Trải suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, có thể nói gốm sứ của Việt Nam cũng có một quá khứ thăng trầm và rực rỡ. Các dòng gốm trải dọc chiều dài đất nước, từ Bát Tràng, Phù Lãng ở miền bắc đến gốm Phước Tích, Bàu Trúc ở miền trung, gốm Biên Hòa, Lái Thiêu miền nam… đều có những đặc trưng riêng, chứa đựng giá trị văn hóa của mỗi vùng miền, kết tinh và thể hiện qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Trong số đó, Chu Đậu là dòng gốm sứ cổ được biết đến như một thương hiệu sớm nhất của nước ta, từng phát triển rực rỡ với những sản phẩm tinh xảo và có giá trị giao thương ra nước ngoài rất lớn. Gốm Chu Đậu cũng có thời kỳ lụi tàn, qua nhiều biến đổi và tìm kiếm để phục hồi và phát triển như ngày nay, nhưng những câu chuyện kể về lịch sử một dòng gốm cổ này vẫn là bí ẩn.
Lịch sử hình thành
Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, thành phố Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km về phía tây bắc.
Vào thế kỷ XV, Chu Đậu là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, thuận lợi cho giao thương, buôn bán.
Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tại Bát Tràng có một chi của dòng họ Vương từ Chu Đậu chuyển đến từ cuối thế kỷ thứ XVI, đã cùng các dòng họ từ Thanh Hoá, Nam Hà tụ lại Bạch Hổ phường làm nên một dòng gốm Bát Tràng phát triển cho đến tận ngày nay.
Trong gia phả họ Vương còn ghi chép lại: Dòng họ Vương ở xã Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, lấy nghề gốm làm nghiệp sau có một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Điều này cho thấy, Chu Đậu đã có sự phát triển rực rỡ, trước gốm Bát Tràng, mặc dù đây là hai dòng gốm có phong cách khác nhau.
Sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu tàn lụi dần và rơi vào thất truyền. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chiến tranh Lê/Trịnh – Mạc là nguyên nhân chính của sự lụi tàn này.
Từ cuối thế kỷ XVII, câu chuyện gốm Chu Đậu chìm vào quên lãng, chưa được thế hệ sau biết đến cho đến năm 1980, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản Makoto Anabuki trong một chuyến công tác, có đi tham quan Bảo tàng Hoàng gia Thổ Nhĩ Kỳ, phát hiện một chiếc bình gốm hoa lam mà ông cho đó là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc như một số người phương Tây nhận xét. Trên bình có dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (năm 1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ” (Hiện chiếc bình là bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và được bảo hiểm hàng triệu USD).
Ông Makoto Anabuki đã viết thư cho đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) lúc bấy giờ xác minh giúp xem chiếc bình gốm đó có xuất xứ từ làng gốm nào. Thông tin này đã giúp các cơ quan chức năng thúc đẩy việc khảo sát, nghiên cứu làng gốm cổ.
Tháng 4/1986, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng tiến hành khai quật khu vực làng Chu Đậu qua chuyên đề "Nghiên cứu gốm sứ cổ Hải Hưng". Qua tám lần khai quật trên diện tích 70 nghìn m2 tại làng Chu Đậu, xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm cổ, cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Qua đó, đã xác định Chu Đậu từng là nơi sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17.
Năm 1993, tại eo biển Philipines, người ta đã trục vớt một con tàu đắm ở thế kỷ XV, trong đó có 3.000 đồ gốm và được xác định là gốm Chu Đậu.
Năm 1997, Việt Nam cũng trục vớt được một con tàu đắm tại Cù Lao Chàm với khoảng 340 ngàn hiện vật, trong đó có 240 nghìn hiện vật còn lành lặn. Các nhà khoa học xác định, đây là con tàu chở gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu xuất khẩu. Điều này cho thấy gốm Chu Đậu không chỉ phát triển mạnh trong nước, mà đã được xuất khẩu đi nhiều nước thời bấy giờ.
Thế kỷ XIV, XV là thời kỳ gốm Việt Nam tham gia tích cực nhất vào thị trường mậu dịch gốm sứ châu Á trên biển. Bằng chứng của khảo cổ học cho thấy, những đồ gốm hiếm quý chủ yếu được sản xuất để phục vụ cho Hoàng cung Thăng Long và một phần được xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo giàu có ở Đông Nam Á và Tây Á. Những hiện vật gốm sứ Chu Đậu được tìm thấy ở con tàu cổ cho thấy sự xuất hiện rất sớm của dòng gốm Việt này trên hành trình giao thương quốc tế, và cũng là thương hiệu gốm sứ đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử được xuất khẩu ra nước ngoài.
Sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu tàn lụi dần và rơi vào thất truyền. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chiến tranh Lê – Mạc là nguyên nhân chính của sự lụi tàn này.
Các chuyên gia nhận định, địa danh gốm Chu Đậu lụi tàn nhưng phong cách gốm Chu Đậu vẫn được gìn giữ bởi những người thợ tài hoa trên đường di tán.
