lịch sử - từ lịch sử gia đình, dòng họ, làng xã, cho tới dân tộc đất nước mình, luôn là một nhu cầu tự thân của mỗi người. Tuy nhiên, với việc khảo đính, biên dịch Việt Kiệu Thư để cung cấp như một tư liệu nguyên bản đầy đủ cho bạn đọc, thực sự nó hữu ích cho các nhà nghiên cứu hơn, giúp nhiều người có thể tìm được những thông tin hay chi tiết cần thiết cho mình một cách dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, với các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, những thông tin, sự kiện, cũng như những lời bàn luận, sắc chỉ, thư từ từ phía bên kia lại càng hữu ích và đôi khi gợi ý cho những ý tưởng sáng tác của mình. Còn với các bạn ham tìm hiểu lịch sử nó cũng có thể giúp các bạn có thêm những thông tin bổ sung cho chính sử. Và ít nhất, nó cũng có thể giúp bạn đọc có thể xác minh lại những thông tin, khi tiếp cận những nghiên cứu hay bài viết có viện dẫn Việt Kiệu Thư.
“Với dịch thuật, anh phải thông thạo tiếng mẹ đẻ, có ý thức giữ gìn, sử dụng nó”

- Phóng viên: Công tác dịch thuật đối với nguồn sử liệu từ nước ngoài là rất cần thiết, tuy thực sự tốn công sức. Những nhà nghiên cứu, dịch thuật sử liệu cần hỗ trợ gì để có thể theo đuổi lâu dài công việc này, thưa anh?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Các nguồn sử liệu từ nước ngoài gần đây được quan tâm xuất bản khá nhiều, và được bạn đọc trong nước quan tâm. Đó là nguồn động viên cổ vũ lớn cho những người nghiên cứu, dịch thuật để theo đuổi công việc này rồi, có cần hỗ trợ thêm gì nữa, thì đó chính là sự ủng hộ, khuyến khích, đánh giá công tâm, tiếp nhận bình tĩnh mà thôi. Và tôi vẫn phải khẳng định lại một lần nữa rằng: cuốn sách nào cũng có những điểm khả thủ, và những chỗ bất cập, đối với mỗi tư liệu đều cần tiếp thu một cách chọn lọc, trên cơ sở suy nghĩ và phản biện của riêng mình, giống như cổ nhân từng nói: “tận tín thư, bất như vô thư” vậy.
- Phóng viên: Khi chuyển ngữ, anh thường chú trọng điều gì bên cạnh yêu cầu chính xác hiển nhiên của dịch thuật?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Một vấn đề quan trọng của dịch thuật, dịch giả là vốn từ tiếng Việt bị mai một nhiều hoặc nhiều khi được sử dụng một cách máy móc, đơn điệu. Trong khi, đọc trong sách xưa cách diễn đạt rất sinh động, đa dạng. Nếu không có một nhận thức lại thì đây sẽ là việc tự bó buộc mình. Tôi nhớ khi mình còn nhỏ, một buổi chiều đi cùng một người bác làm ruộng ở quê, bác tôi đã nói rất nhiều từ để diễn đạt một hành động “đi nhanh lên”, ví như “ù lên”, “quàng lên”… Giờ đây trong văn chương, ngôn ngữ, chúng ta đôi khi hay bỏ qua sự phong phú của ngôn ngữ như thế. Đối với một tác phẩm dịch, nếu chỉ biết dùng một từ để dịch một từ thì càng đơn điệu. Ngay cả khi ngôn ngữ của bản gốc không phong phú thì mình cũng phải tuỳ cơ chuyển ngữ cho nó phong phú, phù hợp với nhân vật, hoàn cảnh.
Nói chung, với dịch thuật, anh phải thông thạo tiếng mẹ đẻ, có ý thức gìn giữ, sử dụng đó. Trong nhiều cuốn của tôi dịch có thể không dùng nhiều từ Hán Việt nhưng cái không khí vẫn toát lên sự trang nhã mà ngôn ngữ nguyên bản muốn biểu đạt.
- Phóng viên: Anh không chỉ dịch tài liệu lịch sử mà còn chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn chương cổ và hiện đại như “Phù sinh lục ký” nổi tiếng của nhà văn đời Thanh Thẩm Phục, hay “Tứ thư” của nhà văn đương đại Diêm Liên Khoa… Đó là hai lĩnh vực có sự bổ sung trong dịch thuật của anh?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Trên góc độ chung nhất thì tôi chỉ nghĩ mình là người dịch, và có thể tiếp cận dịch thuật từ nhiều góc độ. Quả thực là tôi quan tâm đến hai mảng: lịch sử và văn chương. Hai lĩnh vực có cái khó, cái dễ khác nhau. Dịch văn thì phải có văn phong, có thể phóng bút linh hoạt hơn, còn dịch sử thì lại phải chú trọng tính chính xác, phải bám sát nội dung thậm chí đến từng từ từng chữ, càng hiểu rõ càng tốt.
Tuy nhiên, trong văn có sử và ngược lại trong sử cũng có văn. Vì vậy, dịch văn cũng phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực, sự kiện để không những dịch đúng mà đôi khi còn cần phải chú thích. Và ngược lại, dịch sử cũng phải có văn phong sao cho người đọc hiểu được, cảm được, chứ không phải chính xác kiểu “word by word”.
- Phóng viên: Xin hỏi anh câu cuối, anh từng trải qua nhiều nghề từ kinh doanh, đến làm báo… và giờ thì rất thong dong dịch thuật? Có phải anh đã chuẩn bị nhiều năm cho việc chuyên chú vào đam mê của mình?
- Dịch giả Châu Hải Đường: Thực ra tôi cũng chưa dám nói đến hai chữ “thong dong” đâu. Cuộc sống của ai cũng vậy thôi, vẫn luôn có rất nhiều điều phải lo toan suy nghĩ. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất là “biết đủ”, như các cụ xưa hay nói: “Tri túc thường lạc” nghĩa là biết đủ thì luôn vui vẻ. Sở dĩ tôi có thể dành hết tâm sức cho dịch thuật cũng bởi tự thấy cái đủ của mình thôi. Mình nhìn cái ô tô nào cũng giống nhau, nên mới tĩnh tâm mà dịch được (cười). Còn nói về “chuẩn bị” thì thực ra tôi cũng chẳng chuẩn bị được gì, ngoài việc không ngừng học hỏi từ mọi nguồn tri thức. Và như người ta vẫn nói là “dòng đời xô đẩy”, hay “việc chọn người, chứ không phải người chọn việc” nên cuối cùng, tôi đã gắn bó với công việc dịch thuật này. Một chút gì đó mà tôi làm được cho đến hôm nay cũng nhờ bởi mình đã chuyên tâm vào công việc ấy. Còn người giỏi thì cũng rất nhiều, nhưng quan trọng là họ có theo đuổi công việc dịch thuật nhọc nhằn này hay làm một công việc khác có lợi ích hơn mà thôi.
- Phóng viên: Chân thành cảm ơn những chia sẻ nhiều gợi mở của anh!

* Dịch giả, nhà nghiên cứu Châu Hải Đường, tên khai sinh là Lê Tiến Đạt, sinh năm 1974 tại Hải Phòng.
Dịch giả của một số tác phẩm: “Việt Kiệu Thư”, “Phù sinh lục ký”, “An Nam truyện”, “Đường Tống truyền kỳ”, “Khoe bàn chân nhỏ”, “Hán Sở diễn nghĩa”, “Tứ thư”, “Dạ đàm tùy lục”…
Là tác giả in chung trong tập thơ chữ Hán đương đại của nhóm các nhà nghiên cứu, dịch giả, thư pháp gia mang tên “Cổ vận tân phong”.