CHUYỂN BIẾN TRONG GÓC NHÌN VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ CỦA BÁO CHÍ PHÁP

Trong cuốn sách Kể chuyện Điện Biên Phủ 1953-1954 của tác giả Nguyễn Văn Khoan có mục lớn đề cập tới nội dung tin tức báo chí Pháp đưa về cuộc chiến Điện Biên Phủ tại Việt Nam. Có thể thấy, các tờ báo Pháp trong thời gian này có sự chuyển biến rõ rệt trong cách nhìn nhận về cuộc chiến, từ cổ vũ, khen ngợi ban đầu sang phê phán, chỉ trích sau khi quân Pháp thua trận.
Thời điểm ban đầu, nhiều tờ báo tại Pháp đều “đồng lòng” cổ vũ cho chiến dịch quan trọng tại Việt Nam.
Tờ Le Monde (Thế giới), ra ngày 27/11/1953: “Chúng ta không còn trong thế bị động như hai năm trước đây. Khắp nơi chúng ta đã giành lại thế chủ động”.
Tờ France-Soir (Nước Pháp buổi chiều) ngày 22/11/1953, “chạy” hết trang 1, hàng tít lớn: “Chiến dịch to lớn Pháp-Việt vào xứ Thái Đông Dương. Mưa dù xuống Điện Biên Phủ”.
Tờ L'Aurore (Rạng Đông) cùng ngày viết: “Cú đánh điếng người của Nava vào quân Việt. Hàng nghìn quân nhảy dù đã chiếm Điện Biên Phủ, ở xứ Thái, cách Hà Nội 290km. Quân đội Pháp vững tin ở chất lượng của binh lính và tài năng của các vị chỉ huy”.
Tờ La Figaro (Lơ Phigaro) ngày 23/11/1953 có bài của Tổng Biên tập Rôbe Bôny, ký bút danh là Rôbe Ladure, ca ngợi “Đây là một cuộc tiến công bất ngờ”.
Bước sang tháng 12/1953, tin, bài về Điện Biên Phủ ít được “đứng” ở trang đầu trên các báo nữa, vì “các sư đoàn Việt Minh đã sang Lào” và “tầm quan trọng của cứ điểm Điện Biên Phủ không còn như trước nữa”.

Nhưng đầu năm 1954, báo chí Pháp lại rộn lên về Điện Biên Phủ. Nhiều báo đã đăng “Thư chúc tết Dương lịch 1954 của Nava gửi sĩ quan, binh sĩ trong đội quân viễn chinh Pháp”. Nava nhận định: “Việc chiếm đóng Điện Biên Phủ đã thay đổi lớn tình hình Tây Bắc Đông Dương, tạo thuận lợi cho chúng ta. Bộ chỉ huy Việt Minh buộc phải bỏ kế hoạch tập trung lực lượng đánh vào vùng đồng bằng sông Hồng và đang tìm kiếm những kết quả dễ dàng thu được khi đưa quân vào vùng thượng du Bắc Kỳ và Ai Lao... Đối phương đã phải phân tán lực lượng. Nếu chúng ta thắng trong chiến dịch này thì chúng ta sẽ thắng hoàn toàn. Thời gian ủng hộ chúng ta. Điều kiện về mặt quân sự đã đầy đủ, chỉ còn lại là sự tùy thuộc vào ý chí chiến đấu của binh sĩ hải, lục, không quân. Năm 1954 là năm chiến thắng của chúng ta”.
Phụ họa theo bài “xướng ca” này, tờ L’Aurore đưa tin “Quân Việt đã thất bại ở Luông Pra Băng” (24/2). Từ Sài Gòn, đặc phái viên của tờ Le Figaro điện: “Tương quan lực lượng đã nghiêng về phía có lợi cho chúng ta”, “Sư đoàn 316 do dự tấn công Điện Biên Phủ”, “Quân Việt từ chối nhảy vào Điện Biên Phủ”, “Đây là một kết quả rực rỡ trong nghệ thuật điều binh của tướng Nava”... (29/1).
