Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng giành độc lập, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam và Đông Dương; ngay sau đó, chúng liên tục dùng biện pháp quân sự lấn chiếm miền Nam; tranh thủ mọi thủ đoạn “mua bán” với quân Trung hoa Dân quốc; thương lượng với Chính phủ kháng chiến nhằm đạt được yếu tố hợp pháp đưa một lực lượng ra miền Bắc mở rộng chiến tranh. Đến cuối năm 1946, thực dân Pháp đã leo tới nấc thang xâm lược nguy hiểm tột bậc, đưa chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam, dồn nhân dân đến bờ vực thẳm.

Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN)

Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN)

Hà Nội, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, trở thành trọng điểm đánh úp của thực dân Pháp. Đến trước ngày 19/12/1946, quân Pháp ở Hà Nội có khoảng 4.220 tên, sau đó được tăng viện từ Hải Phòng lên đến 6.500 tên, cùng với 4.000 tù binh Pháp bị quân Nhật bắt trước đây, nay cũng được thả và trang bị vũ khí. Có thêm cả 13.000 Pháp kiều sống tập trung tại hai khu vực nối tiếp nhau thành một dải rộng lớn cắt đôi thành phố. Về vũ khí, quân Pháp có khoảng 5.000 súng trường, 600 súng tiểu liên, 150 trung liên, đại liên, 42 khẩu pháo các loại, 22 xe tăng, 40 thiết giáp, 30 máy bay và một số tàu chiến trên sông[1]. Với lực lượng như trên, quân Pháp đóng chốt tại 52 điểm, nhất là tại Thành Hà Nội, Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An), Trường An-be Xa-rô, Phủ toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), khu Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), sân bay Gia Lâm, quân Pháp có từ 1 đến 2 tiểu đoàn quân cơ động. Ở những nơi khác, chúng đóng từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội, có nơi tới 1 đại đội. Các địa điểm đóng quân của Pháp tạo thành thế trận bao vây chia cắt nội thành Hà Nội, khống chế những nơi đóng quân và kèm chặt các cơ quan đầu não kháng chiến.

Ngày 19/12/1946, phát lệnh toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 19/12/1946, phát lệnh toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Về phía ta, Hà Nội sớm được chỉ thị khẩn trương xây dựng lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị kháng chiến. Vào thời điểm này, Đảng bộ Hà Nội có khoảng 400 đảng viên; lực lượng vũ trang có 5 tiểu đoàn bộ binh (Tiểu đoàn 101, 77, 212, 145, 523), 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo cao xạ ở pháo đài Láng, Xuân Canh, Thủ Khối, Xuân Tảo. Tổng quân số là 2.516 người được trang bị 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên, 1 Badôka 60 ly, 1.000 quả lựu đạn, 80 quả bom ba càng, 200 chai răng cơ-rếp, 7 khẩu pháo cao xạ, 1 khẩu sơn pháo 75 ly, 1 khẩu pháo 25 ly, 2 khẩu cối 60 ly. Lực lượng tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu có khoảng 300 người, được trang bị súng trường; tự vệ thành Hà Nội có khoảng 8.500 người; ở các xí nghiệp có khoảng 1 trung đội đến 1 đại đội tự vệ. Tự vệ chiến đấu ngoại thành khoảng 20.000 người. Về vũ khí, lực lượng tự vệ có khoảng 600 súng trường, 2 trung liên, một số súng ngắn, một số mìn và lựu đạn, còn lại được trang bị giáo mác, kiếm, dao găm[2]… Mặt trận Hà Nội còn tổ chức 13 đội quyết tử đánh xe tăng và 36 tổ du kích đặc biệt sẵn sàng đối phó với các hành động đánh úp của thực dân Pháp.

Theo kế hoạch tác chiến được Bộ Tổng chỉ huy phê duyệt, quân và dân Hà Nội khẩn trương triển khai, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Công sự vật, vật cản được xây dựng, bố trí trên một số đường phố. Tự vệ chuẩn bị phương tiện ngả cây, cột đèn; nhân dân đục tường tạo thành đường cơ động giữa các nhà; đồng thời, tích trữ gạo, thực phẩm, thuốc men, nước uống để đánh địch dài ngày.

Sơ đồ Hà Nội 60 ngày đêm chiến đấu. (Nguồn: Sách Bộ Tổng Tham mưu 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945-2005), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

Sơ đồ Hà Nội 60 ngày đêm chiến đấu. (Nguồn: Sách Bộ Tổng Tham mưu 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945-2005), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

Đúng như nhận định của Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (10/1946): “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”[3], vào những tháng cuối năm 1946, quân Pháp vừa tìm cách lấn chiếm, khiêu khích tạo cớ, vừa chờ thời cơ thích hợp để mở rộng chiến tranh. Trong các ngày 15, 16/12/1946, chúng liên tục khiêu khích nổ súng, ném lựu đạn nhiều nơi ở Hà Nội, làm chết nhiều thường dân, bộ đội và công an của ta. Trưa ngày 17/12/1946, quân đội Pháp cho xe ủi phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đồng thời gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh. Đặc biệt, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị ra quyết định lịch sử: Phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

20 giờ 03 phút ngày 19/12, công nhân Nhà máy điện cho nổ mìn phá máy điện, phát tín hiệu tiến công trong toàn thành phố, mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại pháo đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo, pháo ta bắn mạnh vào Thành Hà Nội. Nhân dân xếp bàn, ghế, hòm xiểng, cánh cửa, sập gụ, bao cát… ra đường. Công nhân hỏa xa, xe điện đẩy các toa tàu chặn các ngã tư, ngã năm. Chiến lũy mọc lên khắp những đường phố, nơi quân địch có thể đánh. Lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công địch ở nhiều nơi. Chỉ trong vài giờ đầu, các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn cùng tự vệ, với sự giúp sức của các tầng lớp nhân dân đã tập kích tiêu diệt phần lớn các ổ chiến đấu của quân Pháp bố trí rải rác ở phía tây và khu vực trung tâm thành phố. Các vị trí ở đầu cầu Long Biên, Nhà máy điện, Nhà máy nước Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ, rạp chiếu bóng Ma-giét-tích nhanh chóng được quân ta tiêu diệt và làm chủ. Tự vệ khu Đông Thành tập kích vào Cửa Đông đốt cháy một kho xăng và vũ khí của địch. Tại khu Cửa Nam, tự vệ tiến đánh ở phố Hàng Bông, Thợ Nhuộn và tập kích đoàn xe vận tải chở lính Pháp ở vườn hoa Cửa Nam và đầu phố Tràng Thi.

Một khẩu đội pháo của Vệ Quốc đoàn tại trận địa pháo đài Láng, tháng 12/1946. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Một khẩu đội pháo của Vệ Quốc đoàn tại trận địa pháo đài Láng, tháng 12/1946. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tại Bắc Bộ Phủ diễn ra quyết liệt. Quân Pháp tập trung lực lượng tới 300 lính lê dương với 8 xe tăng, 10 xe thiết giáp, 2 khẩu pháo 75 ly, nhiều súng cối và một số xe Jeep gắn đại liên tiến công liên tục vào Bắc Bộ Phủ. Ta bố trí Tiểu đoàn 101 tại đây, cùng với trận địa chiến đấu đã được tổ chức sẵn, đã chiến đấu anh dũng, liên tục đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của quân Pháp. Tại các vị trí khác như Nhà bưu điện, Tòa thị chính, nhiều cuộc tiến đánh của quân Pháp cũng không thành.

Cùng với Hà Nội, ngay trong đêm ngày 19 tháng 12, quân và dân các thành phố, thị xã Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng nhất loạt tiến công địch. Thực dân Pháp hoàn toàn bị bất ngờ và không có khả năng xoay chuyển tình thế.

Trong các ngày 20, 21 và 22/12, ta vẫn ghìm chặt địch trong thành phố. Quân Pháp điên cuồng phản kích; chúng cho quân bao vây, dùng pháo ngắm bắn trực tiếp vào các vị trí phòng thủ của ta trong nội thành và cho xe tăng dẫn bộ binh tiến công. Quân và dân Hà Nội vừa chiến đấu ngoan cường giữ vững vị trí, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, vừa chủ động tổ chức những cuộc tập kích và phục kích địch. Đồng thời, nhanh chóng sơ tán người già và trẻ em ra khỏi thành phố.

Các chiến sĩ tự vệ Thủ đô sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, từng căn nhà. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các chiến sĩ tự vệ Thủ đô sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, từng căn nhà. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ ngày 24/12, quân Pháp tập trung lực lượng đánh chiếm các vị trí còn lại trong nội thành, mở đường đánh ra các cửa ô. Quân ta vừa chặn đánh, vừa kiên cường bám trụ đánh địch, thực hiện trong ngoài cùng đánh. Đêm ngày 25 tháng 12, Bộ Chỉ huy Mặt trận lệnh cho lực lượng cả ba liên khu đồng loạt tập kích các vị trí địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Phối hợp với cuộc chiến đấu ở Liên khu 1, lực lượng ta từ các cửa ô đột nhập nội thành quấy rối, tập kích quân địch. Quân Pháp tăng cường đánh vào các vị trí của ta để tiến ra các cửa ô. Liên tiếp trong các ngày 26, 27/12, chúng tiến đánh Ô Cầu Dền, phố Lê Bình (Mai Hắc Đế), Minh Khai (Bùi Thị Xuân). Các đợt tiến công của quân Pháp đều bị bẻ gãy. Tuy nhiên, trận địa phòng ngự của ta bị tàn phá nặng, phải lui về các phố Hàng Bè và Cầu Gỗ. Đến những ngày cuối tháng 12/1946, trận địa của ta lại thu hẹp thêm, thế trận trong đánh, ngoài vây, trong ngoài cùng đánh hình thành rõ rệt.

Trong khi đó, nhằm thoát khỏi thế bị vây hãm, quân Pháp tập trung đánh ra các cửa ô. Ngày 3/1/1947, sau khi chiếm được Ô Chợ Dừa và Kim Liên, chúng chia thành 3 cánh quân đánh tiến sang hướng tây trên các đường Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn. Một cánh quân khác đánh từ Lò Lợn ra Vĩnh Tuy, Thanh Nhàn. Tiếp đó, ngày 6/1, địch bao vây Giảng Võ.

Chiến lũy trên phố Mai Hắc Đế, năm 1946. (Nguồn: Tập 2, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

Chiến lũy trên phố Mai Hắc Đế, năm 1946. (Nguồn: Tập 2, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ở các cửa ô. Quân ta đánh trả nhiều cuộc tiến công của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Năm cửa ô tạo thành vành đai tiêu hao, tiêu diệt, vây hãm quân Pháp, đồng thời là bàn đạp đánh vào nội đô. Vừa chiến đấu, quân và dân Liên khu 1 vừa tích cực xây dựng và phát triển lực lượng. Ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu 1 được thành lập[4], tăng cường sức mạnh chiến đấu cho quân và dân Hà Nội.

Đến trung tuần tháng 1/1947, khi có thêm quân tiếp viện, quân Pháp liên tục mở những cuộc tiến công mới ra cửa ô, nhằm đẩy lực lượng ta ra xa thành phố. Tuy quân Pháp chiếm được một số vị trí, nhưng cũng bị thiệt hại nặng nề. Qua 15 ngày tập trung cao độ để làm chủ vành đai thứ nhất bao quanh Hà Nội không thể tiêu diệt được “Việt Minh trong vành đai sắt” như chúng huênh hoang tuyên bố, mà bị tổn thất nghiêm trọng, thêm khoảng 630 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 5 xe tăng, 5 xe vận tải, 2 xe Jeep bị phá và một ca nô bị đánh chìm.

Đến giữa tháng 2/1947, quân Pháp mở các đợt tiến công mới. Nhận thấy, lúc này, tuy quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng trong nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt, vây hãm, giam chân quân địch dài ngày, nhưng ngày càng xuất hiện những khó khăn phải giải quyết. Ngày 15/2/1947, để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Liên khu 1 rút khỏi Hà Nội. 18 giờ 30 phút ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô rút quân khỏi Hà Nội.

Khu vực chợ Đồng Xuân. (Nguồn: Tập 2, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

Khu vực chợ Đồng Xuân. (Nguồn: Tập 2, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)

Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu giam chân địch, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch; giam chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến ban đầu, tạo ra khoảng thời gian chiến lược để cả nước tiếp tục chuyển vào thời chiến, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn; bảo tồn lực lượng và bảo vệ hàng chục vạn đồng bào Thủ đô rời thành phố về các vùng xa chiến sự.

Thắng lợi trong 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội là thắng lợi mở đầu của đường lối chiến tranh nhân dân, mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng đó đã nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vận dụng cách đánh rộng khắp và sáng tạo, đánh bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, gây thiệt hại bước đầu, làm suy giảm ý chí và đánh đòn phủ đầu vào âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp; góp phần giành thế chủ động trong bước mở đầu, tạo đà phát triển cho cuộc kháng chiến trong thời gian tiếp theo.

Thắng lợi trong 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội là thắng lợi mở đầu của đường lối chiến tranh nhân dân, mở đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trung tá Lê Văn Thành - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: Hoàng Hà