Hành trình hồi hương là chuỗi ngày ghi nhận sự cố gắng đáng khâm phục của người Việt vượt qua vùng chiến sự tại Ukraine, những nỗ lực không ngừng nghỉ của cơ quan đại diện ngoại giao và tấm lòng trọn nghĩa đồng bào của cộng đồng người Việt ở Nga, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania...
Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Quyết tâm đó được thể hiện rõ nét qua nỗ lực đón công dân Việt Nam sang lánh nạn tại các nước lân cận Ukraine và đưa bà con trở về quê hương trên những chuyến bay nghĩa tình.
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú ở nước ngoài và trong nước đã nỗ lực kết nối, theo sát và ghi lại hành trình trải dài hàng ngàn dặm đầy gian nan và xúc động để giúp đồng bào tại Ukraine đi lánh nạn và đưa hàng nghìn người trở về quê hương an toàn.
CUỘC KHỦNG HOẢNG
NGƯỜI TỊ NẠN
Từ ngày 24/2 đến nay, cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với những nỗ lực ngoại giao kiên trì của cộng đồng quốc tế nhằm nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Moskva và Kiev đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, trong đó lần gặp trực tiếp gần đây nhất giữa phái đoàn của hai quốc gia diễn ra vào ngày 29/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc gặp này, Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky bày tỏ lạc quan thận trọng khi cho biết Ukraine phát đi tín hiệu rằng nước này đã sẵn sàng tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập, song vẫn còn một số vấn đề lớn mà hai bên chưa thể thống nhất.
Trên cơ sở đồng thuận giữa Nga và Ukraine, nhiều hành lang nhân đạo đã được mở để sơ tán dân thường ra khỏi khu vực xảy ra giao tranh. Hiện, chưa có số liệu chính thức về những thiệt hại do chiến sự tại Ukraine gây ra.
Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, gần 5,2 triệu người Ukraine đã ra nước ngoài kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Đây được đánh giá là cuộc khủng hoảng người tị nạn gia tăng nhanh nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Phần lớn trong số những người đi sơ tán đã đến các nước láng giềng như: Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia và Moldova.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, ngoài những người Ukraine rời khỏi đất nước, khoảng 218 nghìn người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc ở Ukraine cũng đã rời khỏi quốc gia Đông Âu này. Cũng theo IOM, tính đến ngày 24/4, hơn 7,7 triệu người khác đã phải sơ tán trong nước. Tổng cộng số người phải đi lánh nạn vì xung đột tương đương hơn 1/4 dân số Ukraine.
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết, trước khi xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine.
Trong hai tháng qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận đã phối hợp nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại tích cực hỗ trợ bà con sơ tán, trực tiếp đón, bố trí chỗ ăn ở tạm thời, vật dụng thiết yếu cho bà con.
Trước những diễn biến phức tạp do xung đột vũ trang ở Ukraine, ngày 3/3, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tổ chức chuyến bay đưa người Việt có nhu cầu về nước.
Trên tinh thần nhân đạo và dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, bảo vệ an toàn tối đa tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam, trụ sở và thành viên cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine, Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam và thành viên gia đình về nước theo nguyện vọng.
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú ở nước ngoài và trong nước đã ghi lại hành trình gian nan vượt qua vùng chiến sự và trở về quê hương của người Việt tại Ukraine cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của cơ quan đại diện ngoại giao và tấm lòng trọn nghĩa đồng bào của những người con xa xứ.
HÀNH TRÌNH HƠN 7.000KM DỌC BIÊN GIỚI NGA-UKRAINE
Hành trình hơn 7.000km từ thủ đô Moskva dọc theo các tỉnh biên giới Nga giáp Ukraine trong hơn một tháng để đón bà con sơ tán từ Kharkov, Donetsk, Kherson, Mariupol (Ukraine) đã diễn ra với thật nhiều cung bậc cảm xúc.
KHARKOV
Ngày 3/3
Chị Phạm Quỳnh Trang, Thư ký Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh (Nga) thông báo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga: “Có 250 người từ Kharkov muốn lánh nạn sang Nga. Họ bảo bên đó đánh bom ngày đêm. Họ bị đói. Nhiều chỗ không có điện”.
Tuy nhiên, từ chỗ 250 người muốn sơ tán sang Nga, chỉ còn mấy gia đình sót lại trong danh sách. Một trong những lý do khiến hàng chục gia đình không thể sang Nga là đến thời điểm gần ngày sơ tán, chiến sự xảy ra ác liệt. Họ không có phương tiện cá nhân. Con đường từ Kharkov sơ tán sang Nga theo hành lang nhân đạo trong kế hoạch ban đầu không đủ an toàn. Nhiều người buộc phải di chuyển sang phía tây.
Tình thế cấp bách, những người không có xe để đi sang hướng tây thừa nhận chỉ còn một con đường sơ tán sang Nga. Bỏ qua kế hoạch cũ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh (Nga) mau chóng hướng dẫn họ đến cửa khẩu Logachevka, nơi tỉnh Belgorod của Nga giáp Ukraine. Không chần chừ, 10 công dân Việt Nam thuê xe lên đường ngay.
Biết đây là lần đầu có người nước ngoài sơ tán qua cửa khẩu Logachevka, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga mau chóng liên hệ Bộ Quốc phòng Nga, Bộ Ngoại giao Nga và các cơ quan liên quan đề nghị hỗ trợ. Khi phía Nga còn chưa kịp trả lời, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã chỉ đạo Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam lên đường ngay, với phương châm “khó ở đâu gỡ ở đấy”.
Ngày 5/3
Từ thủ đô Moskva, đoàn đến Belgorod. Đường lên cửa khẩu Logachevka hoang vu, tuyết rơi dày. Sóng điện thoại chập chờn, yếu ớt, có lúc mất hẳn. Đoàn nỗ lực giữ liên hệ với an ninh cửa khẩu, cơ quan chức năng tỉnh Belgorod, để cập nhật tình hình và yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Nga.
