Để giữ nhịp
sản xuất
kinh doanh

Doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp thiếu năng lực, không đủ sự linh hoạt, nhạy bén sẽ phải phá sản. Nhưng không thể để doanh nghiệp bị dừng hoạt động vì sự thiếu thống nhất trong điều hành chính sách của chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa thống nhất của các bộ, ngành…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên
Tổ trưởng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

(Ảnh: Tô Hà)

Cần sự chia sẻ ba bên

Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang. (Ảnh: Duy Linh)

Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân khu công nghiệp Quang Châu - Bắc Giang. (Ảnh: Duy Linh)

Phóng viên: Thưa ông, Thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phía Nam đã trải qua thời gian khá dài tăng cường giãn cách xã hội nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta cần rút ra bài học gì trong công tác phòng, chống dịch?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: So với ba đợt bùng phát dịch trước đây, tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư này rất nhanh và nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh Nam bộ đặc thù về dân cư, xã hội như người dân ít có tích luỹ tiết kiệm để đề phòng rủi ro trong cuộc sống, không có bệ đỡ là nông nghiệp nên nảy sinh rất nhiều khó khăn.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận là vừa qua có sự lúng túng trong phối hợp thực hiện những giải pháp chống dịch của các ngành và chính quyền địa phương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đang nỗ lực triển khai.

Chúng ta chưa lường hết được khó khăn của người dân khi kéo dài giãn cách xã hội, người dân không được đi làm. Tình hình đặc biệt khó khăn ở khu vực miền Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Vì tỷ lệ lao động ngoại tỉnh đông, tách xa khỏi gia đình cho nên khi thu nhập đứt gãy, ngay lập tức nảy sinh các vấn đề về thu nhập, đời sống. 

Chính phủ đã có những chỉ đạo rất kịp thời về an sinh xã hội. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ban hành Công điện 1680/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…

Tinh thần rất rõ là trao quyền cho các địa phương, cho phép các địa phương sử dụng các nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn, bảo đảm không ngươi dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc. Vấn đề là triển khai thế nào cho nhanh, vì nhiều người vẫn còn trụ được trong đợt giãn cách trước thì lần này đã rơi vào tình thế khó khăn rồi.

Chúng ta cần chấp nhận là có thể có trùng lặp, sai sót nhất định trong thực thi, vì thời gian triển khai gấp, số lượng người đông, không thể đòi hỏi tỷ lệ hỗ trợ phải đúng đối tượng 100%. Có được 80-90% người dân cần hỗ trợ nhận được hỗ trợ kịp thời đã là thành công.

Chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể phải kéo dài, nghĩa là đời sống kinh tế xã hội sẽ có nhiều xáo trộn. Người dân mất việc làm, không có thu nhập và họ về quê. Trong thực tế đã có những địa phương có kế hoạch tổ chức đón người hồi hương

Trong bối cảnh như đã phân tích ở trên, người dân muốn về quê là dễ hiểu. Nhưng nếu không thực hiện thật nghiêm túc yêu cầu ai ở đâu ở yên đó, thì việc kiểm soát dịch Covid-19 sẽ càng phức tạp.

Việc một số địa phương công bố đón người về quê đã gây sức ép lên các chính quyền địa phương trong vùng dịch và gây áp lực lên việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. 

Tôi cho rằng, khi dịch Covid-19 vẫn đang ở giai đoạn phức tạp, các tỉnh không tổ chức đón người về, mà dành khoản tiền đó hỗ trợ người dân địa phương đang ở tâm dịch. Khoản hỗ trợ có thể không nhiều, nhưng đủ đảm bảo tiền ăn đến ngày 15/9. Nếu có sự hợp tác, liên kết giữa các chính quyền địa phương, sẽ có nhiều cách phù hợp hơn để hỗ trợ người dân trong thời gian này. 

Đơn cử, tỉnh Quảng Bình đã lập đường dây nóng hỗ trợ người dân Quảng Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn qua Hội đồng hương với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.  Hoặc Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ 10 - 20 kg gạo và 1 triệu đồng/người với người Vĩnh Phúc đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg gặp khó khăn. 

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách cũng triển khai nhiều giải pháp khác như Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chỗ ở 0 đồng, giảm giá tiền điện, nước, vận động người cho thuê nhà giảm giá tiền thuê... 

Đồng thời thúc đẩy chương trình người dân hỗ trợ người dân ở từng khu phố, khẩn trương trao hơn 1 triệu túi an sinh hỗ trợ người dân trong một tháng tăng cường giãn cách. Trách nhiệm của chính quyền phường, xã mà người dân đang tạm trú rất quan trọng.

Nếu có sự sát sao, hỗ trợ kịp thời, tôi nghĩ nhiều người dân sẽ vượt khó để ở lại, đợi giãn cách kết thúc.

Lúc này, các tỉnh cần phải chung sức, chung tay với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch trong thực hiện các chính sách thì mới an được dân, từ đó góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Chính phủ cũng cần có thông điệp rõ ràng là chấp nhận giảm nguồn thu, chấp nhận bội chi ngân sách và tập trung dành nguồn lực cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, mục tiêu lúc này là giữ được thị trường và giảm lỗ hết mức, chứ không phải lợi nhuận. Xác định rõ khó khăn và đặt vấn đề như vậy để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ thời cơ phục hồi sau dịch. Mặt khác, đó cũng là chia sẻ, đồng hành với Nhà nước, người lao động, góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế và xã hội. 

Đối với người lao động, có thể họ cần chấp nhận giảm lương hay giảm thưởng trong đợt cuối năm và cố gắng tiếp tục sản xuất, chung vai sát cánh cùng chủ doanh nghiệp. 

Sự thấu hiểu, đồng lòng của ba bên trong lúc khó khăn này sẽ tạo nên quyết tâm và động lực mạnh mẽ hơn để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, giữ vững nền tảng, chuẩn bị cho sự hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Tô Hà)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Tô Hà)

Mất lao động,
mất thị trường,
doanh nghiệp sẽ phá sản

(Ảnh: Duy Linh)

(Ảnh: Duy Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Tô Hà)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Tô Hà)

Phóng viên: Tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tăng cường, cần tập trung vào những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Chính phủ đang gấp rút chỉ đạo các bộ, ngành hoàn tất các giải pháp mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều giải pháp mà doanh nghiệp đã kiến nghị như tiêm vaccine cho người lao động, tổ chức luồng xanh cho vận tải hàng hóa...

Đây là những giải pháp cấp bách, giải quyết những vướng mắc phát sinh của các địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Quan trọng hơn là các giải pháp phải được thực hiện nhanh với tinh thần phối hợp sát sao của cả cấp trung ương và các bộ, ngành.

Về nguyên tắc, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường là chấp nhận sự khốc liệt của thể chế này. Đó là doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp thiếu năng lực, không đủ sự linh hoạt, nhạy bén sẽ phải phá sản.

Nhưng không thể để doanh nghiệp bị dừng hoạt động vì sự thiếu thống nhất trong điều hành chính sách của chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa thống nhất của các bộ, ngành… Doanh nghiệp nào còn có thể hoạt động, còn có thể sản xuất được, đang có thị trường thì cần được hỗ trợ hết sức

(Đồ họa: Bảo Minh; Nguồn số liệu: GSO)

(Đồ họa: Bảo Minh; Nguồn số liệu: GSO)

Phóng viên: Bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm đã thêm nhiều gam màu xám. Từ góc độ nghiên cứu vĩ mô, ông nhận định thế nào về khả năng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng bây giờ là thời điểm chúng ta cần lên kế hoạch phục hồi kinh tế trong hai hoặc ba năm tới. 

Kế hoạch này có thể gồm hai giai đoạn: Từ nay đến tháng 6-2022 là giai đoạn chặn đà suy giảm kinh tế, tương ứng với nhiệm vụ đẩy nhanh tiêm chủng vaccine toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng, trở lại với trạng thái bình thường mới.

Theo đó, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2021, nếu không kịp thì trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để có cơ sở xây dựng các gói đầu tư, phương án bội chi ngân sách, nợ công. 

Từ tháng 7-2022 đến hết năm 2023 là giai đoạn đẩy nhanh khôi phục kinh tế với trọng tâm vẫn là các giải pháp đột phá thúc đẩy đầu tư. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là phải thúc đẩy động lực đầu tư bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư từ khu vực FDI.

Trong đó, đầu tư công phải là vốn mồi, tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng để từ đó huy động các thành phần kinh tế khác tham gia.

Hoạt động đầu tư chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế nên cần có đề án tổng thể để kịp thời tháo gỡ, khơi thông.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Đồ họa: Bảo Minh; Nguồn só liệu: GSO)

(Đồ họa: Bảo Minh; Nguồn só liệu: GSO)


TÔ HÀ - KHÁNH GIANG - PHAN ANH