HAI THỊ XÃ

Thị xã Đông Triều bao gồm thị trấn Đông Triều, Mạo Khê và các xã/phường: Bình Dương, Nguyễn Huệ, Thuỷ An, Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Hồng Phong, Đức Chính, Tràng An, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn, Yên Thọ, Bình Khê, Tràng Lương, Hoàng Quế, Hồng Thái Đông, Yên Đức, Hồng Thái Tây. 

1.Lịch sử hình thành

Tên cổ của vùng đất này là An Sinh, đời vua Trần Dụ Tông mới đổi thành Đông Triều. Xưa huyện Đông Triều rất rộng, bao gồm cả một phần huyện Kinh Môn và tổng Bí Giàng, năm 1896 tổng Bí Giàng cắt về huyện Yên Hưng. Do vậy, trong sử sách vùng danh sơn Yên Tử thuộc Đông Triều.

Sau Cách mạng, đến 9/7/1947, Đông Triều mới về tỉnh Quảng Hồng, 28/1/1959 Đông Triều trở về Hải Dương. Từ 27/10/1961 Đông Triều nhập lại vào khu Hồng Quảng (từ 30/10/1963, Hồng Quảng hợp nhất với Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh).

Đông Triều là quê hương của một chiến khu oanh liệt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (sau được gọi là Chiến khu thứ tư hoặc Chiến khu Trần Hưng Đạo). Trong cao trào cách mạng tiền khởi nghĩa, sau ba tháng xây dựng lực lượng, ngày 8-6-1945 Du kích quân Đông Triều từ căn cứ Hổ Lao, Bác Mã đã tiến quân hạ đồn và chiếm huyện lỵ Đông Triều, hạ đồn Chí Linh, đồn Tràng Bạch, buộc đồn binh Nhật ở Mạo Khê đầu hàng và chính thức thành lập uỷ ban quân sự cách mạng của Chiến khu.

Chiến khu Đông Triều đã nhanh chóng phát triển lực lượng, đầu tháng 7 giải phóng Uống Bí, cuối tháng 7 giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên rồi thừa thắng tiến quân giải phóng Hải Phòng, Hải Dương, Kiến An, Hòn Gai, Cẩm Phả. Riêng ở Đông Triều, ngay cuối tháng 6, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời đã được thành lập ở huyện và tất cả các xã.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đông Triều là vùng chiến tranh du kích nổi tiếng, điển hình là chiến công và gương hy sinh của du kích xã Yên Đức. Sau trận chiến đấu quyết liệt 5 ngày 5 đêm làm địch thiệt hại nặng, du kích cố thủ ở hang núi Canh đã bị chúng hun lửa khói vào hang, 73 du kích hy sinh. Đông Triều nằm trong khu tập kết 100 ngày, ngày 31-10-1954 những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị trấn Đông Triều, Mạo Khê. Riêng 4 xã phía đông nằm trong khu tập kết 300 ngày nên 14/4/1955 mới được giải phóng.

2.Vị trí địa lý – điều kiện tự nhiên

Đông Triều nằm trong dải cánh cung Đông Triều - Móng Cái, chạy dài theo hướng Tây - Đông; kiến tạo địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Phía Bắc cao nhất là núi Yên Tử với độ cao 1.068m, núi Bảo Đài cao 875m. Phía Nam thấp nhất là vùng bãi bồi, trũng ngập nước ven sông Đá Bạc (UBND thị xã Đông Triều, 2021).

Địa hình của thị xã Đông Triều khá đa dạng, vừa có đồi núi vừa có đồng bằng ven sông, trong đó có 2/3 diện tích là đồi núi dốc nghiêng từ Bắc xuống Nam. Ở phía bắc và tây bắc của thị xã là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông Triều, còn ở phía nam là vùng đồng bằng ven sông.

Đông Triều cách Hà Nội khoảng 90 km, cách Hạ Long 80 km là cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang; phía nam và phía tây giáp Hải Phòng, Hải Dương, phía đông giáp thị xã Uông Bí.

3. Đặc điểm dân số, xã hội

Dân cư sống ở Đông Triều có dân tộc Việt (Kinh) chiếm khoảng 98% dân số toàn huyện. 2% còn lại là dân số của các dân tộc Hoa, Tày, Sán Dìu, Dao.

Tỷ lệ dân số thị xã Đông Triều khá đồng đều với tỷ lệ nam là 50,2% và tỷ lệ nữ là 49,8%. Tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm của thị xã đạt 1%/năm, cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động được đánh giá ở mức tương đối cao, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trên địa bàn thị xã.

Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.770 USD/người/năm, tăng 18% so với năm trước.

