Hà Nội phát triển giao thông thông minh

Trong bối cảnh bối cảnh lượng phương tiện giao thông cá nhân không ngừng gia tăng, hạ tầng còn nhiều hạn chế dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có những giải pháp nhanh, mạnh, hiệu quả bền vững. Một trong những giải pháp cấp bách nhất hiện nay là đầu tư, xây dựng ITS (Intelligent Transport System) để xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố hiện hơn có 1,1 triệu ô-tô, 6,7 triệu xe máy. Trung bình mỗi năm, Hà Nội tăng thêm 200.000 người, ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%.

 Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông đạt 12% và 1,5% diện tích đường cho 1km2. Mặc dù Hà Nội luôn quan tâm dành nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông, song tốc độ đầu tư chưa theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện. Nên thay vì quản lý theo cách truyền thống, thành phố phải nhanh chóng có những bước chuyển đổi cho phù hợp, hiệu quả bằng hệ thống giao thông thông minh.

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai một số ứng dụng, tiện ích giao thông trong quản lý và phục vụ người dân như: ứng dụng tìm kiếm xe buýt; camera giám sát bảo đảm an ninh trật tự trên xe buýt; phần mềm quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc triển khai thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt bước đầu phát huy hiệu quả.

Việc triển khai thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt bước đầu phát huy hiệu quả.

Năm 2024, Hà Nội đã tăng tốc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sâu rộng hơn vào lĩnh vực giao thông với nhiều giải pháp như: triển khai thẻ vé điện tử trên các tuyến buýt; yêu cầu thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt trên 100% điểm trông giữ được cấp phép mới… Tuy đã có những kết quả nhất định, nhưng về tổng thể vẫn thiếu tính đồng bộ, kết nối.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho biết, giao thông thông minh là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải; cung cấp thông tin theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt. ITS (Intelligent Transport System) là yếu tố then chốt tạo nên hệ thống giao thông bền vững.

ITS là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường. Tính năng trung tâm của ITS là khả năng cung cấp thông tin về giao thông theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt.

 ITS mang lại ba nhóm lợi ích chính. Một là quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả, giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc đi lại và vận chuyển, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại. Hai là nâng cao năng lực quản lý, thông tin được chia sẻ chính xác và nhanh chóng giữa các ban ngành, tăng khả năng phối hợp liên ngành trong xử lý vấn đề, cung cấp thông tin cho việc xây dựng chính sách, xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông. Điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển báo thông tin thay đổi; quản lý ùn tắc và sự cố để duy trì mức độ phục vụ tốt cho người tham gia giao thông. Ba là bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn; giảm thiểu khí thải, tiếng ồn ra môi trường. Có thể khẳng định ITS là công cụ để hiện thực hóa các chính sách giao thông.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, ITS sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tính mạng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cảnh quan môi trường, nếu được quy hoạch và triển khai hợp lý, thông qua việc áp dụng các công nghệ xử lý thông tin và xử lý truyền thông vào vận tải đường bộ, vận tải hàng hóa, hành khách, xe buýt, xe điện, tàu điện và cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt.

Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 6369/QĐ-UBND ngày 11/12/2024 về việc phê duyệt Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Mục tiêu của từng giai đoạn: Giai đoạn 1 (2025-2027): Hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp vào năm 2025 với chín chức năng
(1) Giám sát giao thông;
(2) Cung cấp thông tin giao thông (ứng dụng Hanoi Maps);
(3) Điều khiển giao thông;
(4) Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông;
(5) Quản lý giao thông công cộng;
(6) Quản lý đỗ xe;
(7) Quản lý sự cố;
(8) Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông;
(9) Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Thành phố lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại 55 nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1,2,3 và các trục xuyên tâm bên trong vành đai 3. Vận hành thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh.

Giai đoạn 2 (2028-2030): Bổ sung thêm ba chức năng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp, gồm
(10) Quản lý vận tải;
(11) Quản lý nhu cầu;
(12) Mô phỏng giao thông. Hà Nội cũng mở rộng phạm vi triển khai lắp đặt các thiết bị của Hệ thống giao thông thông minh ITS (Intelligent Transport System - ITS) ngoại vi cho 150 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, và các tuyến chính, trong đó số lượng camera là 1600 chiếc, 100VMS, 50 tủ điều khiển tín hiệu thích ứng. Nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông thông minh.

Giai đoạn 3 (từ sau năm 2030): Hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng 12 chức năng của Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp đã hình thành trong giai đoạn trước. Mở rộng phạm vi lắp đặt các thiết bị của Hệ thống giao thông thông minh ITS ngoại vi cho toàn thành phố cho 300 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ mạng lưới giao thông thành phố với 3000 camera, 100 tủ đèn tín hiệu thích ứng, 200 VMS.

Theo nhiều chuyên gia, trong khi tốc độ mở rộng hạ tầng chậm chạp hơn hẳn so với sự gia tăng dân cư và phương tiện, ứng dụng ITS sẽ giúp hệ thống giao thông của thành phố hoạt động hiệu quả hơn. Các nhà quản lý có thể đưa ra những quyết định chính xác về tổ chức giao thông, phân luồng, ứng phó với tình huống khẩn cấp… ITS là phần mềm điều khiển còn hạ tầng và phương tiện là phần cứng của bộ máy. Có phần mềm tốt, những khó khăn của phần cứng sẽ dần được hạn chế và vượt qua. Mặt khác trong tương lai khi các loại hình phương tiện giao vận tải công cộng hiện đại phổ biến hơn, nhu cầu giao thông cao hơn, ITS sẽ hỗ trợ tối đa cho công tác quản lý, kết nối, tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, vận hành tốt cho cả thành phố.

Theo chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung: “Để tiếp nhận được công nghệ, chúng ta lại cần có đội ngũ nhân sự trình độ cao, đây là điều kiện mà Hà Nội phải chuẩn bị thật tốt. Nhân sự không chỉ là những người trực tiếp vận hành ITS mà còn bao gồm cả các cấp quản lý. Song song với từng giai đoạn xây dựng ITS, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực phải được chú trọng thực hiện. Có hệ thống tốt mà không vận hành được, hoặc vận hành không hiệu quả sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí khi phải đầu tư thêm, đào tạo lại”. Có như vậy, giao thông thông minh tại Hà Nội mới có thể vận hành, phát huy hiệu quả.

Hệ thống giao thông thông minh đang được thành phố Hà Nội khẩn trương xây dựng, triển khai.

Hệ thống giao thông thông minh đang được thành phố Hà Nội khẩn trương xây dựng, triển khai.

“Để tiếp nhận được công nghệ, chúng ta lại cần có đội ngũ nhân sự trình độ cao, đây là điều kiện mà Hà Nội phải chuẩn bị thật tốt. Nhân sự không chỉ là những người trực tiếp vận hành ITS mà còn bao gồm cả các cấp quản lý. Song song với từng giai đoạn xây dựng ITS, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực phải được chú trọng thực hiện. Có hệ thống tốt mà không vận hành được, hoặc vận hành không hiệu quả sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí khi phải đầu tư thêm, đào tạo lại”.

Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung

Bên trong Trung tâm điều hành giao thông thông minh, dù ít nhân sự nhưng việc vận hành được bảo đảm hiệu quả.

Chỉ đạo thực hiện: Ngọc Thanh
Tổ chức sản xuất: Kiều Hương-Xuân Bách
Nội dung: Quốc Toản
Ảnh: Phạm Hùng-Đức Huy, TTXVN, Báo Nhân Dân
Trình bày: Phi Nguyen