Dù ở cách xa chiến trường Điện Biên Phủ hàng trăm kilomet, nhưng quân dân Thủ đô đã giáng những đòn nặng nề vào binh lực của thực dân Pháp, ngăn chặn việc quân Pháp tiếp viện cho chiến trường, đặc biệt trong đó phải kể đến trận đánh sân bay Gia Lâm, tiêu diệt nhiều máy bay địch. Bên cạnh đó, nhân dân Thủ đô còn triển khai nhiều hoạt động phản kháng, làm thất bại âm mưu bắt lính của địch. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra khi Hà Nội đã trải qua một thời gian dài là vùng tạm chiếm của thực dân Pháp. Trong suốt thời gian ấy, bằng nhiều hình thức khác nhau, quân và dân Thủ đô, nhất là thế hệ học sinh, sinh viên đã có nhiều hoạt động tuyên truyền Cách mạng, đấu tranh phản kháng chế độ thực dân như: biểu tình, bãi khóa, đấu tranh chống bắt lính, đấu tranh đòi quyền lợi... và nhiều hoạt động bí mật khác.

Năm 1953, Tướng Nava đề ra kế hoạch “Lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh; dùng người Việt đánh người Việt”, phong trào đấu tranh chính trị, kinh tế ngày càng sôi nổi. Đặc biệt là chúng ta thành công trong việc vận động chống bắt lính. Từ đó, hàng nghìn thanh niên đã trốn ra vùng tự do an toàn, tham gia Cách mạng. Kế hoạch bắt thanh niên đi lính, xây dựng đội quân ngụy mạnh của Nava cơ bản bị phá sản.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trên tất cả phương diện. Về phía Pháp, từ khi xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ thì sân bay Gia Lâm trở thành căn cứ hành quân, hậu cần cho tập đoàn cứ điểm này. Máy bay của địch từ các sân bay như: Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng)… cất cánh tiếp viện vũ khí, đạn dược, chở quân, lương thực… đến chiến trường Điện Biên.

Chính vì vậy, Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội hạ quyết tâm vượt mọi khó khăn tập kích vào đây, nhằm phá hủy nhiều máy bay và cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, tiêu diệt sinh lực địch, làm gián đoạn cầu hàng không Gia Lâm-Điện Biên Phủ. Đồng thời gây tiếng vang về chính trị, làm hoang mang tinh thần địch.

Máy bay địch bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Gia Lâm.

Máy bay địch bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Gia Lâm.

Các chiến sĩ từng tham gia trận đánh sân bay Gia Lâm.

Các chiến sĩ từng tham gia trận đánh sân bay Gia Lâm.

Do tầm quan trọng của sân bay Gia Lâm nên Pháp bố trí một lực lượng đông đảo để bảo vệ sân bay pháo binh, xe tăng, tàu chiến và hệ thống đồn bốt dày đặc. Riêng lực lượng bảo vệ trong sân bay có khoảng 2.000 tên gồm một trung đoàn lính Âu-Phi và lính người Việt thiểu số, một đội mật thám do một sĩ quan Pháp chỉ huy. Một vành đai boong ke bố trí sát hàng rào. Bảo vệ bên ngoài là một hệ thống đồn bốt, bảo an và hàng rào dây thép gai dày đặc, có cài mìn. Các tiểu đội lính Âu-Phi mang theo chó béc-giê thường xuyên đi tuần trên đường băng, xe bọc thép tuần tra ở rìa đường băng. Ban đêm hệ thống đèn pha chiếu sáng khắp sân bay.

Mỗi lần nghi ngờ ta hoạt động, chúng cho máy bay lên thẳng bay lượn quan sát. Phía ngoài sân bay chúng thường dùng từ hai đến ba xe bọc thép tuần tra quanh khu vực. Ngoài ra hệ thống mật thám, chỉ điểm, hội tề… thường xuyên sục sạo vào các làng xã chung quanh để nắm tình hình hoạt động của ta.

Đây là một căn cứ quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, quanh khu vực này có vùng bãi người dân trồng dâu, xen lẫn cánh đồng lau sậy um tùm, tiện cho ta giấu quân. Phía tây nam sân bay giáp đê sông Hồng, đứng trên đê có thể quan sát toàn bộ khu vực sân bay. Chủ trương đánh sân bay Gia Lâm được đề ra từ rất sớm để quân ta có điều kiện tập luyện nắm vững tình hình địch.

Để chuẩn bị cho trận tập kích, nhiều công việc phải tiến hành khẩn trương, bí mật và cụ thể. Cán bộ, nhân dân làng Thạch Cầu ở gần sân bay được Chi ủy Gia Lâm giao cho trực tiếp phục vụ trận tập kích sân bay Gia Lâm của bộ đội Hà Nội. Những việc phải làm ngay là bảo vệ an toàn cho bộ đội, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của địch, giữ bí mật tuyệt đối. Du kích Thạch Cầu đã phối hợp bộ đội tiền trạm của Hà Nội đào thêm hầm bí mật để giấu quân, giấu vũ khí. Mọi việc đều diễn ra đúng kế hoạch và đến cuối tháng 2/1954 công tác chuẩn bị mới xong. Đêm 2/3/1954, bộ đội của Hà Nội từ Khoái Châu (Hưng Yên) về vị trí tập kết ở Thạch Cầu.

Tối 3/3, từ vị trí tập kết, các tổ chiến đấu lần lượt vượt chướng ngại vật, từng bước tiếp cận mục tiêu. Các chiến sĩ, mỗi người một gói hành trang trong một tấm ni-lông, lấy bèo Nhật Bản ngụy trang, rồi từ từ bơi đẩy qua hồ. 20 giờ, các tổ đã đến hàng rào thứ nhất. 22 giờ cắt rào xong, các tổ đánh máy bay tiến vào, tổ 1 vào khu để máy bay ở nhà ga, tổ 2 đánh khu giữa, tổ 3 đánh khu cuối (ở phía đông).

1 giờ 55 phút rạng sáng 4/3/1954, cuộc tấn công bắt đầu. Ta nổ súng giết tên lính gác. Các tổ đồng thời dùng thủ pháo, bộc phá, lựu đạn đánh máy bay, đánh kho xăng và các trại lính giặc. Hàng loạt máy bay địch nổ tung rung chuyển, kho xăng bốc cháy làm sáng cả một góc trời. Sau phút hoang mang, địch kéo còi báo động, đèn pha bật sáng. Các đơn vị địch bảo vệ sân bay triển khai đội hình chiến đấu. Trại lính da đen nổ súng dồn dập trên đường rút lui của ta.

18 máy bay các loại của địch bị phá hủy, gồm: 5 chiếc máy bay ném bom B26, 10 chiếc máy bay vận tải quân sự Dakota và 3 chiếc chở khách. Ngoài ra còn có 1 kho xăng bị đốt, 16 tên địch bị diệt, ta bị thương nhẹ 2 người. Trận đánh gây thiệt hại nặng nề cho địch. Hoạt động của sân bay bị đình trệ nhiều ngày sau đó.

Trận đánh chỉ diễn ra từ 3 đến 5 phút. Sau đó, các chiến sĩ đánh máy bay rút theo đường cũ về thôn Thạch Cầu. Do giữ bí mật đến tận lúc nổ súng, cho nên địch không kịp huy động lực lượng phản ứng. Lúc ta rút về phía thôn Thạch Cầu, địch mới huy động được xe tăng ra sân bay cứu viện.

Trận tập kích quả cảm đó đã mang lại thắng lợi ngoài mong đợi, 18 máy bay các loại của địch bị phá hủy, gồm: 5 chiếc máy bay ném bom B26, 10 chiếc máy bay vận tải quân sự Dakota và 3 chiếc chở khách. Ngoài ra còn có 1 kho xăng bị đốt, 16 tên địch bị diệt, ta bị thương nhẹ 2 người. Trận đánh gây thiệt hại nặng nề cho địch. Hoạt động của sân bay bị đình trệ nhiều ngày sau đó.

Cùng với trận đánh sân bay Cát Bi (đêm 7/3/1954), trận đánh sân bay Gia Lâm đã gây nhiều khó khăn lớn cho địch trong việc tiếp tế ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng đường hàng không. Sân bay Gia Lâm sau này được gắn biển Di tích Cách mạng-kháng chiến vào dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004).