Những di vật tìm được ở Thăng Long, ở thương cảng cổ thuộc vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam), hay những hiện vật còn được lưu giữ ở các bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới là minh chứng rõ nét cho sự phồn thịnh của gốm Chu Đậu trong lịch sử. Ngoài ra, từ những năm 1980, khai quật khảo cổ học tại Chu Đậu với số lượng đồ sộ những hiện vật cổ có liên quan đến nghề làm gốm thu thập được một lần nữa khẳng định, Chu Đậu đã là trung tâm chuyên sản xuất gốm có chất lượng cao với loại hình và kiểu dáng đa dạng trong khoảng thế kỷ XIV-XVII.
Những giá trị đặc biệt
Gốm Chu Đậu từ lâu đã được đánh giá là đỉnh cao của gốm sứ Việt Nam về độ tinh xảo, màu men và hoa văn. Theo các chuyên gia, những sản phẩm của Chu Đậu có từ thế kỷ XIII và được tôn vinh là “sản phẩm mang biểu tượng hoàng gia” vào cuối thế kỷ XVII. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng nhiều ý nghĩa, có những nét đặc trưng riêng thể hiện ở kiểu dáng, màu men tro trấu, các hoa văn họa tiết tinh xảo, giàu bản sắc văn hóa thuần Việt. Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và là nghề truyền thống được truyền lại từ hàng trăm năm trước.
Trong Tọa đàm khoa học quốc tế “Gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long” do Viện Nghiên cứu kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hồi cuối năm 2021, các nhà khoa học cho biết sưu tập đồ gốm Việt Nam thời Lê sơ đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long bao gồm những sản phẩm được sản xuất tại các lò gốm ở Thăng Long và các ngoại vi kinh đô, trong đó có Chu Đậu.
Các đồ sứ ngự dụng trong Hoàng cung không chỉ phải có độ tinh xảo, tính thẩm mỹ cao, mà còn phải đạt những tiêu chuẩn, quy định khắt khe về đồ dùng trong cung, đặc biệt là quy định hình vẽ, hoa văn, màu sắc... Chẳng hạn như riêng đồ của nhà vua dùng thường vẽ rồng 5 móng. Gốm sứ Chu Đậu là một trong số ít những sản phẩm thuộc các lò gốm ngoài Hoàng cung (các lò quan ở Thăng Long chỉ chuyên sản xuất đồ gốm sứ phục vụ trong cung) được “nhập cung”.
Gốm Chu Đậu được mô tả “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”... Gốm Chu Đậu có màu men, kiểu dáng cho đến hoa văn, họa tiết trang trí đều thuần Việt, mang đậm nét bản sắc, tinh hoa văn hóa Việt.
Men gốm Chu Ðậu rất phong phú như men ngọc, men nâu, men trắng, men lục. Tuy nhiên tiêu biểu nhất là men trắng trong với hoa văn màu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu và xanh lục (men tam thái).
Những họa tiết, hoa văn trên gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao nhưng lại rất gần gũi, dân dã, miêu tả khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông, tàu lá chuối, nhánh rong, tôm, cá, cóc, rùa, hoa cúc, hoa sen… Loại hình, kiểu dáng cũng vô cùng phong phú, từ đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em, cho đến các loại đồ dùng trong đình chủa, trong hoàng cung, nhà quan lại, và xuất khẩu.
Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men mầu tam thái.
Hiện nay, các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có thủ đô Tokyo của Nhật Bản, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố New York của Mỹ. Bình gốm Hoa lam cũng được coi là một trong bốn quốc bảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu tới khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Sản phẩm gốm Chu Đậu đã trở thành món quà tặng sang trọng, trân quý tại nhiều hội nghị, sự kiện cao cấp …
Bí ẩn từ những con tàu đắm
Dự án khai quật khảo cổ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin, Công ty Saga (Malaysia), Công ty Visal (Bộ GTVT) và Trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp khai quật từ năm 1997 và kết thúc vào năm 1999.
Những người đầu tiên phát hiện chiếc tàu này chính là ngư dân vùng biển Quảng Nam, khi đầu thập niên 1990, họ thả lưới vớt được nhiều đồ gốm rồi bán cho thương lái.
Tàu cổ Cù Lao Chàm được phát hiện ở gần khu vực đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, được khai quật trong ba năm từ 1997-2000, với khoảng 240 nghìn hiện vật bao gồm cả đồ gốm sứ, đồ đồng, dụng cụ nhà bếp bằng kim loại, một số đồ dùng, hương liệu, hạt giống, tiền đồng, đồ trang sức… và 11 bộ hài cốt của thương nhân và thuyền viên trên tàu. Đặc biệt nhất, các hiện vật ở tàu cổ Cù Lao Chàm hoàn toàn là đồ gốm Việt Nam với hoa văn trang trí, kỹ thuật nung vào thế kỷ 15 mà các nhà khoa học xác định thuộc các lò gốm ở khu vực quanh Thăng Long, tiêu biểu nhất là Chu Đậu.
Trong tàu cổ Cù Lao Chàm có nhiều hiện vật còn giữ được khá nguyên vẹn hình dáng cũng như màu sắc. Nổi bật nhất là chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, có niên đại thời Lê Sơ, thế kỷ 15, có kích thước lớn và nguyên vẹn nhất trong bộ sưu tập từ con tàu này. Chiếc bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia ngay từ trong đợt 1 tháng 10/2012.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lúc bấy giờ cho biết, điểm đặc biệt của hiện vật này không chỉ ở kích thước lớn và còn nguyên vẹn, mà còn ở các chi tiết vẽ tay, tiêu biểu cho gốm Chu Đậu và tiêu biểu cho cả văn hóa gốm của Việt Nam thế kỷ 15.
Năm 1993, tại eo biển Philippines, người ta đã trục vớt một con tàu đắm ở thế kỷ XV, trong đó, có 3.000 đồ gốm và được xác định là gốm Chu Đậu. Năm 1997, Việt Nam cũng trục vớt được một con tàu đắm tại Cù Lao Chàm với khoảng 340 ngàn hiện vật, trong đó có 240 nghìn hiện vật còn lành lặn. Các nhà khoa học xác định, đây là con tàu chở gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu xuất khẩu. Điều này cho thấy gốm Chu Đậu không chỉ phát triển mạnh trong nước, mà đã được xuất khẩu đi nhiều nước thời bấy giờ.
Tư liệu từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An ghi lại: “Một số lớn đồ gốm Việt Nam được phát hiện từ con tàu cho thấy đó là hàng mậu dịch và đó là một chiếc tàu buôn Việt Nam đang giương buồm đi về phía nam gần đến vùng Cù Lao Chàm.
Sau khi bị đắm thân tàu đã nhanh chóng chìm vào lớp bùn, nên một phần thân hoặc lườn tàu vẫn còn nguyên vẹn. Do vậy, nhiều đồ gốm vẫn có thể được phát hiện nguyên trạng trong lòng tàu.
Rất nhiều kiểu dáng quen thuộc của đồ gốm Việt Nam như đĩa, bình có kích thước lớn trang trí hoa văn thảo mộc vẫn còn nguyên vẹn khi được vớt lên. Trong số ấy phần lớn là những chiếc bát.
Tuy nhiên có một số đồ gốm lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, ví dụ như một chiếc bát hoa lam vẽ rồng. Những đồ gốm này đã được xác định là hàng xuất khẩu mà con tàu buôn đang chở đến các nước Đông Nam Á”.
Hồi sinh và phát triển mạnh mẽ
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, gốm Chu Đậu bị thất truyền khoảng 500 năm.
Kể từ năm 2001, với mong muốn khôi phục một dòng gốm trứ danh, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Công ty cũng đã mời các nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), Hải Dương... nghiên cứu men cổ, kỹ thuật sản xuất, nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu rồi truyền dạy cho công nhân là người địa phương. Hầu hết lớp thợ trẻ năm xưa nay đã trở thành những công nhân lành nghề, không ít người được vinh danh là nghệ nhân.
Tháng 5/2003, ngẫu nhiên, lô hàng đầu tiên xí nghiệp xuất khẩu cũng là lô hàng đi Tây Ban Nha, như nối lại chuyến hàng gốm từ Chu Ðậu đi Tây Ban Nha thế kỷ 15 bị đắm ở Cù Lao Chàm.
Năm 2008, Gốm Chu Đậu vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ Vàng “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.
Xí nghiệp gốm năm xưa nay đã trở Công ty cổ phần gốm Chu Đậu tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, thuộc tập đoàn BRG.
Các sản phẩm gốm Chu Đậu rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại, với 5 dòng hàng chính: Dòng sản phẩm truyền thống: Bình lọ, đĩa cảnh… là các sản phẩm được công ty phục chế lại các sản phẩm theo lối vẽ cổ gẫn gũi với đời sống của người Việt; Dòng sản phẩm tâm linh: Bộ đồ thờ cúng, mặt hàng phong thủy,…; Dòng sản phẩm gia dụng: Ấm, chén, bát đĩa,…được trang trí hoa văn họa tiết dưới men; Dòng men được chiết xuất từ tro trấu đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam bảo đảm 100% vệ sinh an toàn thực phẩm; Dòng sản phẩm xuất khẩu: Được làm theo mẫu có sẵn và mẫu theo yêu cầu của khách hàng; Đặc biệt từ năm 2014, công ty đưa ra thị trường dòng sản phẩm gốm vẽ vàng kim cao cấp - là dòng sản phẩm được kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Từ đây, gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu tới khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, mở lại hành trình giao thương lịch sử của cha ông.
Cùng với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quảng bá, mở rộng thị trường, hiện nay Công ty còn kết hợp với ngành du lịch trở thành một địa chỉ tham quan, mua sắm, trải nghiệm quy trình làm gốm dành cho du khách. Chu Đậu không chỉ là một đơn vị sản xuất gốm mà còn là một thí dụ tiêu biểu của hành trình mang văn hóa dân tộc vào sản phẩm.
Tổ chức sản xuất: Hồng Minh, Việt Anh
Nội dung: Tuyết Loan
Trình bày: Dương Dương
Ảnh: Tuyết Loan, Vương Anh, Lý Hà, https://chudauceramic.vn/