Hà Nội luôn có sức hút đặc biệt và để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại đây. Hơn thế, có những người coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình với quyết định gắn bó lâu dài với thành phố này.
Xavier Depouilly
Doanh nhân người Pháp, sống và làm việc tại Hà Nội trong suốt 24 năm qua
Hà Nội không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là 'Thủ đô quyến rũ nhất Đông Nam Á' với sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa truyền thống và sự phát triển hiện đại.
Daniel Van Houtte
Chuyên gia kinh tế người Bỉ, giảng viên tại Chương trình liên kết đào tạo quốc tế-Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có hơn 25 năm gắn bó với Hà Nội
Hà Nội luôn chú trọng và thành công trong việc duy trì bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Isabelle Muller
Nhà văn người Đức, đến Hà Nội lần đầu tiên vào những năm 1990
Dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của sự hiện đại hóa, song Hà Nội vẫn gìn giữ bảo tồn được các di sản văn hóa và nhiều nét truyền thống. Điều này khiến cho Hà Nội trở thành địa danh hấp dẫn. Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự kết hợp hài hòa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại.
Ông Xavier Depouilly đến Hà Nội vào năm 2000 để làm việc tại Phòng Kinh tế thuộc Đại sứ quán Pháp. Hiện ông là Giám đốc Điều hành của công ty cố vấn nghiên cứu thị trường Indochina Research Vietnam.
"Tôi rất ấn tượng với không khí sống động vào buổi sáng ở Hà Nội, đặc biệt là xung quanh Hồ Tây và Hồ Hoàn Kiếm. Ở những nơi này, thường xuyên có các hoạt động thể dục của người dân diễn ra từ sáng sớm. Những nhóm nhảy, nhóm tập thể dục aerobic tập hợp lại để bắt đầu một ngày mới cùng nhau trong không khí thân thiện, hồ hởi. Khu phố cổ là nơi độc đáo mà tôi rất thích đi bộ tham quan, nhất là trong giờ nghỉ trưa hằng ngày, để quan sát, cảm nhận sự nhộn nhịp của các cửa hàng trong phố cổ và phố nghề thủ công truyền thống đặc trưng của Hà Nội". Ông Xavier Depouilly chia sẻ với phóng viên Nhân Dân điện tử.
Ông Xavier Depouilly cho biết, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống và bản sắc riêng, với sự chú trọng công tác bảo tồn các địa điểm mang tính biểu tượng của thủ đô như: Khu phố cổ, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Trấn Quốc... Những biểu tượng này không chỉ là di sản văn hóa của Hà Nội mà của cả Việt Nam. Bởi thế, việc phổ biến nâng cao nhận thức cho mọi người về giá trị văn hóa và lịch sử của các địa danh này không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm cho người dân và du khách mỗi khi tham quan, khám phá, tìm hiểu Hà Nội.
Hà Nội đã và đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ trong cảm nhận của bà Isabelle Muller.
Bà cho biết: So với những năm 1990, khi đến Việt Nam lần đầu tiên, Hà Nội có nhiều thay đổi tích cực về mọi mặt. Mỗi lần trở lại Hà Nội, tôi lại có những cảm nhận mới nhưng luôn gần gũi, thân thuộc.
Mỗi lần trở lại Hà Nội, tôi lại có những cảm nhận mới nhưng luôn gần gũi, thân thuộc, từ diện mạo của thành phố cũng như cuộc sống hằng ngày. Nhiều khu phố hiện đại được xây dựng, quy hoạch các khu vực của Hà Nội cũng quy củ, tiện ích và khang trang hơn, những cây cầu và những con đường to rộng hơn.
Nhịp sống gần đây cũng sôi động hơn nhiều. Có nhiều trung tâm thương mại nhộn nhịp, nhiều khu dân cư sầm uất, nhiều ngân hàng và khách sạn quốc tế. Cơ sở hạ tầng của Hà Nội cũng đã được đầu tư chỉnh trang hiện đại hóa và thuận tiện hơn. Công nghệ thông tin và hệ thống mạng Internet cũng phát triển mạnh mẽ. Cuộc sống và công việc ở đây rất thuận tiện.
Đặc biệt, nhiều công trình cổ ở Hà Nội vẫn được bảo tồn với kiến trúc độc đáo, những khu phố cổ, các chợ truyền thống và những ngôi đình, chùa, làng cổ. Bên cạnh sự sôi động, nhộn nhịp, Hà Nội vẫn mang dáng vẻ yên bình, với nhiều khu phố nhỏ, tĩnh lặng và xanh mát, mang đến không gian sống thoải mái, dễ chịu.
Ngày nay, Hà Nội được mở rộng, với nhiều không gian và công trình kiến trúc hiện đại tạo cho thành phố nét hiện đại, năng động và hội nhập quốc tế.
Với Isabelle Muller, bà rất quan tâm lĩnh vực thời trang và văn hóa ăn mặc của người Hà Nội: Tuy gần đây có ảnh hưởng của sự du nhập văn hóa thời trang thế giới, nhưng Hà Nội vẫn giữ những nét văn hóa thời trang độc đáo của mình, nhất là trang phục áo dài. Ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam tự hào diện trang phục áo dài truyền thống trong các dịp lễ hội và sự kiện quan trọng.
Đối với Daniel Van Houtte, Hà Nội như quê hương thứ hai của ông. Đã hơn 25 năm đến mảnh đất này, mọi thứ đều rất quen thuộc và gần gũi đối với ông: Người Hà Nội tôn trọng sâu sắc truyền thống và lịch sử của cha ông. Các lễ hội truyền thống vẫn được tổ chức trang trọng và rộng rãi. Hà Nội có nhiều di tích lịch sử và văn hóa như: Văn Miếu, Chùa Một Cột, khu phố cổ... Những địa danh này không chỉ là các điểm thu hút du khách mà còn là biểu tượng của di sản văn hóa Hà Nội.
Trong thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng giáo dục các thế hệ trẻ về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản văn hóa. Trường học và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải các giá trị và truyền thống cho các thế hệ con cháu. Điều quan trọng là Hà Nội biết cách tiếp thu các yếu tố hiện đại trong khi vẫn gìn giữ, bảo tồn bản sắc riêng của mình.
Hơn hai thập kỷ có mặt ở Hà Nội, ông Daniel Van Houtte hiểu biết khá rõ nét về thành phố này: Hà Nội là một thành phố có sự giao thoa hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Những nét truyền thống thấm đượm sâu sắc vào văn hóa gia đình, cộng đồng, xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong các lễ hội, các đình, đền, chùa... Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung đều có tính đoàn kết mạnh mẽ, tôn trọng ông cha tổ tiên, những bậc cao niên. Một trong những trải nghiệm văn hóa đặc trưng khi đến Hà Nội đó là những buổi biểu diễn múa rối nước, đi dạo bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, giúp ta hiểu rõ hơn về văn hóa và cuộc sống trong thành phố. Hơn nữa, việc tự khám phá trong những ngõ phố Hà Nội mang lại những trải nghiệm độc đáo và thú vị.
Hà Nội còn có nền ẩm thực độc đáo, với những món ăn đa dạng thu hút nhiều người nước ngoài, nhất là những người đã sống và làm việc trong thời gian dài tại đây
Ông Daniel Van Houtte: Các món ăn của Hà Nội phong phú và đặc trưng. Phở, bún chả, bánh mì là những món ăn không thể bỏ qua. Một trong những điều hấp dẫn người nước ngoài trong ẩm thực Hà Nội là sự đa dạng, mùi vị của các loại rau thơm và sự cân bằng giữa các hương vị ngọt, mặn, chua, cay. Những bữa ăn đường phố cũng là trải nghiệm ẩm thực thú vị, với nhiều món ăn ngon. Tôi thích nhất món phở, với nước xương hầm và các gia vị như quế, hoa hồi, gừng tạo hương vị đậm đà, bánh phở mềm nhưng dai, với một số loại rau thơm như rau mùi và húng quế. Ở Hà Nội, ta có thể thưởng thức các món ăn tại các quán nhỏ, chợ truyền thống hay trên hè phố từ những người bán rong.
Ông Xavier Depouilly: Các món ăn của Hà Nội rất phong phú, mùa nào thức ấy. Vào mùa đông, tôi đặc biệt thích món chả cá, một món cá nướng với cách chế biến độc đáo và được thưởng thức trong không gian ấm cúng.
Bà Isabelle Muller: Ẩm thực ở Hà Nội ngày càng được nhiều người trên thế giới biết tới. Hà Nội là nơi tập trung nhiều món ngon truyền thống. Tại đây còn có thể tìm được những món ăn đa dạng và phong phú từ khắp các vùng miền và nhiều nơi trên thế giới. Món ăn yêu thích nhất của tôi ở Hà Nội là phở gà. Tôi thích vị nước dùng với bánh phở và thịt gà, cùng với các loại rau thơm, hành và chanh. Tôi cũng hay thưởng thức bánh cuốn vào bữa sáng. Những lá bánh cuốn mỏng, được hấp chín và được nhồi thịt lợn băm, nấm và hành phi thật sự hấp dẫn. Tôi thường ăn bánh cuốn với nước mắm và rau sống. Thứ ba là chả cá. Cá được ướp nghệ rồi nướng, bày trên một lớp rau thì là và hành lá, ăn kèm với bún, lạc rang, rau thơm và nước mắm. Thật tuyệt!
Sự phát triển mạnh mẽ, nâng cấp chỉnh trang hạ tầng cơ sở, quy hoạch đô thị, mở cửa hội nhập kinh tế và cải thiện thủ tục hành chính cùng với chính sách thu hút đầu tư khiến Hà Nội trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư mà cả khách du lịch quốc tế
Ông Xavier Depouilly: So với cách đây 24 năm, khi tôi đến Hà Nội lần đầu tiên, thành phố đã đổi thay rất nhiều. Hà Nội mở rộng quy mô hơn, tạo thêm động lực phát triển. Nhiều dự án phát triển đô thị đã được triển khai ở các khu vực ngoại ô nhằm giảm tải cho trung tâm thành phố. Hơn nữa, nhiều dịch vụ công đã được thiết lập tại những khu vực này nhằm tối ưu hóa không gian sử dụng cho Hà Nội. Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch quyến rũ nhất ở Đông Nam Á. Việc đơn giản hóa các thủ tục visa điện tử là bước tiến tích cực để thu hút du khách quốc tế. Việc tổ chức những khu vực đi bộ trong trung tâm thành phố là rất phù hợp, giúp bảo vệ môi trường và tạo cho du khách nhiều trải nghiệm.
Ông Daniel Van Houtte: Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách Đổi Mới, Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 5-6% mỗi năm. Đây là con số ấn tượng. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hà Nội tăng trung bình 7,41% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đáng kể. Ngành thương mại của Hà Nội cũng được nâng cấp, hiện đại hóa, với sự xuất hiện của nhiều trung tâm thương mại lớn. Ngành du lịch của Hà Nội cũng phát triển mạnh mẽ, với những sự kiện văn hóa và lễ hội hấp dẫn. Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Trong thời gian qua, chính sách thu hút đầu tư của Hà Nội được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao
Theo ông Daniel Van Houtte: Trước hết, Hà Nội đã thực hiện tốt những cải cách để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Thành phố đã đưa ra nhiều ưu đãi thuế, miễn giảm một số loại thuế. Hà Nội còn quan tâm đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu và hệ thống giao thông công cộng... Đặc biệt, sự ổn định chính trị và kinh tế của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư dài hạn. Cùng với đó, lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt là một lợi thế lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày xuất bản: 25/10/2024
Tổ chức thực hiện: VĂN ANH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: MINH HẠNH
Trình bày: PHAN THẠCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NHÂN VẬT CUNG CẤP
E-MAGAZINE
nhandan.vn