Trong tình hình báo chí tâng bốc như vậy khó tìm ra được những ý kiến chống đối. L’Humanité, tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, đã từng cổ động, đấu tranh đòi chấm dứt cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, vào cuối năm 1953 cũng chỉ mới đưa ra những bình luận dè dặt “Việc chiếm đóng Điện Biên Phủ là nhằm che đậy cho những thất bại đầu tiên của kế hoạch Nava; để thỏa mãn Mỹ vì đã bỏ đô-la viện trợ”, “Chiến dịch có tầm chiến lược to lớn của tướng Nava, nay, rút cục chỉ là một sự thành lập cứ điểm mới, vô ích, nơi hàng ngàn con người bị giam cầm với một hy vọng duy nhất sẽ được di tản ra khỏi nơi ấy bằng một lối thoát duy nhất là vận chuyển bằng đường không” (31/12/1953).

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bước sang tháng 2/1954, Robert Paret, phóng viên tờ L’Observateur (Người quan sát) biểu thị sự bất đồng ý kiến với các nhà quân sự khi viết “Mường Sài, Luông Pra Băng, Sênh, Điện Biên Phủ... tất cả đều vô ích mà thôi, tất cả đều không làm gì được quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội viễn chinh Pháp phân tán khắp nơi, kiệt sức để truy bắt một đối phương nhưng không bao giờ “chộp” được, đối phương ấy lại được che chở trong những thành trì không thể chiếm đóng (ý nói trong lòng dân) trong khi quân viễn chinh lại bị họ cầm chân, cấm đi ra khỏi cứ điểm” (19/2/1954).
Tờ Le Monde, giữa tháng 2/1954, đăng bài của Robert Guillain: “Ban đầu, người ta thổi phồng Điện Biên Phủ. Nhưng tình thế đã thay đổi. Điện Biên Phủ là một cái ung nhọt quân sự. Việt Minh sẽ đặt pháo của họ không phải ở phía bên kia sườn núi mà ở sườn phía chúng ta, ngay dưới mũi chúng ta”.
Sáng 13/3/1954, tướng Cogny, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Việt hạ cánh xuống Điện Biên Phủ căn dặn De Castries, trưa bay ngay về Hà Nội. Chiều hôm ấy quân ta tiến công và chiếm Him Lam. Tin tức về trận đánh này chuyển về Pháp bị cắt xén. Tờ Aurore, ngày 15/3 viết: “40.000 quân Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ và đã bị quân Pháp đẩy lùi, gây cho họ nhiều thiệt hại to lớn”. Sau khi đã mất thêm “Đồi Độc Lập”, nằm co rúm trong các hầm, cạn dần nguồn tiếp tế, quân lính của Đờ Cát rất lo sợ.
Nhưng sự thật vẫn phải là sự thật thôi. Ngày 5/4/1954 nhà báo Jean - Marie Garrand trên tờ Figaro cho biết: “Trong 120 giờ liên tiếp bị cầm chân tại các điểm tựa, giữa một vùng khói lửa của các đám cháy, trong tiếng nổ hỗn loạn của pháo đạn, những con người (Pháp-Việt) này đã chống lại một kẻ địch đông gấp 5 lần mình. Mặc cho mệt mỏi, mất ngủ, nóng bức, họ vẫn phải đứng trong hào chiến đấu, tay không rời súng”. “Trong địa ngục Điện Biên Phủ, binh lính sống trong lòng đất. Các trạm phẫu thuật cũng phải bố trí trong hầm...”
Lần đầu tiên người ta gửi về Kinh đô nước Pháp những bức ảnh được chụp tại Điện Biên Phủ công bố trên tờ L’Aurore, Paris-Match vào ngày 24/3/1954. Từ 25/3 cho đến 15/5/1954, Paris-Match đã cho đăng 144 tấm ảnh chụp tại Điện Biên Phủ.
