Trong dòng chảy của thời đại, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được bạn bè quốc tế trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu đó bắt nguồn từ chiều dài lịch sử, Thăng Long-Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến-văn minh-hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)

Về địa lý nhân văn của một đô thị sinh thái nghìn năm văn hiến

Vốn thanh lịch và đậm tình, nặng nghĩa, người Hà Nội thường vẫn có thói quen hoài niệm, nhớ về những gì đã qua, đã gắn bó với mình. Chúng ta có thể cho rằng, tất nhiên, đây là một đặc tính chung của mọi con người, nhưng với riêng người Hà Nội, sự hoài niệm lại thực sự kỳ lạ. Nó gắn trong mọi suy tư, hành động, cử chỉ, tác phong sinh ra từ hoàn cảnh tự nhiên của thành phố này. Câu ca dao quen thuộc:

Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Đã không chỉ miêu tả một phong cảnh tuyệt vời, rất đặc trưng của Hà Nội thuở nào, mà còn man mác một sự hoài niệm. Không có một sự hoài niệm sâu sắc thì không thể vừa miêu tả lại vừa truyền vào đó bao nhiêu xúc cảm của những buồn thương, nhung nhớ da diết như vậy…Rồi nữa :

Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya

Bà Huyện Thanh Quan, một nữ sĩ Hà Nội tiêu biểu, đã hễ làm thơ là dường như lại hoài niệm, lại “tạo hóa gây chi cuộc hí trường”, để rồi

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Nhà văn Tô Hoài, một người Hà Nội chính hiệu đã từng nhận xét về sự hoài niệm, miêu tả về những nguyên cớ sâu xa cho sự hoài niệm này của người Hà Nội như sau: “Dạo trong thành phố lúc nào cũng có thể thấy được dáng vẻ, tuổi tác và vui buồn của thành phố. Cuộc đời Hà Nội nằm trong cuộc đời dân tộc. Sử sách và thiên nhiên, cây thông chùa Láng, búi nứa đền Trại và Hồ Tây, sông Tô Lịch, những di tích cổ trên mặt đất, mỗi bước đi quanh ta đều chi chít những chứng tích của đời người nơi đất gốc...Từng bước hôm qua giúp ta suy nghĩ, khiến cho hành động hôm nay càng ý nghĩa hơn”.

Khi tìm hiểu về những đặc tính chung của con người, giáo sư Trần Quốc Vượng, lúc sinh thời, thường nói nhiều đến khía cạnh mà ông gọi là “địa lý nhân văn” và đòi hỏi người nghiên cứu phải có “cái nhìn sinh thái nhân văn”. “Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh, gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh”, cô gái làng Ngọc Hà không thể vừa đảm vừa xinh được nếu như cô ta không được lớn lên trong một “trường địa lý” có phong cảnh tốt tươi và lãng mạn của chính làng Ngọc Hà.

Những cô gái làng hoa Ngọc Hà chuẩn bị hoa bán tết (1963).

Những cô gái làng hoa Ngọc Hà chuẩn bị hoa bán tết (1963).

Trong một bài viết rất thú vị mang tên : “Một cái nhìn sinh thái nhân văn Việt Nam với các di tích-lịch sử-văn hóa Việt Nam”, giáo sư Trần Quốc Vượng viết : “Hiện nay, ở thế giới phương Tây, địa lý học và khảo cổ học (môn học về các di tích lịch sử, trong đó có các di tích Phật giáo) được xem là hai mặt của một Trường (champ, field) nghiên cứu duy nhất để tìm hiểu những hệ quả xây dựng hành vi con người. Người ta coi con người là một sản phẩm đồng thời là một tác nhân của một hệ sinh thái, của sự thay đổi sinh thái.”

Những cô gái làng hoa Ngọc Hà chuẩn bị hoa bán tết (1963).

Những cô gái làng hoa Ngọc Hà chuẩn bị hoa bán tết (1963).

Với tinh thần trên, khi nghiên cứu những đặc điểm lịch sử văn hóa, con người và tuổi trẻ Thăng Long-Hà Nội, chúng ta không thể bỏ qua được những nhân tố địa lý tự nhiên-xã hội đã tạo nên những đặc điểm của một đô thị sinh thái này. Người phương Đông trong đó có Việt Nam có truyền thống sống hài hòa với tự nhiên.Người Việt Nam dựa vào tự nhiên mà làm ăn và đánh giặc. “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm”, theo thuyết tính-linh thì vạn vật đều có hồn, Hồ Gươm, Hồ Tây, sông Nhị, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” (Nguyễn Đình Thi), “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), vui “tình cá nước”, “hoa cười cây ngả nghiêng chào”, ứng xử tế nhị “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa”thậm chí tín mê “thần cây Đa”, “ma cây Gạo” với tục thờ cây cối... Với tinh thần trên, Thăng Long Hà Nội ngay từ thuở khai thiên lập địa đã mang tính chát một đô thị sinh thái.