4. Di sản văn hóa vật thể

Thị xã Đông Triều là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt, đất và người Đông Triều còn gìn giữ nhiều di sản văn hóa, với 133 điểm di tích trải rộng trên 21 xã, phường, trong đó có 22 di tích đã được xếp hạng các cấp gồm: 01 khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều được xếp hạng Quốc gia đặc biệt với 14 điểm di tích; 04 di tích xếp hạng Quốc gia; 17 di tích xếp hạng cấp Tỉnh. Tại các di tích còn lưu giữ được hàng trăm di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học được cộng đồng nhân dân gìn giữ. Đó là những vốn di sản vô giá mà đất và người Đông Triều qua nhiều thế hệ đã bảo lưu, giữ gìn.

Đông Triều đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tồn tại, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.

5. Đặc điểm kinh tế, hạ tầng

a. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thị xã Đông Triều là đô thị trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là cửa ngõ kết nối tỉnh Quảng Ninh với vùng thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ, là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh, công nghiệp khai khóang, sản xuất điện năng và vật liệu xây dựng của tỉnh Quảng Ninh, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Quốc gia. Là một trong những trung tâm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm giáo dục đào tạo, du lịch sinh thái, làng nghề của tỉnh Quảng Ninh và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Là khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành trọng điểm sản xuất chế biến nông nghiệp lớn của tỉnh.

Trong xu hướng phát triển kinh tế, thị xã Đông Triều tập trung nâng cao tỷ trọng và giá trị các ngành dịch vụ du lịch và công nghiệp xây dựng, đồng thời giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

b. Cơ sở hạ tầng

Thị xã Đông Triều đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Thời gian vừa qua, được sự quan tâm của Trung ương, UBND tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, như: Đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 18, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ tỉnh lộ 345, 332, 333, đầu tư xây dựng đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1),...; nghiên cứu đầu tư xây dựng một số tuyến đường mới phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội…

Thị xã Đông Triều có 86 cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp học, trong đó mỗi xã có tối thiểu một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở hoặc một trường kết hợp, 100% số trường học có kết nối Internet. Hiện tại, thị xã Đông Triều có 80 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia tương ứng với tỷ lệ 93%.

Thị xã Quảng Yên (được thành lập theo Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 25/11/2011 của Chính phủ) nằm ở phía Nam  tỉnh Quảng Ninh và giáp thành phố Hạ Long và trên nhiều tuyến giao thông quan trọng. Quảng Yên là một thị xã trung du ven biển nằm ở phía Tây Nam tỉnh Quảng Ninh. Thị xã Quảng Yên nằm giữa tam giác 3 thành phố Hạ Long, Uông Bí, Hải Phòng.

Thị xã Quảng Yên.

Thị xã Quảng Yên.

Trung tâm hành chính công Thị xã Quảng Yên. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Trung tâm hành chính công Thị xã Quảng Yên. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên.

Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên.

1.Lịch sử hình thành

Quảng Yên xưa kia là vùng đất có địa thế thuận lợi, nằm ở vùng cửa ngõ sông nước trọng yếu nhất của đất nước, vừa là quan ải che chắn bảo vệ cho kinh đô Thăng Long ở phía sau, vừa là nơi các vương triều đóng đô ở Thăng Long đặt làm cơ sở triển khai các chiến lược vươn ra đại dương, trấn giữ các vùng biển đảo. Thế nên ngay từ thời Lý vùng đất này đã hình thành một vài làng quê gọi chung là trại Yên Hưng.

Đầu thời Trần 1237 Trại Yên Hưng được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai mình là An Sinh Vương Trần Liễu để làm ấp thang mộc. Trước đấy, sau trận thắng vang dội trên sông Bạch Đằng thuộc Trại Yên Hưng, Bạch Đằng được nhà Trần chú ý hơn, và được đổi thành lộ An Bang.

Năm 1446 vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đổi lộ An Bang thành thừa tuyên An Bang. Đến thời vua Lê Anh Tông (1557-1573) An Bang được đổi thành An Quảng. Năm 1822 vua Minh Mệnh đổi tên trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên và vẫn giữ trấn lỵ Quảng Yên tại đây.

Đầm Tây Long, Quảng Yên. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Đầm Tây Long, Quảng Yên. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Năm 1832, trong yêu cầu cuộc cãi cách hành chính của vua Minh Mệnh, tỉnh Quảng Yên được thành lập và trấn lỵ Quảng Yên được đổi gọi là tỉnh lỵ Quảng Yên. Với vị trí không thể thay thế nên chỉ dưới thời Minh Mênh mà trong suốt giai đoạn nhà Nguyễn khu vực tỉnh thành Quảng Yên vẫn luôn là trung tâm hành chính cấp tỉnh là đô thị đứng đầu toàn vùng Đông Bắc.