Giữa tháng 4, báo chí Pháp tôn vinh “Điện Biên Phủ” là “Verdun” (trận quân Pháp thắng quân Đức vào tháng 12/1918); “Verdun trong rừng rậm” (Paris-Match), “Verdun vùng nhiệt đới” (Le Figaro), “Verdun xứ Bắc Kỳ” (Tiến bộ của Lyon). Nhiều gương mặt anh hùng được ca ngợi, trong đó có đại tá (sau này là thiếu tướng) De Castries, “sinh năm 1902, xuất thân quý tộc của một dòng họ nhà binh với 1 đô đốc, 7 trung tướng, 1 thống chế...” và một cô y tá trẻ “Geneviere Galard”. Được báo chí - thực chất là các giới “diều hâu” ở Pháp, Mỹ bơm hơi, mùa xuân năm 1954, De Castries là “con người nổi tiếng nhất của nước Pháp”. Cho đến sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, tờ France-Soir, ngày 10/5/1954 còn vớt vát: “Sau trận này, De Castries vẫn là một trong những anh hùng kỳ lạ, tuyệt vời của lịch sử quân sự Pháp”. Ngày 15/5, tờ Paris-Match chơi xỏ bạn đồng nghiệp France-Soir bằng việc cho công bố nguyên văn lời của De Castries nói với vợ ở Hà Nội, trong tiếng đạn nổ, từ Điện Biên Phủ với một giọng bình tĩnh: “Đừng lo ngại gì em ạ, anh đã bị bắt làm tù binh, chúng ta sẽ gặp nhau”.
Khi biết tin mất Điện Biên Phủ, dư luận Pháp không thể không bất ngờ, bàng hoàng. Báo chí viết nhiều đến “Những người anh hùng Điện Biên Phủ đã ngã xuống” (Le Dauphiné libéré - ngày 8/5); “Cùng với tướng De Castries, 15.000 anh hùng đã lấy máu mình viết nên một trang sử chiến công chói lọi” (France-Soir - 9/5), “Nỗi đau khổ, cây thánh giá và chiến công của binh sĩ và tướng De Castries ở Điện Biên” (Paris-Match, 15/5); “Nước Pháp tự hào về những binh sĩ của mình trong Điện Biên Phủ” (L’Aurore - 8/5)...; “Anh hùng cho đến phút cuối, họ đã ngã xuống không chịu kéo cờ trắng” (France-Soir - 8/5).
Thứ bảy, ngày 8/5/1954, sau khi đã ra tờ “France-Soir” thường ngày, báo này lại ra số đặc biệt với dòng chữ lớn ở trang 1: “Điện Biên Phủ đã thất thủ”, báo tin: “11 giờ hôm nay, giờ địa phương, tin phút cuối cùng, đội quân đồn trú anh hùng dưới sự chỉ huy của tướng De Castries đã bị tràn ngập bởi các lực lượng thù địch...”.
Các tờ “già mồm” trước nay đã xuống giọng, lại quay sang phê phán các nhà chính trị, đổ tội vào các tướng lĩnh “không rời được váy vợ”... Tờ L’Express cho rằng “Lần thất thủ chiến tuyến Maginô (tên một nhà chính trị Pháp được đặt cho chiến lũy ở biên giới phía Đông nước Pháp từ năm 1927 đến năm 1936 để chống quân Đức) cũng chẳng có mấy người quan tâm. Nhưng lần này, Điện Biên Phủ lại khác. Báo chí Pháp, theo đòi hỏi của công luận phải công bố “Ở Điện Biên Phủ, 1.571 quân Pháp-Việt đã bị chết hoặc bị thương; 10.000 (trong đó có 4.500 lính bị thương) bị bắt làm tù binh. Nếu kể cả binh sĩ đào ngũ, mất tích, con số này là 15.000 người, chiếm 0,5% tổng số quân lực Pháp ở Đông Dương”.
Chiều 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh: TTXVN

Phân tích thất bại của Điện Biên Phủ, một số báo cho rằng “Nước Pháp đã mắc kẹt trong những việc đã rồi, trong ảo tưởng và lừa bịp” (Franc-Tireur, 8/5/1954); “Nước Pháp thua là vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hoàn toàn trái với lợi ích sống còn của mình. Chỉ có bọn trùm tư bản tài chính, bọn sản xuất - buôn bán vũ khí, bọn bán thịt người là có lợi” (France Nouvelle, 8/5/1954). Cũng tờ France Nouvelle này, với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, ngày 15/5/1954 đã viết: “Không có cái gì, tuyệt đối không có vũ khí nào: xe tăng, máy bay ném bom, khu trục, bom na-pan có thể cứu được Điện Biên Phủ. Không có một vũ khí có uy lực nào trao cho, dù là một bộ tham mưu giàu kinh nghiệm đi nữa lại có thể tránh được tai họa Điện Biên Phủ”.
Cũng trong ngày 15/5/1954 ấy, tờ Paris-Match viết về những đại diện của nhân dân Việt Nam như sau: “Họ gầy còm, trông thảm hại và ảo tưởng... Một vài người đang bị bệnh ho lao gặm nhấm... Đồng (Phạm Văn Đồng), Trưởng đoàn đại biểu là một trong những người bị lây bệnh ấy vì đã phải trải qua 10 năm trong lao tù... Chủ nghĩa Mác và vi trùng Koch (của bệnh lao) đến với ông cùng một lúc. Hôm qua là một người khủng bố, hôm đã là một nhà ngoại giao trong một thành phố thanh bình nhất thế giới”.
Uất hận, giận dữ, chán nản... một số tờ báo này được “tự do” bán lương tâm, sự thật cho “ma quỷ”, sẵn sàng nói, viết sai sự thật, hèn nhát và vô liêm sỉ, bẩn thỉu, bôi nhọ lên chiến thắng Điện Biên Phủ để xoa dịu vết thương đau đớn nhất vẫn còn rỉ máu mà họ tự nhận về mình.
Nhân dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Tổng Công đoàn Pháp, của Đảng Cộng sản Pháp liên minh với cánh tả, biểu tình đòi “rút quân Pháp về”, “chấm dứt ngay chiến tranh”, “Quá đủ rồi Điện Biên Phủ”, “Quân đội đã bị chia rẽ”...
Theo báo L’Humanité (Đảng Cộng sản Pháp) “Những công việc về Điện Biên Phủ trong Chính phủ Pháp được bàn ngay trong ngày 8/5. Tại Geneva, bây giờ đã có một phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, Bi Đôn - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp “đề ra kế hoạch” ngừng bắn, tập kết quân đội hai bên, giải giáp vũ khí quân chính quy, thành lập Ủy ban Kiểm tra quốc tế...”
Ngày 22/7/1954, tờ L’Humanité đăng ảnh các bên tại Hội nghị Geneva đã ký kết “Hiệp định hòa bình về Đông Dương”, chạy tít lớn: “Với lệnh ngừng bắn ở Đông Dương, cả nước Pháp reo mừng”. Trong trang cổ động nhân dân: “Chiều nay, 20h30, tại Trường đua Mùa Đông, mít-tinh lớn, với sự có mặt của Francois Billoux, Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Marseille, Jacques Duclos, Nghị sĩ quận Sen...”.
Trong bài xã luận, thay mặt nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình, báo giới tiến bộ Pháp, L’Humanité viết: “Đây là những ngày chiến thắng, những ngày hội cho nhân dân cả hai nước chúng ta”.
Nội dung: HUY VŨ TỔNG HỢP
Trình bày: DƯƠNG DƯƠNG
Ảnh: TTXVN