Cảnh quan thiên nhiên, đất đai, non nước, cây cối, cỏ hoa, khí hậu đặc thù Thăng Long Hà Nội đã tạo nên hào khí Thăng Long Hà Nội, con người Hà Nội. Cái “hào hoa thanh lịch” nổi tiếng của cư dân Thăng Long Hà Nội được sản sinh ra từ chính không gian hào hoa phóng khoáng của thiên nhiên vừa là đô thị vừa là tự nhiên, sinh thái nơi đây. Sự trẻ trung của mảnh đất này tạo nên những đặc trưng của con người Thăng Long Hà Nội.

Khen ai khéo vẽ dư đồ
Trước sông Nhị thủy sau hồ Hoàn gươm

Chỉ xét riêng về mặt địa lý, thổ nhưỡng, Hà Nội đã là một trong những mảnh đất đặc biệt và kỳ lạ nhất của Việt Nam. Nguồn tụ hội tự nhiên của đất đai, sông núi, nắng gió, nguồn nước và khí thiêng từ bao đời đã tạo dựng nên một thứ “địa linh” kỳ bí. Nằm ở ngã ba sông, nơi gặp gỡ của các dải phù sa mầu mỡ của sông Hồng và sông Đuống, Hà Nội là trung tâm của cả một vùng đồng bằng Bắc bộ. Phù sa vừa lắng bồi tại đây lại vừa cuốn chảy từ đây. Sông nước đưa phù sa về Hà Nội, quần tụ lên những bãi bồi màu mỡ, rồi lại tiếp tục chuyển chảy về phía biển. Sự dịch đổi liên tục của các dòng chảy bên lở, bên bồi của dòng sông đã tạo nên một không khí sôi động vừa lắng đọng vừa biến chuyển.

Ngày xưa, phố cổ Hà Nội là nơi buôn bán nhộn nhịp, sầm uất chốn kinh kì.

Ngày xưa, phố cổ Hà Nội là nơi buôn bán nhộn nhịp, sầm uất chốn kinh kì.

Cảnh quan thiên nhiên, đất đai, non nước, cây cối, cỏ hoa, khí hậu đặc thù Thăng Long Hà Nội đã tạo nên hào khí Thăng Long Hà Nội, con người Hà Nội. Cái “hào hoa thanh lịch” nổi tiếng của cư dân Thăng Long Hà Nội được sản sinh ra từ chính không gian hào hoa phóng khoáng của thiên nhiên vừa là đô thị vừa là tự nhiên, sinh thái nơi đây.

Chợ Đồng Xuân nhìn từ phố Hàng Giấy.

Chợ Đồng Xuân nhìn từ phố Hàng Giấy.

Trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ, chúng ta có thể thấy, một trong những lý do quan trọng nhất được nhà vua đưa ra là “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Ông đã nhận xét hết sức chính xác về vị trí quan trọng của vùng đất Thăng Long-Hà Nội là nó đã : “Ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng với vị trí giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, thuận theo chiều hướng núi sông quay vào, ngoảnh ra, đất rộng và bằng, cao và thoáng…Xem khắp đất Việt, chỉ có đây là nơi thắng địa. Thật là nơi hội tụ quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Cho đến nay, thực tế lịch sử đã khẳng định về sự đúng đắn, khoa học trong việc lựa chọn kinh đô của vua Lý Thái Tổ

Giáo sư Đinh Gia Khánh khi viết phần Tổng luận cho cuốn sách “Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” đã miêu tả rõ ràng về những đặc điểm địa lý, tính trung tâm hội tụ cũng như tính đô thị sinh thái của mảnh đất, con người Thăng Long-Hà Nội mà vua Lý Thái Tổ đã nêu ở trên như sau:

Thăng Long - kẻ chợ ở sát sông Hồng. Vị trí ở ven con sông lớn nhất miền Bắc nước ta như thế là một điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của một thành thị lớn. Nhưng cần chú ý tới một yếu tố địa lý khác của Hà Nội, đó là vị trí ở gần ngã ba sông Hồng và sông Đuống, nối liền hệ thống sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình, tức là nối liền phần Tây, phần Tây nam và phần giữa của tam giác châu Bắc bộ với với phần Đông bắc và phần Đông của tam giác châu ấy29 . Chính điều này, theo giáo sư Đinh Gia Khánh đã tạo nên tính hội tụ và tính trung tâm đặc biệt là tính đô thị sinh thái của Thăng Long- Đông Đô - Hà Nội, cuốn hút các vùng văn hóa khác .

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã có một công trình nghiên cứu về “Những con đường, dòng sông và lịch sử” của Hà Nội. Ông cho rằng Hà Nội chính là trung tâm, “là chốn hội tụ của hầu hết các đầu mối giao thông ở đồng bằng Bắc Bộ”…“Những con đường và những dòng sông trên đã tạo điều kiện cho sản vật, hàng hóa ở khắp mọi vùng rừng, biển, Bắc, Nam đổ về Hà Nội và ngược lại, sản vật và hàng hóa của Hà Nội cũng theo những nẻo đường thủy bộ ấy mà tỏa đi bốn phương”. Và điều quan trọng hơn là Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước. “Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương”.

Đô thị cổ Thăng Long Hà Nội có những nét đặc trưng ít thấy ở những đô thị cổ khác trên thế giới. Có thể nói mà không sợ là phóng đại quá đáng rằng, nó luôn mang dáng dấp của một đô thị mà hiện nay các đô thị lớn trên thế giới đang muốn hướng tới. Nếu một nhà sinh thái nhân văn hiện đại nào muốn tìm một khuôn mẫu cho đô thị hiện đại gắn liền với cái mà gọi là đô thị của “xã hội hậu công nghiệp” thì Thăng Long Hà Nội cổ quả là một mô hình rất đáng để học tập.

Cái đô thị nhộn nhịp và sầm uất gắn liền với một không gian phong thủy hữu tình, cỏ cây, sông nước, khí trời đã tồn tại trong suốt lịch sử của Thăng Long Hà Nội. Công nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp và nông nghiệp. Đô thị gắn với nông thôn. Dịch vụ kinh doanh buôn bán gắn liền với nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…

Trải qua biết bao nhiêu dâu bể, những cuộc binh biến, chiến tranh và loạn lạc, nhưng Thăng Long Hà nội chưa bao giờ thay đổi cái nguyên tắc phát triển “đô thị sinh thái” đó.

Đường phố Hà Nội năm 1926.

Đường phố Hà Nội năm 1926.

Phố Hàng Quạt.

Phố Hàng Quạt.

Tháp Hòa Phong ở Hồ Gươm.

Tháp Hòa Phong ở Hồ Gươm.

Thầy đồ "bán chữ" trên phố.

Thầy đồ "bán chữ" trên phố.

Item 1 of 4

Gánh phở Hà Nội xưa.

Gánh phở Hà Nội xưa.

Chợ Đồng Xuân trước đây được người Pháp xây 5 vòm bằng bê tông kiên cố với kiến trúc cầu kỳ.

Chợ Đồng Xuân trước đây được người Pháp xây 5 vòm bằng bê tông kiên cố với kiến trúc cầu kỳ.

Tàu điện Hà Nội.

Tàu điện Hà Nội.

Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa.

Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa.

Đô thị sinh thái Thăng Long-Hà Nội là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình

Hà Nội thập niên 1920 - Trong vườn nhà của một gia đình giàu có

Hà Nội thập niên 1920 - Trong vườn nhà của một gia đình giàu có

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được sự thanh lịch từ những điều kiện thiên nhiên hài hòa, từ cuộc sông thanh bình trù phú của chính mảnh đất này. Trải qua biết bao nhiêu dâu bể, những cuộc binh biến, chiến tranh và loạn lạc, nhưng Thăng Long Hà nội chưa bao giờ thay đổi cái nguyên tắc phát triển “đô thị sinh thái” đó. Ngay tại một khu vực buôn bán sầm uất nhất của Thăng Long khi đó, không khí “sinh thái” cũng được Phạm Đình Hổ miêu tả: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương (khu phố Hàng buồm bây giờ), trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xóa, thơm lừng, trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp

Chơi cây cảnh là một nét đẹp của người Hà Nội.

Chơi cây cảnh là một nét đẹp của người Hà Nội.

Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” cũng đã miêu tả kinh thành Thăng Long thời đại của ông như sau : “Kinh thành Thăng long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc Tuần phủ và việc Liêm sát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan huyện ủy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh phó hai dinh, chuyên coi việc cấm phòng, xét hỏi…”. Ông cũng miêu tả rõ cảnh đô thị phồn hoa :“đất kinh thành đông đúc, nhà ở liền nhau, thường có hỏa hoạn…” cảnh buôn bán nhộn nhịp của các phường Thái Cực (nay là Hàng Đào), phường Đông Hà (Hàng Chiếu) , phường Đông Các (Hàng Bạc) nhà ở san sát kéo dài cho tới đến các vạn hàng Mắm, vạn hàng Bè, Bến Tây Long (nay là khu vực Nhà hát lớn)…

Cửa hàng bán tranh trên phố.

Cửa hàng bán tranh trên phố.

Bên cạnh đó, ông cũng miêu tả cái cảnh “đô thị sinh thái”, khi chúa Trịnh Sâm đi vui chơi, du ngoạn trong chốn đô thị phồn hoa như sau :“Vương thích đi chơi ngắm cảnh đẹp, thường ngự ở các ly cung bên Hồ Tây, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy. Việc xây dựng đền đài cứ làm liên tục. Mỗi tháng ba bốn lần Vương ra cung Thụy Liên trên bờ Hồ Tây, binh lính dàn hầu quanh bốn mặt hồ, các nội thần thì đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa chung quanh bờ hồ để bán…Thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như ở cửa hàng trong chợ”.

Người Thăng Long Hà Nội từ vua chúa đến các tầng lớp bình dân đều yêu quý thiên nhiên. Chúng ta hãy xem Phạm Đình Hổ miêu tả về việc yêu cây cỏ thiên nhiên của một vị chúa cùng với cận thần và những người Thăng Long Hà Nội như sau :“Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm, đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. Trong phủ điểm xuyết, bày vẽ ra hình núi non bộ trông như bến bể đầu non”. Bởi vậy ở Thăng Long khi ấy “mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ, tan đàn” .

Thưởng trà - tinh hoa đất Hà thành.

Thưởng trà - tinh hoa đất Hà thành.

Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ phải được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long, cái cảnh sắc đã khiến cho đến một trong những vị sư tổ nổi tiếng về Thiền của Phật giáo là Huyền Quang đã phải thốt lên :

“Khai nhãn túy mang mang”
(vừa mở mắt ra mà đã thấy mình như say choáng váng ).

Chính cuộc sống hàng ngày, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn bó với cái cảnh sắc luôn làm cho người ta “say choáng váng” đó, đã khiến cho người ta mê đắm. Say trở thành mê, mê trở thành tình yêu và cuối cùng người ta có thể tạo nên một lối sống tương xứng với cảnh sắc đó - lối sống luôn đòi hỏi sự thanh cao, lịch lãm.

Cái đô thị nhộn nhịp và sầm uất gắn liền với một không gian phong thủy hữu tình, cỏ cây, sông nước, khí trời đã tồn tại trong suốt lịch sử của Thăng Long Hà Nội. Công nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp và nông nghiệp. Đô thị gắn với nông thôn. Dịch vụ kinh doanh buôn bán gắn liền với nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…

Trải qua tiến trình lịch sử, cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo mỗi thời đại nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch. 

Trải qua tiến trình lịch sử, cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo mỗi thời đại nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch. 

Khi nói đến sự thanh lịch của người Thăng Long chúng ta không thể nói tới sự thanh lịch từ chính cảnh quan của Tây Hồ, bởi vì theo Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, sự ra đời của Hồ Tây gắn liền với tính cách và sự cảm thụ cuộc sống của người Thăng Long - Hà Nội. Cảnh quan Tây Hồ dường như đã là những cảm xúc sáng tạo cho tình yêu nghệ thuật đầu tiên đối với người Hà Nội. Tây Hồ không chỉ là một tấm gương trời nước mênh mang dễ làm ngây ngất lòng người mà còn là tấm gương soi chiếu tâm tư, tình cảm của người Hà Nội:

"Chàng về thiếp cũng xin về
Chàng về Hồ Bắc, thiếp về Hồ Tây"

Câu ca dao trên là nói về tình yêu quê hương của nàng Trịnh Vân Trúc quyết ở lại Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và đã gieo mình tự vẫn ở Hồ Tây chứ nhất quyết không theo chồng là Trần Đông Sơ bỏ theo Hồ Hán Thương về phương Bắc (theo Nguyễn Vinh Phúc - Mặt gương Tây Hồ, trang 194).

Làng tôi có luỹ tre xanh
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng Bên bờ vải, nhãn hai hàng
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng
(Ca dao)

Đọc những câu ca dao về Thăng Long xưa, chúng ta thấy ngay không khí của một đô thị Thăng Long yên bình, có cả lũy tre xanh với những dòng sông và đàn cá bơi lội tung tăng... cái tung tăng của một xã hội hiền hòa, ấm cúng. Ở đây tác giả đã mượn thiên nhiên trong sáng để nói về con người, ca ngợi một cuộc sống yên bình gắn với tình yêu thương của con người, cái không gian đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ những con người trở thành thanh lịch.

Ngọn tháp Báo Thiên ở Thăng Long trong thơ của Phạm Sư Mạnh, thời Trần mới tinh tế và hào hùng biết bao :

Ngã lai dục tỉ đề thi bút
Quản lãnh xuân giang tác nghiễn từ
(tới đây những muốn dầm ngọn bút chiếm cả dòng sông mài mực viết thơ)

Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch từ lời ăn, tiếng nói cho đến những thú vui tao nhã. Ngày xưa, các gia đình giàu có thường mua những chậu thủy tiên cho cô con gái rượu cắt gọt để hoa nở đúng giao thừa. Trong ảnh là một cửa hàng bán hoa thủy tiên, Tết 1929.

Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch từ lời ăn, tiếng nói cho đến những thú vui tao nhã. Ngày xưa, các gia đình giàu có thường mua những chậu thủy tiên cho cô con gái rượu cắt gọt để hoa nở đúng giao thừa. Trong ảnh là một cửa hàng bán hoa thủy tiên, Tết 1929.

Cái chí khí của người Thăng Long muốn chiếm cả dòng sông để mài mực viết thơ theo cách của Phạm Sư mạnh tuy có hơi “ngoa” một chút nhưng lại rất trẻ trung, mạnh mẽ và đầy sức sống Tuy nhiên trên thực tế, trong những áng thơ cổ, các nhà thơ Thăng Long Hà Nội nhìn chung người ta ít tìm đến với phong cách mạnh mẽ kiểu như Phạm Sư Mạnh khi diễn tả tình cảm với thiên nhiên. Họ thường dùng những lời lẽ dịu dàng trìu mến, giữ lấy sự lịch lãm theo kiểu của Lê Thánh Tông và hội Tao Đàn như :

Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc
Sườn núi chim gù ẩn lá xanh.

Tính chất “đô thị sinh thái”, gắn liền cuộc sống thị thành với thiên nhiên, núi non, sông nước, cỏ hoa cũng làm con người trở nên phóng khoáng hơn trong các mối quan hệ xã hội.

Có thể nói về phương diện này, chính môi trường cảnh quan đô thị Thăng Long Hà Nội đã làm nên tính thanh lịch của người Hà Nội.

Hình ảnh phố cổ Hà Nội xưa . Ảnh tư liệu

Hình ảnh phố cổ Hà Nội xưa . Ảnh tư liệu

Cư dân Hà Nội hòa đồng với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên như thế nào thì họ cũng hòa đồng với cộng đồng, tôn trọng cộng đồng và tôn trọng con người trong cộng đồng như vậy. Phong thái giao tiếp của người Hà Nội chính là phong thái mà họ ứng xử với thiên nhiên, phong thái “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Chính thiên nhiên hài hoà đã dạy cho người Thăng Long Hà Nội sự hài hòa và tính tế trong giao tiếp, ứng xử.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có dịch một bài thơ rất hay về phong cảnh xuân Thăng Long của Phạm Đình Hổ, bài Tân hợi du xuân, được làm khi ông Phạm mới ngoài hai mươi tuổi như sau :

Xuân du hà sở kiến
Hồ thượng tiểu đào khai
Nhất trận điều phong quá
Thiên hồng phất tụ lai
Dịch:
Chơi xuân nào thấy gì nào
Bên hồ mấy dãy hoa đào nở tung
Thoảng đưa làn gió ngại ngùng
Hoa vương tay áo nghìn hồng ngời tươi

Câu thơ cho thấy, cái thanh lịch của chàng thư sinh Thăng Long-Hà Nội chính là cái thanh lịch của việc bên cạnh một cuộc sống bộn bề những học vấn và tri thức vẫn luôn cảm nhận được muôn nghìn cánh hồng vương vào tay áo.

Các chàng trai thì như vậy, còn các cô gái thì sao :

Tràng An tiểu nhi nữ
Hoa tiền độc ỷ lan
Chỉ phạ đàn lang thính
Hoành cầm tiếu bất đàn

(Tràng An cô gái nhỏ
Nhìn hoa tựa bên song
Buông đàn cười chẳng gẩy
Sợ chàng nghe tiếng lòng)
(bản dịch của nữ sĩ Kim Anh, trích lại từ Nguyễn Vinh Phúc)

Sự tinh tế trong cảm xúc của cô gái thật là thuần khiết, cái thuần khiết rất đặc trưng của con gái Tràng An.

Item 1 of 4

Phố Hàng Bạc năm 1920 với rất nhiều căn nhà được thiết kế mang nhiều hơi hướng của kiến trúc phương Tây do người Pháp mang vào Việt Nam.

Phố Hàng Bạc năm 1920 với rất nhiều căn nhà được thiết kế mang nhiều hơi hướng của kiến trúc phương Tây do người Pháp mang vào Việt Nam.

Gánh hàng hoa quả và mía trong khu phố cổ trước năm 1930. 

Gánh hàng hoa quả và mía trong khu phố cổ trước năm 1930. 

Những phụ nữ bán hàng ăn trên các đôi quang gánh ở vỉa hè trước năm 1932.

Những phụ nữ bán hàng ăn trên các đôi quang gánh ở vỉa hè trước năm 1932.

Những người phụ nữ từ khu vực ngoại thành vào Hà Nội qua cầu Long Biên.

Những người phụ nữ từ khu vực ngoại thành vào Hà Nội qua cầu Long Biên.

Cảnh bán hoa bên lề đường gần chợ Đồng Xuân năm 1951.

Cảnh bán hoa bên lề đường gần chợ Đồng Xuân năm 1951.

Phố Hàng Than năm 1951 có nhiều xe ngựa, xích lô và phụ nữ quảy quang gánh tấp nập. Thời kỳ Pháp thuộc, nơi đây được đặt tên là Rue du Charbon, gồm những ngôi nhà cổ kính và có nhiều đình chùa.

Phố Hàng Than năm 1951 có nhiều xe ngựa, xích lô và phụ nữ quảy quang gánh tấp nập. Thời kỳ Pháp thuộc, nơi đây được đặt tên là Rue du Charbon, gồm những ngôi nhà cổ kính và có nhiều đình chùa.

Từ sự thanh lịch và an bình tới khả năng tư duy sáng tạo của con người Thăng Long-Hà Nội

Tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình, cũng khiến cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, trong thế giới ngày nay, việc thiên hạ lựa chọn và phong tặng danh hiệu “thành phố hòa bình” cho Hà Nội cũng quả là sáng suốt.

Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long-Hà Nội từ xa xưa cũng còn là một thành phố sáng tạo, nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa Việt nam. Nó cũng thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước.

Về phương diện này, chính môi trường sống Thăng Long Hà Nội cũng tạo cho người Thăng Long Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập, lao động và sáng tạo.

Với tính chất trung tâm và hội tụ của mình, Thăng Long-Hà Nội là nơi tiếp thu khả năng sáng tạo của của cả nước. Theo phân tích của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, chúng ta không nên nhìn nhận văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội “bằng con mắt tĩnh mà cần phải hiểu nó như một khái niệm động”. “Đó phải là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền, là tinh hoa của nhiều vùng miền góp lại mà có. Từ xa xưa nhà Lý quê ở Kinh Bắc, đã đưa văn hóa phật giáo về góp mặt với Thăng Long. Nhà Trần quê ở Tức Mặc đã góp thiên tài ở đất Thiên Trường cho Thăng Long nhiều nữa, tất cả đêu bổ sung vào đội ngũ những con người Thăng Long- Hà Nội chân chính và đều góp phần làm nên thành tựu đa dạng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong văn hóa Việt Nam”.

Ngược lại, Nguyễn Huệ Chi cũng cho rằng, chính môi trường văn hóa Thăng Long Hà Nội “đã có một ưu thế riêng vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”36. Ông cũng nhắc lại lời của Ngô Thì Sĩ khi nói về trường hợp của Lê Quý Đôn đã cho rằng phải thông qua môi trường học vấn của Kinh đô Thăng Long thì Lê Quý Đôn mới có thể trở thành một ông Bảng nhãn uyên bác đến như vậy, mà “nếu chỉ ở Thái Bình thôi thì quyết không bao giờ có được”.

Chính từ đặc điểm mang tính chất trung tâm và tụ hội của Thăng Long Hà Nội mà chúng ta có thể thấy, dường như trong lịch sử phát triển của dân tộc, tất cả những thánh hiền, anh hùng, nghệ sĩ, danh nhân nổi tiếng của dân tộc đều ít nhiều có quan hệ tới mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Hoặc sinh ra lớn lên tại đây, hoặc học hành đỗ đạt tại đây, hoặc lập nghiệp, công thành danh toại tại đây, thậm chí hy sinh thân mình vì mảnh đất này.

Thăng Long xưa luôn được coi là mảnh đất của những người sáng tạo, những thần đồng, những thiên tài. Người ta nói nhân tài nơi đây xuất hiện như lá tre, xuất hiện từ khi tuổi còn rất trẻ, ba tuổi đánh giặc như Thánh Gióng, trẻ chăn trâu, đánh khăng ngoài đường nhưng vẫn có thể ứng đối chữ nghĩa, văn chương trôi chảy. Giai thoại về những cậu học trò đối đáp với sứ thần Trung hoa khiến họ phải bẽ mặt còn lưu giữ mãi cho tới ngày nay.

Người Thăng Long xưa xuất hiện trong giới chính trị, văn nhân tao nhã, ở nơi nào họ cũng đứng nơi vị trí đầu bảng, trong nhóm những người xuất sắc nhất. Đều này dường như là hiển nhiên rồi.

Không gian Tết của một gia đình giàu có ở Hà Nội không thể thiếu cành đào, hoa thủy tiên, bức tranh và đôi câu đối.

Không gian Tết của một gia đình giàu có ở Hà Nội không thể thiếu cành đào, hoa thủy tiên, bức tranh và đôi câu đối.

Nhưng Thăng Long xưa cũng còn có rất nhiều người được coi là “dị nhân”, những tài năng xuất chúng, chẳng có thi cử đỗ đạt gì mà vẫn thông kim bác cổ. Người ta nói nhiều đến môt tầng lớp thật đặc biệt được gọi là “sĩ phu Bắc Hà”, mà đặc trưng nhất cho nhóm người này chính là dân Thăng Long. “Sĩ phu Bắc Hà” có thể có rất nhiều điều khiến cho sĩ phu nơi khác nể sợ cũng có, mà ghen tỵ cũng có, cả cảm phục mà đôi khi cũng cả căm ghét. Nhưng rõ ràng là khi nói đến “Sĩ phu Bắc Hà” thì dường là ít ai phủ nhận được rằng họ là những người đặc biệt, mà đặc biệt nhất chính là họ có tài năng sáng tạo.

Sông Tô nước chảy lượn vòng 
Ấy nơi thục nữ anh hùng giáng sinh
Sông Hồng uốn khúc chảy quanh
Giai nhân tài tử lừng danh chốn này

Các cậu học trò xứ Thăng Long xưa hay chữ đã đành, nhưng ngoài việc vận dụng chữ nghĩa văn chương như thần- trường hợp của “Thần Siêu” (Nguyễn Văn Siêu), “Thánh Quát” (Cao Bá Quát), họ còn là những người uyên thâm bác học, hỏi đâu biết đấy. Không có một mảnh đất thuận lợi một môi trường học vấn cao như Thăng Long thì điều đó thật khó có thể có được.

Thăng Long là mảnh đất sinh ra, nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài. Thăng Long cũng là nơi phát hiện, rèn luyện và sử dụng nhân tài. Và sau cùng, cái miền “phồn hoa thứ nhất Long thành” cũng là môi trường hoạt động khắc nghiệt để chọn lựa và đào thải nhân tài.

Ngày xưa, sống ở đất Kinh kỳ Thăng Long mà không học hành, rèn luyện, lao động miệt mài là khó có thể tồn tại được. Văn hóa Thăng Long dường như không chấp nhận những sự dễ dãi. Công tử bậc nhất kinh thành như cậu Chiêu Bảy (Nguyễn Du), cha là Nguyễn Nghiễm làm đến tể tướng, anh Nguyễn Khản là Tả thị lang Bộ Hình, đều là quan đại thần, học vấn tri thức đầy mình, thế mà thuở nhỏ vẫn phải ngày ngày qua đò sang sông để học tập thêm.

Ở một môi trường đầy những nhân tài, tri thức và học vấn nếu không cẩn thận sẽ bị coi thường ngay. Ai dám bảo chỉ có những người mũ cao áo rộng, xa mã cao sang mà ngay cả những kẻ trông bề ngoài rất bình dị xung quanh ta đều có thể là những nhân tài “thơm tho hoa sói hoa nhài, khôn khéo thợ thầy Kẻ Chợ”. Người nào chỉ hợm mình chút ít thôi sẽ trở thành một lũ “dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”, nhẹ nhàng thì cũng bị gọi lại để nhắc nhở kiểu như :

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
(Hồ Xuân Hương)

Tài giỏi đến như Trương Hán Siêu, ở dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương mà đôi lúc vẫn bị người Thăng Long gọi là người của “thôn cầu cước” (kẻ đá cầu ở thôn dã). Chẳng thế mà có người cho rằng, trong sự ác cảm của Tự Đức đối với Cao Bá Quát có cả sự biểu hiện của một chút tự ti, một chút mặc cảm của một ông vua đầy quyền lực, tự phụ trước một nhân tài Thăng Long mà tự mình hiểu rằng về học vấn khó có thể sánh bằng.

Người Thăng Long-Hà Nội đa tài, năng động và sáng tạo một phần cũng nhờ bầu không khí đa tài và năng động của chính Thăng Long - Hà Nội. Tài năng của Thăng Long-Hà Nội, được đào tạo từ các lò học của mảnh đất này là sự hòa quyện giữa tính uyên bác, hàn lâm với tính dân gian, dân dã, giữa sự nghiêm túc, chỉnh chu với sự phóng khoáng, trẻ trung, phá cách… Nó đa dạng giống như bầu trời và mặt đất của Thăng Long - Hà Nội vậy, khi trong sáng mạnh mẽ tươi tắn, lúc trầm mặc sâu lắng. Uyên bác như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, tài hoa và nghệ sĩ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, đài các và quý phái như Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan

Thăng Long-Hà Nội không chỉ là một lò đào tạo nhân tài mà còn là nơi rèn luyện bản lĩnh và nhân cách con người. Bên cạnh môi trường học tập, rèn luyện, Thăng Long còn là mảnh đất tốt để lập thân lập nghiệp. Chính môi trường sống, lao động, làm việc của chốn đô thành đã làm nảysinh, tôi luyện nên biết bao nhiêu những tài năng cho đất nước.

Ngay từ thế kỷ thứ XIV, khi viết cuốn Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi đã miêu tả không khí lập thân lập nghiệp của môi trường Thăng Long như sau: “Thượng Kinh là kinh đô vua. Thời Ngô, quận thú là Sĩ Vương đóng đô ở đấy. Thời Đường, đô hộ là Cao Vương đắp thành Đại La ở đấy. Từ Lý đến nay cũng đóng đô ở đấy. Có một phủ lộ, hai thuộc huyện, ba mươi sáu phường…Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm, võng gấm, chồi và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn”. Thêm vào những miêu tả của Nguyễn Trãi chúng ta còn biết thêm về Nghi Tàm, Nhật Tân trồng hoa, Yên Phụ nuôi cá cảnh, Đại Yên trồng cây thuốc, Vùng Buởi, An Thọ, Đông xã, Hồ Khẩu làm giấy (mịt mù khói toả ngàn sương nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ), Kiêu Kỵ làm quỳ vàng, Ngũ Xã đúc đồng, chạm gỗ, Làng Me, Phù Khê, các phố Hàng Mây, Hàng tre làm hàng đan lát thủ công…

Hoạt động lao động nghề nghiệp ở Thăng Long xưa rất được tôn trọng. Những người có công trạng đóng góp, phát triển nghề được đề cao, thậm chí tôn thờ tại những nơi trang trọng nhất. Chẳng hạn người ta thờ Bà chúa nghề dệt lụa ở Nghi Tàm, Bà chúa nghề dệt lĩnh ở Tây Bắc Hồ Tây (Trích Sài, Bái An, Yên Thái, Nghĩa Đô…), Bà chúa dệt vải ở Thành Công.

Thợ lành nghề ở Thăng Long được đào tạo bài bản, trước khi hành nghề thường được làm lễ cúng tổ nghề. Chính không khí học tập lao động nghề nghiệp nghiêm túc đã tạo ra những người thợ trẻ tuổi lành nghề, biết yêu quý nghề nghiệp, có bản lĩnh trong cuộc sống lao động trưởng thành.

Môi trường sống của Thăng Long-Hà Nội, đặc biệt là bầu không khí đặc thù của văn hóa Thăng Long-Hà Nội cũng là chiếc nôi nuôi dưỡng, đào tạo nên những con người có phong thái Thăng Long-Hà Nội, phong thái thanh lịch, an bình và sáng tạo.

Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước kia.

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước kia.

Hàng bán đồ ăn hấp chín vào năm 1930. Tác phẩm tại triển lãm do các nhiếp ảnh gia Pháp thực hiện khi đến Việt Nam giai đoạn 1915-1955.

Hàng bán đồ ăn hấp chín vào năm 1930. Tác phẩm tại triển lãm do các nhiếp ảnh gia Pháp thực hiện khi đến Việt Nam giai đoạn 1915-1955.

Phố Hàng Bông.

Phố Hàng Bông.

Hai cậu bé này cũng phụ giúp bố mẹ bán đào ở chợ Đồng Xuân Tết năm 1929.

Hai cậu bé này cũng phụ giúp bố mẹ bán đào ở chợ Đồng Xuân Tết năm 1929.

Nhân 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa những nghiên cứu để xác định rõ hơn các giá trị cốt lõi của văn hóa và con người Thăng Long-Hà Nội, trên cơ sở đó xây dựng các chuẩn mực mới về pháp luật, đạo đức và phong tục tập quán, kế thừa những gì tốt đẹp truyền thống về việc giữ gìn không gian đô thị sinh thái, môi trường sống văn hóa thanh lịch và sáng tạo phù hợp với những điều kiện của xã hội hiện đại.

Với tinh thần đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, Hà nội ngày nay đã hội tụ đầy đủ những điều kiện tốt nhất, thiên thời, địa lợi và nhân hòa, để kế tục và phát huy những nét đẹp trong truyền thống của người Thăng Long-Hà Nội, đưa Thủ đô của chúng ta vươn tới một tầm cao mới, xứng đáng với danh hiệu thành phố anh hùng - thành phố vì hòa bình - thành phố sáng tạo.

Toàn cảnh Hà Nội đầu thế kỷ XX nhìn từ trên cao, trung tâm là tháp rùa nổi lên trên hồ Gươm, phía xa là sông Hồng và cầu Long Biên.

Toàn cảnh Hà Nội đầu thế kỷ XX nhìn từ trên cao, trung tâm là tháp rùa nổi lên trên hồ Gươm, phía xa là sông Hồng và cầu Long Biên.

Nội dung: GS,TS. Đặng Cảnh Khanh
Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN