Gốm sứ Quang Vinh

Từ sản phẩm làng nghề đến đến “bàn tiệc” năm châu

Là sản phẩm tiêu biểu của làng nghề gốm Bát Tràng, các sản phẩm gốm mang thương hiệu gốm sứ Quang Vinh đã xuất khẩu thành công, có mặt tại bữa ăn của nhiều gia đình trên thế giới, khẳng định kỹ năng từ đôi tay khéo léo của nghệ nhân cùng sự bắt nhịp xu hướng của thế giới. Đặc biệt, “linh hồn” của gốm sứ Quang Vinh lại là một người phụ nữ nhẹ nhàng, khéo léo và vô cùng giản dị.

“Linh hồn” của gốm sứ Việt

Có mặt hàng trăm năm, gốm sứ Bát Tràng đã trở thành một trong những biểu tượng của gốm sứ Việt Nam. Nằm ven sông Hồng, là một trong hơn 1.300 làng nghề truyền thống ở Hà Nội, gốm Bát Tràng là dòng gốm hội tụ đủ những tinh hoa từ gốm của 5 dòng họ nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh và dòng họ Nguyễn ở Minh Tràng. Trong hành trình gần một nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn đau đáu một niềm tin gìn giữ nghề nghiệp của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm thể hiện nét văn hóa riêng của làng nghề - đó là hồn gốm Bát Tràng.

Nếu ai đã một lần gặp nghệ nhân Hà Thị Vinh – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội) có lẽ đều ấn tượng bởi sự giản dị của người phụ nữ ấy. Thường mang trên mình chiếc áo sơ mi và quần âu đơn giản, hoặc đôi khi là nhẹ nhàng trong tà áo dài truyền thống, nghệ nhân Hà Thị Vinh không khác nhiều với những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, dịu dàng khác, song cứ nói về gốm, đôi mắt dịu dàng của nghệ nhân lại như có lửa – ngọn lửa đam mê của một người luôn đau đáu với giấc mơ giữ lại nghề truyền thống của cha ông.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Hà Thị Vinh đã kể lại câu chuyện về những khó khăn khi đưa gốm sứ Bát Tràng vươn ra thế giới. Bà kể, trước đây, bà làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước là Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Thời điểm đó, bà đã trải qua rất nhiều phòng, ban, đặc biệt là Trưởng ban Xuất khẩu, nắm rất rõ quy trình xuất khẩu cho một sản phẩm đến xuất khẩu hàng loạt sản phẩm đến tất cả các quốc gia một cách suôn sẻ, thuận lợi. Qua rất nhiều thăng trầm, doanh nghiệp của bà đã triển khai hoạt động xuất khẩu sang 30 quốc gia, trong đó có những nước khó tính, 90% sản phẩm của công ty được xuất khẩu ra nước ngoài.

Năm 1986, khi nhà nước bỏ bao cấp, bắt đầu cơ chế mở cửa. Bà Vinh khi đó là cán bộ mũi nhọn của phòng kinh doanh Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng nên được giữ lại trong khi tinh giảm biên chế diễn ra khắp các đơn vị nhà nước. Tuy nhiên công việc buộc bà phải thường xuyên xa nhà trong khi đó bà phải chăm người chồng bị tàn tật và 3 con nhỏ. Hoàn cảnh khiến bà phải từ bỏ biên chế nhà nước.

Vậy tại sao cha ông mình đã làm được mà mình không làm được?

Tĩnh tâm nhìn lại, bà Vinh nghĩ, thế hệ cha ông từ thế kỷ 15,16, họ đã mang sản phẩm gốm sứ xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước thông qua thương cảng quốc tế Hội An. Bà Vinh trăn trở: “Vậy tại sao cha ông mình đã làm được mà mình không làm được?”. Đó là động lực thôi thúc cho sự ra đời của tổ hợp gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Mỹ Hạnh, tiền thân của Công ty TNHH gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, với định hướng ngay từ những ngày đầu thành lập là bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

“Lập doanh nghiệp rồi nhưng không có nghĩa là đã xuất khẩu được ngay mà thời điểm đầu, tôi gặp rất khó khăn ở thị trường miền bắc. Do đó, tôi quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh để tìm giải pháp cho doanh nghiệp mình”, bà Vinh chia sẻ.

Quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh là một quyết định đúng đắn khi năm 1989, bà may mắn gặp một doanh nhân người Italia tại hội chợ. Sau khi tìm hiểu về gốm sứ Bát Tràng, doanh nhân đó đã đặt tổ hợp sản xuất  hàng gốm sứ mang biểu tượng của bóng đá Italia như: gạt tàn thuốc lá, giầy bóng đá với một hợp đồng trị giá 30.000 USD. Hợp đồng đó góp phần tăng thêm uy tín của gốm sứ Bát Tràng đến với bạn bè quốc tế.

Đến nay, các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ của Quang Vinh đã rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã

Tuy nhiên, sau hợp đồng 30.000 USD đó, thị trường xuất khẩu lại một lần nữa ngắt quãng, lý do vì xí nghiệp của bà vẫn sử dụng lò nung bằng than gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, dù lớn lên với những lò nung gốm bằng than đỏ lửa ngày đêm, nhưng bà Hà Thị Vinh đã có một quyết định mang tính bước ngoặt khi quyết định thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ than củi sang khí gas hóa lỏng. Thời điểm đó, Quang Vinh là đơn vị mạnh dạn tiên phong. So với lò đốt củi trước đây, lò gas này không chỉ cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề mà còn có ưu điểm về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Từ việc đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại. Đến nay, các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ của Quang Vinh đã rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nổi bật là hàng gốm sứ nội thất như: Âu men, những hàng giả cổ có phong cách từ thế kỷ XV, XVI, XVII đã được khách hàng  các thị trường Nhật, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Đan Mạch, Romania, Tiệp Khắc rất ưa chuộng. Từ đó, hàng trăm lò nung gas khác được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng.

Tự hào sản phẩm OCOP thủ đô

Câu chuyện về sự vươn mình của gốm sứ Quang Vinh cùng quyết tâm của người phụ nữ giản dị, kiên cường đó đã giúp gốm sứ Quang Vinh nổi danh của Thủ đô. Gốm sứ Quang Vinh đã khẳng định vị thế của mình trên thị trường, trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô.

Hiện nay, trong số 6 sản phẩm OCOP của Hà Nội được Trung ương công nhận 5 sao, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) vinh dự có 4 sản phẩm. Đó là, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen; bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh cho biết, các sản phẩm OCOP 5 sao của Quang Vinh đều chuẩn từ nguyên liệu đầu vào, đến nghiên cứu phối liệu, quá trình chế biến nguyên liệu cho đến quá trình nung. Cụ thể, sản phẩm được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu cao lanh từ Phú Thọ, sau khi loại bỏ tạp chất mới tiến hành tạo hình, rồi được nung đốt ở 1.350 độ C, giúp màu sắc không bị phai, bị bay, không gây độc hại cho người sử dụng.

Không chỉ có chất lượng tốt, các sản phẩm được đánh giá 5 sao của công ty còn mang đậm giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao. Đây cũng là các sản phẩm thể hiện được “hồn cốt” của dân tộc với hình ảnh hoa sen, chim én, rồng phượng được vẽ khéo léo trên sản phẩm.

Không chỉ có chất lượng tốt, các sản phẩm được đánh giá 5 sao của công ty còn mang đậm giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao.

Câu chuyện của OCOP Quang Vinh là câu chuyện của bàn tay, tình yêu của nghệ nhân với sự nỗ lực đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Được biết đến với các sản phẩm gốm sứ gia dụng, trang trí, tâm linh và công trình nghệ thuật chất lượng cao, Quang Vinh không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

Từ một xưởng sản xuất nhỏ, đến nay, Quang Vinh đã dần phát triển thành một thương hiệu uy tín với những sản phẩm không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn là tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm huyết của những người thợ lành nghề, những người đã dành trọn đời mình để thổi hồn vào đất, tạo nên những tác phẩm trường tồn cùng thời gian.

Trải qua nhiều năm phát triển, thương hiệu này đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, và sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm mang dấu ấn riêng. Sự kết hợp giữa kỹ thuật làm gốm thủ công truyền thống với công nghệ nung hiện đại chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của gốm sứ Quang Vinh.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh tự hào chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Gốm sứ Quang Vinh là sự trân trọng những giá trị cốt lõi của nghề gốm. Mỗi sản phẩm đều được chế tác tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn công phu từ tạo hình, phơi khô, tráng men cho đến nung ở nhiệt độ cao, đảm bảo độ bền chắc và màu sắc tinh tế. Không dừng lại ở việc kế thừa di sản, Quang Vinh còn tiên phong đổi mới, mang đến những thiết kế hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ngày nay.

Hiện, gốm sứ Quang Vinh nổi bật với các sản phẩm gia dụng như bát, đĩa, ấm chén, bình hoa… Những sản phẩm này không chỉ có công năng sử dụng cao mà còn mang đậm tính thẩm mỹ. Các bộ ấm chén trà mang đậm phong cách truyền thống, kết hợp nét chấm phá hiện đại, phù hợp cho cả những buổi trà đạo thanh tịnh hay những buổi tiếp khách trang trọng.

Không dừng lại ở việc kế thừa di sản, Quang Vinh còn tiên phong đổi mới, mang đến những thiết kế hiện đại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ngày nay.

Bên cạnh đó, các sản phẩm trang trí như tượng gốm, bình phong, đôn ghế gốm hay các chậu cảnh nghệ thuật là những sản phẩm nổi bật của Gốm sứ Quang Vinh. Nhờ sự sáng tạo trong thiết kế, kết hợp với kỹ thuật chế tác điêu luyện, những sản phẩm này mang đến vẻ đẹp sang trọng, đậm chất thủ công mỹ nghệ.

Lưu giữ giá trị gốm Bát Tràng cho muôn đời sau

Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, từ một tổ hợp tác sản xuất gốm nhỏ ở Bát Tràng, đến nay, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm gốm sứ, với hơn 300 lao động. Cơ sở sản xuất tại Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) có quy mô 30.000m2; còn ở Bát Tràng (Hà Nội), công ty đã đầu tư xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt trên mảnh đất 3.300m2 và thường được biết đến với cái tên “Bảo tàng gốm Bát Tràng”.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh kể lại, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, bà đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch, xây dựng bảo tàng ở một số quốc gia. Bà phát hiện họ có rất nhiều câu chuyện hay để kể và những câu chuyện này đặc biệt thu hút khách tham quan, kích thích mua sắm…

“Tôi tự nói với mình rằng, quê mình có rất nhiều câu chuyện hay nhưng tại sao mình không kể được như họ?” – nghệ nhân tự nhủ, rồi sự đau đáu ấy rồi cũng được thực hiện khi bà tạo dựng nền móng vững chắc cho Công ty Quang Vinh. Được sự đồng lòng ủng hộ của bà con làng nghề, nghệ nhân xúc tiến xây dựng Bảo tàng gốm Bát Tràng. Từ đây, rất nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn của làng nghề đã được kể, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Sự đặc sắc, độc, lạ của Trung tâm Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng là khi ta bước vào sẽ nhìn thấy các trụ xoáy hút sản phẩm lên. Trụ nọ nối trụ kia làm một cái cửa đưa hàng vào trong lò. Càng đi sâu vào trong, là chúng ta đang đi vào trong lò. Khi đi trên quảng trường tầng 1 chính là đang đi trên nền gạch cổ và đây là chất liệu mà nghệ nhân Hà Thị Vinh và các nghệ nhân làng nghề đã dày công nghiên cứu mới có được.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh cho hay: “Trong Trung tâm Bảo tàng gốm sứ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân trong 19 dòng họ để nhắc nhở rằng tinh thần đoàn kết của chúng tôi rất cao. Đây cũng là nơi tập trung văn hoá của cả cộng đồng, vừa là để báo công với tổ tiên con cháu giờ làm được gì, cũng như giới thiệu cho du khách những tinh hoa của Bát Tràng".

Gốm sứ Quang Vinh không chỉ đơn thuần là một thương hiệu gốm sứ, mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Gốm sứ Quang Vinh không chỉ đơn thuần là một thương hiệu gốm sứ, mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Với những nỗ lực không ngừng trong việc sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, Quang Vinh xứng đáng là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Không chỉ giữ gìn tinh hoa gốm Việt, Quang Vinh còn góp phần đưa gốm sứ truyền thống vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ thủ công mỹ nghệ thế giới.

Trong tương lai, với khát vọng vươn xa, Gốm sứ Quang Vinh hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến những sản phẩm độc đáo, không chỉ phục vụ đời sống mà còn làm đẹp thêm cho không gian sống. Những người thợ gốm vẫn ngày ngày miệt mài bên lò nung, thổi hồn vào từng thớ đất, để mỗi sản phẩm ra đời đều mang trong mình câu chuyện về sự sáng tạo, lòng đam mê và tinh hoa văn hóa Việt.

Ngày xuất bản: 4/2025
Thực hiện: Hà Anh, Xuân Bách
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Anh, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh