HÀ LAN

và cuộc hồi sinh
“vùng đất chết” Veenkoloniën

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.


Là một quốc gia nằm ở vùng đất thấp, Hà Lan có lịch sử sống chung với nước kéo dài nhiều thế kỷ. Các vấn đề về nước luôn hiện hữu hàng ngày, bao gồm cả xử lý nước thải.

Cũng giống như các quốc gia công nghiệp phát triển khác, Hà Lan từng có thời điểm phải đương đầu với vấn đề ô nhiễm nước trầm trọng. Nhưng cách nhận diện vấn đề và các bước xử lý bài bản, khoa học đã giúp Hà Lan sớm giải quyết được thách thức trong xử lý nước thải, để rồi từ đó có điều kiện chuyển đổi trọng tâm trong mô hình xử lý nước thải từ mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng và môi trường sang nền kinh tế tuần hoàn, biến nước thải thành một tài nguyên phục vụ cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

130 năm tìm lời giải cho ô nhiễm nước ở Veenkoloniën

Ở phía bắc Hà Lan, thuộc tỉnh Groningen, có một vùng đất được gọi là “De Veenkoloniën” (vùng than bùn). Đúng như tên gọi của nó, khu vực này từng là nơi cung cấp chính than bùn - nguồn năng lượng cho cả Thời kỳ hoàng kim - một giai đoạn phát triển rực rỡ trong lịch sử Hà Lan.

Trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, các mỏ than bùn đã dần cạn kiệt và bị bỏ hoang. Những gì còn lại ở Veenkoloniën là những cánh đồng khổng lồ và những con kênh dài bị bỏ lại sau hàng thế kỷ khai thác than bùn. Chính điều này đã góp phần hình thành nền tảng cho ngành nông nghiệp bùng nổ vào nửa sau của thế kỷ 19, với các sản phẩm chủ yếu của thời kỳ này là tinh bột khoai tây và ván tấm làm từ rơm rạ.

Tranh vẽ một nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây ở Groningen vào những năm 1930.

Tranh vẽ một nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây ở Groningen vào những năm 1930.

Nhưng kèm theo sự phát triển của ngành nông nghiệp ở Veenkoloniën là một vấn đề khá nghiêm trọng, đó là nước thải từ các nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây và ván rơm đổ ra môi trường, dẫn đến một trong những thảm họa ô nhiễm nước thải công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử Hà Lan. Hình ảnh những con kênh bẩn thỉu và hôi thối đã gắn liền với Veenkoloniën ở thời điểm đó, khiến chính phủ và người dân phải đau đầu tìm lời giải cho vấn nạn ô nhiễm nước ròng rã trong suốt hơn một thế kỷ.

Tình trạng ô nhiễm nước ở Groningen rất trầm trọng, đến mức mà Anthony Winkler Prins, nhà biên soạn bách khoa toàn thư kiêm nhà văn nổi tiếng của Hà Lan đã mô tả về tình trạng của các con kênh chết tại Veenkoloniën trong một bài báo vào năm 1872 như sau:

Một mùi hôi thối khó chịu bốc lên từ các con kênh. Các nguồn nước ngập tràn cá chết nổi lềnh phềnh. Nước bẩn đến mức không thể sử dụng đối với động vật và cả con người. Ngay cả các nhà máy bơm cũng không thể tạo ra được nguồn nước sạch ngoài thứ chất lỏng độc hại đó.

Sau cùng, vấn đề chỉ được giải quyết vào những năm 1980 của thế kỷ trước. Điều gì đã khiến cuộc hồi sinh của “vùng đất chết” Veenkoloniën kéo dài đến như vậy?

Vấn đề đáng báo động

Khoảng năm 1850, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cấp quốc gia đã đứng trước tình trạng gia tăng ô nhiễm đáng báo động tại Veenkoloniën. Đến năm 1859, bác sĩ Ali Cohen được chính quyền tỉnh yêu cầu tiến hành khảo sát về nguyên nhân và ảnh hưởng của ô nhiễm nước.

Báo cáo thu được từ cuộc khảo sát này là cơ sở cho những hoạt động pháp lý đầu tiên được thực hiện để ngăn chặn những tác động tiêu cực của ô nhiễm nước ở Veenkoloniën. 10 năm sau, Cohen xuất bản báo cáo thứ hai, bổ sung khảo sát khả năng lọc nước thải của các nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây và ván rơm, cho thấy mối lo ngại lớn về những ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm đối với sức khỏe người dân địa phương.

Mối lo ngại này được các cơ quan y tế tỉnh Groningen hết sức quan tâm. Họ đã nhiều lần thúc giục chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nhưng ngành công nghiệp ở Veenkoloniën không sẵn sàng đầu tư vào các công nghệ làm sạch nước thải. Các nhà máy chỉ quan tâm đến phần nước thải mà họ thực sự gọi là "chất thải có ích”, tức có thể được chiết xuất theo cách hợp lý và tận dụng vào các mục đích khác để thu lợi.

Vào khoảng năm 1870, các ngành công nghiệp này chỉ tập trung vào giá trị của những chất có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón đã bị mất đi khi xả nước thải không được lọc sạch.

Bọt đen nổi đầy những con kênh ô nhiễm ở Veenkoloniën. (Ảnh: Bảo tàng Veenkoloniaal Veendam)

Bọt đen nổi đầy những con kênh ô nhiễm ở Veenkoloniën. (Ảnh: Bảo tàng Veenkoloniaal Veendam)

Năm 1908, Chính phủ Hà Lan thành lập một ủy ban chuyên giải quyết tình trạng ô nhiễm nước do các nhà máy sản xuất ván rơm và bột khoai tây gây ra. Nhưng ủy ban này cũng không giải quyết được vấn đề ô nhiễm nước ở Veenkoloniën. Báo cáo và khuyến nghị của họ chỉ nằm trong ngăn kéo bàn và không bao giờ được sử dụng đến nữa. Lợi ích kinh tế của các ngành công nghiệp ở Veenkoloniën vẫn được coi là quan trọng hơn nước sạch.

Trong những năm giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, việc giải quyết vấn đề nước thải ở Veenkoloniën rất ít được quan tâm. Nhưng ít nhất đã có hy vọng. Năm 1919, Hợp tác xã kinh doanh bột khoai tây (AVB), được thành lập. Ngay sau đó, hợp tác xã này đã mở một phòng thí nghiệm để phân tích và kiểm soát chất lượng các sản phẩm của AVB.

Sau vài năm, phòng thí nghiệm AVB bắt đầu nghiên cứu khả năng giảm lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất. Họ cũng phát triển các kỹ thuật mới để tách protein từ nước thải. Nghiên cứu và thử nghiệm thành công đến mức vào năm 1936, chính phủ quyết định trợ cấp cho nghiên cứu của AVB. Mặc dù khoản hỗ trợ này đã bị cắt vào năm 1940, nghiên cứu vẫn tiếp tục trong suốt thời kỳ chiến tranh và đặt nền tảng rất quan trọng cho việc giải quyết vấn đề nước thải của Veenkoloniën sau này.

Vào những năm đầu của thập niên 1950, Viện Quốc gia về Lọc nước thải đã đưa ra một ý tưởng mới để giải quyết vấn đề nước thải của Veenkoloniën. Đó là xây dựng một đường ống dẫn đến cửa sông Eems-Dollard để đổ nước thải vào đây. Việc nghiên cứu kỹ hơn ý tưởng này dẫn đến một kế hoạch cụ thể ra đời vào năm 1960. Kế hoạch ban đầu là xây dựng một đường ống với ba nhánh dẫn toàn bộ nước thải do các nhà máy sản xuất tinh bột khoai tây và ván rơm đến Waddenzee.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã không bao giờ được thực hiện. Trong những năm sau đó khi kế hoạch được đưa ra giới thiệu, sự phản đối của người dân và phong trào bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng khiến ngay cả chính phủ cũng phải đặt câu hỏi về ý tưởng này.

Luật chống ô nhiễm nước ra đời

Năm 1969, Chính phủ Hà Lan công bố luật mới về chống ô nhiễm nước. Ý tưởng cốt lõi của luật này là “người gây ô nhiễm trả tiền”. Luật cho phép những cơ quan giám sát nước mặt có thể áp đặt các khoản đánh thuế đối với những người làm ô nhiễm nước. Đây được chứng minh là một công cụ hữu hiệu để buộc các cơ sở công nghiệp phải lọc nước thải trước khi xả.

Gần như ngay lập tức, luật mới đã có tác động tức thì đến ngành công nghiệp tinh bột khoai tây, dù vào thời điểm luật mới có hiệu lực, hầu hết các nhà máy sản xuất ván rơm ở Veenkoloniën đều đã bị đóng cửa do các khó khăn về tài chính, hoặc đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu thô ít ô nhiễm hơn như giấy tái chế.

Công suất lắp đặt của các nhà máy xử lý nước thải ở Hà Lan tăng mạnh (đơn vị: M p.e.) sau khi Luật chống ô nhiễm nước mặt có hiệu lực kể từ năm 1970. Theo biểu đồ, công nghệ xử lý sinh học được áp dụng nhiều nhất. (Nguồn: Đại học Công nghệ Eindhoven)

Công suất lắp đặt của các nhà máy xử lý nước thải ở Hà Lan tăng mạnh (đơn vị: M p.e.) sau khi Luật chống ô nhiễm nước mặt có hiệu lực kể từ năm 1970. Theo biểu đồ, công nghệ xử lý sinh học được áp dụng nhiều nhất. (Nguồn: Đại học Công nghệ Eindhoven)

Luật chống ô nhiễm nước đã tỏ ra hiệu quả trong việc kiềm chế ô nhiễm nước do các nhà máy tinh bột khoai tây xả thải. Luật bắt buộc các nhà máy phải đầu tư để lọc nước thải, và các khoản này gần như là một gánh nặng không thể kham nổi đối với hai công ty sản xuất tinh bột khoai tây lớn nhất khi đó là AVEBE (AVB trước đây) và Koninklijke Scholten-Honing (KSH).

Ngoài ra, chính phủ cũng công bố thêm một quy định mới vào năm 1973 để đánh thuế rất cao đối với việc xả nước thải chưa lọc ra môi trường, trong khi đường ống dẫn nước thải đến Waddenzee đã bị giảm công suất để phân chia nước thải qua các nhánh thoát khác. Cả hai yếu tố này đã góp phần buộc ngành công nghiệp tinh bột khoai tây phải lọc phần lớn nước thải trước khi xả, và đây là một nhiệm vụ gần như bất khả thi đối với các công ty có liên quan. Cả khoản đầu tư vào công nghệ lọc và thuế môi trường cao đều vượt xa khả năng tài chính của họ.

Những khó khăn về tài chính kể trên cộng với suy thoái kinh tế từ những năm 1973 khiến AVEBE và KSH lâm vào khủng hoảng, buộc phải tái cơ cấu để tồn tại, dẫn đến việc KSH phá sản vào năm 1977 và AVEBE tiếp quản hoạt động sản xuất tinh bột của KSH. Đây chính là một bước quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm nước ở Veenkoloniën.

Veenkoloniën trong lành, yên bình ngày nay. (Ảnh: veenkolonien.groningen.nl)

Veenkoloniën trong lành, yên bình ngày nay. (Ảnh: veenkolonien.groningen.nl)

Việc tiếp quản, sáp nhập đã được chính quyền địa phương và trung ương hỗ trợ trước những lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường mà nó mang lại. Trước hết, hàng ngàn công việc liên quan đến người nông dân trồng khoai tây cung cấp cho nhà máy đã không bị mất đi.

Thứ hai, toàn bộ ngành công nghiệp tinh bột khoai tây của Hà Lan được tập trung vào một công ty duy nhất, tạo điều kiện cho việc kiểm soát dễ dàng hơn, cũng như áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để giảm thiểu và làm sạch nước thải - mục tiêu chính của việc tổ chức lại AVEBE sau khi tiếp quản KSH. Việc tái cơ cấu này đã chính thức khép lại thành công vào giữa những năm 1980.

Với việc ra đời của đạo luật chống ô nhiễm nước mới, quy định mức thuế cao đối với việc xả thải nước chưa qua xử lý vào môi trường và việc tổ chức lại quy mô lớn các ngành liên quan, chính phủ đã buộc các ngành công nghiệp ở Veenkoloniën phải giải quyết vấn đề nước thải của họ. Chính sách này tỏ ra rất thành công, và vào giữa những năm 1980, vấn đề ô nhiễm nước ở Veenkoloniën đã chính thức lùi vào dĩ vãng sau ngót 130 năm. Hành trình hồi sinh Veenkoloniën vắt qua hai thế kỷ cuối cùng cũng đã được hưởng trái ngọt.

Như vậy, có thể nói, trong bài học của Veenkoloniën, các quy định bảo vệ nguồn nước được đưa vào luật đã giúp giải quyết vấn đề tồn tại dai dẳng, đóng vai trò là mấu chốt cho lời giải bài toán ô nhiễm nước.

Các biện pháp cụ thể trong xử lý nước thải

Sau thành công ở Veenkoloniën, xử lý nước thải ở Hà Lan trong các thập kỷ sau đó đã được cải thiện rất đáng kể, nhờ những chính sách, biện pháp cứng rắn, quyết liệt của chính phủ và các bộ, ban ngành, cơ quan hữu quan của Hà Lan.

Vì sức khỏe cộng đồng và môi trường

Kể từ những năm 1970, các hệ thống nước thải ở Hà Lan được xây dựng nhằm mục đích cải thiện chất lượng nước mặt, bao gồm cả các kênh rạch trong các thành phố. Năm 1970, việc xây dựng Đạo luật Ô nhiễm nước mặt đã giúp đưa ra cơ sở để điều chỉnh nhu cầu oxy sinh hóa (BOD)/nhu cầu oxy hóa học (COD) trong nước. Hơn nữa, các mầm bệnh và dư lượng thuốc trừ sâu trong nước cũng đòi hỏi phải được xử lý kỹ càng. Vì mục tiêu này, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành trọng tâm trong chính sách xử lý nước ở Hà Lan.

Việc thu gom và vận chuyển nước thải từ các hộ gia đình đến nhà máy xử lý nước thải được thực hiện thông qua hệ thống thoát nước thải (cống công cộng). Hà Lan có hơn 90 nghìn km đường cống như vậy thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền các thành phố.

Kênh dẫn nước thẩm thấu từ Bethunepolder đến Loenderveenseplas để làm sạch tự nhiên năm 1988. (Ảnh: Het Utrechts Archief)

Kênh dẫn nước thẩm thấu từ Bethunepolder đến Loenderveenseplas để làm sạch tự nhiên năm 1988. (Ảnh: Het Utrechts Archief)

Tại các nhà máy xử lý nước thải, nước bẩn được xử lý và lọc sạch. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nước cấp vùng. Hà Lan có 26 ban quản lý nước vùng như vậy, phụ trách 360 nhà máy xử lý nước thải, với công suất lọc gần 2 tỷ mét khối nước thải mỗi năm.

Sơ đồ 26 vùng quản lý nước chính ở Hà Lan.

Sơ đồ 26 vùng quản lý nước chính ở Hà Lan.

Phần lớn nước thải công nghiệp được dẫn đến các nhà máy xử lý nước thải qua hệ thống cống rãnh. Nước thải dạng này này thường được lọc trước bởi chính các công ty xả thải.

Bên cạnh những nỗ lực của các thành phố và ban quản lý nước cấp vùng, các công dân và công ty tư nhân có trách nhiệm phải giữ cho các rủi ro môi trường ở mức có thể chấp nhận được. Các hộ gia đình được khuyến cáo không nên cho dầu ăn, khăn ướt, chất thải động vật, sơn, thức ăn thừa, thuốc men hoặc các hóa chất khác vào cống, dẫn đến ngưng trệ hoặc cản trở quá trình thanh lọc.

Đo mức độ ô nhiễm nước.

Đo mức độ ô nhiễm nước.

Các công ty bắt buộc phải xử lý nước thải càng sạch càng tốt trước khi xả vào cống. Các quy tắc cho việc này được ghi trong giấy phép của công ty hoặc trong các quy định chung.

Ở Hà Lan, các thành phố tự chịu trách nhiệm về hệ thống thoát nước. Vì vậy, các cơ quan quản lý nước và chính quyền, cũng như người dân và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm nước mặt luôn sạch và an toàn cho sức khỏe, được kiểm định thường xuyên. Ngoài ra, tính đa dạng sinh học trong các đập, kênh và mương cũng được chú trọng, thí dụ như khơi thông dòng chảy làm cho đường di cư của cá không bị cản trở.

Ngoài nước thải, một lượng lớn nước mưa cũng chảy vào cống. Nước mưa là tương đối sạch, vì vậy việc vận chuyển và xử lý lượng nước này tại các nhà máy xử lý nước thải thường không có nhiều ý nghĩa, gây lãng phí. Vì lý do này, nước mưa ở các khu đô thị mới xây dựng không được thoát vào cống. Thay vào đó, các công ty và công trình dân dụng được kết nối với một hệ thống thoát nước mưa trực tiếp vào hồ và rãnh thoát nước hoặc nước ngầm. Các thành phố cũng có thể thoát nước qua một hệ thống thoát nước riêng (hệ thống thoát nước mưa). Cách làm này được gọi là ngắt nguồn nước mưa.

Ngắt nguồn nước mưa có nghĩa khi mưa lớn, nước trong cống tràn ít hơn và do đó làm hạn chế nước cống chảy ra hồ, kênh rạch hoặc gây ngập lụt đường phố. Các nhà máy xử lý nước thải cũng hoạt động hiệu quả hơn khi nước thải không còn bị pha loãng bởi nước mưa.

Kênh dẫn nước ở thành phố Amsterdam. (Ảnh: Reuters).

Kênh dẫn nước ở thành phố Amsterdam. (Ảnh: Reuters).

Tăng đầu tư vào hạ tầng và công nghệ

Các văn bản chính sách khác nhau ở cấp độ châu Âu như Chỉ thị Xử lý nước thải đô thị (1991) hoặc Chỉ thị Nước uống (1998) đã được Hà Lan xây dựng và xem xét để phát triển và trang bị thêm hệ thống xử lý nước thải.

Cơ sở hạ tầng đã được phát triển trong thời gian này để duy trì các tiêu chuẩn về mức BOD/COD ở Hà Lan. Vào những năm 1990, các nhà máy xử lý đã được nâng cấp để loại bỏ nitơ và phốt pho khỏi hệ thống nước thải, nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng nước mặt và chống lại hiện tượng phú dưỡng.

Các khoản đầu tư cho xử lý nước trong suốt khoảng thời gian này đến từ ngân hàng Nederlandse Waterschapsbank (NWB), ngân hàng được thành lập đặc biệt để hỗ trợ các cơ quan quản lý nước khu vực và các cơ sở hạ tầng cấp nước khác nhau ở Hà Lan. Ngoài cung cấp vốn cho các cơ quan quản lý nước, NWB cũng hỗ trợ các dịch vụ y tế công cộng và các hoạt động giáo dục về nước và các dự án liên quan khác. Nguồn vốn không rủi ro được bảo đảm vì các cơ quan quản lý cấp nước khu vực được quyền có hệ thống thuế riêng và sinh doanh thu để vận hành, bảo trì và nâng cấp các nhà máy xử lý nước.

Theo ước tính, năm 2012, Hà Lan chi tổng cộng 4,47 tỷ euro (khoảng 67% tổng chi phí quản lý nước) cho các hoạt động liên quan đến kiểm soát chất lượng nước, trong đó chi phí xử lý nước thải lên tới 1,46 tỷ euro.

Những tiến bộ công nghệ cũng được áp dụng mạnh mẽ trong thời kỳ này. Cho đến những năm 1990, trọng tâm trong xử lý nước thải của Hà Lan là phương pháp xử lý sơ cấp và thứ cấp, với hệ thống bùn hoạt tính và phân hủy kị khí để xử lý chất rắn sinh học.

Sơ đồ xử lý cơ bản của một nhà máy xử lý nước thải tại Hà Lan. (Ảnh: stowa.nl)

Sơ đồ xử lý cơ bản của một nhà máy xử lý nước thải tại Hà Lan. (Ảnh: stowa.nl)

Đến giữa những năm 1990 và 2005, những tiến bộ về mặt kỹ thuật cũng được áp dụng bằng cách trang bị thêm công nghệ tiên tiến hơn trong các nhà máy xử lý nước thải, với việc xử lý sinh học nitơ và phốt pho từ nước thải có tác động tích cực trong việc cải thiện chất lượng nước mặt nói chung ở Hà Lan.

Trong các giai đoạn tiếp sau đó, các cơ quan quản lý nước Hà Lan, các công ty công nghệ nước và các trung tâm nghiên cứu tiếp tục hợp tác chặt chẽ để phát triển thêm các công nghệ xử lý nước mới, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Liên hiệp châu Âu (EU) về phốt pho và nitơ tại các nhà máy xử lý nước thải.

Kết quả là nhiều công nghệ tiên tiến mới được phát triển như Babe, Sharon, Anammox và Amfer được áp dụng tại một số nhà máy xử lý của Hà Lan đã loại bỏ nitơ khỏi nước bùn. Quá trình tách nước khỏi bùn tạo ra một dòng phụ có chứa nồng độ nitơ cao nhất từ trước cho đến nay từng ghi nhận tại một nhà máy xử lý nước thải tại Hà Lan. Việc xử lý dòng phụ này là một cách rất hiệu quả để giảm nồng độ nitơ trong nước thải cuối cùng trước khi thải ra ngoài.

Nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng vào xử lý nước thải tại Hà Lan.

Nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng vào xử lý nước thải tại Hà Lan.

Tại Hà Lan, các tiêu chuẩn nước thải nghiêm ngặt của EU đã thúc đẩy sự phát triển của hai công nghệ xử lý hiếu khí tiên tiến, dựa trên vi sinh vật mới và bùn hoạt tính (dạng hạt). Vi sinh vật mới liên quan đến vi khuẩn anammox chuyển amoni thành khí nitơ. Quy trình Anammox được phát triển bởi Đại học Công nghệ Delft và được công ty công nghệ nước Hà Lan Paques đưa ra thị trường thành công. Nhà máy Anammox đầu tiên cho quy trình xử lý đầy đủ hiện đã được vận hành tại Dokhaven, Rotterdam.

Nhà máy xử lý nước thải Epe. (Ảnh: Royal HaskoningDHV)

Nhà máy xử lý nước thải Epe. (Ảnh: Royal HaskoningDHV)

Một công nghệ mới khác là quy trình Nereda, cũng được phát triển bởi Đại học Công nghệ Delft và được Royal HaskoningDHV đưa ra thị trường, với nhà máy Nereda đầu tiên đã được đưa vào hoạt động tại Epe vào năm 2012.

Kết quả ấn tượng

Xử lý nước thải ở Hà Lan đã được cải thiện rất đáng kể trong những thập kỷ qua. Hầu hết tất cả lượng nước thải đều được xử lý trước khi thải vào nguồn nước mặt. Lượng nước thải công nghiệp thải ra cũng giảm đáng kể.

Việc quản lý chất lượng nước mặt và xử lý nước thải được thực hiện bởi hàng nghìn người có trình độ chuyên môn cao trong các tổ chức chuyên nghiệp, cơ quan cấp nước Hà Lan. Quốc gia này cũng bố trí đủ nguồn tài chính cho việc xây dựng, quản lý và bảo trì các công trình xử lý nước. Hiệu suất của các cơ sở xử lý nước cũng được cải thiện đáng kể.

Các chính sách cải thiện chất lượng nước ở Hà Lan xoay quanh Khung Chỉ thị về nước của châu Âu (WFD), được ban hành vào năm 2000 nhằm mục tiêu cải thiện và bảo vệ chất lượng nước ở các lưu vực sông Rhine, Meuse, Scheldt và Ems, đi kèm các tiêu chuẩn về chất lượng nước mặt và nước ngầm. Các yêu cầu mà WFD đặt ra đối với chất lượng nước đã được cụ thể hóa thành luật của Hà Lan, trong đó có Nghị định về Yêu cầu chất lượng và giám sát nước 2009 (BKMW 2009), Chương trình Giám sát khung chỉ thị về nước, và Đạo luật Nước được thực thi từ cuối năm 2009.

Hưởng ứng WFD, Chính phủ Hà Lan cũng công bố tầm nhìn của riêng mình vào cuối năm 2009 về chính sách nước đến năm 2015: Quy hoạch Nước quốc gia. Cũng giống như WFD, Quy hoạch Nước quốc gia chia Hà Lan thành bốn vùng lưu vực sông: lưu vực sông Rhine, Meuse, Scheldt và Ems. Đối với mỗi lưu vực sông, một kế hoạch quản lý lưu vực sông đã được soạn thảo trong Quy hoạch Nước quốc gia, nêu cụ thể chất lượng nước hiện tại như thế nào và những biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng này. Mục tiêu cuối cùng là đạt được tình trạng sinh thái và hóa học cân bằng trong nước.

Việc thực thi đầy đủ và đáp ứng tốt các yêu cầu của EU đã giúp Hà Lan được đứng trong tốp đầu danh sách các nước dẫn đầu khối này về tuân thủ đầy đủ việc xử lý nước thải đô thị. Trong báo cáo Thực hiện Chỉ thị xử lý nước thải đô thị EU công bố năm 2013, nhiều nhà máy xử lý nước thải của Hà Lan đáp ứng các tiêu chuẩn nước thải nghiêm ngặt ngay cả khi họ phải xả thải trên nguồn nước mặt nhạy cảm với hệ sinh thái. Các nhà máy xử lý này có thêm bước xử lý thứ ba để loại bỏ phốt pho và nitơ còn lẫn trong nước trước khi xả ra môi trường.

Hà Lan (bìa phải) đáp ứng cả ba tiêu chuẩn về nước thải đô thị của EU, gồm thu gom hoàn toàn (thanh màu xanh lá cây), xử lý thứ cấp hoàn toàn (thanh màu hồng) và xử lý hoàn toàn tiên tiến (thanh màu xanh lam).

Hà Lan (bìa phải) đáp ứng cả ba tiêu chuẩn về nước thải đô thị của EU, gồm thu gom hoàn toàn (thanh màu xanh lá cây), xử lý thứ cấp hoàn toàn (thanh màu hồng) và xử lý hoàn toàn tiên tiến (thanh màu xanh lam).

Luật Hà Lan quy định nước thải sau xử lý thải ra phải đáp ứng những yêu cầu nhất định liên quan đến hàm lượng COD (nhu cầu oxy hóa học), BOD (nhu cầu oxy sinh hóa), chất rắn lơ lửng, phốt pho và nitơ trong nước thải ra.

Chỉ thị khung về nước của châu Âu cũng được áp dụng nhằm mục đích tạo ra nước sạch về mặt hóa học và sinh thái. Các chất nitơ và phốt pho là những thông số quan trọng để ngăn chặn sự phát triển không kiểm soát của tảo trong nước mặt. Vì lý do này, sẽ có các yêu cầu cụ thể áp dụng đối với lượng nitơ và phốt pho trong nước xả thải mà nhà máy xử lý nước thải xả ra môi trường.

Hiệu quả xử lý COD cũng là một thông số quan trọng trong quá trình xử lý. Lượng COD thải ra quá cao gây ra tình trạng thiếu oxy trong nước mặt và có thể dẫn đến cá chết.

Biểu đồ xử lý COD của 21 vùng quản lý nước tại Hà Lan. (Nguồn: waterschapsspiegel.nl)

Biểu đồ xử lý COD của 21 vùng quản lý nước tại Hà Lan. (Nguồn: waterschapsspiegel.nl)

Năm 2006, hiệu suất lọc COD của các vùng quản lý nước ở Hà Lan lên tới 87 - 95% (biểu đồ thanh). Năm 2015, tỷ lệ này nằm trong khoảng 88 - 96% (đồ thị dấu chấm), cho thấy sự cải thiện cho giai đoạn này. Trong đó, một số cơ quan quản lý nước ghi nhận sự cải thiện rõ rệt.

Song bên cạnh đó, những phân tích về kết quả các chỉ số quy chuẩn trong xử lý nước thải của Hà Lan cũng cho thấy những tồn tại của hệ thống quản lý nước thải của quốc gia này, thí dụ như liên quan đến quá trình ngưng tụ và xử lý bùn.

Do yêu cầu chất lượng ngày càng nghiêm ngặt nên từ những năm 1980, Hà Lan không còn cho phép sử dụng bùn thải trong nông nghiệp nữa. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, giới chức Hà Lan cũng không cho phép thải bùn thải đã khử nước ra bãi chôn lấp. Điều này đã dẫn đến việc hình thành những nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn kiêm xử lý cả bùn thải, chẳng hạn bằng cách làm khô và đốt bùn đã tách nước. Chi phí xử lý bùn do đó đã tăng lên đáng kể. Để tiết kiệm chi phí, các cơ quan quản lý nước vùng cam kết giảm thải bùn được tạo ra trong quá trình xử lý nước thải.

Biểu đồ lượng bùn khô được xử lý trong quá trình xử lý nước thải của 21 vùng quản lý nước tại Hà Lan.

Biểu đồ lượng bùn khô được xử lý trong quá trình xử lý nước thải của 21 vùng quản lý nước tại Hà Lan.

Biểu đồ trên cho thấy một số cơ quan cấp nước đã thực sự giảm được sản lượng bùn thải ra trong năm 2015 (biểu đồ chấm) so với năm 2006 (biểu đồ hình cột), thông qua việc phân hủy thêm bùn hoặc giảm việc sử dụng hóa chất để loại bỏ phốt pho. Nhưng kết quả này không đồng đều đối với tất cả các vùng quản lý nước, cho thấy Hà Lan vẫn chưa hoàn toàn đạt chuẩn ở chỉ số này. Đây cũng là một trong những vấn đề đòi hỏi phải có cách giải quyết trong xử lý nước thải ở Hà Lan.

Chuyển đổi mô hình, hướng tới tương lai

Hà Lan đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong nhiều thập kỷ về chất lượng nước và xử lý nước thải. Chất lượng nước ở Hà Lan rất cao, cho phép người dân tiếp cận rộng rãi với nguồn cung cấp nước sạch bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, cải thiện và tăng chất lượng nước vẫn tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu trong tương lai, đặc biệt liên quan đến nồng độ hợp chất của nitơ và phốt pho trong nước mặt. Đi kèm là những thách thức vẫn còn đó, chẳng hạn như việc loại bỏ dư lượng thuốc và những chất tồn dư khác khỏi nước thải.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trầm trọng hơn, Hà Lan được cảnh báo sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa từ xâm nhập mặn, nước biển dâng..., từ đó vấn đề xử lý nước càng trở nên cấp thiết để tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá này.

Ở một quốc gia nổi tiếng thế giới về quản lý nước như Hà Lan, rác và nước thải đều không đúng nghĩa là chất thải bỏ đi. Tất cả đều có giá trị, được tận dụng để phục vụ các lĩnh vực khác trong một vòng khép kín của nền kinh tế tuần hoàn. Người Hà Lan từ lâu cũng nhận ra rằng nước thải có giá trị, có thể thu hồi các chất có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

Mô hình quản lý nước ở Hà Lan là hình mẫu mà nhiều quốc gia khác đang hướng đến. (Nguồn video: Cơ quan Quản lý nước Hà Lan)

Mô hình quản lý nước ở Hà Lan là hình mẫu mà nhiều quốc gia khác đang hướng đến. (Nguồn video: Cơ quan Quản lý nước Hà Lan)

Với các mục tiêu chính sách như vậy, vào năm 2012, khung chính sách xử lý nước thải của Hà Lan đã chuyển từ mô hình xử lý nước thải vì sức khỏe cộng đồng và môi trường sang hướng phục vụ nền kinh tế tuần hoàn, thông qua việc đưa ra khái niệm các nhà máy xử lý nước thải hướng đến mục tiêu tạo ra “năng lượng, dinh dưỡng và nước sạch”. Mục đích là tạo ra năng lượng tối đa bằng cách tận dụng quá trình xử lý nước thải, đồng thời cũng tạo ra các nguồn tài nguyên mới từ nước thải.

Để hiện thực hóa mục tiêu này,  tài chính và công nghệ được tập trung đầu tư để thay thế và trang bị thêm công nghệ tiên tiến cho các nhà máy xử lý nước thải hướng đến tương lai. Các sáng kiến để loại bỏ dư lượng thuốc, thuốc trừ sâu, các chất gây rối loạn hormone khỏi nước thải cũng được xúc tiến thực hiện.

Các công cụ tài chính như thu thuế do cơ quan quản lý nước khu vực thực hiện sẽ được áp dụng để phát triển các hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn và coi những giải pháp này là các sáng kiến ​​”xanh”, biến chúng thành các mô hình xử lý nước hữu ích và khả thi cho tương lai.

Nhà máy xử lý nước thải ở Roermond. (Ảnh: dutchwatersector.com)

Nhà máy xử lý nước thải ở Roermond. (Ảnh: dutchwatersector.com)

Chính phủ Hà Lan đang theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng là đưa Hà Lan trở thành một nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050, trong đó có mục tiêu liên quan đến việc sử dụng và xử lý nước thải. Coi nước là một phần quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn, quá trình xử lý nước thải được khuyến khích bởi Lộ trình xử lý nước thải đến năm 2030 của Hà Lan, do Tổ chức Nghiên cứu nước ứng dụng Hà Lan (STOWA) phát triển.

Cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn này nhận được sự ủng hộ rất lớn ở Hà Lan, vì phần lớn hệ thống mạng lưới thoát nước ở quốc gia này đang đạt đến giới hạn tuổi thọ kỹ thuật. Việc thay thế một mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng lớn như vậy là rất tốn kém. Do đó, việc tích hợp tốt hơn xả thải, lưu thông và xử lý nước thải (tức xử lý nước tuần hoàn) có thể làm giảm đáng kể các khoản đầu tư sắp tới.

Dẫu vậy, những khái niệm như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải CO2, loại bỏ thuốc tồn dư trong nước thải, thu hồi tài nguyên từ nước thải… vẫn còn là những chủ đề tương đối mới đối với các cơ quan quản lý nước ở Hà Lan nói chung.

Bên cạnh đó, là một thành viên của EU và là nước xuất khẩu hàng nông sản lớn sang châu Âu, có nhiều quy định liên quan đến vệ sinh an toàn EU đặt ra mà Hà Lan phải tuân thủ. Bởi vậy, để chất thải đã qua xử lý được phép dùng trong nông nghiệp và các lĩnh vực khác, Hà Lan cần phải vận động sửa đổi các khung pháp lý và tìm kiếm sự ủng hộ từ EU.

Như vậy, với kinh nghiệm sống chung với nước lâu đời, Hà Lan đã cho thấy một mô hình quản lý nước và xử lý nước thải rất thành công và triển vọng. Trước những thách thức mới, việc chuyển đổi mô hình xử lý nước là cần thiết, song vẫn còn đó những vướng mắc đòi hỏi các cơ quan quản lý của Hà Lan phải tìm ra giải pháp để chuyển đổi thành công sang mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai./.

Ngày xuất bản: 4/10/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: TRUNG HƯNG, HOÀNG LINH, THẢO LÊ, PHAN ANH
Ảnh: Chính phủ Hà Lan, Cơ quan Quản lý nước Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan, OECD, Reuters, veenkolonien.groningen.nl
Nguồn tin và dữ liệu: Chính phủ Hà Lan, Cơ quan Quản lý nước Hà Lan, Đối tác nước Hà Lan, OECD, ScienceDirect, eh-resources.org