Bài 1:

HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ, KẾT NỐI LIÊN VÙNG

QUẢNG NINH: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TRONG LIÊN KẾT VÙNG

Với tư duy "có đại lộ là có đại phú", từ cách đây nhiều năm, Quảng Ninh đã nỗ lực đầu tư không ngừng để có được hệ thống hạ tầng đồng bộ, khẳng định vai trò quan trọng trong liên kết vùng.

Theo các tuyến hành lang kinh tế mà Nghị quyết 30-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có mặt ở 3/4 tuyến này.

Đồng thời, tỉnh cũng có sự kết nối với tuyến hành lang kinh tế còn lại là tuyến bắc - nam (Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau) thông qua trục cao tốc chạy dọc tỉnh, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tỉnh Quảng Ninh xác định và có nhiều phương án để đẩy mạnh hơn nữa định hướng liên kết sâu rộng để phát triển
Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh

Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, liên kết sâu rộng để phát triển là một trong những định hướng được tỉnh Quảng Ninh xác định và có nhiều phương án nhằm đẩy mạnh hơn nữa.

Do vậy, Quảng Ninh đã, đang và ưu tiên cho việc tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đảm bảo đồng bộ, liên thông tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hóa lãnh thổ.

Quảng Ninh ưu tiên tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược.

Quảng Ninh ưu tiên tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược.

Hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Quảng Ninh kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “1 tâm, 2 tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá”, nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thực hiện Nghị quyết, Quảng Ninh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết vùng, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế…

Để cởi bỏ “nút thắt” về hạ tầng giao thông, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp Quảng Ninh đã tìm tòi con đường đi riêng cho mình bằng những ý tưởng táo bạo, riêng có, dùng đầu tư công như vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội hướng tới mục tiêu phát triển.

Tư duy "có đại lộ là có đại phú", năm 2012, tỉnh đề xuất và mạnh dạn thể nghiệm về thể chế bằng việc đề xuất với Chính phủ tự làm đường cao tốc, sân bay quốc tế và cảng biển chuyên dụng với những lý lẽ thuyết phục, chứng minh nguồn tài chính và đã được Chính phủ chấp thuận. Một tiền lệ chưa từng có trong ngành Giao thông Vận tải Việt Nam, khi đây là hạng mục công trình do Chính phủ đầu tư.

Năm 2014 khởi động cho chuỗi các dự án giao thông động lực, trọng điểm được bắt đầu khi cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cao tốc đường bộ đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng.

Chỉ sau chưa đầy 10 năm, lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách chuyên biệt Hạ Long đại diện cho cánh cửa bầu trời và cánh cửa đại dương nối thẳng với thế giới cũng được đầu tư đồng bộ, đi kèm là những giá trị cảnh quan hiện đại, đẳng cấp, kết nối liên thông tổng thể cùng trục cao tốc đường bộ.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có 3 tuyến cao tốc, gồm: Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có 3 tuyến cao tốc, gồm: Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái.

Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km, trở thành cửa ngõ cao tốc đường bộ đầu tiên nối thẳng Việt Nam, ASEAN với thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Trục cao tốc được ví như mạch máu của sự phát triển khi kết nối đến hầu khắp các trung tâm kinh tế, du lịch, khu công nghiệp và đô thị của tỉnh trong tổng thể liên thông, đồng bộ, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển.

Quảng Ninh đã trở thành tỉnh sở hữu đa dạng, đồng bộ và nhanh nhất cả nước về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông và thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh. Đây chính là động lực quan trọng để tăng trưởng, hình thành chuỗi kết nối kinh tế.

Quảng Ninh đã trở thành tỉnh sở hữu đa dạng, đồng bộ và nhanh nhất cả nước về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường hàng không và đường biển

Do vậy, với vai trò "đi trước, mở đường" của giao thông, để khai thác lợi thế về vị trí chiến lược của tỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền… Quan điểm của tỉnh là tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong và ngoài tỉnh. Điều này sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Ngày xuất bản: 14/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND