Sau gần bốn năm nỗ lực thực thi các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), liệu rằng Việt Nam có sớm trở thành nước thứ ba tại Đông Nam Á sau Thái Lan, Philippines gỡ được “thẻ vàng”?


Đáp ứng những khuyến nghị từ phía EC về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản cùng với đó là hàng loạt nỗ lực khác nhau để phát triển bền vững ngành xuất khẩu mũi nhọn này. Đáng chú ý, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, phía EC tuyên bố, chừng nào còn tàu cá vi phạm khai thác IUU, chừng đó thủy sản Việt Nam vẫn chưa thể tháo gỡ “thẻ vàng”.

Phải thực hiện được mục tiêu đến cuối năm 2021 chấm dứt được tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Việc này không chỉ vừa bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân mà còn bảo vệ uy tín ngành Thủy sản Việt Nam và hình ảnh của nước ta trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thiệt hại kinh tế


Theo báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, so sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm hơn 10% sau hai năm, tương đương giảm 43 triệu USD; trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit (Anh rời EU), xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.

Trong thời gian bị áp “thẻ vàng”, 100% số container hàng hải sản xuất khẩu bị giữ lại cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến cho doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (có khi phải mất 3 - 4 tuần/container) mà còn tốn thêm chi phí, chỉ riêng kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng… Rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối, trả lại, khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.

Ngư dân và chính quyền
cùng hiểu, cùng hành động


Tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận - huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC vào hồi đầu tháng 9 vừa qua, một số cán bộ, cơ quan địa phương đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc do còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, chưa sâu sát, gương mẫu, chưa bảo đảm được nguyên tắc “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”; đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương trong việc thực hiện đúng các quy định đối với lĩnh vực khai thác thủy sản.

Thực tế cho thấy, chỉ khi chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, sâu sát, gương mẫu và bảo đảm được nguyên tắc “dân biết, dân hiểu, dân tin dân theo và dân làm”, những vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản mới được đẩy lùi. Khảo sát từ Kiên Giang và Hà Tĩnh cho thấy những khó khăn, thách thức trong thực thi chính sách.

Cần thực hiện nghiêm việc xử phạt các hành vi vi phạm nhằm thực thi hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính.
Tổng cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân

Kiên Giang hiện là địa phương có số lượng tàu khai thác hải sản đứng đầu cả nước, với khoảng 10 nghìn tàu; trong đó gần 4.000 tàu có kích thước từ 15m trở lên, hoạt động đánh bắt xa bờ.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã tịch thu sáu tàu cá, xử phạt hành chính năm chủ tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Dù đang được đánh giá là biện pháp mạnh, có tính răn đe, nhưng vẫn có những ngư dân đánh liều ra khơi dù biết vi phạm, vì sao?

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, đến nay đã có 3.629 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 99,15% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt. Đến nay, vẫn còn 31 tàu chưa lắp đặt thiết bị VMS, nên việc giám sát, kiểm soát 100% số tàu cá hoạt động trên biển vẫn chưa đạt hiệu quả. Tình trạng tháo thiết bị VMS gửi sang tàu khác, thiết bị mất kết nối hoặc có kết nối nhưng cùng một vị trí trong thời gian dài... vẫn diễn ra nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Còn ở vùng biển Hà Tĩnh, “hung thần” tàu giã cào không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm một cách nhanh chóng, mà còn gây thiệt hại, hư hỏng ngư cụ, tài sản của ngư dân địa phương làm nghề biển lộng.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý tàu giã cào vi phạm.

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý tàu giã cào vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Bê, Tổ trưởng tổ đồng quản lý nghề cá xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân) cho biết: Tàu giã cào (đơn hoặc đôi) là loại tàu có công suất máy lớn (từ 90 - 1.000 CV), sử dụng lưới có chiều dài từ 500 - 1.500 m, mắt lưới kích thước từ 10 - 15 cm để đánh bắt các loại cá to ngoài khơi. Tuy nhiên, các tàu giã cào khai thác gần bờ ở vùng biển Hà Tĩnh lại sử dụng loại lưới mắt dày dưới 5 cm, nhiều lớp, nhiều chì để giăng bắt cá từ đáy bùn đến mặt nước. Từ cá lớn đến cá bé đều khó có cơ hội chạy thoát, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản. Vì thế, đời sống của ngư dân vùng lộng vốn đã khó nay càng khó khăn hơn.

Theo ngư dân Hà Tĩnh, mỗi khi lưới giã cào quét qua thì từ cá to đến cá bé khó có cơ hội chạy thoát. Video: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần

Theo ngư dân Hà Tĩnh, mỗi khi lưới giã cào quét qua thì từ cá to đến cá bé khó có cơ hội chạy thoát. Video: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần

Quyết tâm về đích
trong chống khai thác IUU


Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 350 - 400 triệu USD nếu mất thị trường EU. Đáng lo ngại nữa, do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA.

Tác động gián tiếp là việc giảm sút uy tín, gia tăng gánh nặng kiểm soát hải quan đối với sản phẩm nuôi trồng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu và không tận dụng được hết thế mạnh của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Nếu lệnh cấm kéo dài có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hằng năm từ 7 - 9% và đạt 16 - 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030. Ngoài ra, việc bị cảnh báo “thẻ vàng” cũng như việc khắc phục “thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.

Để gỡ được “thẻ vàng” cần nâng cao năng lực giám sát thực thi khai thác thủy sản. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải hoạt động mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong xử lý các trường hợp vi phạm. Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU. Thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật...

Những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, đặc biệt là Kiên Giang phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài.

Từ đầu năm đến đầu tháng 9/2021, vẫn xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt Kiên Giang là những địa phương còn có số lượng lớn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thêm nữa, hệ thống VMS mới triển khai áp dụng, do đó vẫn chưa bảo đảm tính ổn định. Vì vậy trong quá trình vận hành còn một số trục trặc, tình hình tàu cá mất tín hiệu do lỗi bất khả kháng còn nhiều, khiến cho công tác chống khai thác IUU và sử dụng hình ảnh VMS phục vụ cho công tác xử phạt chưa thật sự hiệu quả.

Hạ tầng nghề cá cần tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển.

Hạ tầng nghề cá cần tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đến nay, cả nước đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS trên 26.915 tàu cá, đạt tỷ lệ 87,45%. Song, một số địa phương còn triển khai chậm, có địa phương đạt dưới 50% số tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình như Thanh Hóa, Quảng Trị... Nghiêm trọng nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, còn tình trạng không gắn thiết bị VMS cũng như bảo đảm thiết bị bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động biển theo quy định của pháp luật... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ “thẻ vàng” IUU.

Gỡ "thẻ vàng" không chỉ là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành mũi nhọn của nền kinh tế, mà đó còn là uy tín, là hình ảnh quốc gia trong quan hệ quốc tế. Video: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần

Gỡ "thẻ vàng" không chỉ là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành mũi nhọn của nền kinh tế, mà đó còn là uy tín, là hình ảnh quốc gia trong quan hệ quốc tế. Video: Truyền hình Nhân Dân - Nhân Dân cuối tuần

Ngoài việc quản lý tốt đội tàu, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng là bước then chốt để thuyết phục EC gỡ “thẻ vàng”. EC sẽ thanh tra việc đánh bắt cá ở vùng biển nào, kinh độ, vĩ độ ra sao, thời gian nào, mang cá về cảng phân loại ra sao, mang về kho chế biến xuất khẩu đi những thị trường nào, còn tồn bao nhiêu. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều khó khăn vì hạ tầng thủy sản thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức…

Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Chiến lược phát triển bền vững


Liệu Việt Nam có thể gỡ được “thẻ vàng” vào năm 2022 hay không, lúc này câu trả lời vẫn để ngỏ. Mọi việc tùy thuộc vào quyết tâm về đích trong phòng, chống khai thác theo quy định IUU, vào đầu tư hạ tầng nghề cá và việc đáp ứng các khuyến nghị từ phía EC.

EC đưa ra bốn nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; (4) Thực thi pháp luật.
Our board members

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác hải sản.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác hải sản.

Hiện kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hằng năm đạt khoảng 9 tỷ USD, khai thác lên đến 3,9 triệu tấn, nhưng quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, đầu tư xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn dàn trải, không đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so quy hoạch. Hệ thống nhà phân loại còn thô sơ, diện tích nhỏ ảnh hưởng đến việc phân loại cá, làm thất thoát sau thu hoạch tăng lên, gây khó truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Thu hoạch hải sản tại cảng cá Cửa Sót (Hà Tĩnh).

Thu hoạch hải sản tại cảng cá Cửa Sót (Hà Tĩnh).

Trước những lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh biển từ nuôi biển đem lại, để phát triển nuôi trồng thủy sản cũng như nghề cá theo hướng chất lượng và bền vững, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm sâu sát và định hướng phát triển nuôi biển. Việc xây dựng thành công Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vô cùng cần thiết, sẽ có tác động tích cực, toàn diện đến chiến lược phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của Việt Nam.

Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

ASEAN đã mất hàng tỷ USD kể từ đầu thập niên này, do phải nhận những “thẻ vàng” thủy sản, xuất phát từ tình trạng “IUU fishing”, nghĩa là những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp (illegal), không có báo cáo (unreported) và không được quản lý (unregulated).

Tháng 4/2015, Thái Lan nhận “thẻ vàng” từ EU. Trước đó, thủy hải sản của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng bị chặn lại trước cửa thị trường này, như Philippines (tháng 6/2014) hay Campuchia (nhận “thẻ đỏ” tháng 3/2014). Ngành ngư nghiệp – thủy hải sản của cả ASEAN chấn động. Và nhu cầu về một bước ngoặt trong nhận thức xuất hiện.

Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đánh bắt IUU là cách loài người bảo vệ các đại dương, bảo vệ “ngôi nhà chung” của chính mình. Ảnh: The Asean Post

Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đánh bắt IUU là cách loài người bảo vệ các đại dương, bảo vệ “ngôi nhà chung” của chính mình. Ảnh: The Asean Post

Năm 2016, ASEAN cùng nhau ra một thông cáo chung, thể hiện sự đồng thuận trong mục tiêu “tuyên chiến” với tình trạng “IUU fishing”, nhằm hướng đến việc cam kết tăng cường đánh bắt bền vững trong khu vực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản ASEAN trong chuỗi giá trị quốc tế, thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn cũng như quy định quốc tế. Trước đó, ngay từ năm 2015, ASEAN đã soạn thảo kỹ lưỡng một văn bản mang tên “Hướng dẫn của ASEAN về ngăn chặn sự xâm nhập của cá và các sản phẩm thủy sản từ các hoạt động đánh bắt IUU vào chuỗi cung ứng”.

Cuộc cải cách mạnh mẽ của ngành thủy hải sản Thái Lan, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, được tiếp thêm động lực nhờ tầm nhìn chung này. Và do đó, những thành công bước đầu đạt được tạo động lực tương hỗ cho những cố gắng thay đổi tầm cao ấy, trong một chuỗi vận động không ngừng nghỉ.

Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ “thẻ vàng”, thừa nhận những tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá IUU kể từ năm 2015.

Tương tự và còn sớm hơn nhiều so với Thái Lan, Philippines cũng đã thực hiện những biện pháp cứng rắn, hướng tới khả năng đáp ứng bền vững các nhu cầu ngày một cao về tiêu chuẩn nguồn gốc, xuất xứ từ các thị trường “khó tính” nhất trên thế giới, thông qua định hướng chiến lược vĩ mô, khung pháp lý, chế tài nghiêm khắc cùng tiến trình áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại.

Nhờ vậy, chỉ đến năm 2015, Philippines đã được EU gỡ “thẻ vàng”, từ đó tiếp tục xây dựng và triển khai những “bước tiến thần kỳ” cho ngành thủy hải sản, thậm chí đã nhận “thẻ xanh”.

Những nỗ lực cải cách nghề cá của Philippines hay Thái Lan rõ ràng là tấm gương dành cho không chỉ riêng các thành viên ASEAN. Và hơn hết, khi các quốc gia cùng nhau tuân thủ những quy định ngặt nghèo về khai thác thủy hải sản, mọi vùng biển đều sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt. Đó không chỉ còn là câu chuyện kinh doanh hay thương mại nữa. Đó còn là nghĩa vụ đối với ngôi nhà chung vĩnh cửu của cả nhân loại - Hành tinh Xanh…

“Thẻ vàng” thủy sản được EC đưa ra đối với những nước có vi phạm quy định chống khai thác IUU. Từ năm 2012 đến nay, có 27 nước đã bị EC cảnh báo thẻ; trong đó, 21 nước bị cảnh báo “thẻ vàng” và sáu nước bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Đến nay, đã có ba nước gỡ được “thẻ đỏ”, 14 nước gỡ được “thẻ vàng”.


Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU HƯƠNG GIANG, TRẦN TRUNG HIẾU, VIỆT TIẾN, NGÔ TUẤN, HẢI MIÊN, ĐÔNG PHONG
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG
Ảnh: ĐĂNG KHOA, NGUYỄN ĐĂNG, ANH ĐÀO, TTXVN, CTV…