Máy bay Pháp bị hủy diệt trong trận đánh Cát Bi rực lửa năm 1954.

Máy bay Pháp bị hủy diệt trong trận đánh Cát Bi rực lửa năm 1954.

Những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi miền bắc tại Hải Phòng tháng 5/1955.

Các chiến sĩ từng tham gia trận đánh sân bay Gia Lâm. Ảnh tư liệu

Tháng 4/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước sang giai đoạn 2, đây cũng là đợt tiến công dai dẳng nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất, khi quân ta tiến công các cao điểm phía đông ở Phân khu Trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Dù ở cách chiến trường Điện Biên hàng trăm kilômét, quân và dân Thủ đô tiếp tục giáng cho quân Pháp những đòn nặng nề, khiến chúng gặp nhiều khó khăn trong công tác hậu cần. Trong đó, đáng kể nhất là chiều 4/4, quân và dân huyện Gia Lâm đánh thắng một trận vang dội trên đường 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải Phòng về Hà Nội. Tiếp đó, cuối tháng 4/1954, công nhân Sở binh lương Hà Nội đốt kho làm cháy hàng nghìn chiếc dù. Ngoài ra, cơ sở của ta trong lòng địch còn chỉ đạo các lái xe phá hủy hàng trăm xe rồi trốn ra khu vực tự do.

Mặt trận Hà Nội còn đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, tán phát hàng vạn giấy thông hành, truyền đơn kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà. Nhiều tên tự gây ra thương tích để được ở lại Hà Nội hoặc trốn về với gia đình, nhiều đơn vị địch vừa đi càn ở đồng bằng về thì thoái thác tập thể, lấy cớ không chiến đấu… Tiêu biểu như sự kiện sĩ quan, binh lính Tiểu đoàn dù số 5 đóng ở trường Bưởi, Tiểu đoàn dù số 7 đóng ở Việt Nam học xá không muốn tham chiến ở Điện Biên Phủ, 1.200 lính đóng ở khu vực sân bay Bạch Mai đào ngũ. Điều này có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc ứng cứu, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Xác máy bay bị quân ta bắn rơi và phá hủy nằm ngổn ngang trên chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Xác máy bay bị quân ta bắn rơi và phá hủy nằm ngổn ngang trên chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, công tác điều tra nắm tình hình địch được Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội rất coi trọng; ta đã tìm cách tạo dựng cơ sở trong các cơ quan quân sự, doanh trại, công xưởng của địch; ngay trong các cơ quan đầu não cơ mật của địch. Do đó nhiều tin tức quan trọng, nhất là những tin về điều động quân số, vũ khí đạn dược, lương thực cho Điện Biên Phủ, quân báo mặt trận đều nắm được và báo cáo lên cấp trên kịp thời, giúp mặt trận chính làm chủ tình hình.

Công tác đấu tranh chính trị công khai cũng được khẩn trương thực hiện. Thành ủy đã giao nhiệm vụ cho Ban cán sự trí thức vận động nhóm trí thức trung kiên làm và ký kiến nghị đòi lập lại hòa bình. Ngày 12/4/1954, một số trí thức tiêu biểu gồm: Bác sĩ Trần Văn Lai, luật sư Bùi Tường Chiểu, luật sư Vũ Văn Hiền, bác sĩ Phạm Khắc Quảng đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu các bên tham chiến ở Đông Dương đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân, cùng nhau thương lượng, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình. Bản kiến nghị được ông Nguyễn Mạnh Hà ở Paris gửi đăng trên báo chí nước Pháp có ảnh hưởng tích cực đối với dư luận trong nước và quốc tế.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Đóng góp vào chiến thắng đó không chỉ có những chiến sĩ, những dân công tham gia trực tiếp trong chiến dịch Điện Biên, mà còn có công lao, sự hy sinh của quân và dân của các địa phương khác trong cả nước, nhất là trong việc phá hoại hậu cần, vận tải của địch, cản trở việc huy động binh lính, trong đấu tranh chính trị… Trong đó, quân và dân Thủ đô có những đóng góp quan trọng hàng đầu.

Nội dung: CHÍ DŨNG
Trình bày: Ngô Hương