Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cung cấp sức người, sức của chi viện cho các chiến trường trên cả nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình đối với dân tộc, cũng như đối với bạn bè quốc tế. Đó là thành tích đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền. Cả dân tộc được hồi sinh và bắt tay vào xây dựng chế độ mới. Tuy nhiên, lúc này, giặc ngoài, thù trong cấu kết với nhau cùng với nạn đói khủng khiếp đã đặt đất nước vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”…

THỰC DÂN PHÁP KHÔNG THỂ ĐỨNG CHÂN ĐƯỢC Ở HÀ TĨNH DÙ CHỈ MỘT NGÀY

Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ đầu, nhân dân Hà Tĩnh đã đối mặt trực tiếp với chiến tranh. Địch đánh từ phía Lào sang, từ thành phố Vinh lăm le tiến vào, từ phía Quảng Bình tập kích đánh ra. Trong bối cảnh đó, Hà Tĩnh vẫn kịp thời cung cấp cho chiến trường Nam Bộ những thanh niên ưu tú. Các đơn vị nam tiến của Hà Tĩnh lập được nhiều chiến công trên các mặt trận, nêu nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, trong đó có sự hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Lê Bình. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, địch đã nhiều lần đổ bộ lên các cửa biển như: Cửa Nhượng, Cửa Sót…, thả biệt kích, cho máy bay ném bom đánh phá, nhưng quân và dân Hà Tĩnh đã chiến đấu dũng cảm, không để cho thực dân Pháp đứng chân được trên quê hương của mình trọn một ngày. Hà Tĩnh giữ vững là vùng tự do, cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, địch đã nhiều lần đổ bộ lên các cửa biển như: Cửa Nhượng, Cửa Sót…, thả biệt kích, cho máy bay ném bom đánh phá, nhưng quân và dân Hà Tĩnh đã chiến đấu dũng cảm, không để cho thực dân Pháp đứng chân được trên quê hương của mình trọn một ngày. Hà Tĩnh giữ vững là vùng tự do, cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường.

Trên đất Hà Tĩnh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, có nhiều phong trào nổi tiếng như: phong trào đi dân công hỏa tuyến và tiếp tế chi viện cho mặt trận Trung Lào, mặt trận Bình-Trị-Thiên, chiến dịch Điện Biên Phủ; phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ; phong trào tự sản, tự tiêu, tự cung cấp… Vào thời đó, Hà Tĩnh đã tự sản xuất được giấy, bút mực cho học sinh; đã có những xưởng đúc súng đạn, xưởng in bạc tài chính, sản xuất đủ lương thực và nộp thuế nông nghiệp vượt mức; sản xuất đường mật, nước mắm, dệt vải, dệt lụa, làm đồ sành, đồ gốm, buôn bán trên bến dưới thuyền… Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân vừa tham gia kháng chiến, giữ vững vùng tự do, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa, giáo dục, vừa củng cố chính quyền, đào tạo cán bộ, cung cấp cán bộ cho cả nước, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ ưu tú hoạt động trên các lĩnh vực. Hà Tĩnh còn là tỉnh thực hiện sớm giảm tô, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức… tạo sinh khí mới trong nông thôn, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Bên tượng đài anh hùng Phan Đình Giót ở xã Cẩm Quan huyện Cẩm Xuyên

Bên tượng đài anh hùng Phan Đình Giót ở xã Cẩm Quan huyện Cẩm Xuyên

TẤT CẢ CHO TIỀN TUYẾN

Từ mùa hè năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương đã có những chuyển biến quan trọng. Lực lượng kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh cả thế và lực. Điều kiện để tiến lên giành thắng lợi lớn, quyết định của cuộc kháng chiến ngày càng hiện ra rõ rệt. Trong lúc đó, thực dân Pháp ngày càng gặp nhiều khó khăn mới, bị thất bại nặng nề hơn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Để cứu vãn tình thế, tháng 5/1953, được Đế quốc Mỹ thỏa thuận và tài trợ, Pháp đã cử tướng Navarre làm Tổng chỉ huy các lực lượng viễn chinh ở Đông Dương và vạch ra một kế hoạch chiến lược hòng chuyển bại thành thắng.

Trong bối cảnh chiến cuộc chung và với vị trí của một tỉnh hậu phương, từ giữa năm 1953, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tập trung cao độ sự lãnh đạo vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc địa phương. Ra sức bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chi viện cao nhất sức người, sức của cho các chiến trường.

Hòng phá hoại, cản trở phát triển sản xuất và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, từ đầu năm 1953 đến tháng 7/1954, thực dân Pháp đã tăng cường đánh vào Hà Tĩnh. Máy bay của chúng liên tục đánh phá giao thông và các cơ sở kinh tế, các vùng dân cư trong tỉnh, trong đó có một số vụ nghiêm trọng gây thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân ở Hoàng Vang (Kỳ Anh), Chu Lễ, Phú Xuân, Tây Hồ, Trúc, Thanh Luyện, Hợp Phố (Hương Khê)…

Ở vùng biên giới, tháng 8/1953, lực lượng biệt kích gồm cả lính Pháp và lính ngụy Lào đột nhập Giáo phận Kim Cương (Hương Sơn) và Hương Quang (Hương Khê) bắt nhân dân để khủng bố, khai thác tin tức. Ở vùng ven biển, hoạt động của chúng ngày càng ráo riết hơn. Chúng liên tục tập kích, càn quét, phá hoại, bắn giết đồng bào ta ở Thịnh Lộc (Can Lộc), Cẩm Nhượng, Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên). Tuy nhiên, lực lượng du kích tại chỗ của các huyện Hương Khê, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên với sự chi viện của Trung đoàn 18 đã chiến đấu bảo vệ làng, giết và làm bị thương hàng chục tên địch, đánh đuổi chúng ra khỏi địa phương.

Riêng trận chiến ở Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) ngày 4/9/1953, quân ta đã kiên cường chiến đấu từ 6 giờ sáng đến 13 giờ chiều đánh lui 3 đại đội địch có máy bay, tàu chiến yểm trợ, diệt 40 tên, bắt sống 3 tên, buộc địch phải rút ra biển. Đây là một trong những trận chiến đấu và chiến thắng có ý nghĩa lớn của lực lượng quân dân Hà Tĩnh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong bối cảnh chiến cuộc chung và với vị trí của một tỉnh hậu phương, từ giữa năm 1953, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tập trung cao độ sự lãnh đạo vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc địa phương.

Hành động phá hoại của địch tuy có làm tổn hại về người và của cho nhân dân Hà Tĩnh, song chúng đã gây thêm lòng thù hận, làm cho tinh thần kháng chiến của nhân dân ta ngày càng lên cao. Sau mùa hè năm 1953, ngoài việc huy động 2.235 tấn gạo, 25 tấn muối chuẩn bị cho chiến trường Bình-Trị-Thiên đánh mạnh trong Đông Xuân 1953-1954, từ tháng 10/1953, Hà Tĩnh còn huy động lương thực, thực phẩm cung cấp cho Đại đoàn 325 đang đứng chân tại địa phương của mình.

Item 1 of 2

Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (người thứ hai, hàng sau, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch trong trận mở màn đánh chiếm cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (người thứ hai, hàng sau, từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với đồng đội trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh đã anh dũng hy sinh khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch trong trận mở màn đánh chiếm cứ điểm Him Lam, chiều 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa... ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa... ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đối với chiến trường Lào, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định mở chiến dịch Trung Lào. Sau khi nhận chỉ thị của Tổng Quân ủy-Bộ Tổng tư lệnh (do đồng chí Hoàng Văn Thái phổ biến), ngày 18/11/1953, một bộ phận của Đại đoàn 304 rời Thanh Hóa hành quân vào tập kết ở Hương Khê hợp với Đại đoàn 325 thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch do đồng chí Hoàng Sâm, Trần Quý Hai chỉ huy. Tổng quân số tham gia chiến dịch lên tới 10.000 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm mang theo được cấp phát tại Tổng kho Chu Lễ (Hương Khê). Trung ương Đảng và Khu ủy giao cho Hà Tĩnh nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, có huy động thêm một số ở Nghệ An và vùng giải phóng bắc Quảng Bình.

Để bảo đảm bí mật, lúc bộ đội xuất quân mới triển khai huy động dân công mở đường và mở các trạm vận chuyển. Chiến dịch kéo dài 6 tháng liền nên Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình đã phải nỗ lực rất lớn, liên tục để phục vụ bộ đội chiến đấu dài ngày trên đất nước bạn. Toàn bộ chiến dịch đã huy động 80.909 dân công, với 5.944.865 công, trong đó Hà Tĩnh là tỉnh đảm nhiệm phần lớn, tới 56.000 người, riêng số dân công của Hà Tĩnh có mặt phục vụ trực tiếp trên đất Lào là 28.300 người. Bình quân, mỗi dân công Hà Tĩnh đã phục vụ chiến dịch hơn hai tháng rưỡi. Khối lượng vật chất trực tiếp cung cấp cho chiến dịch gồm 3.409 tấn gạo, 154 tấn muối, 2.102 con trâu bò (chưa kể số huy động được ở nước bạn), cấp phát 50 tấn vũ khí, đạn dược. Tháng 1/1954, Hà Tĩnh đã huy động được 1.299 thuyền các loại, 394 xe đạp thồ và hàng trăm phương tiện vận tải thô sơ khác phục vụ công tác vận tải cho chiến dịch. Tổng số lương thực cấp cho bộ đội, dân công hỏa tuyến lên tới 15.000 tấn.

Được hậu phương hết lòng chi viện và phục vụ, Liên quân Việt-Lào đã giành thắng lợi, giải phóng gần hết vùng Trung và Hạ Lào, diệt 4.000 tên địch, bắt sống 1.000 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị… Chiến thăng Trung – Hạ Lào, trong đó có đóng góp xứng đáng của quân và dân Hà Tĩnh, đã phối hợp đắc lực, hiệu quả với chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến trường khác đưa cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân dân ta đến thắng lợi./.

Ngô Tuấn lược trích từ Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Hà Tĩnh 1930-1975, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2014
Trình bày: Ngọc Toàn