CON ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT TỪ HỘI HỌA HIỆN THỰC ĐẾN HỘI HỌA TRỪU TƯỢNG
ĐỂ NÓI VỀ TÌNH YÊU TỔ QUỐC DÂN TỘC


Ngày 10/12/1951, nhân dịp khai mạc Triển lãm hội họa tại Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Bác Hồ đã viết thư gửi các họa sĩ. Nội dung bức thư không chỉ dành riêng cho giới mỹ thuật mà còn định hướng chức năng, nhiệm vụ cho sự phát triển văn học nghệ thuật nói chung. Trong đó, Bác Hồ khẳng định:
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), công chúng yêu nghệ thuật có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm đặc sắc của cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường (1930 - 2023), một người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu trước khi trở thành học viên khóa Tô Ngọc Vân tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.
Bằng bút pháp tài hoa và chất liệu sơn mài truyền thống, ông đã thực hiện ước mơ vẽ tranh sơn mài khổ lớn về đề tài lịch sử bằng phong cách trừu tượng, tạo nên những tác phẩm không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao, mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về tinh thần và khí phách Việt Nam.
Bức tranh Thiếu nữ đất thép Quảng Bình vẽ năm 1970, là tác phẩm mang trong đó cả sự lãng mạn và tính hiện thực của lịch sử. Bối cảnh tác phẩm được vẽ ở chính đất Quảng Bình, nơi có con sông Bến Hải chia đôi hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường khi đó một mình xung phong vào tận chiến trường, vẽ tại địa điểm diễn ra trận chiến khốc liệt nhất. Phía tiền cảnh của bức tranh là hình tượng thiếu nữ dân quân 17 tuổi đang khoác súng đứng gác, phía sau là nữ dân quân đồng đội, đang ngồi trong lán lau súng, hậu cảnh là bờ đất, tường phủ ngụy trang. Bức tranh được sáng tác từ cảnh thực vào năm 1970. Để vẽ được bức tranh này, cố họa sĩ đã ký họa nhanh dáng người của nữ dân quân, sau đó xin cô đứng yên trong giây lát để ông vẽ chính xác khuôn mặt và thần thái, rồi từ đó kết hợp ký họa dáng người để triển khai thành tranh. Hình ảnh nữ dân quân áo trắng 17 tuổi đứng bồng súng canh tầu giặc, mặt nhìn nghiêng ra hướng sông Bến Hải, nơi vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước là một hình tượng gây xúc động mạnh, mang đậm chất trữ tình chứa đựng nhiều cảm xúc cho những ai thấu hiểu về câu chuyện lịch sử dân tộc. Bên cạnh ý tứ của câu chuyện lịch sử, bức tranh tự thân nó thoát lên vẻ đẹp hoành tráng nhưng lãng mạn trữ tình cách mạng. Vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ Việt Nam đầy khí phách với bố cục đặc biệt, nhân vật chính nữ dân quân thể hiện dáng đứng như tượng đài trong bức tranh vững vàng khỏe khoắn, đó chính là tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc. Sự giản lược về hình, đơn giản về nét và tiết chế về màu tạo nên sự khái quát, cô đọng của hình tượng nghệ thuật, nêu bật được không khí căng thẳng của chiến tranh và sự khốc liệt, trần trụi của thực tiễn khắc nghiệt nơi trận địa.
Huyền thoại sức mạnh dân tộc tinh thần Thánh Gióng được vẽ năm 2001 từ sự tích Thánh Gióng, là bức tranh sơn mài khổ lớn vẽ theo phong cách trừu tượng. Bức tranh không mô tả hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phun lửa, tay nhổ từng bụi tre quật vào quân thù, ngựa của ông lao đến đâu quân thù tan ra vỡ vụn dưới chân ngựa đến đó như lời kể sử thi, trong tranh Thánh Gióng này, mặt trời, ngựa, mây, tre, sự tan nát của quân thù đã không còn rõ ràng, tất cả thể hiện theo phong cách trừu tượng gồm những mảng màu đậm nhạt có hiệu ứng bề mặt, những đường nét từ mỏng đến dày, những chấm tròn và hình kỷ hà… tất cả tạo nên một bố cục tưởng chừng như hỗn độn nhưng tạo thành một khối với nhịp điệu động. Huyền hoại sức mạnh dân tộc với ngôn ngữ trừu tượng nói lên tinh thần sức mạnh Thánh Gióng và ước muốn về sức mạnh phi thường của dân tộc, vượt lên mọi khó khăn. Tinh thần ấy như một cơn lốc mạnh mẽ đánh tan vụn mọi kẻ thù, cuốn bay đi tất cả sự xấu xa độc ác của quân thù. Nền sơn mài màu đen khiến cho khối hình như lơ lửng bay lên làm không gian của bức tranh vừa sâu thẳm vừa bí ẩn.

Bức tranh Điện Biên Phủ trên không, cuộc chiến 12 ngày đêm năm 1972 bảo vệ bầu trời Hà Nội trước không lực Hoa Kỳ là một trong những chiến thắng kinh điển nhất trong lịch sử Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới. Việt Nam đã đánh bại hệ thống không lực B52 của Mỹ, thứ vũ khí mà chưa từng có quốc gia nào trên thế giới bắn hạ được. Để lựa chọn khoảnh khắc và thể hiện được tinh thần của cuộc chiến là điều vô cùng khó, không bút lực hay hình ảnh nào có thể miêu tả được trọn vẹn cuộc chiến trên không 12 ngày đêm này, bởi đó là một chuỗi sự kiện, hình ảnh khốc liệt, bất khuất của những giờ phút huy hoàng được làm nên từ rất nhiều yếu tố quan trọng, hào hùng của trận chiến lịch sử. Lựa chọn ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng, cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường thể hiện khoảng khắc khi máy bay B52 bị vỡ vụn trên bầu trời Hà Nội.
Trong lưới lửa vụt sáng của tên lửa quân đội Việt Nam, hình ảnh các mảnh B52 vụn vỡ mang đủ tính trừu tượng và biểu tượng. Hình thức trừu tượng của hội họa hiện đại phương Tây trong tranh, sự tan vỡ của hình trong bố cục trải khắp bề mặt tranh cho người xem liên tưởng đến lưới lửa phòng không đan cài dày đặc. Tác giả còn sử dụng những ký tự để gợi đến những ký hiệu, con chữ trên những mảnh máy bay B52. Màu vàng của sơn mài đem lại cảm giác hào hùng anh liệt. Có thể nói bức tranh đã thành công trong việc khắc họa lại khoảnh khắc tưởng tượng về chiến thắng ấn tượng lịch sử. Tác phẩm Điện Biên Phủ trên không đã góp thêm một ý tứ tạo hình độc đáo về khoảnh khắc lịch sử đầy oai hùng đáng nhớ của dân tộc. Bức tranh của sự chiến thắng bởi lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam chống lại sức mạnh sắt thép, máy móc kỹ thuật khổng lồ tàn bạo, nhưng vô cảm của đạo quân xâm lược phi nghĩa.


Bức tranh "30 tháng 4": Khúc khải hoàn của hòa bình, biểu tượng của thống nhất và hòa hợp
Đứng trước bức tranh "30 tháng 4" của cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường, người xem như bị hoa mắt, choáng ngợp trước một không gian rực rỡ sắc đỏ, nơi mà cảm xúc thị giác của ngày hội thống nhất đất nước được tái hiện một cách sống động. Những vệt màu đỏ rực không chỉ là màu sắc, mà là những cánh tay vươn cao, là những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, là biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết.
Họa sĩ đã lựa chọn khoảnh khắc “vàng” ngưng đọng sự kiện lịch sử ấy, không phải bằng những thước phim quay chậm, mà bằng sự bố cục tài tình của màu sắc và hình khối. Những vệt màu đan xen, hòa quyện, tạo nên một cảm giác về sự chuyển động bị "ngưng đọng", dừng lại để nhớ thật nhiều hơn về một khoảnh khắc vĩnh cửu.
Khi nhìn vào bức tranh, người xem không chỉ thấy một sự kiện lịch sử, mà còn cảm nhận được cả một bầu không khí hân hoan, một niềm vui sướng tột độ. Có cảm giác như đang lâng lâng bay lên giữa niềm vui ngây ngất, giữa dòng người đang vẫy cờ, đang reo hò, đang hòa mình vào niềm vui chiến thắng. Như lời bài hát “Đất nước trọn Niềm Vui – Nhạc sĩ Hoàng Hà” viết trong những ngày hân hoan đón nhận tin chiến thắng huy hoàng.
Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay
Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây…
Hội toàn thắng náo nức đất nước
Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang…
Bức tranh "30 tháng 4" không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một chứng nhân lịch sử, một biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu của tình yêu dân tộc.. Nó là một khúc ca khải hoàn, một bản giao hưởng của niềm vui chiến thắng, của sự thống nhất và hòa hợp bằng màu sắc và chất liệu sơn mài truyền thống trong cảm quan tạo hình hiện đại.
Trong những lễ hội truyền thống, thường thấy những "rừng người" hòa mình vào không khí náo nhiệt. Trong tác phẩm “30 tháng 4”, người xem thấy một "rừng cờ" đỏ rực, đa hướng, quần tụ rồi lan tỏa, tung bay phấp phới, biểu tượng cho niềm vui chiến thắng và sự đoàn kết của dân tộc. Những lá cờ không chỉ là biểu tượng của quốc gia, mà còn là biểu tượng của sự ủng hộ, của tình hữu nghị từ bạn bè quốc tế.
Bức tranh nhắc nhở chúng ta về một quá khứ hào hùng, về một tinh thần bất khuất, về một khát vọng hòa bình cháy bỏng, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất và phát triển.
Đứng trước bức tranh "30 tháng 4", chúng ta không khỏi xúc động, tự hào, tự hào về một dân tộc anh hùng, đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh để giành lại độc lập, tự do, tự hào về một ngày tháng tư lịch sử, khi đất nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối. Chiến thắng 30 tháng 4 không chỉ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, mà còn là chiến thắng của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử này. Niềm vui ấy lan tỏa khắp mọi miền đất nước, hòa chung vào niềm vui của bạn bè quốc tế.
Đứng trước bức tranh "30 tháng 4", người xem không khỏi xúc động, không khỏi tự hào, tự hào về một dân tộc anh hùng, đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh để giành lại độc lập, tự do, tự hào về một ngày tháng tư lịch sử, khi đất nước ta hoàn toàn thống nhất, khi non sông thu về một mối. Chiến thắng 30 tháng 4 không chỉ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, mà còn là chiến thắng của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử này. Niềm vui ấy lan tỏa khắp mọi miền đất nước, hòa chung vào niềm vui của bạn bè quốc tế. Tiếc thay, cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường đã không kịp hoàn thành bước cuối cùng, dát vàng cho bức tranh, trước khi vĩnh viễn ra đi ở tuổi 93, sau khi hoàn thành triển lãm "Hào khí Thăng Long".
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường: Khúc tráng ca của người nghệ sĩ - chiến sĩ
Sinh ra giữa lòng Hà Nội năm 1930, cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường mang trong mình dòng máu của vùng quê An Khải, Bắc Sơn, nơi những ngọn lửa cách mạng đầu tiên bùng cháy. Từ thuở thiếu thời, ông đã sớm hòa mình vào dòng chảy lịch sử của dân tộc, tham gia du kích, rồi khoác lên mình màu áo lính, chiến đấu trên khắp các chiến trường từ Bắc Sơn đến Thượng Lào. Những năm tháng ấy, giữa khói lửa đạn bom, đã tôi luyện nên một chiến sĩ Nguyễn Anh Thường kiên cường, bất khuất, một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, luôn đau đáu với vận mệnh của đất nước.
Rời quân ngũ, ông tiếp tục dùng ngòi bút làm vũ khí, vẽ nên những bức tranh cổ động, tranh tuyên truyền, tranh phim, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 150 bộ tranh phim của ông, khắc họa những hình tượng anh hùng liệt sĩ, những gương mặt trẻ thơ, những thành tựu khoa học sản xuất, những lãnh tụ cách mạng, đã trở thành những thước phim lịch sử sống động, đi vào lòng người. Ông cũng là người đặt nền móng cho phong trào hội họa tại Quảng Ninh, góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Trong sâu thẳm tâm hồn, cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường vẫn luôn ấp ủ ước mơ sáng tác những bức tranh sơn mài trừu tượng khổ lớn, thể hiện trăn trở, suy tư sâu sắc về cuộc đời và con người Việt Nam. Với khả năng tạo hình dày dặn, lão luyện của bậc thầy, họa sĩ sáng tác đa dạng chất liệu và bút pháp tạo hình đi từ hiện thực đến trừu tượng một cách tự nhiên, chủ động, nhằm tìm kiếm, cách tân ngôn ngữ nghệ thuật, có thể ôm chứa được nỗi niềm suy tư và tinh thần của sự kiện lịch sử được đề cập. Bức tranh "30 tháng 4", tái hiện khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, là một trong những tác phẩm tâm huyết của ông.
Cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường vẽ với tinh thần công dân, yêu nước rất cao, có trách nhiệm với xã hội trong việc sáng tạo nghệ thuật của mình, các sáng tác lớn của ông luôn gắn với những chủ đề, những mốc lịch sử lớn của dân tộc. Cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường đóng vai trò như chứng nhân của lịch sử. Bằng suy tư vượt thời gian, xuyên không tưởng tượng, xúc cảm da diết về con người, truyền thống văn hóa, họa sĩ nhập thân vào các sự kiện lịch sử, văn hóa để thăng hoa sáng tạo hội họa. Tác phẩm nghệ thuật không còn chỉ là mô tả, phản ánh hiện thực nữa mà là sự suy ngẫm, biểu hiện chắt lọc cái cốt lõi của đề tài, chủ đề, nâng tầm con người, văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Cuộc đời của Nguyễn Anh Thường là một khúc tráng ca, một sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần chiến đấu và tâm hồn nghệ sĩ. Ông đã sống và cống hiến hết mình cho nghệ thuật và cách mạng, để lại một di sản văn hóa quý giá cho dân tộc. Những tác phẩm của ông, những câu chuyện về cuộc đời ông, sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau.

Người sưu tập nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống
Anh Phan Minh Hà đã có hơn 20 năm sưu tập tranh, theo anh, hội họa là ngôn ngữ mọi người có thể chia sẻ với nhau, mang đến những trải nghiệm văn hóa, tinh thần bên cạnh việc đem lại cảm giác lãng mạn, yên ả. Hàng ngày trong cuộc sống, sau khi làm việc căng thẳng, ngồi cạnh những bức tranh anh cảm thấy yên bình, cân bằng trở lại.
Hội họa có nhiều trường phái trừu tượng, trường phái ấn tượng, trường phái hiện thực… Anh Phan Minh Hà có thiên hướng sưu tập về trường phái trừu tượng, là một trong những ngôn ngữ hội họa quốc tế trên toàn cầu. Đây là trường phái được nhiều người sưu tập trên toàn cầu và những người hâm mộ hội họa yêu thích. Trong quá trình sưu tập, anh đã sở hữu một số tác phẩm của họa sĩ Việt Nam cũng như một số tác phẩm của họa sĩ quốc tế.

Ở Việt Nam, nhà sưu tập Phan Minh Hà ngưỡng mộ cố họa sĩ Nguyễn Anh Thường. Cố họa sĩ có lẽ là người đầu tiên vẽ tranh lịch sử kích thước lớn bằng sơn mài theo trường phái trừu tượng. Có thể nói, vai trò của các nhà sưu tập tranh như anh Phan Minh Hà ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống, họ là một thành tố quan trọng thúc đẩy nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đồng hành tương hỗ với các họa sĩ, góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần, văn hóa của công chúng.
Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Khánh Sơn
Nội dung: Mai Huyên - Thanh Sơn - Thúy Quỳnh
Hình ảnh: Huy Hiệu
Trình bày: Ngọc Bách