Sau khoảng ba giờ chờ ở cửa khẩu, đoàn hạnh phúc vỡ òa khi thấy lần lượt 10 công dân Việt Nam qua cửa khẩu và có mặt trên lãnh thổ Nga. Trên xe, họ kể lại những ngày nguy hiểm trong vùng chiến sự, nỗi sợ bị phục kích trên đường di chuyển và ba giờ “dài như ba ngày” trả lời an ninh cửa khẩu về tên tuổi, công việc, tình hình chung… Nhưng may mắn là tất cả đều diễn ra thuận lợi. Đại diện Hội Người Việt Nam tại thành phố Voronezh và Đoàn công tác đưa 10 công dân về nghỉ tạm tại một khách sạn sát khu chợ của người Việt ở Voronezh.
Sáng 6/3
Ngồi trên đi-văng trong phòng, ông Hoàng Minh Hồng thở phào: "Yên tâm rồi. Giờ thì thoát chết rồi". Ôm đứa cháu trong lòng, ông Hồng cảm động nhắc tới tấm lòng của bà con cộng đồng người Việt tại Voronezh, những người đã lo lắng cho đoàn từ khi bắt đầu sơ tán, đến cung cấp chỗ ăn, chỗ ở trong thời gian chờ chuyến bay hồi hương, thậm chí "đi cả nghìn cây số để đón bà con".
Tin tức trên Báo Nhân Dân về những công dân Việt Nam đầu tiên sơ tán thành công khỏi Ukraine sang Nga được lan tỏa rộng rãi. Người thân của bà con vui mừng sau nhiều ngày ngóng đợi, đã thấy người quen được an toàn. Những người Việt Nam còn mắc kẹt ở Ukraine thấy đồng bào lánh nạn thành công sang Nga đã vững tâm hơn để đi theo hành trình vừa được mở. Hành trình đó có thể có rủi ro, nhưng khi vượt qua được nỗi sợ hãi bom đạn, gặp những ánh mắt và nắm đôi bàn tay của đồng bào ở cửa khẩu, những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế trào ra.
DONETSK
Yên tâm với tình hình bà con trú tạm ở Voronezh, Đoàn lên đường đến tỉnh Rostov ngay để kịp đón công dân Việt Nam sơ tán từ vùng Donetsk.
Ngày 7/3
Đoàn công tác cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Rostov có mặt tại cửa khẩu Matveev Kurgan, chờ đón thành công 10 công dân Việt Nam sơ tán từ hướng Donetsk sang Nga.
Có mặt trong đoàn người vừa đến Nga, ông Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1965) cho biết, mấy ngày qua, tại vùng Donetsk, tình hình chiến sự căng thẳng. Người dân cảm nhận đạn pháo đã ngay sát khu vực trung tâm. Mọi người rất lo lắng, bất an.
Theo ông Bình, nhiều công dân Việt Nam dù rất muốn, song vì hoàn cảnh, chưa thể rời đi được. Việc đặt xe ra biên giới gặp nhiều khó khăn, vì người dân không muốn ra đường. Ông Bình và những người trong đoàn bày tỏ tâm trạng nhẹ nhõm, đồng thời chia sẻ cảm thấy may mắn sau quãng đường dài.
Đón công dân Việt Nam tại cửa khẩu Matveev Kurgan. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón công dân Việt Nam tại cửa khẩu Matveev Kurgan. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón công dân Việt Nam tại cửa khẩu Matveev Kurgan. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón công dân Việt Nam tại cửa khẩu Matveev Kurgan. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón công dân Việt Nam tại cửa khẩu Matveev Kurgan. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón công dân Việt Nam tại cửa khẩu Matveev Kurgan. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón bà con sơ tán từ Kherson. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón bà con sơ tán từ Kherson. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón bà con sơ tán từ Kherson. (Ảnh: THANH THỂ)
Đón bà con sơ tán từ Kherson. (Ảnh: THANH THỂ)
KHERSON
Tại thành phố Kherson, giao tranh trở nên ác liệt hơn. Sau khi có thông tin hành lang nhân đạo được mở để sơ tán dân thường từ Kherson sang Nga, Đoàn công tác quyết định lên đường đến vùng Krasnodar, miền nam nước Nga, với hy vọng có thể đón được bà con người Việt.
Chuyến tàu từ Moskva đến ga tàu Krasnodar vào lúc sáng sớm 12/3, khi thành phố còn yên giấc. Từ đây, Đoàn tiếp tục di chuyển thêm khoảng 500km nữa, đến địa điểm hẹn trước để đón 14 người Việt Nam từ thành phố Kherson sơ tán sang Nga. Không ai biết bao giờ chuyến xe tới nơi, cũng không biết địa điểm cuối cùng có gì thay đổi không.
Trời về chiều, hoàng hôn đỏ rực từ bên phía Ukraine. Những chiếc xe bọc thép dẫn đoàn xe buýt chở hàng trăm người nước ngoài sơ tán từ Ukraine. Trong đó, may mắn có 14 người là đoàn người Việt Nam đầu tiên rời khỏi Kherson để lánh nạn sang Nga. Khi đã đặt chân đến vùng đất Krasnodar, nhiều người trong số họ vẫn không tin chuyến hành trình đến đích.
Bom đạn đến sát tận cửa, người ở lại, hay người rời đi, đều vì sinh mạng. Người có thể đưa gia đình lánh nạn, họ hy vọng bình an cho chính họ và gia đình. Còn người muốn về nhưng buộc phải ở lại, họ vì sinh mạng của thành viên trong nhà.
Khi bom đạn nổ ra, tính mạng con người là quan trọng nhất. Nhưng nói vậy thôi, những người từ Ukraine phải sơ tán đợt này, vẫn phải khó khăn lắm mới quyết định bỏ lại tất cả.
Chứng kiến tinh thần tương thân tương ái của đồng bào Việt Nam tại các nước láng giềng Ukraine và Nga, ông Đỗ Minh Chánh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại vùng Krasnodar, cũng như nhiều lãnh đạo các hội đoàn Việt Nam khác, đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ bà con lánh nạn ở mức cao nhất. Họ nỗ lực lo cho bà con chu đáo nhất có thể, để bà con cảm giác an tâm, sau chuỗi ngày gặp nhiều áp lực.
Ngồi trong cơ ngơi khang trang của người Việt ở Krasnodar sau bữa cơm thân mật, ông Phạm Xuân Dương nói hộ tâm tư những người vừa từ Kherson:
Sau khi thoát khỏi vùng chiến sự ở Ukraine để sang Nga chờ chuyến bay hồi hương, ông Dương và bà con đã có thể cười thoải mái hơn. Nụ cười của ông Dương có cả hai hàng nước mắt.
Sự chu đáo của người Việt tại Nga giúp bà con lánh nạn từ các vùng chiến sự ở Ukraine cảm thấy ấm áp, nguôi ngoai những mệt mỏi thời gian qua. Tuy vậy, trong tâm trí những người vừa thoát khỏi vùng chiến sự để sang Nga chờ chuyến bay hồi hương, vẫn có gì đó lấn cấn lắm. Đã quyết định bỏ hết tất cả để về, bỏ nhà cửa, xe cộ, cơ ngơi để chỉ ra đi với một chiếc túi xách, nhưng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Trong tâm trí, họ tiếc cho “cái ngày hôm trước”, khi mọi thứ còn yên ổn...
MARIUPOL
Lo cho 14 người tạm ổn ở Krasnodar, Đoàn công tác ngay lập tức nhận chỉ đạo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga rằng chuẩn bị tinh thần lên đường trở lại Rostov đón bà con sơ tán từ Mariupol (Ukraine), một trong những thành phố chiến sự diễn ra ác liệt nhất.
Hơn 20 gia đình người Việt mắc kẹt tại Mariupol. Gần một tháng họ thiếu thốn điện, nước, gas, sưởi ấm, thức ăn dự trữ cạn kiệt, nhiều ngày không có sóng điện thoại, không internet. Không ít gia đình có con nhỏ, một số tự lái xe rời thành phố bất chấp nguy hiểm.
Đoàn công tác khẩn trương di chuyển lên cửa khẩu Veselo-Voznesenka, nơi tỉnh Rostov của Nga giáp Ukraine, để hy vọng đón công dân được Bộ Quốc phòng Nga sơ tán từ Mariupol.
Đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm cách thông báo để bà con người Việt tại Mariupol đến địa điểm tập kết, chờ chuyến xe sơ tán. Có danh sách 46 người Việt Nam mắc kẹt ở Mariupol đăng ký sơ tán sang Nga, nhưng Đoàn không thể liên hệ với ai trong số họ. Điện thoại không đổ chuông, tin nhắn không đến được nơi cần đến. Đoàn tiếp cận các đầu mối thông tin của người Việt tại Ukraine để cùng hỗ trợ báo tin cho bà con. Trên mạng, một người dân có người thân còn sót lại ở Mariupol sốt sắng: “Cả tuần nay không thể liên lạc với họ. Lần cuối, họ chỉ bảo đang trốn dưới hầm. Phía trên là chiến sự ác liệt".
Trong những lần hiếm hoi kết nối được điện thoại với người Việt ở Mariupol, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Nga nhanh chóng ghi lại địa chỉ của người dân còn mắc kẹt, rồi thông báo để phía Nga viện trợ nhân đạo và chủ động đón người sơ tán. Bà con người Việt có thời điểm chỉ cách nơi tập kết 2km, sẵn sàng sơ tán. Nhưng rồi điện thoại lại tắt. Thông tin báo về rằng đi bộ 2km đến địa điểm tập kết là không thể vì đạn bắn dữ dội, không ai dám ra ngoài.
Tại cửa khẩu Veselo-Voznesenka, cuối tháng 3, trời nắng nhưng lạnh buốt. Tuyết rơi dày, bông to, bị gió đẩy đập tới tấp vào cửa kính ô-tô đang di chuyển từ bên kia biên giới.
Cứ mỗi xe từ biên giới sang, chúng tôi lại cố trèo lên, mong bắt gặp một ánh mắt người Việt, nhưng không có. Đội an ninh ở cửa khẩu cũng lắc đầu, hôm nay chưa gặp ai là người Việt Nam sơ tán từ Mariupol sang Nga. “Thế thì họ đang ở đâu?”, câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu chúng tôi.
Ông Vũ Sơn Việt, Trưởng đoàn công tác gọi điện cho chỉ huy cửa khẩu, xin thông tin về công dân sơ tán. Vì số lượng quá đông, họ đề nghị chờ.
Chỉ huy cửa khẩu thông báo, không có thông tin về người Việt Nam từ Mariupol sang Nga. Họ hướng dẫn cho Đoàn công tác liên hệ những điểm tiếp nhận người tị nạn tạm thời, nằm trong thành phố Taganrog. Không chần chừ, chúng tôi lên xe di chuyển. Hai bên đường, lực lượng cảnh sát giao thông, an ninh đông đảo, kiểm soát tình hình chặt chẽ.
Trung tâm thể thao số 13 của thành phố Taganrog trở thành điểm tiếp nhận dân thường sơ tán từ Ukraine sang Nga. Hằng ngày, hàng nghìn người từ Ukraine được đưa đến đây đăng ký, rồi chuyển đến các trung tâm tị nạn khác. Nơi cửa vào, anh Shasha (29 tuổi) vừa bế con ba tháng tuổi, vừa trông hai đứa con khác đang nhận đồ viện trợ từ ngoài cổng, trong khi người mẹ làm thủ tục đăng ký. Anh từ quận trung tâm Mariupol sơ tán sang đây, sau 15 ngày cả nhà ở dưới hầm trú ẩn.
Từ Mariupol sang Nga, rất không may, anh Shasha không thấy người Việt Nam nào đi cùng xe. “Chẳng nhẽ không có người Việt nào lên xe?”, chúng tôi hỏi nhau, rồi đến bàn đăng ký người tị nạn, nhưng tiếp tục nhận về cái lắc đầu. Từ sáng nay, danh sách của họ không có ai là người Việt. “Thế có người nào có vẻ ngoài châu Á không?” chúng tôi gặng hỏi, vì sợ những người Việt Nam có thể dùng hộ chiếu Ukraine hoặc Nga. Họ trả lời không chắc, do người đến quá đông. Không từ bỏ, chúng tôi chạy vào sân vận động trong nhà, nơi cả nghìn chiếc giường xếp cho người sơ tán nằm sát nhau. Đi từng giường, hỏi thêm nhiều người, nhưng điều chúng tôi nhận được vẫn chỉ là cái lắc đầu.
Chỉ còn một địa điểm cuối cùng là Trung tâm Bảo vệ người dân trong tình huống khẩn cấp của thành phố. Ông Vitaly Sviridov, Trưởng bộ phận hành chính tiếp chúng tôi ở cửa. Sau khi gọi điện một vài nơi, ông thông báo với giọng buồn bã: “Theo số liệu chính thức, chưa có người Việt Nam nào sơ tán từ Mariupol sang đây. Nhưng nghe nói, có một tốp người Việt đã đến Taganrog và có thể đã ra ga tàu rồi. Các anh có thể đến đó hỏi thêm”.
Tin nhắn mà Đoàn công tác soạn để gửi đến từng bà con có ghi số điện thoại của cán bộ Đại sứ quán. Đứng bên bờ biển Azov gió lồng lộng, Đoàn nhìn nhau hụt hẫng vì chưa đón được người Việt từ Mariupol, song có gì đó nhẹ nhõm. Ít ra, một số người hoặc đã được sơ tán đến khu vực an toàn ở Ukraine, hoặc đã đến được Nga, tránh xa vùng chiến sự.
Chuông điện thoại bất ngờ vang lên, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch báo tin có thêm người Việt đã thoát khỏi thành phố Mariupol. Đại sứ quán tiếp tục bám sát thông tin, để hướng dẫn người dân tránh xa khu vực giao tranh, trong trường hợp khẩn cấp chủ động vào hầm trú ẩn, hoặc sơ tán kịp thời theo hành lang nhân đạo. Trong lúc này, tính mạng người dân là trên hết.
Một trong những lý do chính khiến Đoàn không thể liên lạc với bà con người Việt ở Mariupol là vì bên đó, không điện, không sóng điện thoại. Điều này được chị Phạm Thị Kim Thủy (sinh năm 1966) xác nhận lại. Câu chuyện về người phụ nữ lê đôi chân với đầu gối sưng phù vượt quãng đường 5km men theo các tòa nhà ở Mariupol để đến nơi có xe buýt sơ tán làm lay động cảm xúc nhiều người những ngày qua.
Với chị Thủy và nhiều người Việt Nam thoát khỏi Mariupol, hay Donetsk, Lugansk, Kherson, Kharkov... những ngày dưới hầm uống nước qua ngày, những tiếng bom rơi đạn nổ, những cảnh tượng đổ sập đã ở lại phía sau. Điểm đến cuối cùng tại “xứ sở Bạch Dương” trước khi hồi hương là Đại sứ quán Việt Nam tại Nga.
Họ không cầm được nước mắt, khi được Đại sứ Đặng Minh Khôi và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga trực tiếp đón, mời cơm thân mật, hỏi han và lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Đại sứ chúc mừng các đoàn sau khi được người Việt ở các thành phố của Nga giúp đỡ, đã đến Moskva an toàn để lên chuyến bay trở về quê hương. Còn những nỗi lo lắng về con cái phải bỏ dở học hành, Đại sứ chia sẻ sẽ thảo luận với các cơ quan của hai nước để có phương án tốt nhất cho con trẻ. Đại sứ cũng không quên chúc đoàn được trở lại đất nước Ukraine một ngày gần nhất.
Sau khi ở Nga ít ngày, tinh thần tạm ổn, sức khỏe hồi phục, bà con được mua vé trở về Việt Nam, về với vòng tay của người thân và gia đình. Cứ mỗi đồng bào đặt chân về đến quê hương Việt Nam an toàn, người Việt ở Nga lại cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Các hướng di chuyển mà người dân tại Ukraine có thể lựa chọn để sang nước ngoài lánh nạn. (Nguồn: DW)
Các hướng di chuyển mà người dân tại Ukraine có thể lựa chọn để sang nước ngoài lánh nạn. (Nguồn: DW)
Khi chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, người Việt ở Ukraine buộc phải bỏ lại hết nhà cửa và tài sản sau hàng chục năm lập nghiệp ở xứ người để sơ tán sang các nước lân cận như Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania...
Để tới được biên giới, bà con đã phải trải qua hành trình vô cùng gian nan và nguy hiểm: chen lấn, xô đẩy ở bến tàu rồi tới chặng đường hàng chục giờ đồng hồ đứng trên tàu như nêm người để rời xa nơi chiến sự, tiếp đó là đi nhờ xe hoặc đi bộ tới biên giới. Sau chặng đường nghẹt thở, họ lại tiếp tục chờ đợi rất lâu dưới trời rét buốt để đến lượt qua cửa khẩu.
Trong số những người chạy nạn sang Ba Lan, có người từng trải qua những ngày hiểm nguy ở Donetsk (thủ phủ của vùng Donbass), nơi chiến sự bùng phát từ năm 2014. Có người lần đầu thấy bom đạn nổ ngay bên cạnh khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Suốt trong hành trình người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự, hình ảnh những tình nguyện viên người Việt luôn là “cột mốc sống” cho sự bình an và hy vọng của những đồng bào chịu ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở Ukraine.
Nguyễn Thiện Thành hiện là sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế tại Trường đại học Corvinus Budapest (Hungary). Thành đã cùng nhiều thành viên khác trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary tham gia các hoạt động giúp đỡ bà con Việt Nam sinh sống và làm việc tại Ukraine di tản sang thủ đô Budapest.
Nhiệm vụ của Thành là túc trực ở các ga, bến tàu như: Keleti, Kelenfold và Nyugati-Budapest… để đón bà con, giúp đỡ mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, đồng thời hỗ trợ mua vé để chuyển tiếp sang các nước lân cận như: Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc…
"Khi bước xuống tàu và nhìn thấy chúng em thì bà con như vỡ òa. Họ kể lại cho chúng em hành trình gian nan để có thể sang Budapest. Hầu hết đã phải bỏ lại tất cả, chỉ kịp mang theo một vài bộ quần áo và chút tiền phòng thân", Thành chi sẻ.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, rất nhiều tình nguyện viên đã bật khóc. Họ khóc vì thương những gia đình vội vàng xúc nốt thìa cơm để tiếp tục hành trình; thương các em nhỏ vẫn đang tươi cười mà không biết rằng mình đang ở trong những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc đời. Có những em bé sơ sinh vẫn nằm lọt thỏm trong vòng tay của mẹ để được che chở khỏi những cơn gió lạnh buốt ở xứ người.
Sang Hungary từ tháng 9/2021, đây là lần đầu tiên Bùi Tạ Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên chi hội Budapest chứng kiến cảnh nhiều đồng bào người Việt Nam di chuyển từ Ukraine vào thành phố của mình đến thế. Ngay khi nhận thông tin, Hoàng Anh đã chủ động tham gia công tác hỗ trợ theo sự triển khai chung của Đại sứ quán.
“Hội sinh viên có nhiệm vụ phối hợp Đại sứ quán và Hiệp hội Người Việt ở Hungary đón đồng bào, sau đó tiếp nhận thông tin và nắm bắt nhu cầu của từng người để kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, chúng em cũng sẽ hỗ trợ sim liên lạc, lương thực, nước uống cho mọi người”, cậu sinh viên Học viện Balassi chia sẻ.
Do vẫn phải bảo đảm việc học cho nên Hoàng Anh thường bắt đầu công việc hỗ trợ từ khoảng 19 giờ (theo giờ địa phương) và thường kết thúc rất muộn. “Có vài hôm liền đứng ở sân ga mà muốn "rụng chân", toàn thân lạnh buốt nhưng nghĩ tới việc đang giúp đỡ mọi người thì tôi lại quên đi mệt mỏi”, Hoàng Anh nói.
Nhóm sinh viên hỗ trợ tại Hungary có khoảng 4-50 người phân chia theo nhiều ca trực khác nhau. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con trong mọi hoàn cảnh”, Hoàng Anh khẳng định.
Tại Hungary, các sinh viên tình nguyện viên luôn cầm theo một lá cờ đỏ sao vàng lớn cùng những tấm biển ghi hai chữ Việt Nam để kiều bào từ Ukraine dễ dàng nhận biết. Theo cách ấy, tấm quốc kỳ thiêng liêng trở thành “điểm tụ” cho tất cả những người con xa xứ.
Tương tự, tại Romania, các tình nguyện viên người Việt đã làm việc hết công suất. Ngay từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, Trần Lực - một nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Bucharest - đã chủ động gác lại công việc của mình để tham gia hỗ trợ đồng bào ta. Cũng giống Thiện Thành và Hoàng Anh tại Hungary, công việc của anh là hướng dẫn, phiên dịch và hướng dẫn những người mới sang liên lạc với Đại sứ quán cũng như di chuyển về các điểm tạm trú.
“Thời điểm ban đầu, dòng người sơ tán rất đông. Các nhà ga luôn chật kín. Nhiệt độ thường xuyên ở mức dưới 00C kèm theo mưa tuyết khiến bà con càng khó khăn hơn. Tôi nhớ mãi hình ảnh một gia đình bế theo em bé mới 1-2 tháng tuổi đã phải đứng suốt 18 giờ đồng hồ để tới được thủ đô Bucharest. Tội nghiệp đến nhói lòng”, anh Lực nhớ lại.
Trong khi đó, tại Slovakia, anh Thân Trung Sơn, một trong những người đầu tiên tham gia hỗ trợ đồng bào, nhớ lại: Khoảng cuối tháng 2, khi tình hình tại Ukraine trở nên phức tạp hơn, anh cùng hai người bạn đã quyết định sẽ phải "làm một điều gì đó". Cả nhóm trực tiếp xuống biên giới và thấy các tổ chức xã hội như Hội chữ thập đỏ, hội đoàn của Nhà thờ đã dựng lều trại để hướng dẫn dòng người bắt đầu từ phía Ukraine đổ về.
"Quay lại, chúng tôi liên lạc với một số anh em người Việt Nam khác. Rất vui chỉ sau vài cuộc điện thoại, tất cả đều đồng ý. Mỗi người một ngả cùng hướng về biên giới, trong đó có cả một bà mẹ có tới ba con", anh Sơn nhớ lại.
Tối 27/2, cả đoàn quay lại, bắt tay cùng các đoàn thiện nguyện dựng lán trại. Lúc này vẫn chưa có người Việt Nam từ Ukraine di chuyển qua.
"Chúng tôi lên mạng thì biết được phía biên giới Ba Lan đã rơi vào cảnh ùn tắc. Có người phải xếp hàng tới 3-4 ngày đêm mới được qua. Ngay sau đó, cả nhóm đã viết thông báo lên các trang cộng đồng của bà con mình ở Slovakia, Ba Lan... hướng dẫn mọi người có thể chọn cửa khẩu Slovakia để nhận được sự hỗ trợ. Chúng tôi sẽ đón bà con ngay tại biên giới", anh Sơn nói tiếp.
Suốt những ngày tiếp đó, anh Sơn và các bạn gần như dừng hết mọi công việc để trở thành một "cọc tiêu" trên đất Slovakia.
"Điều khiến chúng tôi vui nhất là cộng đồng ta tại Slovakia sau khi biết tới hoạt động này đã gọi điện và đề nghị được tham gia. Nhiều người đã dùng chính căn nhà của mình để làm thành điểm tạm trú cho đồng bào trong những ngày gian khó", anh Sơn chia sẻ.
Thông tin thêm với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Dương Quỳnh Chi, thành viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Romania cho biết: Trong những ngày qua, tại Romania, đã có ít nhất 20 hộ gia đình cộng đồng người Việt Nam đón tiếp gần 200 người lánh nạn về nhà mình để tiện hỗ trợ, chăm sóc trong đó có nhiều trẻ nhỏ, người ốm, người già và phụ nữ mang thai.
Nhờ sự giúp đỡ chân tình của các tình nguyện viên, gần 600 công dân Việt Nam tại Ukraine đã về nước trong hai chuyến bay sơ tán đầu tiên vào các ngày 8 và 10/3 vừa qua. Chị Nguyễn Thị Thu Phương (31 tuổi, Odessa), một trong những người may mắn như thế, không giấu nổi sự xúc động khi nhớ tới tình cảm của đồng bào xa xứ. Chị bày tỏ:
Khi gặp được đoàn, tôi còn nhớ như in câu nói của các anh trong Đại sứ quán mình: "Chúng tôi đón bà con, anh chị em, từ đây chúng tôi phải có trách nhiệm đưa bà con, anh chị em về được quê hương". Thật sự khi nghe được câu đó tôi rất xúc động. Tôi cảm giác như mình đã được trở về quê hương, chứ không phải đi lánh nạn ở nước khác.
CHIẾN DỊCH
HỒI HƯƠNG ĐẶC BIỆT
Không chỉ bảo hộ công dân di chuyển ra khỏi “điểm nóng” Ukraine sang các nước lân cận, Chính phủ còn nỗ lực tổ chức các chuyến bay để đưa người Việt Nam về nước an toàn. Hành trình “nặng nghĩa đồng bào” được tiếp nối một dải từ trời Âu về quê mẹ yên bình.
Ngay sau khi những đoàn người đầu tiên rời Kharkov, Donetsk, Kiev, Odesssa… sang các nước lân cận, từ trong nước, Bộ Ngoại giao đã lên kế hoạch đưa công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam và thành viên gia đình về nước theo nguyện vọng.
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong khó khăn, hoạn nạn, cùng với các bộ, ban, ngành... các doanh nghiệp tư nhân cũng quyết liệt vào cuộc. Lần lượt Vietnam Airlines, Bamboo Airlines, Sun Group đã quyết định chung tay cùng Chính phủ quyết tâm bảo hộ công dân.
Nghĩa tình đồng bào trở thành sợi chỉ đỏ kết nối tất cả với nhau thành một khối trong những ngày tháng 3. Từ Nội Bài, những chuyến bay mang theo yêu thương cứ thế cất cánh không kể ngày đêm.
Lên máy bay là thấy quê nhà
Kết thúc hành trình kéo dài nhiều giờ từ Romania về nước, Cơ trưởng Hồ Minh Tâm, chỉ huy trưởng chuyến bay VN88, Giám đốc Trung tâm Điều hành khai thác Vietnam Airlines mới khẽ thở phào. Tự gọi đây là chuyến đi “đặc biệt có một không hai”, Cơ trưởng Tâm nhớ lại: “Trước đó, chúng tôi chỉ có ba ngày để chuẩn bị. Phương án tính toán chi tiết được xây dựng vào chiều thứ sáu, cũng là ngày làm việc cuối cùng ở châu Âu. Tất cả phải căng sức trong cả hai ngày cuối tuần”.
Theo Cơ trưởng Tâm, vấn đề khó khăn nhất lúc bấy giờ là việc xin phép cũng như chuẩn bị bay thế nào. Bởi địa điểm đón đồng bào bị ảnh hưởng do tình hình bất ổn tại Ukraine là thủ đô Bucharest của Romania. Đây là sân bay mà Vietnam Airlines không thường xuyên khai thác và cũng không có đại diện thường trú. Để bảo đảm liên lạc thông suốt, Vietnam Airlines đã ngay lập tức cử đại diện hãng tại một số nước châu Âu di chuyển sang Romania. Ngoài ra, một lộ trình bay đặc biệt và hoàn toàn mới cũng được xây dựng chỉ trong 24 giờ.
“Hành trình lần này sẽ phải đi qua một số nước lần đầu tiên chúng ta bay qua. May mắn là Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự, Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế đã đưa ra những phương án trợ giúp rất kịp thời”, Cơ trưởng Tâm chia sẻ.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ Vietnam Airlines để xin cấp phép bay các nước theo kênh ngoại giao. Bộ Y tế cũng có công văn đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe hành khách trên chuyến bay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt Đức, Đội phó Đội kiểm soát tải Nội Bài, Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS cho biết thêm: Với vai trò nhân viên phục vụ mặt đất, việc chuẩn bị cho chuyến bay cũng hết sức khẩn trương.
“Song song với nhiệm vụ lấy thông tin khách hàng, hàng hóa và các nhu cầu đặc biệt khác, chúng tôi phải liên hệ trước với đại diện Vietnam Airlines tại châu Âu cũng như sân bay Bucharest tại Romania để bảo đảm mọi thứ đã sẵn sàng”, ông Đức nói.
Tiếp viên trưởng Phạm Thái Hòa, người đã có 27 năm phục vụ ngành hàng không cũng có mặt trong chuyến bay đặc biệt ngày 8/3. Đã từng tham gia chiến dịch sơ tán công dân Việt Nam trong “gió cát Libya” 11 năm trước, nhưng anh vẫn không giấu nổi sự xúc động của mình. Ngay từ khi nhận được thông tin, anh đã tình nguyện xung phong đăng ký đi chuyến đầu.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban truyền thông Vietnam Airlines, cho biết thêm, để chuyến bay thành công, Vietnam Airlines đã sớm xây dựng phương án, báo cáo Chính phủ, đồng thời đánh giá, phân tích kỹ phương án và hành trình bay. “Tất cả các rủi ro cũng đã được tính toán kỹ lưỡng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Sau ba ngày thần tốc, sáng 7/3, chuyến bay mang số hiệu VN88 đã chính thức khởi hành từ Hà Nội, trải qua gần 10.000km mang theo 25 thành viên hướng tới Bucharest trong niềm mong ngóng của hàng trăm đồng bào xa xứ…
Chiều 7/3, VN88 chính thức hạ cánh xuống sân bay Henri Coandă tại thủ đô Bucharest. Tất cả phi hành đoàn đều vô cùng hồi hộp. Chỉ ít giờ nữa, VN88 sẽ được đón đồng bào.
19 giờ 35 phút, những hành khách đầu tiên đã bắt đầu di chuyển lên chuyến bay đã chờ sẵn. Đón khách ngay từ cửa vào, Tiếp viên trưởng Phạm Thái Hòa khẽ cúi người, dõng dạc nói:
Bà con lên tới máy bay coi như đã về với Việt Nam, với quê hương mình rồi!
Nhớ lại giờ phút đặc biệt ấy, anh kể: “Tôi thấy rõ sự hân hoan và hạnh phúc của mọi người khi tới cửa máy bay. Có người còn hô to: Ôi Việt Nam của tôi đây rồi”.
Cùng chung cảm xúc, nữ tiếp viên Nguyễn Minh Trang bày tỏ: “Mặc dù trước đó, chúng tôi đã tham gia nhiều chuyến bay đón người Việt Nam hồi hương từ các vùng dịch, nhưng đây là lần đặc biệt nhất. Nhìn bà con an toàn, chúng tôi đều rất vui”.
Tiếp viên Nguyễn Thành Nam, một thành viên khác của VN88 lại không thể quên được hình ảnh một người phụ nữ có tuổi chạy vội lên cửa máy bay, thở hổn hển, mặt vẫn đỏ gay và đầy mệt mỏi. Gặp Nam, việc đầu tiên của cô là… xin một cốc nước để uống.
“Có cả một gia đình trong suốt chuyến đi vẫn chia sẻ về những khó khăn và ký ức khó quên về những ngày di chuyển ra khỏi lãnh thổ Ukraine, một hành trình gian nan để có thể lên tới chuyến bay trở về quê hương mình”, Nam kể.
Trong 287 “vị khách đặc biệt”, có 71 cháu bé trong đó có 14 cháu dưới hai tuổi. Nhìn những ánh mắt trong veo ấy, tất cả đoàn tiếp viên lại tự nhủ cần phải nỗ lực hơn để bà con yên tâm nhất suốt hành trình.
Là một trong số gần 300 công dân Việt Nam về nước trong dịp này, ông Hoàng Quốc Tuấn, người đã có 33 năm sinh sống tại Ukraine nói, ông thật sự cảm thấy “hạnh phúc vì đã được trở lại cuộc sống bình thường”.
“Trong lúc gia đình tôi chưa biết trông cậy vào đâu, chỉ biết di chuyển thì lại được sự giúp đỡ của Hội đồng hương Hà Bắc tại Romania, được Đảng và Nhà nước cũng như Đại sứ quán quan tâm giúp chúng tôi về nước”, ông Tuấn bày tỏ.
Hạnh phúc vì có nơi để trở về cũng là cảm xúc của chị Đinh Thị Xuân Nhi, một bác sĩ tại thành phố Odessa. Tới khi đã ngồi trong khoang hành khách cùng cha, mẹ, anh chị em và các cháu, chị vẫn cảm thấy “không thể tin được” rằng chỉ hơn 10 giờ nữa thôi, chị lại có mặt ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
“Thật sự cảm ơn tất cả đã giúp đỡ chúng tôi. Tôi cũng không nghĩ trên một chuyến bay cứu trợ, chúng tôi lại được phục vụ chu đáo và niềm nở thế này”, chị Nhi nhấn mạnh.
Đêm đó, có lẽ không ít người trong số 287 hành khách đặc biệt trên chuyến bay VN88 đã có một giấc ngủ bình yên sau những ngày khó khăn. Ở một phía khác, những hành trình nghĩa tình đưa người Việt trở về vẫn tiếp nối trên không…
Chuyến hồi hương hạnh phúc nhất
Là người vừa trở về Việt Nam trên chuyến bay QH9066 ngày 10/3, chị Vũ Thị Quý tỏ rõ sự mệt mỏi sau chuỗi ngày dài chỉ “chạy và chạy”. Ngay cả khi đã ngồi trong căn nhà của bố mẹ chồng, người phụ nữ ấy vẫn ôm chặt cậu con trai mới sinh, thi thoảng lại giật mình mỗi khi có tiếng động mạnh phía bên ngoài.
Việc đầu tiên của chị là gọi điện thoại qua Facebook cho người chồng vẫn còn đang ở lại Ukraine. Sau vài hồi chuông, phía đầu dây cách quê nhà 10.000km đã bắt máy. Chồng chị Quý, anh Lê Văn Dũng khi nhìn thấy ba mẹ con qua màn hình, thở phào nhẹ nhõm. Chung quanh, cả nhà đã quây quần, cố gắng hỏi tình hình cụ thể tại Kharkov - thành phố có người thân của họ đang sinh sống. Chiếc điện thoại được truyền tay cho tất cả mọi người khiến câu chuyện kéo dài không dứt.
“Ngày 4/3, thành phố Kharkov bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị bất ổn. Bom đạn nổ chung quanh khu vực chúng tôi sinh sống, các khu vực chung quanh cũng đều cháy hết nên mọi người rủ nhau di chuyển về phía biên giới Ba Lan. Chồng tôi thì kiên quyết ở lại vì toàn bộ tài sản của gia đình trong hơn 12 năm qua đều ở đó cả”, chị Quý kể.
Ngồi bên cạnh, bà Lê Thị Đan, mẹ chồng chị tiếp lời: “Ngay khi nghe tin trên truyền hình, tôi rất lo, không biết mọi người bên đó ra sao”.
Gần một tuần, không đêm nào bà Đan ngủ được. Những lúc không có việc, bà lại gọi điện cho các con. Có lúc đang nói chuyện thì phía đầu dây Ukraine hô lớn: “Mẹ ơi, con phải chạy xuống hầm trú ẩn đây, lúc khác gọi sau mẹ nhé!”.
“Tôi rất hoảng nhưng không biết phải làm sao”, bà Đan kể lại.
Để bảo đảm an toàn, chị Quý quyết định đưa các con sang Ba Lan, từ đó đón chuyến bay sơ tán về nước. Mang theo một chiếc balo đựng giấy tờ, quần áo và một ít tiền mặt, gia đình chị hướng về phía ga tàu.
“Ga khi ấy rất đông. Chồng tôi đưa bốn mẹ con đi, phải bế cháu bé mới sinh giơ lên trời để không bị dòng người ép lại. Nhiều người lớn cũng phải tạo thành vòng tròn để vây trẻ em ở bên trong. Có gia đình bỏ lại cả ô-tô để lên tàu. Lúc này, không ai tiếc của nữa. Trong đầu tôi cũng chỉ có ý nghĩ duy nhất là các con phải được an toàn để trở về”, người phụ nữ đã có 12 năm buôn bán tại Kharkov nhớ lại.
Sau năm ngày gần như “chỉ có đứng và đi liên tục”, nhóm người đã tới Ba Lan. May mắn hơn, chỉ một ngày sau đó, cả bốn mẹ con được lên máy bay mang số hiệu QH9066 về nước.
Sau khi đón thêm bốn thành viên đặc biệt, căn nhà của bà Lê Thị Đan rộn ràng hơn thường lệ. Bà Đan lúi húi sắp hoa quả lên ban thờ. Cháu nội lớn mới từ Ukraine trở về dù không biết tiếng Việt cũng nhanh nhảu mang cho bà vài hộp bánh để bày biện thêm. Xong việc, mấy mẹ con cùng thắp hương, mong tổ tiên phù hộ cho chồng, cha lúc này vẫn còn ở lại Kharkov được an toàn và may mắn.
Ba mẹ con chị Vũ Thị Quý đã hoàn tất thủ tục nhập cảnh về Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ba mẹ con chị Vũ Thị Quý đã hoàn tất thủ tục nhập cảnh về Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bà Lê Thị Đan, ở Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội ôm chặt cháu nội khi đón tại sân bay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bà Lê Thị Đan, ở Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội ôm chặt cháu nội khi đón tại sân bay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Cháu nội lớn mới từ Ukraine trở về dù không biết tiếng Việt nhưng vẫn nhanh nhẹn mang giúp bà vài hộp bánh để bày lên ban thờ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Cháu nội lớn mới từ Ukraine trở về dù không biết tiếng Việt nhưng vẫn nhanh nhẹn mang giúp bà vài hộp bánh để bày lên ban thờ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Những lo lắng sau hơn năm ngày “tìm đường về” của những người xa xứ trong phút chốc được xua tan, chỉ còn lại những tiếng cười, tiếng hỏi thăm rôm rả.
Bà Đan ngồi trên ghế, tay ôm chặt đứa cháu nội bé nhất mới chào đời không lâu, miệng không ngừng: “Bà yêu con nhất nhà!”.
Một bữa cơm thuần Việt mau chóng được chuẩn bị. Lũ trẻ lần thứ hai về thăm quê nhà không giấu nổi sự háo hức khi nhìn những món ăn mà các cháu hiếm khi được thấy.
Nhìn cảnh ấy, chị Quý bảo: “Tôi rất vui và hạnh phúc vì được gặp lại bố mẹ và mọi người. Dù chuyến trở về chưa trọn vẹn vì chồng tôi còn ở lại, nhưng thật sự lúc này, tôi chỉ mong muốn có thêm những ngày bình thường và giản dị như thế”.
Chắc chắn đối với chị Quý và rất nhiều đồng bào đã trở về từ Ukraine những ngày qua, đây là chuyến hồi hương bùi ngùi và hạnh phúc nhất!
Tính đến ngày 30/3, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn triển khai sơ tán an toàn cho người Việt Nam tại Ukraine và thành viên gia đình (khoảng 5.200 người), tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước, đồng thời thu xếp cho hàng chục người khác về nước trên các chuyến bay thương mại, bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho người dân.
Tổ chức thực hiện:
HỒNG MINH
Nội dung:
THANH THỂ, SƠN BÁCH, KHẢI HOÀN, THÀNH ĐẠT, HOÀNG HÀ
Trình bày:
NGỌC DIỆP, NGÔ HƯƠNG