Nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác - đã không ngừng chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò đầu tàu phát triển, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đổi mới sáng tạo của cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh dưới) chia sẻ với Báo Nhân Dân về hành trình phát triển đầy tự hào, những khát vọng lớn lao và quyết tâm đưa thành phố vươn xa vì cả nước, cùng cả nước.

MỐC SON LỊCH SỬ MỞ KỶ NGUYÊN ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT VÀ PHÁT TRIỂN

Thưa đồng chí, nhìn lại 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, theo đồng chí, ý nghĩa lớn nhất của Đại thắng mùa Xuân 1975 đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh là gì?

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất, không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân trong cả nước, mà còn mở ra kỷ nguyên đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Mốc son lịch sử này đã hoàn thành nguyện vọng thiêng liêng của dân tộc: Thu non sông về một mối, huy động mọi nguồn lực vật chất, tinh thần và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để có được thành quả đó, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh đã cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đấu tranh kiên cường, bất khuất, chịu đựng nhiều đau thương, mất mát, cảm nhận sâu sắc giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do mà Chiến thắng mùa Xuân 1975 mang lại và biến chiến thắng ấy thành hào khí và động lực trong xây dựng đất nước, phát triển thành phố. Với truyền thống cách mạng vẻ vang và tinh thần năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, bao dung, nghĩa hiệp, dám đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố đã nhanh chóng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng vai trò đầu tàu, động lực, cùng đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Rõ ràng, nếu không có chiến thắng ngày 30/4/1975 thì TP Hồ Chí Minh sẽ không có điều kiện, thời cơ và nội lực để vươn lên phát triển vững vàng trên đôi chân của mình, trở thành thành phố Anh hùng, một biểu tượng của sự năng động, sáng tạo và đổi mới như ngày hôm nay. Thời gian càng lùi xa và trong bối cảnh thế giới biến động, bất định, khó lường như hiện nay thì giá trị và ý nghĩa của Chiến thắng mùa Xuân 1975 càng tỏa sáng hơn, rõ ràng hơn, sâu sắc hơn và không thể phai mờ trong tâm thức của mỗi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)

50 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ một đô thị bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Đồng chí đánh giá đâu là những thành tựu nổi bật nhất mà thành phố đã đạt được?

Chúng ta không thể nói hết những thành tựu của TP Hồ Chí Minh trong 50 năm qua và cũng khó có thể nói đâu là thành tựu nổi bật nhất. Bởi vì 50 năm từ sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, thành phố đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử hơn 320 năm kể từ ngày cha ông ta mở cõi, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và chất lượng sống của người dân. Nhưng theo tôi, một trong những thành tựu nổi bật nhất của TP Hồ Chí Minh là khai phá con đường đưa một đô thị thời chiến chuyên phục vụ bộ máy chiến tranh trở thành một thành phố dịch vụ, công nghiệp từng bước hiện đại, đóng góp xuất sắc vào tiến trình đổi mới toàn diện đất nước.

Thực tế là, ngay sau ngày hòa bình, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố đã nhanh chóng biến khát vọng hòa bình, độc lập, tự do thành động lực để vươn lên xây dựng, phát triển. Từ những ngày đầu muôn vàn khó khăn, lãnh đạo thành phố đã bám sát thực tiễn, lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, trăn trở tìm tòi, thử nghiệm, đúc kết nhiều chủ trương, chính sách, với ý chí quyết tâm vươn lên, không cam chịu đói nghèo. Chính thành phố là nơi đi tiên phong trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế; khởi xướng và tổ chức thực hiện thành công chính sách phát triển công nghiệp quốc gia với mô hình thực nghiệm đầu tiên là khu chế xuất, khu công nghiệp, góp phần rất quan trọng vào đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần, tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước; đầu tư mạnh mẽ cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để từng bước vươn lên tiệm cận với trình độ quốc tế; chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, con người, gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nhờ vậy mà trong 50 năm qua, thành phố luôn giữ vững vai trò đầu tàu, động lực, trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên; là thành phố năng động, sáng tạo, nghĩa tình, có môi trường xã hội tốt để sống và làm việc.

Trong 50 năm qua, thành phố luôn giữ vững vai trò đầu tàu, động lực, trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên; là thành phố năng động, sáng tạo, nghĩa tình, có môi trường xã hội tốt để sống và làm việc.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh.

DẤU ẤN ĐỔI MỚI

Để tiếp tục giữ vững vị thế đầu tàu về kinh tế trong giai đoạn mới, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh nhiều nhiệm vụ vừa trọng tâm cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, xin đồng chí nêu một vài nhiệm vụ then chốt nhất hiện nay?

Có thể nói, TP Hồ Chí Minh đang đứng trước thời cơ lịch sử với sứ mệnh cực kỳ to lớn, đó là tạo bước chuyển đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững, để đến năm 2030 trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị phát triển ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, bền vững, chất lượng sống cao, hội nhập quốc tế sâu rộng. Để thực hiện những mục tiêu to lớn đó, rất nhiều nhiệm vụ chiến lược quan trọng đã được đề ra và đang triển khai hết sức quyết liệt.

Trước hết, thành phố phải nhanh chóng vượt qua những thách thức về hạ tầng và biến đổi khí hậu. Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đang đột phá mạnh mẽ vào “điểm nghẽn” đầu tiên là kết cấu hạ tầng; tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng số và khoa học-công nghệ. Thời gian qua, bên cạnh việc tăng tốc đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng trọng điểm, thành phố đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, phát triển đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam để mở rộng không gian phát triển. Đồng thời tập trung phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, gắn với xây dựng phát triển hài hòa nông thôn trong đô thị. Tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước bằng các giải pháp công trình và phi công trình; triển khai mạnh mẽ kế hoạch hành động bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm. Đặc biệt là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích các thành phần kinh tế góp vốn tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở xã hội và tập trung giải quyết căn bản khu vực nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch... những thành quả này chắc chắn người dân sẽ được thụ hưởng nhanh hơn, nhiều hơn trong thời gian tới.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhận thức sâu sắc đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại. Trước khi có Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố đã định hình một chiến lược khá đồng bộ nhằm tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố từng bước đi vào chiều sâu và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội gắn với kinh tế tri thức, thể hiện rõ nhất là tăng trưởng của thành phố những năm gần đây có đóng góp 57% từ tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và được các tổ chức quốc tế ghi nhận. TP Hồ Chí Minh đang từng bước tiệm cận với top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất thế giới.

Trên nền tảng đó, Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước, với hạ tầng số tiên tiến, hiện đại; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược như: trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, vi mạch bán dẫn... Vận dụng tối đa chính sách thu hút nhân tài, nhà khoa học; hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy mạnh mẽ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng; đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong như trí tuệ nhân tạo, chip, bán dẫn, chuỗi khối, dữ liệu lớn (BigData); đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của kết quả nghiên cứu, sáng chế.

Thứ ba, tập trung hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh. Với dân số hơn 10 triệu người và là một trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước, thành phố hội tụ các yếu tố có thể hướng đến tầm nhìn về một trung tâm tài chính toàn diện. Vì vậy, ngay sau khi có Thông báo Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, thành phố đã chủ động và quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành bắt tay xây dựng khung pháp lý và chuẩn bị các cơ sở nền tảng khác. Hiện nay đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết về Trung tâm Tài chính để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (dự kiến tháng 5/2025). Theo đó Trung tâm tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh phải tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế để sớm kết nối với các trung tâm tài chính khu vực và thế giới; thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” bằng các chính sách đột phá, nhất là ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại ngay từ đầu, với việc thí điểm giao dịch các tài sản số, tài chính xanh, tín chỉ carbon, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch các công ty khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các lĩnh vực fintech, blockchain, AI...

Mặc dù được đánh giá là Trung tâm tài chính địa phương mới nổi, có nhiều triển vọng, song thành phố đã dự lường những khó khăn, vướng mắc và luôn nỗ lực để có sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh việc tổ chức tham vấn các chuyên gia, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư, các quỹ đầu tư chiến lược trong và ngoài nước để đề xuất xây dựng các nền tảng pháp lý, thành phố đã và đang tập trung rà soát lại quy hoạch không gian phát triển của Trung tâm tài chính; nghiên cứu thành lập tổ chức bộ máy vận hành, bao gồm: Cơ quan quản lý, điều hành, cơ quan giám sát, cơ quan giải quyết tranh chấp; đi đôi với chuẩn bị nhân sự phục vụ cho quản lý, vận hành, chuẩn bị trước một bước về tổ chức đào tạo, học tập kinh nghiệm, thực tập trong các cơ quan quản lý tại các Trung tâm tài chính quốc tế ở nước ngoài. Đồng thời, định hướng bố trí và huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại cho Trung tâm tài chính quốc tế gồm: Ngân sách nhà nước, hỗ trợ quốc tế, nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân và các nguồn hợp pháp khác, nhằm tạo dựng môi trường sống chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nguồn lực chất lượng cao đến làm việc.

KHƠI DẬY KHÁT VỌNG

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đồng chí có thông điệp gì muốn gửi đến nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước về tinh thần trân trọng quá khứ, khát vọng vươn lên trong tương lai?

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Sài Gòn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh là nơi trung dũng, kiên cường, “đi trước về sau”, luôn đương đầu với âm mưu, thủ đoạn tàn khốc nhất của địch, song cũng là nơi triển khai nhiều chủ trương và quyết định chiến lược của Trung ương và là chiến trường trọng điểm của 3 mũi giáp công: Chính trị-vũ trang-binh địch vận, góp phần to lớn vào những thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Song, thắng lợi nào cũng phải trả bằng xương máu và sự hy sinh không thể bù đắp được của các thế hệ tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, cán bộ và nhân dân. Chúng ta luôn tin rằng, mọi người Việt Nam yêu nước, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh và những người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu hoặc để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này, góp phần viết nên thiên anh hùng ca bất hủ Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh. Bởi vì trong mỗi chiến công của thành phố này “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền đất nước” - như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ II, năm 1980.

Chính vì vậy, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để tri ân, tưởng nhớ, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mà còn là dịp để củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. 50 năm nhìn lại, chúng ta vui với niềm vui chung của đất nước và khẳng định chiến thắng này là của toàn dân tộc, không phải của riêng ai. Các tầng lớp nhân dân thành phố thấu hiểu sâu sắc vai trò của sự nghiệp đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong giai đoạn mới, chăm lo xây dựng, vun đắp khối đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, cộng đồng các dân tộc, đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giàu mạnh, phồn vinh làm điểm tương đồng; phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, bao dung, nghĩa hiệp của người dân thành phố. Chỉ có như thế chúng ta mới huy động được nhiều nguồn lực, sử dụng được nhiều nhân tài, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân và thu hút đông đảo kiều bào hướng về quê hương, nguồn cội, đóng góp xây dựng đất nước, phát triển thành phố ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để tri ân, tưởng nhớ, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mà còn là dịp để củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. 50 năm nhìn lại, chúng ta vui với niềm vui chung của đất nước và khẳng định chiến thắng này là của toàn dân tộc, không phải của riêng ai.