Thời Pháp thuộc từ năm 1883 thực dân Pháp xâm lược chiếm thành tỉnh Quảng Yên của nhà Nguyễn. Quảng Yên trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên. Đây là nơi nghỉ dưỡng, là nơi tập trung bộ máy cai trị của thực dân Pháp với vùng Đông Bắc.

Từ đầu những năm 1955, Quảng Yên vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị xã trung tâm của tỉnh Quảng Yên trong khu Hồng Quảng thuộc hệ thống hành chính địa phương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ngày 2 tháng 7 năm 1964, sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, lấy thị xã Hòn Gai làm tỉnh lỵ, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định đổi thị xã Quảng Yên thành thị trấn Quảng Yên và đặt làm huyện lỵ huyện Yên Hưng.

Tháng 1/2011 thị trấn Quảng Yên được công nhận là đô thị loại IV, mở ra những cơ hội mới cho vùng đất giàu tiềm năng này.

2.Vị trí địa lý

Huyện Yên Hưng nằm ở phía tây của Quảng Ninh. Phía bắc huyện tiếp giáp với thị xã Uông Bí và huyện Hoành Bồ; phía tây và nam giáp huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), phía đông giáp cửa Nam Triệu, đảo Cát Hải (Hải Phòng). Cư dân trong huyện hầu hết là người Việt (Kinh).

Thị xã Quảng Yên nằm trong khu vực giáp ranh giữa vùng núi cánh cung Đông Triều - Móng Cái và vùng đồng bằng ven biển có nhiều sông lạch nên địa hình đa dạng, phức tạp. Sông Chanh là một nhánh của sông Bạch Đằng đã chia Thị xã Quảng Yên thành 2 vùng rõ rệt.

Thị xã Quảng Yên là thị xã trung du ven biển chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nóng ẩm mưa nhiều. 

3. Đặc điểm dân số, xã hội, văn hóa

Hiện nay trên địa bàn thị xã Quảng Yên có khoảng hơn 200 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 40 di tích quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Quảng Yên tự hào được xếp vào hàng các địa phương có mật độ tập trung di tích cao nhất trong cả nước. Chỉ tính riêng khu vực đảo Hà Nam đã có hơn 20 ngôi đình, chùa, 80 từ đường cùng với nhiều phong tục tập quán truyền thống về sinh hoạt, sản xuất của bà con vẫn còn bảo tồn khá nguyên vẹn nếp sống đặc trưng của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Khu công nghiệp Đông Mai.

Khu công nghiệp Đông Mai.

Cùng với đó, Quảng Yên còn có khá nhiều các lễ hội, trong đó có 3 lễ hội lớn được tổ chức hàng năm, như: Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Tiên Công, lễ hội Xuống đồng. Vào mùa xuân, ở Quảng Yên có khoảng 20 chùa làng mở hội, 30 từ đường tổ chức ngày ra cỗ họ với tính chất như một lễ hội của dòng họ... Không chỉ là vùng đất gắn với các di tích lịch sử văn hoá, Quảng Yên còn được biết đến với nghề thủ công đan ngư cụ truyền thống, tập trung tại vùng quê Hương Học, Nam Hoà...

4. Đặc điểm kinh tế, hạ tầng

Tài nguyên khoáng sản của thị xã Quảng Yên ít cả về trữ lượng và chủng loại. Tập trung chủ yếu một số khoáng sản ngành vật liệu xây dựng đó là: Đá Vôi: Phân bố chủ yếu trên đảo Hoàng Tân có trữ lượng trên 20 triệu tấn, trong đó 50% là CaO2 hàm lượng cao thích hợp cho sản xuất vật liệu xây dựng, 50% là Dolomit thích hợp cho khai thác làm vật liệu xây dựng.

Thị xã Quảng Yên có bờ biển dài 30 km, có bãi triều rộng lớn trên 12.000 ha nằm trong vùng cửa sông Bạch Đằng, có các sông lớn chảy qua như: Sông Chanh, sông Rút, sông Bến Giang, sông Bình Hương…

Thị xã Quảng Yên có hệ sinh thái đa dạng rõ nét với 939 loài sinh vật ven bờ (1996) , 12.300ha bãi triều đầm.

Thị xã Quảng yên là một trong những địa phương thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam có các hệ sinh thái đa dạng như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, triều bùn: Đâng, Sú, Vẹt (cửa sông Bạch Đằng, Hoàng Tân, Đầm nhà Mạc); Hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái đầm nuôi thủy sản; Hệ sinh thái rừng trồng; Quần hệ cây trồng lúa-hoa màu

Các hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên phân bố tại các khu vực: Hồ Yên Lập, thác Mơ, suối Mơ và các khu vực canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp.

Ngày xuất bản: 17/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND